Trên đất Kẻ Đinh
Kẻ Đinh (hay còn gọi là Bản Đanh, Kẻ Đanh) là quê hương của Thái Bảo đại vương Lê Đình Kiên, người góp phần xây dựng Phố Hiến trở thành thương cảng lớn phồn vinh, sầm uất, chỉ đứng sau Kinh Kỳ.
Đền thờ Thái Bảo đại vương Lê Đình Kiên tại khu phố Thiết Đinh, thị trấn Quán Lào (Yên Định). Ảnh: Vân Anh
Theo các cao niên trong làng, thì làng Kẻ Đinh xưa được lập từ thời tiền Lê. Làng được xây dựng với hệ thống đường, ngõ xóm như một chiếc thang lớn 10 bậc, mỗi bậc tương ứng với một ngõ: ngõ Nghè, ngõ Cồn, ngõ Ao, ngõ Ba, ngõ Đình, ngõ Đá, ngõ Mới, ngõ Eo, ngõ Ngoài, ngõ Phủ, (riêng ngõ Cụt mới được mở sau này). Hộ dân trong làng khi dựng nhà ở, mặt tiền đều ngoảnh theo đường chính, là hướng Đông Nam, một hướng ở mát mẻ, hợp với phong thủy. Cấu trúc này phù hợp với việc lưu trú và có khả năng bảo vệ cao, sẵn sàng đối phó và ứng cứu lẫn nhau khi hỏa hoạn, đạo tặc bất ngờ xảy ra. Sau này, cụ Lê Đình Kiên đã mô phỏng kiểu kiến trúc này đưa ra Hưng Yên và lập ra tứ xã Bản, chợ Bản.
Sau những thăng trầm, đổi thay, làng Kẻ Đinh xưa, nay là khu phố Thiết Đinh (thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định). Theo sử cũ và gia phả dòng họ Lê ở Thiết Đinh, Lê Đình Kiên từ nhỏ là một cậu bé có tư chất thông minh, bố mất sớm, sống với mẹ. Lê Đình Kiên làm quan dưới thời Lê Trịnh, triều vua Vĩnh Tộ. Ông là vị quan tài năng, đức độ, không những có tài về cai trị mà còn giỏi thương nghiệp ngoại giao. Năm Giáp Thìn 1664, khi 44 tuổi, ông nhận lệnh triều đình ra làm trấn thủ vùng Sơn Nam (tức vùng Thái Bình, Hưng Yên). Tại đây, bằng tài năng quân sự ông đã dẹp yên được quân Tàu Ô, bằng năng lực về quản lý, phát triển kinh tế, xây dựng đô thị, ông đã xây dựng nên một Phố Hiến thành thương cảng sầm uất, nhộn nhịp, nổi tiếng trong câu ca “thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Ông thay mặt triều đình giao thiệp và cộng tác với các thương điếm ngoại quốc để buôn bán ở phố này, có cả người Hà Lan, Nhật Bản, Thái Lan... Ông đã chiêu tập những Hoa kiều, cho họ mở mang kinh doanh, đặt tên phường là Vạn Lai triều. Ông cho thi hành những chính sách thương nghiệp và thuế khóa hợp lý, làm cho các thương khách nức lòng, hợp tác buôn bán với người Việt. Với công lao đó, Lê Đình Kiên trải qua nhiều chức, tước, đạt đến Hứa đô đốc thiếu bản, Tước Quận công hàm Thái Bảo.
Theo sử sách ghi lại, điều đáng quý ở Lê Đình Kiên là ông ổn định xã hội, dẹp trộm cướp không chỉ bằng pháp luật mà còn bằng cả tấm lòng bao dung nhân ái. Ông nổi tiếng là người có tài xét kiện. Bọn trộm cướp truyền tin nhau không dám quấy phá khu vực ông cai quản, nhiều kẻ có tội gặp ông để đầu thú và xin hoàn lương, việc kiện tụng nhờ đó cũng giảm.
Vì thế, khi ông mất vào năm 1704, cả người Việt và người nước ngoài ngụ ở Phố Hiến đều tiếc thương. Ông được truy tặng Thái Bảo, truy phong Phúc thần. Hiện, còn 2 văn bia ghi công ơn ông, một do Trưởng tài Nam Hải là Trần Đế Đào (người Phúc Kiến, Trung Quốc) dựng năm 1723, một do người địa phương dựng vào năm 1727. Nội dung 2 tấm bia cơ bản giống nhau, đều ca ngợi công đức, coi ông ngang với những bậc trung thần nghĩa sĩ.
Đền thờ Thái Bảo đại vương Lê Đình Kiên tại khu phố Thiết Đinh đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1994. Đền vừa được tu sửa vào năm 2021 và khánh thành vào năm 2023. Trong đền vẫn còn lưu hai đôi câu đối ca ngợi công trạng và đức độ của ông: Đại đức tứ dân, danh tại sử/ Sinh vi lương tướng tử vi thần (Đức ở trong dân, danh lưu sử sách/ Sống là ông tướng tốt, chết thành thần); và: Trị sự liêm bình, kim cổ đan thanh tuế tích/ Tại nhân đức trạch, Bắc Nam kim thạch minh danh (Việc cai trị công bằng và liêm chính mãi mãi tiếng ghi sử sách/ Đức lớn cho dân cậy, cả Việt Nam lẫn Trung Hoa danh khắc vào đá vàng).
Theo ông Lê Xuân Việt, trưởng khu phố Thiết Đinh thì tài năng và đức độ của Thái bảo Lê Đình Kiên không những sử sách đã ghi nhận mà còn mãi trong tâm thức dân gian, với những câu chuyện truyền ngôn mà bao đời con cháu ở Thiết Đinh vẫn lưu nhớ. Đó là truyền thuyết về “áng mây không bay” một điềm trời báo hiệu nhân tài xuất hiện; truyện “voi chiến quy phục” kể về tài quân sự của ông; “về thăm quê” một câu chuyện cảm động về đạo hiếu của người con dành cho mẹ trong một lần về thăm quê; “một vụ điều tra xử kiện” câu chuyện về tài trí, ứng biến, linh hoạt của ông khi xử án... Hằng năm vào ngày 12/2 (âm lịch) là ngày giỗ của Thái Bảo, Nhân dân địa phương thành kính tế lễ với tất cả niềm biết ơn và ngưỡng vọng. Những ngày này, con cháu khắp nơi đều trở về đông đủ, là dịp để mọi người nhắc nhớ công lao của Thái Bảo đại vương Lê Đình Kiên”.
Ông Lê Đình Thìn, hậu duệ của cụ Lê Đình Kiên, người đang trực tiếp trông coi đền, cho biết: “Được sự quan tâm của chính quyền, đền thờ được tu sửa khang trang, con cháu trong dòng họ đều vui mừng. Cụ tổ là một nhân tài về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực thương nghiệp. Cụ đã vượt lên trên sự hạn chế của tư tưởng “ức thương” thời phong kiến để phát triển nền thương nghiệp nước nhà. Và hôm nay, trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, cụ mãi là tấm gương sáng ngời cho con cháu đời sau học tập, noi theo”.
Vân Anh
{name} - {time}
-
2024-12-20 09:32:00
Cha con danh sĩ Lê Quát - Lê Giốc trên đất Kẻ Rỵ xưa
-
2024-12-13 09:21:00
Trên đất làng cổ Quần Thanh
-
2024-12-06 14:06:00
Thái bảo Thọ Quận công Cao Tư