(Baothanhhoa.vn) - Trong đời làm báo của mình, mỗi phóng viên, nhà báo, từ việc tìm kiếm đề tài, tiếp cận tư liệu, tìm hiểu nhân vật... tất cả đều lưu lại nhiều kỷ niệm vui, buồn, là hành trang quý giá để họ trách nhiệm hơn với nghề, đam mê và cảm thấy yêu nghề hơn...

Tự hào nghề báo

Trong đời làm báo của mình, mỗi phóng viên, nhà báo, từ việc tìm kiếm đề tài, tiếp cận tư liệu, tìm hiểu nhân vật... tất cả đều lưu lại nhiều kỷ niệm vui, buồn, là hành trang quý giá để họ trách nhiệm hơn với nghề, đam mê và cảm thấy yêu nghề hơn...

Minh Hằng (phóng viên Báo Thanh Hóa): Vượt qua giới hạn “nhà báo địa phương”

Tự hào nghề báo

Tôi không biết, bản thân mình may mắn hay không khi được làm việc tại một tờ báo Đảng địa phương - điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Bởi trong tâm thức của bản thân, cũng như bạn bè của tôi thời đó luôn nghĩ rằng, công tác tại những cơ quan báo chí Trung ương sẽ được tiếp cận những phương thức truyền thông mới nhất, cũng như thỏa sức sáng tạo, “bay nhảy” và là nơi có điều kiện tốt nhất để thể hiện được tiếng nói phản biện của báo chí. Vậy nhưng, hơn 10 năm làm nghề tại báo Đảng địa phương, tôi nhận ra rằng, đây là môi trường tốt để tôi rèn luyện bản lĩnh chính trị, sự trung thực đối với ngòi bút - yếu tố cốt yếu nhất ở một người làm báo.

Mảnh đất quê hương xứ Thanh đang từng ngày “thay da đổi thịt”, và tôi luôn tự hào, vì mình được trở thành một phần nhỏ bé trong hành trình đưa tên tuổi của quê hương trên mặt trận truyền thông cho hàng ngàn độc giả, doanh nghiệp, nhà đầu tư biết về Thanh Hóa. Hơn 10 năm công tác tại Báo Thanh Hóa, cũng là thời gian tôi chứng kiến hành trình đổi mới một cách “ngoạn mục” của tờ báo. Báo in không chỉ thêm nhiều ấn phẩm mới đặc sắc, với bút pháp đa dạng, ảnh đẹp, trình bày hấp dẫn, nhận được nhiều khen ngợi của độc giả, mà báo điện tử Thanh Hóa cũng trở nên kịp thời, nhanh nhạy, bắt kịp xu hướng truyền thông multimedia. Và những năm gần đây, phóng viên chúng tôi đã “kịp” được tòa soạn đào tạo, trang bị nhiều kỹ năng để trở thành những phóng viên đa phương tiện. Không chỉ tác nghiệp tin thời sự nhanh, chính xác để các tin tức sẽ được “lên” mặt báo điện tử nhanh nhất có thể, mà còn chủ động kết hợp thêm các phương thức thể hiện mới để mang lại sự sống động cho tác phẩm của mình. Theo đó, các tin tức nóng hổi, đang được dư luận quan tâm phần lớn cũng được xuất hiện trên Báo Thanh Hóa sớm hơn các phương tiện truyền thông khác, hay một số tờ báo Trung ương có cơ quan thường trú tại Thanh Hóa.

Là phóng viên mảng kinh tế, tôi biết đây là một lĩnh vực khó, khô khan và chuyên sâu, đòi hỏi phải có kiến thức cơ bản về kinh tế và kiến thức được truyền tải trong bài báo phải để cho đông đảo bạn đọc thông hiểu, mang một giá trị nhất định. Chúng tôi thường chia sẻ với nhau nhà báo kinh tế “vừa viết vừa học”. Bắt tay vào một đề tài mới, lĩnh vực khó, chúng tôi thường nghiên cứu kỹ lưỡng để khai thác nhiều góc độ vấn đề thấu đáo, sâu sát hơn.

