(Baothanhhoa.vn) - Đánh giá về vai trò của Đề đốc Cao Bá Điển - một người con của làng Trinh Sơn, xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa) trong khởi nghĩa Hùng Lĩnh, sách Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa viết: “Nếu Tống Duy Tân là linh hồn, là người phất cao cờ khởi nghĩa, dùng uy tín của mình để tập hợp lực lượng thì Cao Bá Điển là người có công lớn trong việc tổ chức, xây dựng và phát triển lực lượng nghĩa quân, đồng thời là người trực tiếp chỉ huy nghĩa quân chiến đấu kiên cường, táo bạo”.

Đề đốc Cao Bá Điển - võ tướng xứ Thanh trong phong trào Cần Vương

Đánh giá về vai trò của Đề đốc Cao Bá Điển - một người con của làng Trinh Sơn, xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa) trong khởi nghĩa Hùng Lĩnh, sách Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa viết: “Nếu Tống Duy Tân là linh hồn, là người phất cao cờ khởi nghĩa, dùng uy tín của mình để tập hợp lực lượng thì Cao Bá Điển là người có công lớn trong việc tổ chức, xây dựng và phát triển lực lượng nghĩa quân, đồng thời là người trực tiếp chỉ huy nghĩa quân chiến đấu kiên cường, táo bạo”.

Đề đốc Cao Bá Điển - võ tướng xứ Thanh trong phong trào Cần VươngDi tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền thờ Cao Bá Điển đươc tôn tạo xứng tầm với công lao của vị võ tướng xứ Thanh trong lịch sử dân tộc. Ảnh: Khánh Lộc

Lần theo sử liệu, tìm về làng Trinh Sơn, xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa), hậu thế được biết nhiều hơn những câu chuyện về vị võ tướng tài năng. Cao Bá Điển còn được biết đến với các tên gọi: Cao Văn Điển, Cao Điển, Cao Điền. Ông vốn xuất thân gia cảnh nghèo khó, lại lớn lên khi nhà Nguyễn phải đối mặt với dã tâm xâm lược của thực dân Pháp. Vì thế, năm 1877 chàng trai trẻ Cao Bá Điển “xếp bút nghiên” từ giã quê nhà Trinh Sơn để đi lính cho triều đình. Vốn thể trạng sức khỏe hơn người, tư chất thông minh lại chăm chỉ rèn luyện, Cao Bá Điển tham dự kỳ thi võ và đỗ cử nhân võ vào năm 1879, từ đây tài năng của ông được nhiều người biết đến. Ông được triều đình giao giữ chức Suất đội vệ Vũ lâm trong kinh thành Huế, về sau thăng lên Đề đốc.

Thực dân Pháp xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn chia thành hai phe, Cao Bá Điển đã khẳng khái đứng về phe chủ chiến do Điện tiền Thượng tướng quân Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết đứng đầu nhằm chống lại thực dân Pháp. “Ông được Tôn Thất Thuyết giao chỉ huy đánh Pháp ở đồn Mang Cá đêm ngày 4 rạng ngày 5-7-1885. Sau đó cùng Trần Xuân Soạn về Thanh Hóa gây dựng phong trào Cần Vương. Ông đã chọn làng Trinh Sơn làm căn cứ khởi nghĩa” (theo sách Văn tài võ lược xứ Thanh).

Tại quê nhà, với tài võ lược cùng uy tín, Cao Bá Điển kêu gọi người dân Trinh Sơn và các làng lân cận tổ chức nghĩa quân khởi nghĩa hưởng ứng phong trào Cần Vương. Cuộc khởi nghĩa tại căn cứ Trinh Sơn do Cao Bá Điển khởi xướng và lãnh đạo đã tạo sự bùng nổ trong cao trào chống thực dân Pháp của Nhân dân Thanh Hóa nói chung, Hoằng Hóa nói riêng.

Lúc bấy giờ, tại vùng đất Bồng Trung (thuộc huyện Vĩnh Lộc), hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Chánh sứ sơn phòng Tống Duy Tân cùng một số người đã tích cực vận động Nhân dân tập hợp lực lượng, lấy núi Hùng Lĩnh làm căn cứ dựng cờ khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Với nhãn quan của võ tướng tài năng, Cao Bá Điển đã đem toàn bộ lực lượng nghĩa quân Trinh Sơn do ông chỉ huy từ trước đó lên Bồng Trung sáp nhập với nghĩa quân Hùng Lĩnh của Tống Duy Tân để tập hợp sức mạnh lớn đánh Pháp. Từ đây, ông nhanh chóng trở thành một trong những người lãnh đạo xuất sắc của cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh.

Từ đầu năm 1886, với việc “quy tụ sức mạnh” và sự hiện diện của Cao Bá Điển, khởi nghĩa Hùng Lĩnh đã bước sang chặng đường đấu tranh oanh liệt. Nghĩa quân vừa xây dựng lực lượng, củng cố căn cứ Hùng Lĩnh; vừa vận động quần chúng Nhân dân ủng hộ để tổ chức nhiều trận đánh, đồng thời phối hợp với các cuộc khởi nghĩa khác trong tỉnh để tạo sức mạnh tấn công kẻ địch.

Theo sử liệu, đêm ngày 11 rạng ngày 12-3-1886, nghĩa quân Hùng Lĩnh do Cao Bá Điển chỉ huy đã phối hợp với nghĩa quân các huyện Nông Cống, Quảng Xương, Hoằng Hóa cùng tấn công thực dân Pháp tại tỉnh lỵ Thanh Hóa. Quân của Cao Điển đột nhập vào nội thành Thanh Hóa, đánh từ trong đánh ra, gây cho địch thiệt hại nặng nề. Cuộc tấn công đã cổ vũ phong trào đấu tranh vũ trang phát triển, thắt chặt hơn mối quan hệ giữa các đội nghĩa quân, mở ra khả năng và điều kiện kết hợp chặt chẽ hơn, có tổ chức hơn của phong trào đấu tranh với những hoạt động mới... Dĩ nhiên, những phát triển về lối đánh tập kích, phục kích của nghĩa quân Hùng Lĩnh có dấu ấn mưu lược của Cao Bá Điển.

Đề đốc Cao Bá Điển - võ tướng xứ Thanh trong phong trào Cần VươngSau khi bị thực dân Pháp xử tử, võ tướng Cao Bá Điển được người dân an táng và lập đền thờ phụng ở quê nhà Trinh Sơn.

Khi phong trào đấu tranh của Nhân dân xứ Thanh phát triển mạnh mẽ ở khắp các huyện miền núi, miền xuôi thì việc tập hợp lực lượng nhằm thống nhất chỉ đạo trong phong trào chống Pháp trên địa bàn toàn tỉnh là đòi hỏi cần thiết. Lúc bấy giờ, Cao Bá Điển cùng Tống Duy Tân, Trần Xuân Soạn... là những người giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong phong trào Cần Vương. Sau hội nghị Bồng Trung, quyết định về việc xây dựng cứ điểm Ba Đình và Mã Cao chính thức được thực hiện. Lúc này Tống Duy Tân, Cao Bá Điển đưa nghĩa quân Hùng Lĩnh xuống vùng đất Phi Lai (thuộc Hà Trung) để chiến đấu hỗ trợ cho “mặt trận” Ba Đình. Đánh giá về tình hình nước ta lúc bấy giờ, sách Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa (GS.TS.NGND Trịnh Nhu chủ biên) đã dẫn theo tài liệu được thực dân Pháp xuất bản năm 1922: “Tại Trung kỳ tình hình vẫn còn rối loạn ở tất cả các tỉnh... Nhưng chính vùng Thanh Hóa mới là nơi đám giặc (cách gọi nghĩa quân Hùng Lĩnh và các cuộc khởi nghĩa lúc bấy giờ của thực dân Pháp) tụ hợp đông hơn cả và được tổ chức hơn cả”.

Nghĩa quân dưới sự chỉ huy trực tiếp của Cao Bá Điển đã chiến đấu vô cùng quả cảm. Nổi bật trong đó phải kể đến hai trận đánh đầu năm 1890 ở huyện lỵ Nông Cống và cứ điểm Yên Lãng (Thọ Xuân). Tuy nhiên, võ tướng Cao Bá Điển không chỉ là người giỏi dụng binh, ông còn được sử liệu nhắc đến với tài “ngụy vận” - được hiểu là vận động binh lính người Việt trong quân đội Pháp quay về, nhằm chống lại chính sách dùng người Việt đánh người Việt của kẻ địch. Trong bức thư gửi binh lính đồn Thị Long (nằm trên địa bàn huyện Nông Cống ngày nay), ông đã viết: “Tôi là Cao Điển, Đề đốc chỉ huy nghĩa quân rất hân hạnh được gửi mấy lời này với anh em quân đội đồn Thị Long. Bọn Pháp đánh chiếm nước chúng ta, thần và người đều giận... Tôi được lệnh đi tiễu trừ gian phi. Lương, giáo, chúng ta cùng là con một nước không nên sát hại lẫn nhau” (theo Trần Văn Giàu, Chống xâm lăng. Quyển thứ 3: Phong trào Cần Vương).

Lo sợ trước sức mạnh của các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương ở xứ Thanh lúc bấy giờ, thực dân Pháp đã dồn lực tiêu diệt. Với lợi thế vũ khí cùng nhiều thủ đoạn, tháng 10-1892 kẻ địch đã bắt giam thủ lĩnh Tống Duy Tân. Võ tướng Cao Bá Điển trên đường phá vòng vây ra Bắc Giang tìm đến khởi nghĩa Yên Thế cũng bị bắt. Không chịu khuất phục trước sức mạnh kẻ xâm lược, ông bị thực dân Pháp xử tử.

Với hơn 10 năm tận tâm, tận hiến cho phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp, võ tướng Cao Bá Điển đã trở thành nhân vật lịch sử được người đương thời và hậu thế tôn kính. Hơn 100 năm trôi qua, đền thờ ông được lập dựng tại quê nhà, nay là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền thờ Cao Bá Điển. Ông Cao Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Hoằng Giang cho biết: “Võ tướng Cao Bá Điển là niềm tự hào của đất và người Hoằng Giang. Di tích thời gian qua đang được Nhà nước đầu tư mở rộng và tôn tạo để xứng tầm với công lao của ông trong lịch sử dân tộc. Sau khi hoàn thành việc tôn tạo, di tích sẽ trở thành điểm đến tham quan cho du khách gần xa”.

Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]