Tướng quân Phan Độc Giác trên đất Đông Hoàng
Nằm trên vùng đất giàu trầm tích văn hóa, được tích tụ phù sa sông Mã, sông Chu, xã Đông Hoàng (Đông Sơn) có cộng đồng dân cư hình thành và lập làng, mở đất từ rất sớm. Một trong số ít nhân vật được nhắc đến nhiều trong các trang sách sử của mảnh đất này, đó là tướng quân Phan Độc Giác.
Đền thờ Tướng quân Phan Độc Giác đang trong quá trình trùng tu, tôn tạo.
Theo Thần phả Phúc thần trại Hoàng Đường, cụ Phan Độc Giác lúc mới sinh ra đã có dáng vóc khác thường, mắt sáng như ngọc, môi đỏ như son, hàm én hất ngược, lưỡng quyền cao, trên đầu có một sừng thịt, tiếng nói như chuông, người cao lớn khác thường, mới ở tuổi niên thiếu mà ông đã văn tự tinh thông, võ nghệ siêu quần. Do vậy dân chúng trại Hoàng Đường và vùng lân cận đều tôn thờ và gọi ông là Thần Tướng.
Khi giặc Chiêm Thành sang xâm chiếm nước ta, trước thế giặc mạnh, vua Lý Thái Tông phải thân chinh mang quân đi đánh. Đêm trước khi xuất quân, vua nằm mộng thấy đám mây ngũ sắc bay qua, trong đó có một vị thần một sừng được Ngọc Hoàng sai xuống đánh giặc cứu nước. Vua sai tìm và cho mời ông về kinh, trao cho 1 vạn quân, 1 thớt voi ra trận.
Đánh tan giặc Chiêm Thành, bắt sống tướng giặc đem về dâng vua, Độc Giác đã được ban thưởng vàng, bạc mỗi thứ 1.000 cân và 1.000 quan tiền, đồng thời được phong làm Thống đốc tướng quân và phong tước Hùng dũng Quận công.... Số tiền vàng, bạc vua ban ông phân phát và thưởng cho dân trại Hoàng Đường làm vốn mua ruộng, tu sửa nhà cửa.
Ông làm quan được 10 năm, rồi lại tiếp tục xông pha trận mạc. Đến khi trở về quê, nhằm ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, đến phủ Phụng Thiên, bỗng nhiên trời đất tối sầm, 3 tiếng sấm nổ vang, người ta thấy một tia lửa từ người ông bay thẳng về trời.
Nhớ ơn một người đã hết lòng vì nước, nhà vua phong thần Vạn cổ phúc thần dữ đồng hưu (phúc phần muôn thuở tồn tại cùng đất nước); cho phép Hoàng Đường trại lập đền thờ và phong thần.
Những câu chuyện ấy có thể được phủ một lớp màu huyền bí, song luôn là niềm tự hào để bà con Nhân dân thôn Cẩm Tú, xã Đông Hoàng kể lại cho lớp lớp thế hệ sau.
Đặc biệt khi được ông Nguyễn Văn Hùng, trưởng thôn Cẩm Tú giới thiệu rằng: Qua các triều đại phong kiến, đền thờ Phan Độc Giác có 21 sắc phong. Theo thời gian, dù rất nỗ lực giữ gìn nhưng đến nay chỉ còn 17 sắc phong. Cụ thể là có 1 sắc thời vua Lê Gia Tông, 1 sắc đạo thời Vĩnh Khánh, 1 sắc thời Vĩnh Thịnh, 1 sắc thời Chính Hòa, 7 sắc thời Cảnh Hưng, 3 sắc thời vua Thiệu Trị, 1 sắc thời vua Tự Đức, 1 sắc thời vua Đồng Khánh, 1 sắc thời vua Duy Tân... cùng một số hiện vật quý khác.
17 sắc phong được người dân thôn Cẩm Tú giữ gìn.
