(Baothanhhoa.vn) - “Sự đọc - Chỉ dấu và đường biên” (Nxb Văn học, 2022) là cuốn sách nghiên cứu, phê bình thứ 3 của PGS.TS Hỏa Diệu Thúy – giảng viên Trường Đại học Hồng Đức, sau thành công của chuyên luận “Truyện ngắn hiện đại Việt Nam năm 1945-1975” (Nxb Hội Nhà văn, tái bản, 2010) và “Văn học hiện đại Thanh Hóa” (Nxb Hội Nhà văn, 2012). Với “đứa con” thứ ba này, độc giả vẫn nhận thấy một Hỏa Diệu Thúy thủy chung, kiên định khai phá ở hai vùng văn học quen thuộc: Văn học xứ Thanh và Văn học Việt Nam hiện đại nhưng không đơn điệu, lặp lại mà luôn nỗ lực tự làm mới mình từ phương pháp, lý thuyết, điểm nhìn...

Định vị văn hóa - văn học xứ Thanh trong “Sự đọc - Chỉ dấu và đường biên”

“Sự đọc - Chỉ dấu và đường biên” (Nxb Văn học, 2022) là cuốn sách nghiên cứu, phê bình thứ 3 của PGS.TS Hỏa Diệu Thúy – giảng viên Trường Đại học Hồng Đức, sau thành công của chuyên luận “Truyện ngắn hiện đại Việt Nam năm 1945-1975” (Nxb Hội Nhà văn, tái bản, 2010) và “Văn học hiện đại Thanh Hóa” (Nxb Hội Nhà văn, 2012). Với “đứa con” thứ ba này, độc giả vẫn nhận thấy một Hỏa Diệu Thúy thủy chung, kiên định khai phá ở hai vùng văn học quen thuộc: Văn học xứ Thanh và Văn học Việt Nam hiện đại nhưng không đơn điệu, lặp lại mà luôn nỗ lực tự làm mới mình từ phương pháp, lý thuyết, điểm nhìn...

Định vị văn hóa - văn học xứ Thanh trong “Sự đọc - Chỉ dấu và đường biên”

Trước “Sự đọc - Chỉ dấu và đường biên” của PGS.TS Hỏa Diệu Thúy, văn đàn Việt Nam đã có: “Trên đường biên của lý luận văn học” (GS Trần Đình Sử), “Đường biên của chữ” (Bùi Như Hải), “Đường biên thơ” (Hồ Thế Hà)... Vậy “chỉ dấu” là gì? “Đường biên” là gì trong cái “sự đọc” mênh mông, vô tận ấy? Theo cách hiểu đơn giản nhất, “chỉ dấu” là hệ thống các dấu hiệu nhằm mục đích mã hóa, chỉ dẫn, giải mã thông tin được tác giả gửi gắm, cài cắm trong tác phẩm. Và cũng từ những “chỉ dấu” ấy để nhận diện chân dung tác giả phía sau những “cánh đồng chữ”. “Chỉ dấu” ấy là tập hợp những mật mã như: hình tượng, ngôn ngữ, phong cách... Khái niệm “đường biên”, theo GS Trần Đình Sử: Đó là “nơi tiếp giáp, tiếp xúc của các nền lý luận, các trường phái lý luận văn học... Do đó, chúng ta phải “mở biên để hội nhập”. Và nhà lý luận “phải đứng trên đường biên, đón gió bốn phương, tự thay đổi”.

“Sự đọc - Chỉ dấu và đường biên” được xây dựng gồm 2 phần chính: Văn học Thanh Hóa (12 bài viết nghiên cứu văn hóa, văn học xứ Thanh); khám phá những chân trời sáng tạo (13 bài viết về chân dung tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại và đương đại).

Ở phần một - Văn học Thanh Hóa, Văn hóa - văn học dân gian xứ Thanh hiện diện sắc nét, độc đáo, đa dạng trong nhiều bài viết: “Những phẩm chất ưu tú của người Thanh Hóa”, “Hình tượng chim lạc trên trống đồng cổ Đông Sơn”, “Xứ sở của những người khổng lồ”, “Huyền thoại Từ Thức và sự minh triết của trí tuệ dân gian”, “Vẻ đẹp trong những bài ca dao cổ xứ Thanh”, “Bảo tồn, gìn giữ phong tục “mo” của người Mường”...

Một giai đoạn rực rỡ, tiêu biểu của văn học xứ Thanh được tái hiện sinh động với sự góp mặt của nhiều cây viết tên tuổi. Tác giả đã tinh tế lần theo, kết nối những “chỉ dấu” để đưa ra những nhận định, cho độc giả thêm những hướng tiếp cận - tiếp nhận mới.

Đó là “Minh Hiệu - Tầm vóc nhà văn hóa”: “Ngoài mảng thơ hàng trăm bài, những áng ký giàu chất thơ” còn được nhìn nhận dưới góc độ khảo cứu và dịch thuật rất nghiêm túc và tài hoa. Có thể nói, kho tàng văn học dân gian các dân tộc Thanh Hóa đã được Minh Hiệu góp phần phục sinh và tỏa sáng; những bản dịch về văn học dân gian của hai nước bạn Lào và Campuchia đã góp phần làm sâu sắc hơn tình hữu nghị ba nước Đông Dương. Minh Hiệu mang tầm vóc của một nhà văn hóa”.

“Khẩu khí xứ Thanh trong thơ Văn Đắc” khiến ta yêu mến hơn những vần thơ dung dị, thật thà mà cứ hóm hỉnh, duyên yêu: “Trời Thanh Hóa của tôi là cái vó/ Thả lúc nào cũng vớt được tôi lên”. Khẩu khí người xứ Thanh bộc trực hồn nhiên, cứng cỏi, sôi nổi và khoáng hoạt, như khi Văn Đắc làm thơ vậy: “Cười như tiếng Trạng Quỳnh cười/ Khóc như tiếng khóc núi Nhồi vọng phu/ Vượt vời cất tiếng hò dô/ Dọc ngang rạch đất, dựng bờ làm sông... Thích thì vác đá xây thành/ Uất thì chọc thủng trời xanh mà cười”.

Khi “bắt mạch” hồn thơ Nguyễn Duy, những dấu ấn, hồn cốt mảnh đất xứ Thanh theo đó hiển lộ. Có thể nói, quê nhà - xứ Thanh luôn là đối tượng cảm xúc mãnh liệt nhất, ám ảnh nhất trong thơ Nguyễn Duy. “Quê nhà ở phía ngôi sao/ Qua sông mượn khúc ca dao làm cầu” - “Trong lịch sử thơ ca, không thiếu những câu thơ hay viết về quê hương - quê nhà nhưng có lẽ, chưa có nhà thơ nào ở Việt Nam (cả trên thế giới) từng đặt quê nhà ở vị trí thiêng liêng, cao quý như vậy”, PGS.TS Hỏa Diệu Thúy nhận định.

Từ “hình ảnh biểu tượng”, PGS.TS Hỏa Diệu Thúy bắc nhịp cầu đến với sáng tạo độc đáo trong thơ Mã Giang Lân hay đúng hơn là bắt trọn những “chỉ dấu” để mở ra thế giới thơ ông. PGS.TS Hỏa Diệu Thúy sắc sảo bình: “Đã có sự “thay thế” đáng ngờ vực của giá trị. Cảm giác của chủ thể trữ tình là cảm giác lo lắng, bi quan, thậm chí ghê sợ trước thay thế ấy. Đến đây, “ngày” và “đêm” đã mang nghĩa biểu trưng khác, trang “ngày” biểu tượng cho những giá trị đích thực, cốt lõi, bền vững, gắn với giá trị ấy là sự tự nhiên, trong sáng, tinh khôi, mộc mạc; trang “đêm” biểu tượng cho cái giả dối, đua đòi, xô bồ, hợm hĩnh. Dùng cách diễn đạt biểu tượng này tác giả bày tỏ quan điểm về chân lý của giá trị, khi trong cuộc sống đang có những thay đổi, tìm kiếm chân giá trị mới với không ít ngộ nhận, a dua sai lầm”. Thơ triết lý với hình tượng thơ biến ảo trở thành đặc điểm, bút pháp thơ Mã Giang Lân ở chặng sau của con đường sáng tạo.

Định vị văn hóa - văn học xứ Thanh trong “Sự đọc - Chỉ dấu và đường biên”

PGS.TS Hỏa Diệu Thúy (ảnh tác giả cuốn sách cung cấp).

Đọc “Mạch chảy văn hóa trong tập truyện ngắn “Tết đảo” của Lê Ngọc Minh”, độc giả cảm phục năng lực, trực giác nghệ thuật, nhãn quan sắc nhạy của tác giả khi mới lần đầu tiên đọc tác phẩm của Lê Ngọc Minh, chỉ qua tập truyện “Tết đảo” mà “bắt mạch” cặn kẽ, chính xác, viết như đang “gọi hồn, gọi vía”. Hỏa Diệu Thúy lại bắt đầu làm công việc của “bác sĩ giải phẫu”, bóc tách từng chi tiết, tình tiết, giọng kể, ngôn ngữ kể để minh chứng thuyết phục cho nhận định của mình: “Lê Ngọc Minh với khoảnh khắc thanh minh hoàn toàn có thể đàng hoàng và tự tin khai thác đề tài này (mảng đề tài lịch sử - PV) bởi anh biết cách chọn “khoảnh khắc”, truyện ngắn “sống bằng khoảnh khắc”, chỉ cần khoảnh khắc tương đương với ánh chớp ý tưởng thôi, để rọi sáng cả một vùng”.

Với nhà văn Hà Thị Cẩm Anh - sinh ra ở vùng núi rừng thăm thẳm, viết văn từ năm 14 tuổi, người được thương mến gọi bằng cái tên “Thím Khoai”, PGS.TS Hỏa Diệu Thúy có bài: “Hà Thị Cẩm Anh - Văn chương như là định mệnh”. Và chị đã khẳng định: “Đọc tác phẩm của Hà Thị Cẩm Anh sẽ được gặp thế giới của cả một vùng văn hóa bản địa có sức sống lâu đời, văn hóa của tộc người Mường”. Và cũng chính Hà Thị Cẩm Anh đã “góp phần làm cho văn hóa của dân tộc mình tỏa sáng”.

Văn hóa - văn học xứ Thanh mới là một “nửa tâm hồn” trong tập nghiên cứu, phê bình mang tên “Sự đọc - Chỉ dấu và đường biên” của PGS.TS Hỏa Diệu Thúy. Một phần rộng lớn hơn, “tầm cỡ hơn” trong cuộc gặp gỡ, hội tụ “những chân trời sáng tạo” lừng danh của văn học Việt Nam hiện đại và đương đại như: Thạch Lam, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Sơn Nam, Hồ Anh Thái, Lê Thành Nghị, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Xuân Thủy, Phùng Văn Khai... Nhưng có lẽ, khi nhắc đến PGS.TS Hỏa Diệu Thúy, hãy cứ về với mảnh đất quê hương - nơi khởi nguồn và nuôi dưỡng, chắp cánh cho mạch nguồn sáng tạo và cũng là niềm say mê, tự hào, cống hiến của tác giả trong suốt hành trình sáng tạo.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]