(Baothanhhoa.vn) - Tất cả những gì tôi biết về Dana Sachs khi lần đầu tiên cầm trên tay tập phóng sự “Những mảnh đời được ban tặng” là một người Mỹ yêu mến, nặng lòng với Việt Nam. Nhưng kể từ lúc lật giở những trang đầu tiên của cuốn sách, sự xúc động, lòng biết ơn, cảm phục, trân trọng người phụ nữ ấy cứ dâng trào trong lòng tôi. Cuốn sách đã hé mở và làm hồi sinh cuộc đời, số phận những người con nuôi Việt Nam, những người được đưa đi trên các chuyến bay do Chính phủ Mỹ bảo trợ và cả các chuyến bay tư nhân trong Chiến dịch Không vận trẻ em Việt Nam năm 1975. (Đọc tập phóng sự “Những mảnh đời được ban tặng – Chiến dịch Không vận trẻ em Việt Nam 1975” của Dana Sachs).

Nghĩ về “Những mảnh đời được ban tặng”...

Tất cả những gì tôi biết về Dana Sachs khi lần đầu tiên cầm trên tay tập phóng sự “Những mảnh đời được ban tặng” là một người Mỹ yêu mến, nặng lòng với Việt Nam. Nhưng kể từ lúc lật giở những trang đầu tiên của cuốn sách, sự xúc động, lòng biết ơn, cảm phục, trân trọng người phụ nữ ấy cứ dâng trào trong lòng tôi. Cuốn sách đã hé mở và làm hồi sinh cuộc đời, số phận những người con nuôi Việt Nam, những người được đưa đi trên các chuyến bay do Chính phủ Mỹ bảo trợ và cả các chuyến bay tư nhân trong Chiến dịch Không vận trẻ em Việt Nam năm 1975. (Đọc tập phóng sự “Những mảnh đời được ban tặng – Chiến dịch Không vận trẻ em Việt Nam 1975” của Dana Sachs).

Nghĩ về “Những mảnh đời được ban tặng”...

Cuốn sách “Những mảnh đời được ban tặng – Chiến dịch Không vận trẻ em Việt Nam 1975” của Dana Sachs, Nhà Xuất bản trẻ ấn hành.

Ý tưởng khởi đầu cho cuốn sách này đến một cách thật tình cờ nhưng đau đáu khôn nguôi. Đó là khi tác giả tìm kiếm tư liệu về Việt Nam trên internet và vô tình nhìn thấy bức ảnh ghi lại hình ảnh những đứa trẻ nhỏ xíu như “những con búp bê mà những đứa trẻ ba tuổi sau khi chơi chán thường vứt ở ghế sofa” được quấn trong những bộ pijama màu trắng nằm đơn độc trên chiếc ghế trong cabin máy bay. Hình ảnh hiếm hoi được ghi lại từ sự kiện, tình huống kỳ lạ làm thay đổi cuộc đời của biết bao con người.

Đó là sự kiện diễn ra vào tháng 4-1975, khi chiến tranh ở Việt Nam chuẩn bị kết thúc. Chính phủ Mỹ đã phát động “Chiến dịch Không vận trẻ em Việt Nam”, một kế hoạch được quảng bá mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông, nhằm di tản và cho đi làm con nuôi ở nước ngoài từ 2 đến 3 nghìn trẻ em Việt Nam. Hỗn loạn từ phút đầu cho đến lúc kết thúc, sự kiện này thu hút sự chú ý của thế giới bắt đầu từ vụ tai nạn máy bay kinh hoàng cũng như qua hình ảnh những đứa trẻ ngơ ngác bước về nơi ở mới được các phương tiện truyền thông quốc tế ghi lại và qua cảnh các gia đình la hét đòi nhận nuôi những đứa trẻ này. Thường được diễn tả là một nỗ lực nhân đạo vĩ đại, Chiến dịch Không vận trẻ em Việt Nam năm 1975 đã tạo cơ hội để nước Mỹ có được một sự phấn chấn sau những tổn thương mà họ gặp phải ở Việt Nam.