Ghi nhớ công ơn ông, ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm cũng là ngày mà thôn Cẩm Tú nói riêng, Đông Hoàng nói chung tổ chức lễ hội với quy mô lớn. Lễ hội kéo dài 3 ngày ở đền; đồ cúng có xôi, rượu trắng, thịt bò vàng... Trong lễ hội, các trò chơi như đánh cờ người, hát bội, thi nấu cơm, kéo co được người dân tham gia rất đông vui.
“Tháng Giêng là tháng vui nhất trong năm. Sau phiên chợ Chuộng mỗi năm họp duy nhất một ngày để mua may, đổ rủi vào mùng 6 tháng Giêng thì ngày mùng 7 bà con lại nô nức đi xem hội vật”, ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ thêm.
Chúng tôi được ông Nguyễn Văn Hùng dẫn đi một vòng đền thờ Phan Độc Giác trên diện tích hơn 2.000m2. Xung quanh, cảnh quê, làng cổ vẫn còn đó, trước mặt là ao cá rất lớn, ngay cổng đền cây đa có hàng trăm năm tuổi tỏa bóng. Chỉ có điều đền thờ đang ở giai đoạn tháo dỡ đề trùng tu tôn tạo, hương án thờ thần cũng được đặt trang trọng ở nơi khác.
"Hơn 30 năm trước, ngày 7/8/1993, đền thờ Phan Độc Giác đã được Nhân dân trong thôn Cẩm Tú đóng góp tiền, nguyên vật liệu và công sức để khôi phục. Đến tháng 1/2015, đền được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh. Sau nhiều năm, đền xuống cấp nghiêm trọng, tất cả các hạng mục đều cần sửa chữa. Đáp ứng nhu cầu tâm linh của bà con Nhân dân, năm nay, rất vui mừng là với nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước, đền đã được khởi công sửa chữa, tôn tạo", bà Nguyễn Thị Chúc, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng cho biết.
Khẳng định về sự cần thiết của di tích, ông Lê Xuân Nam, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Không phải ngẫu nhiên mà Nhân dân xã Đông Hoàng tôn thờ Cao Sơn, thần Phan Độc Giác, những vị thần xả thân chống giặc ngoại xâm được các triều đình phong kiến phong sắc ghi công. Qua việc thờ phụng các thần để nhắc nhở và giáo dục cháu con về truyền thống yêu nước, thương nòi luôn là mạch nguồn xuyên suốt, thẳm sâu trong cốt cách của người Đông Hoàng, của vùng đất Đông Sơn từ bao thế kỷ nay”.
Gần 350 hộ gia đình trong thôn nói riêng và những người con Đông Hoàng rất vui mừng vì đền thờ Tướng quân Phan Độc Giác được sửa chữa. Không giấu cảm xúc của mình, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng thôn Cẩm Tú nói: "Không lâu nữa, chúng tôi sẽ được đón ngài vào nhà mới trong một không gian thoáng đãng và sạch đẹp. Niềm vui ấy không chỉ với bà con Nhân dân đang sống ở thôn mà cháu con phương xa về cũng được ấm lòng”.
Bài và ảnh: HUYỀN CHI
Bài viết có sử dụng tư liệu sách Lịch sử Đảng bộ xã Đông Hoàng (1930-2020), NXB Thanh Hóa, 2020.
{name} - {time}
-
2025-01-10 14:43:00
Thôn Rộc Răm tự hào có lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy
-
2025-01-03 10:12:00
Về đất cổ Kẻ Rủn
-
2024-03-15 10:23:00
Quận công Lê Phúc Hoạch
Lễ hội truyền thống Đền Nưa - Am Tiên, Xuân Giáp Thìn 2024
Trên đất làng Quan Nội
Cuộc dạo chơi nên duyên với chèo
Nhân kiệt địa linh thiên cổ
Về nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thiệu Hóa
Trên đất An Lạc Châu
Người giữ gìn văn hóa dân tộc Thổ
Những “cây cao bóng cả” của nghệ thuật hát bội
Chủ tịch Tập đoàn DVA tặng quà tết cho người nghèo huyện Ngọc Lặc