(Baothanhhoa.vn) - Xã Hà Long (Hà Trung) nổi tiếng là đất quý hương – nơi phát tích của vương triều Nguyễn với 9 đời chúa, 13 đời vua. Hình thế núi non, sông hồ uốn lượn như rồng cuộn, hổ ngồi, cùng các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có Di tích hồ Bến Quân, luôn là niềm tự hào của người dân Hà Long bao đời nay. 

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo Di tích hồ Bến Quân

Xã Hà Long (Hà Trung) nổi tiếng là đất quý hương – nơi phát tích của vương triều Nguyễn với 9 đời chúa, 13 đời vua. Hình thế núi non, sông hồ uốn lượn như rồng cuộn, hổ ngồi, cùng các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có Di tích hồ Bến Quân, luôn là niềm tự hào của người dân Hà Long bao đời nay.

Quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo Di tích hồ Bến Quân

Toàn cảnh hồ Bến Quân.

Với ý thức “phải đi lên từ thủy lợi”, ngày 3-2-1970, cả xã Hà Long đã rầm rập ra quân thực hiện đắp đập Bến Quân đông như ngày hội. Sau gần 5 tháng thi công, với 1.200 người, đóng góp 40 vạn ngày công, đào đắp hơn 50 vạn m3 đất đá, xã Hà Long đã làm nên chuyện thần kỳ: Chặn đứng nguồn nước từ hai ngã sông chảy lại, tại ngã ba Bến Quân, trên thượng nguồn sông Long Khê. Không ai có thể tả hết nỗi vui mừng của toàn thể cán bộ và nhân dân trong xã, khi dòng nước dâng lên chảy vào đồng ruộng. Sau nhiều lần tu bổ, hồ Bến Quân đã cơ bản hoàn thành kiên cố. Nhờ chủ động được nguồn nước, xã Hà Long có điều kiện không ngừng nâng cao diện tích cây trồng. Từ chỗ chỉ cấy được một vụ, sau khi đắp đập hồ Bến Quân, xã Hà Long đã cấy được hai vụ ăn chắc, đồng thời tạo độ ẩm cho các loại cây trồng khác tươi tốt, tạo nguồn nước ngầm cho ao, hồ, giếng không bao giờ vơi cạn. Hà Long được huyện biểu dương là xã có phong trào làm thủy lợi khá nhất, tiêu biểu cho công trình thủy lợi nhỏ, quy mô cấp xã. Công trình hồ Bến Quân hoàn thành đã tạo ra sự thay đổi lớn lao trong đời sống, kinh tế - xã hội của nhân dân Hà Long. Nguồn lợi mà nó mang lại thật khó mà đo đếm được. Nhưng có thể nói, nó chứng tỏ ý chí cách mạng, quyết tâm chống đói nghèo, lạc hậu của cán bộ và nhân dân Hà Long, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong việc chinh phục thiên nhiên phục vụ cuộc sống con người. Nó cũng chứng tỏ sự năng động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Đúng như những câu thơ mà ai đó đã ca ngợi về đất và người Hà Long:

Lòng hồ thu cả bầu trời

Nước về đồng ruộng người người thêm xuân

Đẹp như cô gái Bến Quân

Đoan trang, thùy mị, tảo tần, thủy chung

Tuổi xanh, xuân sắc nhất vùng

Mang dòng truyền thống anh hùng quê ta.

Đặc biệt, hồ có tên gọi là Bến Quân, là bởi gắn với sự kiện lịch sử vua Quang Trung tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh, đi qua địa bàn xã Hà Long đã dừng chân tại nơi đây để chỉnh đốn binh mã, vì thế hồ Bến Quân được nhân dân gọi tên từ đó. Hồ Bến Quân thuộc cụm di tích lịch sử văn hóa danh thắng Hà Long (gồm đền Đức Tôn, đền Rồng, đền Nước và hồ Bến Quân) đã được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh năm 1993. Hồ có tổng diện tích 57,7 ha, đây là hồ chứa nước lớn có dung tích khoảng 2,4 triệu m3, chiều cao đập 10,11m, chiều dài đập 1,3km. Hồ đã được đầu tư sửa chữa nâng cấp nhiều lần, năng lực thiết kế đảm bảo cấp tưới nước cho khoảng 500 ha, hiện đang cấp tưới ổn định cho khoảng 352 ha đất nông nghiệp của xã Hà Long. Hồ có cảnh quan tươi đẹp, có đồi núi, cây xanh, nước trong, gió mát, cùng nguồn lợi thủy sản phong phú, đặc biệt là giống cá leo ở hồ rất nhiều, thịt ăn rất thơm và ngon...

Trải qua thời gian dài, lòng hồ bị bùn, đất bồi lấp, diện tích bị thu hẹp, ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan di tích. Tại Tờ trình số 18/TTr-UBND ngày 21-2-2020, UBND huyện Hà Trung đã đề nghị các ngành cấp tỉnh liên quan cho ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích (hạng mục nạo vét lòng hồ) với tổng mức đầu tư khoảng 900 triệu đồng, từ nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác. Trên cơ sở ý kiến của các ngành liên quan, việc UBND huyện Hà Trung đề nghị đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích nhằm tạo cảnh quan, môi trường cho di tích, dự trữ nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho nhân dân trong khu vực, đồng thời điều tiết và thoát lũ cho khu vực vào mùa mưa, là phù hợp và rất cần thiết. Việc này nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách, đồng thời phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của địa phương. Vì vậy, các ngành cũng thống nhất đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích hồ Bến Quân. Giao UBND huyện Hà Trung hướng dẫn UBND xã Hà Long lập, trình duyệt dự án đầu tư để triển khai thực hiện theo đúng các quy định pháp luật về bảo quản, tu bổ phục hồi di tích, đầu tư xây dựng, đất đai và thủy lợi. Trong quá trình triển khai thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích hồ Bến Quân, yêu cầu UBND huyện Hà Trung chỉ đạo UBND xã Hà Long thực hiện nạo vét lòng hồ và tận thu khối lượng bùn, đất thải (nếu có) đảm bảo theo đúng quy định của Luật Đất đai, Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và các quy định pháp luật có liên quan.

Ông Nguyễn Văn Lê, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Long cho biết: Sau khi được tu bổ, tôn tạo, hồ Bến Quân không chỉ góp phần phục vụ tưới tiêu cho cây trồng mà còn hướng tới phát triển du lịch. Hồ Bến Quân sẽ được kết nối với các điểm di tích, danh thắng nổi tiếng của huyện Hà Trung như: Quần thể di tích lăng miếu Triệu Tường (xã Hà Long), đền Hàn Sơn (xã Hà Sơn), đền Trần (xã Yên Dương), đền thờ Lý Thường Kiệt (xã Hà Ngọc), Ly cung Nhà Hồ (xã Hà Đông) để trở thành chuỗi du lịch tâm linh và sinh thái hấp dẫn trong tương lai.

Bài và ảnh: Ngọc Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]