Nhiều anh chị đồng nghiệp của tôi thường nói rằng, vinh quang đến với họ không phải là những giải thưởng, mà chính là ngọn lửa cháy với nghề. Những chuyến đi thực tế luôn là trải nghiệm tuyệt vời. Nghề báo, với mỗi phóng viên đều không ngại khó, ngại khổ, lăn lộn với cơ sở kịp thời phản ánh hơi thở của cuộc sống, là cầu nối đưa những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đến với Đảng, Nhà nước và ngược lại.

Nghề báo, vẫn được gọi là nghề nghiệt ngã, nghề của sự hy sinh. Công việc không kể thời gian, có thể lúc mọi người nghỉ ngơi lại là lúc phóng viên bắt tay vào viết, truyền tin, bài về cơ quan để biên tập kịp thời, lên trang. Và rồi sau mỗi bài viết ấy, các phóng viên lại bắt tay ngay vào việc khai thác tin, bài và lập kế hoạch cho số báo tiếp theo.... Tuy nhiên, chính “lĩnh vực khô khan” này đã rèn cho tôi sự cẩn trọng, chỉn chu hơn trong từng câu chữ; giúp tôi hiểu hơn đằng sau mỗi bài viết, hay một tin ngắn, là công sức của cả tòa soạn với rất nhiều người thầm lặng làm việc từ sớm đến tận đêm khuya... Tất cả đều yêu cầu sự cẩn trọng, chính xác, để cung cấp cho độc giả những tin tức kịp thời, những bài báo chất lượng.

Minh Hải (phóng viên Văn phòng Báo Thanh Niên khu vực Bắc Trung Bộ): Mỗi nhân vật, mỗi bài báo là một dấu ấn khó phai của nghề

Tự hào nghề báo

Làm báo không chỉ đơn giản là hoàn thành công việc, mà còn cho tôi vốn sống quý giá qua từng lần đi tác nghiệp, qua từng câu chuyện, từng nhân vật khi tiếp xúc. Trải qua 15 năm làm báo, với hàng ngàn tác phẩm, có những kỷ niệm sẽ chẳng bao giờ quên được.

Cách đây đã 8 năm, nhưng lần tác nghiệp vụ 3 phu vàng bị ngạt khí có lẽ là kỷ niệm sâu sắc nhất trong 15 năm làm nghề của mình. Nhận tin 3 phu vàng bị ngạt khí trong một hang sâu trên đỉnh núi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, đêm ngày 5/6/2016, tôi đã cùng một số phóng viên cơ quan báo chí khác di chuyển hơn 80km từ TP Thanh Hóa đến huyện miền núi Bá Thước để sáng hôm sau kịp đến hiện trường. Tôi được người dân địa phương và một cán bộ huyện Bá Thước dẫn đi xuyên qua nhiều cánh rừng, dãy núi đá tai mèo. Và phải mất hơn 4h đồng hồ mới từ trung tâm bản Kịt đến hang Nước - nơi xảy ra vụ ngạt khí. Đến nơi thì đã quá trưa, trời bắt đầu kéo mây đen, buộc chúng tôi phải tác nghiệp nhanh trong khoảng thời gian gần 1 giờ đồng hồ để kịp xuống núi, nếu không khi trời tối sẽ không biết đường ra. Trong chưa đầy 1 ngày, tôi và một số đồng nghiệp đã phải đi bộ gần 9 giờ đồng hồ xuyên núi, rừng. Suốt nhường ấy thời gian không được ăn, nghỉ, chỉ thi thoảng uống nước cầm hơi nên khi xuống đến trung tâm bản Kịt, chúng tôi ai cũng mệt lả, kiệt sức, nằm giữa bãi đất và mừng vì biết mình vẫn còn sống.

