Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, làm tốt công tác cán bộ là một trong những liều thuốc đủ mạnh để trị tình trạng cán bộ yếu kém, trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Cần “liều thuốc đủ mạnh” điều trị tình trạng cán bộ yếu kém

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, làm tốt công tác cán bộ là một trong những liều thuốc đủ mạnh để trị tình trạng cán bộ yếu kém, trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Cần liều thuốc đủ mạnh điều trị tình trạng cán bộ yếu kém

Người dân đến thực hiện thủ tục hành chính được cán bộ viên chức phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, hướng dẫn nhiệt tình. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc (ngày 1/12/2024) tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả,” Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải có liều thuốc đủ mạnh để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu, hành dân, hành doanh nghiệp, có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho sợ trách nhiệm.

Một trong những “liều thuốc đủ mạnh” để trị tình trạng cán bộ yếu kém chính là làm tốt công tác cán bộ.

Công tác cán bộ là “gốc rễ của gốc rễ” bởi việc lựa chọn cán bộ giống như kỹ thuật chọn giống trong nông nghiệp: giống tốt thì cây lớn lên khỏe mạnh, giống xấu hoặc bị nhiễm bệnh thì cây sẽ còi cọc.

Chọn lựa cán bộ sai tất yếu sẽ gây ra những hậu quả rất nặng nề, làm suy giảm năng lực lãnh đạo, mất uy tín của Đảng, suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Cần liều thuốc đủ mạnh điều trị tình trạng cán bộ yếu kém

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Những người bất tài, phẩm chất đạo đức kém được đưa vào các vị trí quan trọng thì sớm muộn họ cũng sa vào tội tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, hành dân, sợ trách nhiệm... làm tổn hại đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những người “thành đạt” do chạy chức, chạy quyền tất yếu có tâm lý không quan tâm tới việc trau dồi nghiệp vụ, đạo đức mà chỉ lo xây dựng “mối quan hệ” bởi họ quen dùng tiền để giải quyết mọi vấn đề.

Để chấn chỉnh việc chấp hành các nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ, ngày 11/7/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Trong khái niệm “tham nhũng, tiêu cực về công tác cán bộ”, Bộ Chính trị nhấn mạnh tới tình trạng “chạy chức, chạy quyền.”

Theo Quy định số 114-QĐ/TW, hành vi chạy chức, chạy quyền là việc môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích khác nhằm mục đích có được sự ủng hộ; chạy tuổi, chạy danh hiệu thi đua, bằng cấp... nhằm đạt đủ tiêu chuẩn, điều kiện để có được chức vụ, quyền lợi; lợi dụng các mối quan hệ thân quen để tác động, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm, nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Để tránh “tham nhũng, tiêu cực về công tác cán bộ”, Quy định số 114-QĐ/TW đã làm rõ khái niệm về quyền lực trong công tác cán bộ và về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Quyền lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong các khâu liên quan đến công tác cán bộ, gồm tuyển dụng, đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí, phân công, bổ nhiệm, chỉ định, điều động; phong, thăng, giáng, tước quân hàm; đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức; khen thưởng, kỷ luật; kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ và phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Quy định số 114-QĐ/TW nêu rõ hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn là việc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình.

Hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn là việc để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng bản thân mình nhằm tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ.Hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn là việc lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ.

Quy định số 114-QĐ/TW quy định rất cụ thể trách nhiệm về công tác cán bộ đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tham mưu; trách nhiệm của cán bộ tham mưu; trách nhiệm của nhân sự.

Đây là cách làm mất thiêng câu thần chú “làm đúng quy trình,” “trách nhiệm tập thể” vì trách nhiệm ở từng cấp, từng cá nhân đã được chỉ rõ.

Quy định số 114-QĐ/TW phân định rõ việc xử lý trách nhiệm trong kiểm soát quyền lực và trong tham nhũng, tiêu cực về công tác cán bộ. Khi vi phạm về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ thì tập thể, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm nghiêm khắc theo quy định.

Công tác cán bộ quyết định sự thành bại của các chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước, trong đó có nhiệm vụ tinh gọn bộ máy.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Cần liều thuốc đủ mạnh điều trị tình trạng cán bộ yếu kém

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc vào ngày 1/12/2024 do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức, đồng chí Tổng Bí thư lại một lần nữa nhắc nhở về công tác cán bộ: Cấp ủy các cấp cần tập trung chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ mới theo đúng các nội dung đã được hướng dẫn, chuẩn bị thật tốt đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển mới.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự học hỏi để “nâng mình lên” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước, nếu không đáp ứng được thì tự nguyện đứng sang một bên để người khác làm.

Phải hết sức lưu ý khắc phục những “căn bệnh” của công tác cán bộ trước Đại hội như: Người không tái cử thì giữ an toàn, thủ thế, không dám triển khai cái mới; nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy khóa mới thì giữ mình, không muốn va chạm, sợ mất phiếu; tính toán cho người thân, người quen, người “cánh hẩu” với mình vào các vị trí lãnh đạo hoặc dùng “thủ thuật tổ chức” để gạt người mà mình không thích.

Quy định số 114-QĐ/TW - “liều thuốc đủ mạnh” về công tác cán bộ của Đảng - đã được Bộ Chính trị “kê đơn” từ giữa năm 2023 và nhận được sự đồng tình của cán bộ, đảng viên cũng như của toàn xã hội. Bởi vậy, dùng thuốc phải đúng liều, đúng chỉ định thì sẽ chống được bệnh./.

Theo TTXVN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]