“Tình Bác như ngàn hoa tỏa ngát”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với Thanh Hóa. Bởi Người đã 4 lần về thăm cũng như gửi thư thăm hỏi, động viên, biểu dương những thành tích của các cá nhân, địa phương và Đảng bộ, Nhân dân Thanh Hóa trong sản xuất và chiến đấu. Nhờ những tình cảm, sự động viên ấy mà Thanh Hóa đã và đang phấn đấu trở thành “tỉnh kiểu mẫu” như lời hứa với Bác năm xưa.
Xã Đông Khê hôm nay.
Từ những lá thư
Ngày 15/6/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng khen đồng bào xã Đông Anh, huyện Đông Sơn - Thanh Hóa đã giúp đỡ bộ đội địa phương nhiều nhất, cụ thể là ủng hộ 3.800.000 đồng. Cùng với giấy tặng khen, Bác Hồ đã gửi thư dặn dò: “Mỗi một người và toàn thể bộ đội địa phương phải ra sức thi đua học tập quân sự, chính trị, văn hóa, phải là những người kiểu mẫu, để xứng đáng với sự giúp đỡ và lòng yêu mến của đồng bào”.
74 năm đã trôi qua, Nhân dân Đông Anh (nay là xã Đông Khê) luôn nỗ lực phấn đấu để xây dựng xã đạt NTM kiểu mẫu như ngày hôm nay. Chia sẻ về hành trình này, ông Nguyễn Văn Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã Đông Khê, cho biết: Để hoàn thành mục tiêu xây dựng thành công xã NTM kiểu mẫu, xã Đông Khê đã huy động được 291 tỷ 818 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 2 tỷ 080 triệu đồng; ngân sách huyện 13 tỷ 495 triệu đồng; ngân sách xã 171 tỷ 487 triệu đồng; Nhân dân đóng góp 103 tỷ 391 triệu đồng và hàng nghìn ngày công, tự nguyện hiến 9.560m2 đất và các công trình phụ trợ để xây dựng đường giao thông nông thôn, hệ thống lòng lề đường trong khu dân cư, xây dựng tường rào thoáng... Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh phát triển sản xuất, ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân, phấn đấu năm 2024 bình quân thu nhập sẽ đạt trên 70 triệu đồng/năm và có 5 thôn đạt tiêu chí thôn thông minh.
Chỉ trong 3 năm XDNTM kiểu mẫu, từ thu nhập 54 triệu đồng/người/năm vào năm 2021 đến nay tăng lên khoảng 33%, đó là nhờ vào sự nỗ lực trong chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng lòng quyết tâm của toàn thể Nhân dân. “Chúng tôi mỗi khi có việc khó, việc chưa thuận đều nhắc nhở nhau về thời kỳ gian khổ trong chiến tranh mà người dân xã Đông Anh trước đây, nay là Đông Khê đã quyên góp tiền ủng hộ và được Bác Hồ gửi thư khen. Nay, XDNTM cho chính mình, cho các thế hệ con cháu mình thì phải làm hết sức, hết lòng, hết khả năng”, ông Nguyễn Văn Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ.
Xã Quang Chiểu (Mường Lát) cũng thật vinh dự khi ngày 20/2/1964 Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Bằng khen cho cán bộ và Nhân dân vì có nhiều thành tích bảo vệ vùng biên giới và xây dựng bản Mường. Đến bản Suối Tút, chúng tôi dừng chân lại nhà anh Phan Văn San, một gia đình có 3 thế hệ canh giữ cột mốc biên cương. Trước anh San, ông nội là già làng Phan Văn Xiết, rồi bố anh - Bí thư chi bộ bản Suối Tút Phan Văn Cấu đều đã từng bảo vệ cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc.
Trung tá Lê Đình Phú, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quang Chiểu, cho biết: Đứng chân trên địa bàn xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa, Đồn Biên phòng Quang Chiểu có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 46,7km đường biên giới, 22 mốc quốc giới trên địa bàn 2 xã Quang Chiểu và Mường Chanh (Mường Lát). Trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đạt được những kết quả trên, có một phần đóng góp không nhỏ của những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong địa bàn đơn vị quản lý.
