(Baothanhhoa.vn) - Những ngày đầu xuân, được hòa mình trong không khí lễ hội, nghe tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, ngắm các cô gái trong trang phục truyền thống múa Xường Mường, Khặp Thái; được thưởng thức những món ăn đặc sản, tham gia tung còn, chơi mảng, chọi gà, đánh đu..., mới thấy hết được sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Bá Thước trong việc phục dựng các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bá Thước: Phục dựng các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian gắn với phát triển du lịch

Những ngày đầu xuân, được hòa mình trong không khí lễ hội, nghe tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, ngắm các cô gái trong trang phục truyền thống múa Xường Mường, Khặp Thái; được thưởng thức những món ăn đặc sản, tham gia tung còn, chơi mảng, chọi gà, đánh đu..., mới thấy hết được sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Bá Thước trong việc phục dựng các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Bá Thước: Phục dựng các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian gắn với phát triển du lịchNghề dệt thổ cẩm được huyện Bá Thước khôi phục nhằm giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc, đồng thời tạo ra sản phẩm phục vụ du khách.

Từ phục dựng lễ hội Mường Khô

Cứ đến ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm, người dân làng Muỗng Do, xã Điền Trung và các xã trong cụm Hồ Điền (gồm các xã Điền Trung, Điền Lư, Điền Quang, Điền Hạ) lại tổ chức lễ hội Mường Khô để tri ân Quận Công Hà Công Thái và các vị tướng dòng họ Hà đã có công dẹp loạn ở vùng biên giới phía Tây tỉnh Thanh vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, đồng thời cầu cho nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở.

Theo ông Trương Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bá Thước: Mường Khô xưa là nơi cư trú của gia tộc Hà Công, một dòng họ lớn, có uy tín và thế lực mạnh; nơi sinh ra và lớn lên của Hà Văn Mao - một trong những thủ lĩnh của phong trào Cần Vương đã giương cao ngọn cờ yêu nước, tập hợp nghĩa quân, xây dựng căn cứ chống giặc ngoại xâm. Lễ hội Mường Khô lúc đầu chỉ là việc thờ cúng của gia đình, một dòng họ sau này trở thành lễ hội lớn của cả một vùng được tổ chức tại chùa Mèo - nơi thờ tự tổ tiên của dòng họ Hà Công. Tuy nhiên, giai đoạn 1960-1964, máy bay Mỹ bắn phá, chùa Mèo bị phá hủy hoàn toàn, từ đó các nghi thức tế lễ và các trò chơi, trò diễn dân gian cũng dần mai một. Việc cúng tế chỉ còn duy trì trong gia tộc Hà Công. Đến tháng 11-2009, được sự quan tâm của UBND tỉnh và các ngành chức năng, Huyện ủy Bá Thước đã giao cho UBND huyện chỉ đạo phòng văn hóa thông tin phối hợp với UBND xã Điền Trung tiến hành khôi phục, xây dựng lại đền thờ Quận Công Hà Công Thái. Năm 2011, Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định xếp hạng di tích lịch sử đền thờ Quận Công Hà Công Thái là di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Cũng từ đây, hằng năm UBND huyện Bá Thước, cụm Hồ Điền tổ chức lễ hội Mường Khô để đáp ứng lòng mong mỏi của Nhân dân các dân tộc huyện nhà cũng như khôi phục lại lễ hội văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời cũng là dịp truyền dạy lại cho các thế hệ con cháu hiểu hơn về bản sắc dân tộc mình.

Nét độc đáo và riêng biệt chỉ có trong lễ hội Mường Khô đó là người dân sẽ chọn giờ đẹp để rước kiệu ra Chùa Mèo. Dẫn đầu đoàn rước kiệu là đội cồng chiêng gồm 60 thiếu nữ Mường mặc trang phục truyền thống mang theo 60 chiếc cồng vừa đi vừa diễn tấu xướng, tiếp sau là chấp kích, bát bửu, kiệu long đình có lọng che; đội tế và đông đảo người dân Mường Khô. Tiếng cồng chiêng là thanh âm không thể thiếu trong lễ hội Mường Khô, nó thể hiện sức mạnh và khát vọng của bà con xứ Mường. Trước kia, chuẩn bị cho lễ hội, các quan lang và dân chúng trong Mường phải sắm sẵn đồ tế lễ gồm trâu, lợn, gà, rượu, gạo... Đồ tế lễ được đặt ở 2 nơi là đền Cụ (Hậu cung) và Nhà Chính, nơi thờ những người có công với đất nước và có công với đất Mường như: Hà Công Thái, Hà Công Ngôn, Hà Công Chấn, Hà Văn Mao, Hà Triều Nguyệt... Phần lễ được diễn ra trang nghiêm và thành kính dưới sự trù trì của các vị cao niên xứ Mường.

“Chính từ những nét đặc sắc trong tổ chức lễ hội mà năm 2021, UBND huyện Bá Thước đã ban hành 2 kế hoạch, bao gồm: Tôn tạo, phục dựng các di tích lịch sử văn hóa; các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian và từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện Bá Thước, giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch về phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Bá Thước giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Qua đó, nhằm bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, di sản thiên nhiên, tôn vinh và kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống, tôn tạo, gìn giữ giá trị các di tích của các dân tộc gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, du lịch trên địa bàn huyện” – ông Trương Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bá Thước, chia sẻ.

Đến bảo tồn giá trị văn hóa gắn phát triển du lịch

Thực hiện kế hoạch của UBND huyện, 2 năm qua các cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Bá Thước đã quan tâm chú trọng thực hiện các chương trình phục hồi, bảo tồn một số loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một gắn với phát triển du lịch.

