(Baothanhhoa.vn) - Để thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ, xóa bỏ hoàn toàn những tập tục lạc hậu, đồng thời bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong vùng đồng bào Mông, cần lắm sự quyết tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và những người có uy tín, trưởng bản, trưởng dòng họ và sự đồng thuận của Nhân dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗ lực xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào Mông

Để thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ, xóa bỏ hoàn toàn những tập tục lạc hậu, đồng thời bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong vùng đồng bào Mông, cần lắm sự quyết tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và những người có uy tín, trưởng bản, trưởng dòng họ và sự đồng thuận của Nhân dân.

Nỗ lực xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào Mông

Một đám tang của đồng bào Mông xã Pù Nhi (Mường Lát) được thực hiện theo nếp sống mới.

Cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức

Đồng bào dân tộc Mông huyện Mường Lát hiện nay sinh sống tập trung ở 39 bản với tổng số dân là 16.782 khẩu/3.196 hộ, chiếm 41,3% dân số toàn huyện. Đồng bào Mông sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa và thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhiều hủ tục vẫn còn tồn tại trong đời sống người dân, trong đó có một số hủ tục trong thực hiện tang lễ. Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện, Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” đã thu được những kết quả tích cực, như: không bắn súng để thông báo có người chết; người chết được đưa vào quan tài, không để trong nhà dài ngày và được chôn ở nghĩa địa tập trung; nhận thức của đồng bào trong việc bài trừ những hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa mới đã có nhiều chuyển biến tích cực... Đây được xem là cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức của đại đa số đồng bào Mông. Để làm được điều đó, là sự quyết tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và những người có uy tín, trưởng bản, trưởng dòng họ và sự đồng thuận của Nhân dân.

Pù Nhi là xã đầu tiên của huyện Mường Lát triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”. Một trong những người có đóng góp quan trọng trong việc triển khai thực hiện đề án đó là ông Lâu Gia Pó, bản Pù Toong (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi). Ông Pó là người đầu tiên dám thay đổi những tập tục và nếp nghĩ của người Mông ở Pù Nhi, trong đó có câu chuyện đưa người chết vào quan tài.

Trước đây ở Pù Toong, người có nhiều anh em, nhiều con trai, người càng có uy tín thì khi chết càng phải tổ chức đám ma thật to. Có đám phải mổ đến 4 - 5 con trâu, con bò nhưng người chết thì vẫn chưa được bỏ trong quan tài mà chỉ để vào cáng treo giữa nhà. Đặc biệt, người mất vào ngày chẵn thì phải lựa chọn chôn ngày lẻ, 3 - 4 ngày ăn uống chờ đến ngày đẹp nên rất mất vệ sinh. Ông Pó chia sẻ: “Trước kia việc tuyên truyền tới bà con rất khó khăn, còn hiện nay, việc đưa người chết vào quan tài đã trở thành việc làm tự giác của bà con. Nhìn thấy những điều tốt đẹp, bà con dần sẽ hiểu và làm theo”.

Để tiếp tục thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ trong vùng đồng bào Mông, bám sát kế hoạch của tỉnh, huyện Mường Lát đã và đang đề ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó, huyện đã ban hành Kế hoạch số 179/KH-UBND ngày 7-9-2021 về triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông huyện Mường Lát giai đoạn 2021-2025. Phạm vi thực hiện 39 bản Mông thuộc 6 xã gồm Mường Lý, Trung Lý, Nhi Sơn, Pù Nhi, Tam Chung, Quang Chiểu. Giải pháp quan trọng được tiếp tục đề ra đó là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông. Hình thức tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt thôn, bản; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh – truyền hình từ huyện đến cơ sở, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh đến thôn bản...

Hiện nay, huyện Mường Lát đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động cho cán bộ xã, bản, bí thư chi bộ, già làng, trưởng bản, người có uy tín và người dân tộc Mông. Đồng thời, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở về thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông. Đưa nội dung thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ của đồng bào Mông vào nghị quyết của cấp ủy đảng, kế hoạch của các cấp chính quyền để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Kiện toàn, tiếp tục duy trì hoạt động của ban vận động nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông cấp xã; nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng, bản văn hóa gắn liền với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tiếp tục quy hoạch nghĩa địa tập trung và làm đường ra nghĩa địa. Đây là điều kiện có tính quyết định để vận động đồng bào thực hiện tốt việc thay đổi xóa bỏ những tập tục lạc hậu trong tang lễ hiện nay...

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền

Ngày 19-3-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. Phạm vi thực hiện ở 44 bản người Mông thuộc 10 xã trên địa bàn 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa và Quan Sơn. Xác định công tác tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng góp phần xóa bỏ những tập tục lạc hậu trong đồng bào Mông, vì vậy các ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương có đồng bào Mông sinh sống đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong tang lễ trở thành nền nếp, tập quán bền vững; đồng thời, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mông.

Bà Cao Thị Hòa, Trưởng Phòng Chính sách và Tuyên truyền, Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Căn cứ Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 19-3-2021 của UBND tỉnh về việc triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021–2025, ngày 2-7-2021, Ban Dân tộc tỉnh ban hành Kế hoạch số 492/KH-BDT về triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông, năm 2021. Theo kế hoạch, ban sẽ tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền tại xã Trung Lý và xã Mường Lý với tổng số gần 700 người tham gia. Thành phần là đại diện UBND huyện Mường Lát, Phòng Dân tộc, Phòng Văn hóa và Thông tin; lãnh đạo UBND xã Pù Nhi, Nhi Sơn, Tam Chung, Quang Chiểu, Trung Lý và xã Mường Lý, trưởng bản (hoặc bí thư chi bộ), chi hội trưởng chi hội phụ nữ, bí thư (hoặc phó bí thư) chi đoàn thanh niên, trưởng dòng họ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đại diện hộ gia đình người dân tộc Mông ở 39 bản Mông.

Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên 2 hội nghị tuyên truyền chưa tổ chức. Hiện nay, Ban Dân tộc tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin truyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 60/KH-UBND của UBND tỉnh tại 3 huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn


Bài và ảnh: Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]