Thêm một kỷ niệm nữa, là lần vượt hơn 3 giờ đồng hồ đường rừng, núi để vào bản Sa Ná của xã biên giới Na Mèo (huyện Quan Sơn) - nơi xảy ra trận lũ quét kinh hoàng sáng ngày 3/8/2019, đã cuốn trôi 15 người dân và hơn 20 căn nhà. Khi đến nơi, chứng kiến những khuôn mặt khắc khổ của cả người già lẫn trẻ nhỏ đang gào khóc trong ai oán vì mất người thân, vì tất cả tài sản đã biến mất trong phút chốc khiến tôi không thể cầm lòng. Những tiếng khóc đó như xé toạc không gian tĩnh lặng của núi rừng miền Tây, và rồi đi vào vô vọng khi người thân của họ mãi mãi không trở về.

Không ít kỷ niệm buồn, nhưng cũng chẳng ít kỷ niệm vui trong quãng thời gian làm báo. Hạnh phúc của người làm báo với tôi có lẽ là mong sao từ tác phẩm của mình có thể thay đổi được cuộc đời một ai đó. Cuối năm 2019, tôi thực hiện bài viết kêu gọi ủng hộ trường hợp em P.T.H (ở xã Định Thành, huyện Yên Định) bị ung thư tuyến mang tai phải cần số tiền rất lớn để mổ gấp. Hoàn cảnh gia đình H. vô cùng khó khăn, mẹ H. bị trầm cảm và không đủ sức khỏe để làm việc, ông ngoại H. đã ngoài 90 tuổi nằm liệt giường. Sau bài viết, bạn đọc Báo Thanh Niên đã ủng hộ hơn 230 triệu đồng để H. chữa bệnh và giúp gia đình vơi bớt khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ của bạn đọc, đến nay bệnh tình H. đã ổn định và cô đang là sinh viên sắp tốt nghiệp ngành luật của một trường đại học.

Mỗi nhân vật, mỗi tác phẩm báo chí với người làm báo như tôi là một kỷ niệm. Kỷ niệm vui có, buồn có, từ đó giúp cho mình có kinh nghiệm hơn trong cuộc sống và công việc.

Hoàng Mai (phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa): Nghề báo - nghề của những trải nghiệm

Tự hào nghề báo

Nếu có người hỏi tôi thích điều gì nhất trong nghề nghiệp của mình?, tôi sẽ chẳng do dự mà nói ngay đó là những chuyến đi. Đi để kịp thời nắm bắt thông tin, tuyên truyền về cuộc sống muôn màu trên sóng phát thanh truyền hình; đi để tìm đề tài, chất liệu báo chí và lắng nghe, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân. Mỗi chuyến đi, đều mang đến cho người làm báo như tôi nhiều trải nghiệm thú vị, giúp mình trưởng thành hơn trong nghề.

Ngay từ hồi THPT, khi đăng ký nguyện vọng vào trường báo chí, mẹ tôi từng nói, con gái chọn nghề báo là vất vả, đi lại nhiều, phải có sức khỏe, rồi sau này chồng con, gia đình thế nào? Khi đó, tôi nói với mẹ “Nghề báo là nghề con thích, con thích được đi đây đó, trải nghiệm nhiều về cuộc sống”.

Gần 13 năm gắn bó với Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, nơi đây đã trở thành mái nhà chung để cho tôi học tập, rèn luyện ngòi bút của mình. Nghề báo, bên cạnh những ngày vui, bên cạnh những chuyến đi mang về đầy ắp thông tin, hình ảnh đẹp về cuộc sống, quê hương, đất nước, thì cũng không ít những chuyến đi dù có lịch hẹn trước vẫn bị từ chối làm việc, từ chối cung cấp thông tin; phóng viên gặp phải những con người có hành xử thiếu văn hóa, không tôn trọng nhà báo... Nhưng hơn hết, sau mỗi chuyến đi, những phóng viên như tôi đều tìm được những điều thú vị, độc đáo, tươi đẹp kể cho thính giả. Nghề báo là nghề vất vả, áp lực nhưng nghề báo cũng mang lại cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc, niềm tự hào và cả sự vinh quang khi được gắn bó, đam mê với công việc mình yêu thích.