Thành Lâm là một trong những xã tổ chức nhiều hoạt động tạo ra sản phẩm văn hóa đặc sắc của đồng bào để thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ông Nguyễn Thế Anh, Bí thư Đảng ủy xã Thành Lâm, cho biết: Những năm qua, xã đã xây dựng các đội văn nghệ, phục dựng lại các điệu hát, điệu múa của đồng bào dân tộc Thái; tổ chức hội thi nấu mâm cơm truyền thống của người Thái; chơi những trò chơi dân gian như tung còn, đánh mẳng... vào những dịp lễ, tết để du khách được sống với không gian văn hóa của đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó, xã cũng đã xây dựng lại làng nghề nấu rượu men lá truyền thống; làm “sống” lại ruộng bậc thang, các con suối, dẫn nước về sản xuất nông nghiệp, xây dựng các guồng nước, tạo cảnh quan cho du khách tham quan.

“Giờ đây, du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại bất kỳ nhà hàng, khu nghỉ dưỡng nào của xã Thành Lâm, yêu cầu có đội văn nghệ đến giao lưu, biểu diễn các làn điệu dân ca Thái đều có” – ông Nguyễn Thế Anh cho biết thêm.

Bá Thước: Phục dựng các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian gắn với phát triển du lịchLễ hội Mường Khô được tổ chức vào ngày 10 âm lịch hằng năm, thu hút đông đảo khách thập phương tham gia. Ảnh: Văn An (Bá Thước)

Được biết, không chỉ xã Thành Lâm phục dựng lại các làn điệu hát, múa của đồng bào dân tộc Thái mà tại các thôn, bản trên địa bàn 2 cụm Quý Lương và Hồ Điền, bà con Nhân dân đã thành lập đội văn nghệ quần chúng để tập những khúc hát bài ru Mường, Xường Mường; ở các xã cụm Quốc Thành và 1 số xã như Kỳ Tân, Văn Nho còn tổ chức các hình thức về dân vũ..., góp phần bảo tồn âm nhạc, dân ca, dân vũ tại địa phương.

Ông Trương Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bá Thước, cho biết thêm: Bên cạnh việc phục dựng các làn điệu hát, múa của đồng bào các dân tộc, những năm qua huyện Bá Thước đã chú trọng phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh; trùng tu, tôn tạo lại các di tích lịch sử, di tích khảo cổ. Hiện, toàn huyện có hơn 55 di tích với nhiều loại hình phong phú như: Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, khảo cổ học; số lượng di tích cấp tỉnh được xếp hạng đến nay là 9 di tích, gồm: Mái Đá Điều (xã Hạ Trung), hang Cổ sinh làng Tráng (thị trấn Cành Nàng), hang Thiết Ống (xã Thiết Ống), hang Bụt – hang nước (xã Điền Hạ), hang cá Văn Nho (xã Văn Nho); Đồn, Sân bay Cổ Lũng (xã Cổ Lũng), thác Muốn (xã Điền Quang), thác Hiêu (xã Cổ Lũng), Đền thờ Quận công Hà Công Thái (xã Điền Trung). Trong mỗi di tích đều gắn liền với nhiều di sản văn hóa phi vật thể mang giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc như: lễ hội, tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, phong tục tập quán... nên huyện đã phục dựng, tổ chức lễ hội tại các điểm di tích, như: lễ hội Mái Đá Điều, ở xã Hạ Trung được tổ chức vào 15 tháng Giêng; lễ hội Mường Khô ở xã Điền Trung được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các địa phương tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian như: kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, đánh mẳng, tung còn, chơi đu, chọi gà trong lễ hội. Có một số địa phương còn tổ chức các hội thi hát ru, Xường Mường, Khặp Thái, thi đánh trống Ràm... được đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia, hưởng ứng.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, huyện Bá Thước đang phấn đấu xây dựng Khu du lịch sinh thái Pù Luông trở thành khu du lịch sinh thái cộng đồng trọng điểm của tỉnh, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng, chất lượng cao. Hàng năm đón từ 120.000 lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Để thực hiện được mục tiêu trên, huyện đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tôn tạo các di tích, danh thắng đã được xếp hạng cấp tỉnh; xây dựng và đề nghị công nhận thêm một số di tích cấp tỉnh. Thực hiện lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đối với di chỉ khảo cổ học Mái Đá Điều (xã Hạ Trung); hang Làng Tráng (thị trấn Cành Nàng).

Thực hiện lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Mường Khô. Bảo tồn các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian, thành lập các đội văn nghệ, dàn dựng phát triển các làn điệu dân ca, dân vũ mang đậm bản sắc dân tộc; tổ chức sưu tầm, dàn dựng, phát triển vốn dân ca, dân vũ như: khặp Thái, xường Mường, Pôồn Pôông; múa xòe, múa sạp; khua luống; múa khèn, sáo ôi... Truyện kể, thơ ca dân gian như “Sử thi Đẻ đất, Đẻ nước”, “Trường ca Khăm Panh”... của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Phục dựng Nhà phủ và lễ hội Mường Khoòng (dân tộc Thái). Sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy các loại nhạc cụ, các loại dụng cụ lao động sản xuất và các ngành nghề thủ công truyền thống, đồ dùng sinh hoạt, văn hóa ẩm thực, cách thức, bí quyết chế biến thực phẩm của các dân tộc... để có thêm nhiều sản phẩm du lịch phục vụ du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương.

Bài và ảnh: Ngân Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]