(Baothanhhoa.vn) - Nhằm giúp người dân nâng cao đời sống tinh thần, sử dụng có hiệu quả các nhà văn hóa (NVH) thôn, tổ dân phố, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp phát huy tối đa tác dụng của NVH, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Nhà văn hóa cơ sở - “sợi dây” gắn kết cộng đồng

Nhằm giúp người dân nâng cao đời sống tinh thần, sử dụng có hiệu quả các nhà văn hóa (NVH) thôn, tổ dân phố, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp phát huy tối đa tác dụng của NVH, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Nhà văn hóa cơ sở - “sợi dây” gắn kết cộng đồng

Nhà văn hóa thôn 7, xã Nga An (Nga Sơn) được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân.

Xã Nga An (Nga Sơn) luôn xác định hệ thống thiết chế văn hóa giữ vai trò quan trọng trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương; là cơ sở vật chất, công cụ trực tiếp và đắc lực của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Vì vậy, trong những năm qua, xã đã tập trung nguồn kinh phí xây dựng hoàn thành 100% nhà văn hóa thôn; đầu tư các thiết bị, nhằm khuyến khích người dân hội họp, thể dục - thể thao, vui chơi giải trí, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Hiện nay, hầu hết các NVH thôn trên địa bàn xã đều phát huy tốt hiệu quả. Đây là nơi diễn ra các cuộc họp triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân. Nhiều thôn, làng thông qua NVH để xây dựng hương ước theo đời sống mới.

Cùng với làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, cán bộ văn hóa xã, các thôn, làng còn chủ động tuyên dương những tấm gương điển hình trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, nhắc nhở chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện chưa tốt, lệch lạc, trái với thuần phong mỹ tục và quy ước của làng văn hóa. Ông Mai Văn Hùng, thôn Thuần Hậu cho biết: “Từ khi có NVH khang trang sạch đẹp, có tường bao quanh, sân rộng, Nhân dân rất tích cực tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Buổi sáng, các cụ trong câu lạc bộ dưỡng sinh luyện tập, chiều đến thanh niên tổ chức các hoạt động thể thao lành mạnh. Mỗi NVH có 1 tủ sách lịch sử truyền thống của địa phương, mọi người đều có thể đọc. Trong các dịp kỷ niệm lớn, sân NVH là nơi tổ chức văn nghệ buổi tối. Đến mùa lễ hội, NVH thôn là nơi tập trung rước lễ lên đình, chùa”.

Cách đây 10 năm, từ chỗ toàn huyện Quảng Xương chưa có xã nào đạt chuẩn văn hóa NTM, đến nay, 20/26 số xã, thị trấn đã có khu Trung tâm Văn hóa - Thể thao (TTVHTT) đạt chuẩn, và 178/188 thôn, khu phố có NVH - khu thể thao, trong đó có 137 NVH thôn, khu phố đạt chuẩn theo tiêu chí quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (diện tích nhà văn hóa đạt từ 300 - 1.000m2, khu thể thao đạt 500 - 3.000m2). Hệ thống thiết chế này có vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao và thỏa mãn nhu cầu đời sống văn hóa - tinh thần cho người dân. Các TTVHTT thôn đều có tủ sách, sân bóng chuyền, sân cầu lông... Để khai thác, sử dụng hiệu quả NVH thôn, các ban, ngành, đoàn thể tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tích cực đẩy mạnh các phong trào thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ tại địa phương. Bên cạnh đó, huyện Quảng Xương cũng khuyến khích các hộ gia đình tổ chức đám cưới cho con em mình tại NVH theo nếp sống mới. Chị Nguyễn Thị Hà, thôn Ninh Dụ, xã Quảng Ninh, cho biết: Việc tổ chức đám cưới ở NVH có lợi ích nhiều mặt. Với diện tích sân rộng, có chỗ ngồi, để xe, nên gia đình chị đã mượn NVH thôn để tổ chức đám cưới cho con trai, vừa văn minh lại tiết kiệm chi phí.

Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 20/27 huyện, thị xã, thành phố có TTVHTT, đạt tỷ lệ 70,4%; 514/559 đơn vị hành chính cấp xã quy hoạch được quỹ đất xây dựng TTVHTT xã tích hợp trong quy hoạch nông thôn mới, đạt tỷ lệ 91,9%; 446/559 xã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất về văn hóa (hội trường đa năng và TTVHTT xã) phục vụ cộng đồng, đạt tỷ lệ 79,7%; 4.150/4.357 thôn, bản, tổ dân phố có NVH - khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố, đạt tỷ lệ 92,5%, trong đó có 2.784/4.357 NVH - khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đạt tỷ lệ 63,9%. Cùng với nguồn đầu tư từ ngân sách, việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho việc xây dựng NVH và cải tạo, nâng cấp, trang bị mới các thiết chế văn hóa ở thôn, làng, khu dân cư cũng được quan tâm và mang lại hiệu quả thiết thực. Phần lớn các NVH đều phát huy vai trò tích cực trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, giao tiếp, ứng xử văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Mọi hoạt động cộng đồng, như: ngày hội đại đoàn kết, hội diễn văn nghệ quần chúng, trao học bổng cho học sinh, sinh viên vượt khó, học giỏi, tiễn thanh niên trong thôn lên đường nhập ngũ... đều được Nhân dân ở từng thôn, bản, khu phố tổ chức ở NVH. Cũng từ khi có các NVH, Nhân dân các địa phương ngày càng nhận thức đúng đắn hơn về việc xây dựng các hương ước và nghiêm chỉnh chấp hành những quy định được đề ra trong hương ước. Nhờ đó, tình làng nghĩa xóm được khơi dậy và thắt chặt thêm. Nhân dân ngày càng đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Mọi người cùng chung ý thức giữ gìn thuần phong mỹ tục; đẩy lùi hủ tục, tệ nạn xã hội; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong vệc cưới, việc tang, lễ hội...

Nhìn từ chiều sâu lịch sử, sức sống của các giá trị văn hóa Việt Nam xưa nay thường nằm ở cộng đồng, được cộng đồng nuôi dưỡng, duy trì, bảo tồn. Trong cơ cấu tổ chức cộng đồng của người Việt, làng (thôn) là thành tố cơ bản. Vì vậy các hoạt động văn hóa được tổ chức ở làng (thôn) dễ phù hợp, gắn bó với cộng đồng, cụ thể và sống động. Điều này lý giải tại sao khi hoạt động của câu lạc bộ ở cơ sở được linh hoạt tổ chức tại lớp học, sân trường, trung tâm khu dân cư... lại có hiệu quả hơn so với khi được tổ chức tại hội trường, trên sân khấu. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của hệ thống NVH, hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, hướng dẫn nâng cao kiến thức về công tác quản lý, tổ chức hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao cho công chức văn hóa cấp huyện, xã; người quản lý NVH thôn, tổ dân phố nắm rõ được các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, quy chế về quản lý hoạt động thiết chế văn hóa, từ đó vận dụng triển khai thực hiện có hiệu quả ở địa phương phù hợp với tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, để NVH thôn, tổ dân phố phát huy hiệu quả thì các địa phương cần phải quan tâm lồng ghép thêm nhiều hoạt động như: xây dựng các phòng chức năng phục vụ đọc sách báo, thư viện, hoạt động truyền thanh, câu lạc bộ, tập luyện các môn thể thao đơn giản... Cùng với đó là đầu tư các công trình phụ trợ, như nhà để xe, khu vệ sinh, vườn hoa; các thiết bị máy móc, bàn ghế, dụng cụ thể dục thể thao nhằm thu hút mọi người đến sinh hoạt, đáp ứng được các nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân.

Bài và ảnh: Trần Hằng


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]