Sau hơn 35 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc, Dana Sachs đã tiến hành nghiên cứu lại sự kiện chưa có tiền lệ này một cách công phu, dưới cái nhìn đa chiều. Với kết cấu gồm 3 phần, 16 chương, cuốn sách “Những mảnh đời được ban tặng – Chiến dịch Không vận trẻ em Việt Nam năm 1975” của Dana Sachs như một bộ phim tái hiện lại hành trình cuộc đời của những đứa trẻ từ khi ở Việt Nam đến khi trở thành những đứa con nuôi gốc Việt trên đất nước Mỹ. Từ số phận mỗi con người được đề cập trong tác phẩm đã đặt ra những trăn trở mang tính thời đại, thấm đẫm giá trị nhân văn sâu sắc: Hoạt động nhân đạo đối với trẻ em như thế nào mới là đúng? Liệu trong những hoạt động ấy, liệu chúng ta đã thực sự suy xét thấu đáo, đặt những đứa trẻ ấy vào vị trí trung tâm của mọi quyết định hay là đang can thiệp một cách thô bạo vào cuộc đời chúng mà chẳng màng đến mai sau. Mục đích ban đầu của Chiến dịch Không vận trẻ em Việt Nam năm 1975 này là gì? Đó là “tìm cho trẻ mồ côi một ngôi nhà” hay là “thỏa mãn nhu cầu của các gia đình muốn nhận nuôi một đứa bé”?

Chiến tranh và số phận con người vẫn luôn là đề tài, mặc dù lịch sử ấy đã lùi xa. Khi bước vào thời hậu chiến, sự tàn khốc, hệ lụy dai dẳng của chiến tranh vẫn ám ảnh, đeo bám cho đến mãi về sau. Trong đó, trẻ em là những đối tượng dễ bị tổn thương, chịu nhiều mất mát nhất trong mọi cuộc chiến tranh nhưng lại ít được nói đến một cách cụ thể, công bằng. “Những mảnh đời được ban tặng – Chiến dịch Không vận trẻ em Việt Nam 1975” của Dana Sachs đi sâu vào điều đó.

Sau nhiều nỗ lực “làm sáng tỏ sự rối rắm, phức tạp của các sự kiện dẫn đến cuộc đại di tản trẻ em Việt Nam vào tháng 4–1975” ấy, Dana Sachs thừa nhận một thực tế đau lòng: “Những người tổ chức di tản cho rằng những đứa trẻ này là trẻ mồ côi. Tuy nhiên, mọi người nhanh chóng nhận ra rằng một số lớn trẻ không phải trẻ mồ côi. Một số trẻ dường như đến từ các gia đình dễ bị tổn thương nhất ở Việt Nam. Chúng bị quét ra khỏi nhà trong cơn hoảng loạn những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Sau đó, chúng được chuyển đến thường trú tại những nơi ở mới ở nước ngoài”. Khoảng 80% số trẻ được đưa đến Mỹ, số còn lại được đến Canada, Úc và châu Âu.

Để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Những đứa trẻ này là ai? Hoàn cảnh của chúng trước khi được đưa lên những chiếc máy bay ấy ra sao? Cuộc sống của chúng sau chuyến bay định mệnh ấy như thế nào? Dana Sachs đã dành nhiều công sức, tâm ý tìm hiểu, gặp gỡ, trò chuyện với những nhân chứng sống của chiến dịch, cũng chính là những đứa trẻ đáng thương mà Chiến dịch Không vận đã thay đổi cuộc đời mãi mãi. Có thể, nhiều người trong số họ đã có cuộc sống tốt đẹp hơn, đã nắm bắt được cơ hội và gặt hái được thành công nhất định tại xứ sở cờ hoa. Nhưng mấy ai biết được rằng, hai từ “con nuôi” vẫn song song tồn tại trong cuộc sống của họ như đang “nhấn mạnh khoảng cách giữa gốc gác, di sản dân tộc của họ với cách mà họ được nuôi dạy”.

Sẽ thật buồn biết bao nếu cứ phải sống với muôn vàn hồ nghi, trăn trở, thiếu hụt về chính gốc gác, cội nguồn của mình. Khi tôi đọc cuốn sách này, để cho cảm xúc của mình thả trôi, cuốn vào từng câu chữ, tâm trí tôi luôn hiện lên chữ “đời thực”. Phải chăng đó cũng chính là cảm xúc, suy nghĩ của những đứa trẻ trong Chiến dịch Không vận năm ấy. Họ có một cuộc đời thực nhưng tất cả thông tin căn bản về nó lại quá đỗi mơ hồ. Tất cả những gì họ có hôm nay chỉ là cuộc đời đã được tái tạo, nhào nặn bởi lịch sử, nằm ngoài ý muốn của họ. Trong cuốn sách, những số phận cá nhân được khắc họa chân thực, cảm động, ám ảnh với sự thiếu hụt các thành tố hình thành nên căn cước cuộc đời thực của họ. Dana Sachs kể về một người con nuôi Việt Nam do không biết chính xác ngày sinh của mình nên đã quyết định dứt khoát rằng sẽ tổ chức sinh nhật trong một tuần hay một người con nuôi sinh sống ở vùng bờ biển phía Đông nước Mỹ thể hiện khao khát muốn biết “có ai đó trên đời này trông giống tôi không?”; người “than tiếc vì không biết gì về lý lịch sức khỏe của dòng tộc”; những người buồn lòng vì “khoảng trống trong tâm thức của mình”...

