(Baothanhhoa.vn) - Yên Định có niềm tự hào mà không phải nơi nào cũng có được khi có hai gương mặt phụ nữ tiêu biểu cho hai thời kỳ lịch sử trọng đại của dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những người phụ nữ vẻ vang trên quê hương Yên Định

Yên Định có niềm tự hào mà không phải nơi nào cũng có được khi có hai gương mặt phụ nữ tiêu biểu cho hai thời kỳ lịch sử trọng đại của dân tộc.

Những người phụ nữ vẻ vang trên quê hương Yên Định

Nét đẹp của lễ hội Phủ Nhì được tổ chức tại Di tích lịch sử quốc gia điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang.

Mảnh đất Yên Định không chỉ nổi danh với Lễ hội Trò Chiềng – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đền Đồng Cổ hay đền Hổ Bái thờ thần Hợp Lang – người con thứ 11 của Vua Hùng linh thiêng nghìn năm còn mãi... Yên Định còn có niềm tự hào mà không phải nơi nào cũng có được khi có hai gương mặt phụ nữ tiêu biểu cho hai thời kỳ lịch sử trọng đại của dân tộc. Đó là Nhụy Kiều tướng quân Triệu Thị Trinh, thường gọi là Bà Triệu, nữ tướng anh hùng của đất Việt, người con của vùng núi Quân Yên (hay Quan Yên), nay thuộc làng Quan Yên, xã Định Tiến, huyện Yên Định. Và, Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao – bậc mẫu nghi thiên hạ, người phụ nữ đã góp phần làm rạng danh 3 đời vua.

Nữ tướng anh hùng của đất Việt

Bà Triệu – Triệu Thị Trinh là gương mặt tiêu biểu đại diện cho khí chất, tinh thần quả cảm, sự bất khuất, kiên trung của phụ nữ Việt trong những đêm trường Bắc thuộc. Sinh ra và lớn lên tại vùng núi Quan Yên, quận Cửu Chân; nay thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định, ngay từ thuở thiếu thời, Bà Triệu đã tỏ rõ chí khí hơn người. Năm 248, căm thù quân xâm lược giày xéo non sông, Bà Triệu đã cùng người anh của mình là Triệu Quốc Đạt tại vùng núi Nưa lau lách hoang sơ, địa hình hiểm trở ngày đêm tập hợp lực lượng, phất cờ khởi nghĩa. Và câu nói của người con gái họ Triệu khi tuổi đời còn quá trẻ vẫn mãi là đại diện cho khí phách hiên ngang, ngạo nghễ, bản lĩnh kiên cường của người phụ nữ Việt, muôn đời rạng ngời trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc: “Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”.

Và khi cuộc khởi nghĩa bùng nổ, hình ảnh Vua Bà - Bà Triệu - Nhuỵ Kiều tướng quân (vị tướng yêu kiều như nhuỵ hoa) mặc áo giáp, cài trâm vàng, đi guốc ngà, dũng mãnh cưỡi voi trắng đi đầu chỉ huy quân sĩ chiến đấu đã trở thành nỗi kinh hoàng của giặc, đọng lại mãi cùng lịch sử dân tộc. Dân gian vẫn thường lưu truyền câu ca nổi tiếng, khắc họa thời kỳ chiến đấu oanh liệt của Bà Triệu gắn liền với hình ảnh con voi: “Muốn coi lên núi mà coi/ Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng”. Mặc dù chiến đấu rất kiên cường, có thời điểm nghĩa quân liên tiếp khiến quân địch hoảng sợ, chạy dạt, nhiều thành ấp của giặc Ngô lần lượt bị triệt hạ nhưng do sự tương quan lực lượng quá lớn, sau một cuộc bao vây ráo riết của quân giặc, Bà Triệu phải rút về núi Tùng. Tại đây, Bà Triệu qùy xuống vái trời đất: “Sinh vi tướng, tử vi thần” (Sống làm tướng, chết làm thần) rồi rút gươm tuẫn tiết vào ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn - 248. Để tưởng nhớ công lao của nữ anh hùng đã hy sinh tuổi trẻ và hạnh phúc cá nhân, dũng cảm lãnh binh giết giặc, nhân dân làng Quan Yên – quê hương của bà đã thờ phụng bà tại đền Trúc. Hằng năm, vào ngày 21-2 âm lịch – làng Quan Yên lại tổ chức rước kiệu, tế lễ, bày tỏ lòng biết ơn đối với người con ưu tú, kiên trung. Theo các bậc cao niên kể lại, xưa kia, bên bờ sông Mã, tại làng Quan Yên, nơi sinh ra nữ tướng Triệu Thị Trinh, có một ngôi đền do nhân dân trong vùng xây nên để tưởng nhớ công đức của bà. Đắp đổi theo năm tháng, ngôi đền xưa nay chỉ còn lại vết tích là những tảng đá vùi mình trong cát. Về sau, Bà được nhân dân phối thờ tại đền Trúc – đền thờ Thành Hoàng làng ngự trên núi Quan Yên, hướng nhìn ra dòng sông Mã. Tháng 10-2017, sau trận mưa lũ lịch sử, đền Trúc bị sập hoàn toàn. Ngay sau đó, nhân dân đã tự nguyện góp công, góp của xây cất nên ngôi đền mới kiên cố như ngày nay.

