(Baothanhhoa.vn) - Hàng năm cứ đến độ xuân về, hoa mận, hoa đào nở hồng bên sườn đồi, cũng là lúc những chàng trai người Mông có dịp phô diễn điệu múa khèn. Âm thanh dặt dìu của tiếng khèn đã trở nên thân thuộc, gần gũi với người Mông và là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đồng bào trong mỗi độ tết đến, xuân về.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khèn Mông – sức xuân nơi đại ngàn

Hàng năm cứ đến độ xuân về, hoa mận, hoa đào nở hồng bên sườn đồi, cũng là lúc những chàng trai người Mông có dịp phô diễn điệu múa khèn. Âm thanh dặt dìu của tiếng khèn đã trở nên thân thuộc, gần gũi với người Mông và là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đồng bào trong mỗi độ tết đến, xuân về.

Khèn Mông – sức xuân nơi đại ngàn

Mỗi độ tết đến, xuân về, các chàng trai, cô gái dân tộc Mông lại tụ tập để cùng say, cùng mê với điệu múa và tiếng khèn.

Anh Thao Văn Dia ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn cho biết: Khèn Mông là nhạc cụ đa thanh, đa âm sắc với tiết tấu linh hoạt, cùng một lúc, người chơi có thể thổi được nhiều âm, nhiều bè, khi trầm, khi bổng, khi réo rắt cao vút như đang ở trên đỉnh núi, lúc lại mênh mang, lãng đãng như sương chiều. Tiếng khèn theo đồng bào lên nương, xua tan những nhọc nhằn, vất vả, tiếng khèn rộn rã trong ngày hội mùa báo hiệu một cuộc sống ấm no, và... tiếng khèn tha thiết gọi tình yêu.

Trong những ngày hội xuân của đồng bào Mông, chàng trai nào thổi khèn hay, múa khèn dẻo, không chỉ được các cô gái thầm yêu trộm nhớ mà còn nhận được sự quý mến của dân bản và sự nể phục của bạn bè. Thông thường, khi thổi khèn, các chàng trai thường kết hợp với một điệu múa hay một điệu nhảy nào đó. Để thể hiện được một điệu múa khèn, các chàng trai phải có sự tập luyện, có sức khỏe dẻo dai và phải khéo léo trong từng động tác. Nếu chàng trai muốn tìm bạn gái để tâm sự, trao duyên thì tự mình phải thổi được ít nhất vài điệu khèn.

Ông Lâu Văn Hự, bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát cho biết: Cây khèn Mông có thể ví như một báu vật truyền lại cho các thế hệ sau, trở thành một phần văn hóa không thể thiếu của người Mông. Tiếng khèn ngấm sâu vào tâm khảm người Mông, thân quen như mèn mén và rượu ngô. Con trai Mông người nào cũng đều có chiếc khèn trên vai mỗi khi lên nương hay xuống chợ. Âm thanh của khèn vút cao vừa như trách, vừa như hờn giận, vừa như mời gọi... và cũng mạnh mẽ như chính hơi thở cuộc sống người Mông vậy.

Để làm được một cây khèn ưng ý phải mất rất nhiều công đoạn. Khèn được chế tác bằng gỗ cùng sáu ống trúc lớn, nhỏ, dài, ngắn khác nhau. Sáu ống trúc tượng trưng cho sáu anh em tụ hợp trên cùng cây khèn, được xếp khéo léo, song song trên thân khèn. Khèn có lưỡi gà làm bằng kim loại. Lưỡi gà được chế tác bằng đồng dát mỏng. Lưỡi gà kêu vang được gọi là “đồng hưởng”. Lưỡi gà đầu gắn hạt sáp lớn thì âm trầm, gắn hạt sáp nhỏ thì âm bổng. Làm được chiếc lưỡi gà ưng ý phải qua nhiều công đoạn và kỳ công trong chế tác.

Trong những ngày tết, những nam thanh, nữ tú người Mông mặc những bộ quần áo đẹp nhất để đi chơi tết, trên tay các chàng trai luôn có chiếc khèn và cùng các cô gái người Mông chọn những khoảng đất rộng để múa khèn nhằm phô diễn tài năng múa khèn của mình, cũng từ những điệu múa khèn nhiều đôi trai gái người Mông đã nên duyên vợ chồng. Giữa vô vàn thanh âm, sắc màu của mùa xuân, lắng lòng mình trong giây lát, nghe thanh âm của núi, hơi ấm nồng nàn của rừng hòa quyện trong tiếng khèn Mông da diết, ta sẽ cảm nhận trọn vẹn hơn nhịp sống bất tận của mùa xuân nơi vùng cao.

Bài và ảnh: Minh Hiếu


Bài và ảnh: Minh Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]