Chương 8 – Kỷ vật và những vết sẹo kể lại câu chuyện chân thực, cảm động về cuộc đời của những người con nuôi Việt Nam sau Chiến dịch Không vận trẻ em Việt Nam năm 1975 và nỗ lực tìm kiếm, khao khát được tỏ tường hơn về nguồn gốc của mình như David Fisk, Sarah K. Lawrence... Như một yếu tố tâm linh, vết sẹo là hình ảnh trở đi trở lại trong câu chuyện của David, Saral, Thủy – thư ký của Dana Sachs trong những ngày bà đến Việt Nam thu thập tư liệu. Và trong cả câu chuyện về đứa con nuôi Việt Nam bị bại liệt từ nhỏ, sau hơn 30 năm lần tìm về quê hương, về lại trại trẻ mồ côi nơi mình từng sống và vỡ òa trong hạnh phúc khi tìm được mẹ ruột của mình khiến bất kỳ độc giả nào cũng phải thổn thức. Dấu hiệu gắn kết hai con người ấy đơn giản chỉ bằng một vết sẹo: “Không câu nệ, bà bới tung tóc cậu thanh niên lên, lần tìm khắp đầu cậu cho đến khi bà tìm thấy một vết sẹo mà bà biết rằng nó nằm trên đầu con trai mình. Khi sờ thấy vết sẹo, người phụ nữ gào lên. Bà ôm chầm lấy chàng trai và bắt đầu khóc như mưa... Người con ấy, bà mẹ ấy đã tìm được nhau sau bao năm trời cách biệt”. Những vết sẹo ấy là dấu tích của chiến tranh tàn khốc, hiện thực phũ phàng hằn in trên thịt da. Hơn hết, vết sẹo ấy dường như cũng là ẩn dụ cho tổn thương, khuyết thiếu trong tâm hồn không gì có thể khỏa lấp được của những người con nuôi Việt Nam trong Chiến dịch Không vận năm 1975.

Những đứa trẻ ấy, dẫu đã thích ứng, đã có một cuộc sống riêng trên nước Mỹ, Canada hay bất kỳ đất nước nào đó mà Chiến dịch Không vận trẻ em Việt Nam năm 1975 đưa chúng đến. Nhưng có lẽ, những câu hỏi tưởng như rất đơn giản về cuộc đời mình như: Quê quán, ngày sinh, cha mẹ là ai, đã từng có một gia đình như thế nào ở Việt Nam sẽ mãi là một ẩn số day dứt, là nỗi đau được chôn chặt trong lòng. Chỉ duy nhất một điều được xác thực: “Sự tồn tại của tôi là kỷ vật duy nhất tôi có về bậc sinh thành của mình. Cơ thể tôi là bằng chứng duy nhất tôi có, chứng minh rằng họ đang sống và đi cùng tôi trên hành tinh này” như Kevin Minh Alen, một người con nuôi Việt Nam từng nói. “Những mảnh đời được ban tặng – Chiến dịch Không vận trẻ em Việt Nam năm 1975” không chỉ là phóng sự sắc sảo cung cấp nguồn tư liệu đắt giá, chi tiết về Chiến dịch Không vận trẻ em Việt Nam năm 1975, “cuộc khảo sát sâu sắc về những vấn đề vốn là nỗi ám ảnh cho tất cả những người can dự vào vấn đề con nuôi” (nhận định của Meredith Hall, tác giả của Không có bản đồ”. Cuốn sách là sự kết nối, lan tỏa tình yêu thương, sự sẻ chia, lòng nhân ái trong nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh. Đọc cuốn sách trong những ngày tháng tư lịch sử để thấm thía hơn về nỗi đau chiến tranh, để biết quý trọng cái giá của hòa bình.

Bài và ảnh: Nguyên Linh


Bài và ảnh: Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]