(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua bằng những việc làm thiết thực, sáng tạo như thành lập các đội, câu lạc bộ (CLB) văn nghệ; giữ gìn, phát triển nghề dệt thổ cẩm; truyền dạy cho lớp trẻ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình... mỗi hội viên, phụ nữ trên những bản làng vùng cao xứ Thanh đã, đang trở thành nhân tố tích cực trong việc tiếp nối, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Phụ nữ vùng cao bảo tồn bản sắc văn hóa

Thời gian qua bằng những việc làm thiết thực, sáng tạo như thành lập các đội, câu lạc bộ (CLB) văn nghệ; giữ gìn, phát triển nghề dệt thổ cẩm; truyền dạy cho lớp trẻ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình... mỗi hội viên, phụ nữ trên những bản làng vùng cao xứ Thanh đã, đang trở thành nhân tố tích cực trong việc tiếp nối, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Phụ nữ vùng cao bảo tồn bản sắc văn hóa

Tổ phụ nữ dệt thổ cẩm dân tộc Thái ở xã Lâm Phú (Lang Chánh).

Về xã Trí Nang (Lang Chánh) những ngày đầu năm mới, dưới làn mưa xuân lớt phớt, đến với thác Ma Hao, ngoài được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên, nguyên sơ còn lưu giữ, cảm nhận sự khác biệt về các món ẩm thực mang đậm chất của đồng bào dân tộc Thái, chúng tôi còn được hòa mình vào các điệu múa xòe, khua luống, điệu nhảy sạp... của các diễn viên không chuyên đến từ các đội văn nghệ do chị em phụ nữ ở địa phương thành lập. Chị Ngân Thị Quyến, đội trưởng đội văn nghệ Hoàng Mai (bản Năng Cát), vui vẻ cho biết: Các đội văn nghệ tại bản không chỉ phục vụ cho khách du lịch khi đến thác Ma Hao, mà phong trào văn nghệ quần chúng từ lâu trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân nơi đây. Bởi vậy, bản đã thành lập được hai đội văn nghệ là Hoàng Mai và Hoa của Núi, duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả, góp phần khai thác những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái trên địa bàn.

Với đặc thù người dân tộc Thái chiếm 99% dân số, nên không chỉ ở bản Năng Cát mà hầu hết tại các thôn, bản trên địa bàn xã Trí Nang hiện còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái như các làn điệu dân ca, khặp Thái, khua luống; nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như ném còn, chọi cù, chơi quay; những món ăn độc đáo như cơm lam, thịt lợn cỏ nướng cuốn lá bưởi; nghề dệt thổ cẩm truyền thống... Góp phần vào việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa ấy không thể không nhắc đến vai trò của phụ nữ ở địa phương. Chị Hà Thị Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Trí Nang cho biết: Toàn xã hiện có 464 hội viên phụ nữ, sinh hoạt ở 5 chi hội. Những năm qua, hội viên phụ nữ ở địa phương có nhiều cách làm thiết thực để bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, như: Tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội, trò chơi dân gian; duy trì nghề dệt thổ cẩm; mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình vào dịp hội hè hay ngày lễ tết... Đồng thời, các hội viên cũng nâng cao nhận thức về thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”...

Tại xã Lâm Phú (Lang Chánh), từ nhiều năm nay, hầu hết các hội viên phụ nữ đều duy trì và giữ gìn nghề dệt thổ cẩm. Với họ, dệt thổ cẩm có vai trò rất quan trọng, gắn bó mật thiết trong đời sống văn hóa của đồng bào nên hầu như gia đình nào cũng có khung dệt vải. Đặc biệt, để giữ gìn nghề dệt thổ cẩm, năm 2017 được sự hỗ trợ của Trung tâm Dạy nghề nhân đạo (Trung tâm CraftLink) ở Hà Nội, Hội LHPN xã đã thành lập tổ dệt thổ cẩm truyền thống tại bản Poọng, với 15 khung cửi và được trung tâm hỗ trợ sợi vải, tập huấn kỹ thuật dệt, thiết kế mẫu mã, đồng thời bao tiêu một số sản phẩm cho chị em. Chị Liên tổ trưởng tổ dệt xã Lâm Phú cho biết: Nghề dệt truyền thống của đồng bào được duy trì, phát huy vừa giúp giữ gìn trang phục dân tộc, vừa tạo công ăn việc làm, có thêm nguồn thu nhập ổn định cho chị em phụ nữ địa phương. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người sử dụng, ngoài những sản phẩm truyền thống còn có những sản phẩm mới được nhiều người ưa thích, như: túi xách, mũ, túi đựng điện thoại... với nhiều màu sắc, hoa văn khác nhau.

Chị Lê Thị Tiến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Lang Chánh chia sẻ: Ngày càng có nhiều phụ nữ ở các bản, làng vùng cao, vùng dân tộc thiểu số đã, đang trực tiếp tham gia vào những hoạt động giữ gìn, phát huy và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt, việc thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của nhiều CLB nòng cốt do phụ nữ làm chủ như dệt thổ cẩm, CLB văn nghệ đã góp phần giữ gìn, phát huy và quảng bá nét đẹp, văn hóa truyền thống của dân tộc đến khách du lịch... Hàng năm Hội LHPN huyện cũng tích cực tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng các cấp để chị em phụ nữ tham gia; phối hợp với các cấp, ngành trong huyện, tỉnh tổ chức các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc và khóa tập huấn về nghề dệt thổ cẩm cho hội viên phụ nữ. Đồng thời, tích cực tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm thổ cẩm do chị em phụ nữ làm ra thông qua các hoạt động biểu diễn, trưng bày, triển lãm, trình diễn trang phục... trong các chương trình, sự kiện văn hóa của huyện, tỉnh. Hàng năm, triển khai tốt việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, văn minh.

Tại nhiều huyện như Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa, các cấp hội LHPN cũng tích cực tham gia vào việc bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình và đạt nhiều kết quả tích cực như khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, những phong tục, tập quán đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, xóa bỏ các hủ tục trong cưới xin, ma chay, lễ hội...; bảo tồn các thể loại thơ ca, tục ngữ, truyện dân gian, làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc... Tích cực tham gia truyền dạy tiếng dân tộc, làn điệu dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, khích lệ người dân thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.

Để phát huy vai trò của hội viên phụ nữ trong bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua Hội LHPN tỉnh đã có những cách làm hay, sáng tạo tùy vào điều kiện thực tế ở mỗi địa phương, để tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên. Nhất là quan tâm nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong gia đình, cộng đồng ở các lĩnh vực, như: nghề truyền thống, ẩm thực dân gian, văn hóa văn nghệ...; tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các lớp tập huấn học hỏi kiến thức, nâng cao tay nghề; hỗ trợ vốn vay cho chị em khởi nghiệp từ các nghề truyền thống. Thông qua đó, để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đậm đà bản sắc của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt


Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]