Là phóng viên phát thanh phụ trách mảng An ninh quốc phòng, thường xuyên được tiếp xúc với lực lượng quân đội, công an, biên phòng được nghe những câu chuyện của các chiến sĩ để hiểu hơn về những khó khăn, vất vả, sự hy sinh của các anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, những chuyến công tác ở miền núi đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Đó là vào tháng 8/2022, trong chuyến công tác ở bản Tà Cóm, xã Trung Lý (Mường Lát). Để vào được bản, chúng tôi phải đi từ trung tâm huyện khoảng 50km, qua địa bàn xã Mường Lý, rồi tiếp tục dùng đò vượt qua lòng hồ thủy điện Trung Sơn vài km nữa để vào bản Tà Cóm, đây là địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy. Có đến đây, chúng tôi mới cảm nhận được sự nguy hiểm, tính phức tạp của mảnh đất này, trước đó 1 năm, Thiếu tá Vi Văn Luân, Công an huyện Mường Lát đã anh dũng hy sinh trong quá trình truy bắt tội phạm ma túy. Chuyến đi đã giúp tôi và đồng nghiệp thấy được sự vất vả, khó khăn và càng khâm phục sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ, chiến sĩ. Đây chính là chất liệu để tôi sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng. Và tác phẩm “Chuyện cắm bản ở Tà Cóm” đã đạt giải C Búa liềm vàng cấp tỉnh năm 2022.

Còn nhớ kỷ niệm, hồi tháng 5/2021, thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cũng là thời điểm diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tôi được lãnh đạo phân công phản ánh trực tiếp trên sóng phát thanh về không khí bầu cử ở khu cách ly tập trung huyện Thường Xuân. Khi nhận nhiệm vụ, tôi cũng rất lo lắng, làm thế nào vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa cung cấp thông tin cho thính giả một cách nhanh nhất. Do tác nghiệp trong khu cách ly, chúng tôi không được tiếp xúc với công dân đang thực hiện cách ly. Trong cái khó “ló” cái khôn, tôi đã phát huy hiệu quả lợi thế của loại hình phát thanh để thực hiện nhiệm vụ: Đó là thực hiện những cuộc phỏng vấn cử tri qua điện thoại để phản ánh tâm tư nguyện vọng của cử tri vào những đại biểu dân cử cũng như trách nhiệm của cử tri trong việc chấp hành tốt các quy định phòng chống dịch COVID-19 trong khu cách ly và khi bầu cử. Nhờ đó, mà tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, đưa tin kịp thời đến thính giả về niềm vui, phấn khởi của cử tri được thực hiện quyền công dân trong khu cách ly.

Đối với người làm báo, niềm vui, hạnh phúc khi những đứa con tinh thần của mình sáng tạo ra đã được thính giả đón nhận và đã có những tác phẩm đạt giải cao trong các cuộc thi do Trung ương và của tỉnh tổ chức. Gần đây nhất là năm 2022, tôi đã đạt Huy chương Bạc Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ 15 với tác phẩm “Đánh thức ban mai”; Giải 3 báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2022 với tác phẩm “Người đồng hành”; Giải Khuyến khích Giải báo chí toàn quốc về công tác xây dựng đảng 2023; giải B và C báo chí Trần Mai Ninh năm 2021; Giải C cuộc thi “Những tấm gương điển hình làm theo lời Bác” (nhân kỷ niệm 75 năm Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa)... Đây là những phần thưởng, động lực để tôi tiếp tục nỗ lực, khắc phục khó khăn giữ ngọn lửa đam mê với nghề.

Vân Anh (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]