Xứng danh bậc mẫu nghi thiên hạ

Nếu những trang sử vẻ vang chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc ghi nhận những chiến công của liệt nữ Triệu Thị Trinh – Bà Triệu thì Quang Thục Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao (1420 – 1496) hay còn gọi là Thái Tông Ngô hoàng hậu lại là biểu hiện cao quý cho đức hạnh của bậc mẫu nghi thiên hạ vẹn tròn “công – dung – ngôn – hạnh” khiến người đời sau mang nhiều ngưỡng vọng. Bà có vị trí đặc biệt trong lịch sử vương triều Lê vì đã có công lớn trong việc vun đắp nên những tài năng trác việt cho dân tộc, làm rạng danh ba đời vua Lê, góp phần dựng xây những năm tháng thanh bình cho đất nước và nhân dân ta lúc bấy giờ. Bà là vợ vua Lê Thái tông, mẹ vua Lê Thánh tông và là bà nội vua Lê Hiến tông. Đây được xem là ba vị vua kế thừa và phát triển thành công nhất sự nghiệp xây dựng nhà nước quân chủ tập quyền của triều Lê, khiến cho thời Lê sơ trở thành thời kỳ thịnh trị nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.

Những người phụ nữ vẻ vang trên quê hương Yên Định

Nghinh môn dẫn vào Khu Di tích lịch sử quốc gia Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang.

Quang Thục Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao sinh năm Canh Tý 1420 tại mảnh đất Đồng Phang, xã Định Hòa, Yên Định, xuất thân thuộc dòng dõi “trâm anh thế phiệt”. Tháng 6 năm Canh Thìn, cùng với sự kiện các đại thần là Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Niệm, Lê Thọ Vực đứng lên dẹp loạn và rước Lê Tư Thành – con trai của bà Ngô Thị Ngọc Dao lên nối ngôi, tức Thánh tông Thuần Hoàng đế, bà Ngô Thị Ngọc Dao được suy tôn Hoàng Thái hậu. Đến năm thứ 9 Quang Thuận, vua Thánh tông cho xây Điện Thừa Hoa tại quê ngoại tổ - đất Đồng Phang để phụng sự mẫu hậu mỗi khi về thăm quê ngoại. Điện gồm 3 cung, được xây dựng theo lối kiến trúc phương Đông truyền thống và mang đậm dấu ấn văn hóa thời Lê sơ. Theo sử sách ghi lại, tháng 2 năm Bính Thìn (1496), Hoàng Thái Hậu sau khi bái yết Sơn Lăng (Lam Kinh) trở về quê ngoại nghỉ ngơi tại Điện Thừa Hoa, không may trúng phong ngã bệnh, đã băng hà tại Điện Thừa Hoa, hưởng thọ 76 tuổi. Thi hài được đưa về Vĩnh Lăng an táng. Từ đó Điện Thừa hoa đổi thành Đền thờ Thánh mẫu (người dân địa phương hay gọi là phủ Nhì), hàng năm ngày 26 tháng 3 là ngày húy nhật; 4 giáp 6 làng Đồng Phang hương khói thờ phụng. Cùng với Từ đường Phúc Quang, Điện Thừa Hoa tạo thành quần thể di tích văn hóa Đồng Phang mang đậm những dấu ấn của lịch sử. Thời xưa ai đi qua chốn đây đều phải xuống ngựa (bất kể quan hay dân), từ “Thượng Đắc trí đến hạ Bái Càn” đều phải xuống ngựa đi bộ. Với những ý nghĩa to lớn đó, năm 2016, Quần thể di tích Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Trong bài viết giới thiệu về danh nhân họ Ngô của Ngô tộc Việt Nam có lưu lại công đức của bà với lòng tự hào, cảm phục: Tuy ở ngôi cao nhưng Quang Thục Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao luôn luôn cần kiệm, không bao giờ sống xa hoa, cũng không bao giờ cậy thế để tham dự việc triều chính. Bà luôn cẩn trọng trong các nghi lễ, nghiêm trang cung kính nơi tông miếu. Mỗi khi các nơi đưa của ngon vật lạ đến dâng tiến, bà đều lệnh cho phải dâng cúng trước rồi mới tiến cho vua dùng. Tuy nghiêm khắc nhưng bà thường thương xót chu cấp cho người nghèo. Khi Thiếu phủ cung cấp vàng lụa, bà đều đem ban cho mọi người. Từ con cháu đến kẻ hầu người hạ ai cũng nhận được sự thương mến của bà. Vì vậy ở trong cung, mọi người đều tôn gọi bà là “Phật sống”.

Quang Thục Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao được các đại thần đương triều đánh giá rất cao và cho rằng bà là người có công lớn với xã tắc, đặc biệt là người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của Vua Lê Thánh tông, nuôi dạy đức vua từ nhỏ đến lúc trưởng thành, luôn kề vai sát cánh cùng đức vua trong quá trình cai trị đất nước, giáo hóa nhân dân. Cảm phục công lao to lớn của bà, khi bà qua đời, quần thần tỏ lòng tiếc thương với hàng trăm bài thơ ai điếu, soạn tấm bia ghi lại cuộc đời, công đức của bà, thường gọi là bia lăng Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao (có tên gọi khác là Khôn Nguyên Chí Đức Chi Bi). Hiện tấm bia được lưu giữ tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), được công nhận bảo vật quốc gia năm 2015.

Hình ảnh bà Triệu “cưỡi voi đánh cồng” hay nhân cách cao đẹp, đức cao vọng trọng của Quang Thục Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao đã trở thành biểu tượng sáng ngời, ghi dấu công lao, đóng góp của những người phụ nữ trong dặm dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đây không chỉ là niềm tự hào của cháu con Yên Định mà cho mọi thế hệ phụ nữ Việt. Và hơn hết, họ đã trở thành nguồn động lực, tấm gương sáng để lớp lớp cháu con noi theo, phấn đấu trưởng thành, chung tay góp sức vào công cuộc xây dựng, kiến thiết nước nhà.

Bài và ảnh: Thảo Linh


Bài Và Ảnh: Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]