(Baothanhhoa.vn) - Từ bao đời nay, trò chơi, trò diễn dân gian có vai trò quan trọng, không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống. Đặc biệt là trong các lễ hội đầu xuân, các trò chơi, trò diễn dân gian lại được các địa phương trên địa bàn tỉnh tái hiện sinh động, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy được các giá trị văn hóa đặc sắc.

Gìn giữ và phát huy các trò chơi, trò diễn dân gian trong lễ hội truyền thống

Từ bao đời nay, trò chơi, trò diễn dân gian có vai trò quan trọng, không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống. Đặc biệt là trong các lễ hội đầu xuân, các trò chơi, trò diễn dân gian lại được các địa phương trên địa bàn tỉnh tái hiện sinh động, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy được các giá trị văn hóa đặc sắc.

Gìn giữ và phát huy các trò chơi, trò diễn dân gian trong lễ hội truyền thốngNgười dân huyện Ngọc Lặc tham gia trò diễn Pồn Pôông.

Huyện Hoằng Hóa là một trong những địa phương của tỉnh thực hiện tốt việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các trò chơi, trò diễn dân gian trong các lễ hội truyền thống. Cho đến nay, các trò chơi, trò diễn dân gian, như: vật dân tộc (xã Hoằng Phong), đua thuyền (xã Hoằng Đạt), chèo chải (xã Hoằng Quỳ), trống hội (xã Hoằng Phú), hát chầu văn (xã Hoằng Phượng)... vẫn được người dân địa phương duy trì trong các lễ hội truyền thống, thu hút sự quan tâm của đông đảo Nhân dân.

“Đến hẹn lại lên”, vào những ngày đầu xuân năm mới, các xới vật dân tộc ở huyện Hoằng Hóa luôn sôi động và là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Sau một năm lao động vất vả, tết đến, xuân về chính là lúc để người dân xã Hoằng Phong có dịp được thi thố, tranh tài sôi nổi trên các xới vật. Mỗi làng đều cử những trai tráng khỏe mạnh nhất, có kỹ năng tốt nhất để tham gia tranh tài tại hội vật do xã tổ chức. Mặc dù phần thưởng đôi khi chỉ là lá cờ, vài cặp bánh chưng nhưng không vì thế mà các cuộc tranh tài trên xới vật lại kém phần sôi nổi, hấp dẫn. Không chỉ các đôi vật là những thanh niên trai tráng trẻ tuổi, hội vật còn có sự tham gia tranh tài của các đô vật lão làng. Đấu vật đã trở thành phong tục truyền thống quý báu mà xã Hoằng Phong đã gìn giữ, duy trì đến ngày nay.

Nhắc đến các hoạt động lễ hội đầu xuân tại huyện Hoằng Hóa còn phải kể đến trò chơi vật cù xã Hoằng Hà. Hàng năm, vào ngày mùng 2 Tết Nguyên đán, người dân lại náo nức với lễ hội vật cù. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, trò chơi dân gian này đã in đậm nét văn hóa truyền thống và góp phần quảng bá thêm hình ảnh đất và người nơi đây. Cho đến nay, người dân cũng không biết chính xác trò chơi vật cù ở Hoằng Hà có từ bao giờ, mà chỉ biết rằng đó là một trò chơi dân gian mang tính tập thể, cộng đồng, biểu hiện của tình đoàn kết, thượng võ và có sức hút. Theo quan niệm của người dân địa phương, làng nào thắng trận cù thì trong năm mới sẽ gặp nhiều may mắn.

Cùng với huyện Hoằng Hóa, các huyện Đông Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Ngọc Lặc, Lang Chánh... cũng có nhiều cách làm khá hiệu quả nhằm bảo tồn, phát huy các trò chơi, trò diễn dân gian trong lễ hội truyền thống. Bên cạnh việc khai thác triệt để vốn văn hóa từ các trò chơi, trò diễn dân gian trong lễ hội truyền thống thì việc truyền dạy, thành lập các tổ, đội, câu lạc bộ (CLB) văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao là một trong những cách làm rất có hiệu quả được nhiều địa phương áp dụng.

Cho đến nay, đồng bào dân tộc Mường huyện Ngọc Lặc vẫn còn lưu giữ, bảo tồn được các lễ hội truyền thống gắn với trò chơi, trò diễn dân gian vô cùng phong phú. Về huyện Ngọc Lặc vào những ngày hội lớn, lễ hội truyền thống hoặc ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc chúng ta sẽ được hòa chung vào không khí vui tươi, nhộn nhịp của trò diễn Pồn Pôông. Từ những cụ già cho đến các em nhỏ đều hòa mình vào những điệu múa, trò diễn đặc trưng đã tồn tại bao đời nay trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Mường. Đây được xem là một thành công trong việc truyền dạy, giữ gìn bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cho người dân, đặc biệt là truyền dạy các trò chơi, trò diễn dân gian trong lễ hội truyền thống, mà không phải địa phương nào cũng làm được.

Không chỉ Pồn Pôông, cồng chiêng - một trong những loại hình nghệ thuật có mặt rất sớm trong đời sống đồng bào Mường cũng được huyện Ngọc Lặc gìn giữ, phát huy. Với người Mường huyện Ngọc Lặc, cồng chiêng không đơn thuần là nhạc cụ dân tộc mà còn là âm thanh quan trọng nhất, linh thiêng nhất trong sinh hoạt văn hóa. Bởi vậy, không chỉ các ngày hội lớn, lễ hội truyền thống mà cồng chiêng tham gia vào tất cả các hoạt động đời sống người Mường, gắn liền với dòng đời của mỗi người từ khi sinh ra cho đến khi về với đất mẹ. Người Mường huyện Ngọc Lặc coi cồng chiêng là báu vật của mình và gìn giữ qua các thế hệ. Bởi theo họ, biết cồng, chiêng cũng là cách để hiểu thêm về cội nguồn văn hóa của dân tộc mình. Mỗi người dân nơi đây thường tự học lẫn nhau dưới những mái nhà sàn của dân tộc mình, nhiều em nhỏ mới chỉ lên 5, lên 6 tuổi cũng đã có những kỹ năng và tình cảm với cồng, chiêng.

Dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có điều kiện để khôi phục, phát huy các trò chơi, trò diễn dân gian trong lễ hội truyền thống. Đây quả là điều đáng tiếc. Bởi trong phần hội mà trong đó chủ đạo là các trò chơi dân gian, trò diễn vắng bóng thì không khí tưng bừng lễ hội sẽ bị giảm, quan trọng hơn là thiếu đi nét văn hóa đặc sắc mà đáng ra Nhân dân, du khách thập phương đến phải được thưởng thức, được chiêm ngưỡng và trải nghiệm.

Có thể nói, việc bảo tồn, phát huy các trò chơi, trò diễn dân gian đã góp phần tạo nên sức hút, sự hấp dẫn của các lễ hội truyền thống trong cuộc sống hiện đại. Để làm được điều đó, quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương trong việc bảo tồn, phục dựng; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; tạo môi trường hoạt động lành mạnh để các trò chơi, trò diễn dân gian “có đất” để phô diễn, có điều kiện để phát huy. Đồng thời, cần có sự phối hợp với các nhà nghiên cứu để khôi phục, bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa xưa... từ các trò chơi, trò diễn dân gian trong lễ hội truyền thống.

Bài và ảnh: Lê Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]