Cách bản Suối Tút không xa, bản Pù Đứa cũng có 2 cha con già làng Lâu Văn Hự và người con là Lâu Văn Lâu đã trông coi bảo vệ cột mốc 304 nhiều năm. Và, còn rất nhiều già làng, người có uy tín khác đang canh giữ cột mốc nơi biên cương, động viên và giúp bà con phát triển kinh tế.
Chủ tịch UBND xã Vi Văn Hiện cho chúng tôi biết: “Xã Quang Chiểu có 1.235 hộ dân, gần 6.000 nhân khẩu. Hiện nay, cả xã còn 250 hộ nghèo, 103 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đạt 38,7 triệu đồng/người/năm. Nếu chỉ so với năm 2023 thì số hộ nghèo đã giảm là 6%, số hộ cận nghèo giảm 8,31%. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã giảm một phần do địa phương làm tốt công tác vận động Nhân dân xuất khẩu lao động; đồng thời tạo điều kiện để bà con chuyển đổi cây trồng, như: ở bản Suối Tút, Con Dao người dân đã trồng cam Lào; bản Sáng thì trồng dưa hấu vỏ sọ... đem lại nguồn thu nhập ổn định. Việc xây dựng bản Mường vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tiếp bước truyền thống cha ông chúng tôi luôn bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biên".
Và còn rất nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa dù chưa một lần được Bác đến thăm, nhưng những lá thư khen, động viên của Bác đã là động lực để mỗi cá nhân, mỗi tập thể phấn đấu, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng quê hương “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Đến những lần Bác về thăm
Năm 1947, mặc dù việc chỉ đạo kháng chiến chống Pháp vô cùng bộn bề nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định về thăm Thanh Hóa. Sáng 20/2/1947, Bác Hồ đã có mặt tại núi Rừng Thông (nay là thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn) để nói chuyện với cán bộ chủ chốt, thân sĩ, trí thức, các tầng lớp Nhân dân.
Trong buổi nói chuyện này, Bác Hồ bày tỏ mong muốn “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”.
Đặc biệt, Người còn căn dặn: “Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”. Để “sắp đặt” được, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh về truyền thống đoàn kết của dân tộc: “Ta thử xem kinh nghiệm lúc xưa, tổ tiên ta, đức Lê Lợi, Hưng Đạo trong cuộc chiến đấu nhiều trận thắng, cũng nhiều trận bại, nhưng rồi ta vẫn thắng, vì kiên gan và có sức đoàn kết”. Và đến lần thứ 2 về thăm Thanh Hóa (1957), trong bài nói chuyện với các đại biểu Nhân dân Thanh Hóa, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh về vai trò của đoàn kết trong sự nghiệp cách mạng ở nước ta: “Theo kinh nghiệm mấy năm nay bất kỳ khó khăn gì, bất kỳ công việc to mấy ta đoàn kết đều làm được hết cả...”. Lần thứ tư và cũng là lần cuối cùng về thăm Thanh Hóa (1961), nói chuyện với đồng bào, cán bộ, Bác khẳng định: “...Tỉnh ta có ngót 12 vạn đảng viên và đoàn viên, thanh niên lao động, đó là một lực lượng rất lớn. Cán bộ, đảng viên và đoàn viên, thanh niên cần phải thực sự xung phong gương mẫu tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu mệnh lệnh, chống lãng phí, tham ô... Ra sức phát triển và củng cố tốt Đảng và Đoàn; đoàn kết toàn dân cùng nhau thi đua tiến bộ. Làm được như thế thì Thanh Hóa chắc sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”. Bài ca “Kết đoàn” mà Bác đã bắt nhịp cho trên 3 vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang Thanh Hóa về dự mít tinh tại Sân vận động tