“Chậm đò ho” góp phần gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Thổ
Thanh Hóa có 7 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống đó là Kinh, Mường, Thái, Thổ, Khơ Mú, Dao và Mông. Trong đó, đồng bào dân tộc Thổ sinh sống chủ yếu trên địa bàn huyện Như Xuân, Như Thanh (đông nhất là huyện Như Xuân). Đồng bào dân tộc Thổ được phân bố ở thị trấn Yên Cát và các xã Cán Khê, Cát Vân, Thượng Ninh, Xuân Bình, Hóa Quỳ của huyện Như Xuân.
Các nghệ nhân, diễn viên đồng bào dân tộc Thổ Thanh Hóa tái hiện trích đoạn "Chậm đò ho" trong ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc" tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2023. Ảnh: Huyền Trang
Song hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng bào dân tộc Thổ gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ đặc trưng. Những phong tục tập quán, nếp sinh hoạt thường ngày mang đậm màu sắc của đồng bào dân tộc Thổ đã và đang được người dân nơi đây gìn giữ từ đời này qua đời khác. Một trong số đó, có thể nhắc đến hình thức diễn xướng, hát “Chậm đò ho”.
Có dịp gặp gỡ ông Lê Văn Cứu, khu phố 1, thị trấn Yên Cát, dù đã ở tuổi 84, ông vẫn miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu và lưu giữ những nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thổ. Cũng theo ông Cứu, “Chậm đò ho” là 1 trong 5 bài hát dân ca của đồng bào dân tộc Thổ. Trong căn nhà của ông, những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của đồng bào cũng được ông sưu tầm. Cuốn sách dày dặn là quá trình ông nghiên cứu, tìm hiểu và viết song ngữ tiếng Việt và tiếng Thổ về nếp sống sinh hoạt, văn hóa, phong tục của đồng bào Thổ. Ông miệt mài như thế bởi ông mong muốn giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thổ luôn được các thế hệ gìn giữ, song hành cùng sự phát triển của quê hương, đất nước.
Năm nay đã hơn 77 tuổi, bà Lê Thị Dung, dân tộc Thổ, khu phố Thấng Sơn, thị trấn Yên Cát (Như Xuân) vẫn còn nhớ những làn điệu dân ca được các bà, các mẹ truyền dạy. Để rồi, dù ở tuổi đã cao nhưng bà Dung vẫn yêu các làn điệu, nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong khu phố hoặc đem văn hóa của đồng bào Thổ đi biểu diễn ở các sự kiện trong và ngoài tỉnh. Bà còn cẩn thận lưu giữ cuốn sách sưu tầm những bài hát, làn điệu dân ca của đồng bào Thổ. Khi được hỏi về bài hát “Chậm đò ho”, bà Dung cất lên một vài làn điệu. Bà cho biết, bà cũng không rõ “Chậm đò ho” có tự bao giờ, từ khi lớn lên đã nghe các bà, các mẹ hát và truyền lại. Đó là lời ca mộc mạc trên nương, trên rẫy, kể lại quá trình lao động sản xuất và trong đời sống hàng ngày như ru cho cháu ngủ. Và sau này, “Chậm đò ho” được đông đảo bà con cùng tham gia vào dịp lễ hội, ngày tết tạo nên không khí vui tươi, góp phần động viên bà con tích cực hăng hái tham gia lao động, sản xuất.
Cũng như bà Lê Thị Dung, ông Lê Ngọc Giới, khu phố Trung Thành (làng Sẹt trước đây) cũng là những người tham gia tích cực các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương, góp phần gìn giữ “Chậm đò ho” của đồng bào Thổ. Theo ông Giới, để biểu diễn được tiết mục “Chậm đò ho” phải có đội chiêng, trống, kèn, mõ, ống luồng, ống nứa... tạo nên âm thanh vui nhộn. “Chậm đò ho” mang màu sắc của sự vui tươi, rộn ràng. Bà con dân tộc Thổ trước đây hát “Chậm đò ho” trong đời sống thường ngày trong các gia đình và sau này phát triển thành hình thức diễn xướng có đông đảo đồng bào tham gia. Ông Giới là người giữ vai trò thổi kèn trong biểu diễn “Chậm đò ho”. Ông Giới đã học thổi kèn từ khi 14, 15 tuổi và năm nay đã bước sang tuổi 61. Vừa trò chuyện với chúng tôi, ông Giới vừa thổi một điệu kèn vui tươi. Cây kèn đã ngả theo thời gian như minh chứng cho sự gắn bó, đồng hành với ông Giới trong cuộc sống.
Với mong muốn được đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh biết đến nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thổ, trong đó có “Chậm đò ho”, những nghệ nhân, diễn viên không chuyên của đồng bào dân tộc Thổ Như Xuân đã mang “Chậm đò ho” đi biểu diễn tại nhiều lễ hội, ngày hội, liên hoan văn nghệ trên địa bàn tỉnh; tham gia ngày hội sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội). “Chậm đò ho” được những nghệ nhân, diễn viên không chuyên của đồng bào dân tộc Thổ tái hiện đời sống sinh hoạt, lao động hàng ngày, không khí vui xuân khéo léo, cuốn hút người tham dự. Không khí rộn ràng khi tiếng trống, tiếng chiêng hòa lẫn vào tiếng hát, tiếng hò reo cổ vũ cho những chàng trai, cô gái tham gia vào các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy. Sau khi hát mừng mùa xuân mới, cùng nhau múa, hát giao duyên, bà con trong bản lại bắt tay vào lao động. Họ cùng nhau cấy, hái, gặt lúa, phát nương, làm rẫy mong muốn một mùa màng bội thu, ngô lúa đầy bồ, khoai sắn đầy sân... “Chậm đò ho” cứ vậy mà lan tỏa trong đời sống của đồng bào dân tộc Thổ từ xưa cho đến ngày nay.
Nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, từ ngày 11 đến 17/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Như Xuân tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể tại huyện Như Xuân thuộc Dự án 6, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, năm 2023. Đã có 40 học viên là cán bộ, công chức làm công tác văn hóa, thể thao, du lịch và các lĩnh vực có liên quan ở cơ sở; nghệ nhân, già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; cộng đồng dân cư các điểm đến du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham gia lớp tập huấn. Các học viên đã được các giảng viên truyền đạt một số chuyên đề. Trong đó có chuyên đề “Nguồn gốc, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc, diễn xướng dân gian của đồng bào dân tộc Thổ, dân tộc Thái tỉnh Thanh Hóa”. Được truyền dạy một số nội dung như diễn xướng trống chiêng dân tộc Thổ; truyền dạy múa bắt nhái dân tộc Thổ; truyền dạy hát “Chậm đò ho” dân tộc Thổ; tổ chức, hướng dẫn, phương pháp xây dựng chương trình giao lưu và tương tác giữa các nghệ nhân với du khách gắn với hoạt động phát triển du lịch cộng đồng và nâng cao đời sống văn hóa cơ sở tại huyện Như Xuân... Đây là giải pháp quan trọng góp phần gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Thổ nói riêng.
Ngọc Huấn
{name} - {time}
-
2024-11-24 16:13:00
Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo
-
2024-11-24 14:13:00
Phát huy và lan tỏa giá trị áo dài Huế trong cuộc sống đương đại
-
2023-12-16 10:25:00
“Biên cương một dải vững bền - gửi tình yêu với người chiến sĩ quân hàm xanh
Festival Ninh Bình - Tràng An 2023: Sắc màu di sản - Hội tụ và lan toả
[E-Magazine] - Mắt phố
Phát huy vai trò của hương ước, quy ước
[Podcast] - Tản văn: Những người đàn ông biết hát
Vĩnh cửu sắc màu Sapphire
Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức trại sáng tác và lớp tập huấn nghiệp vụ tại Thanh Hóa
Báo quốc tế: Phú Quốc là “gương mặt thương hiệu” cho du lịch cao cấp tại Việt Nam
Thảo luận tổ chức chương trình Năm Du lịch Hải Tiến 2024
Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ truyền dạy văn hóa phi vật thể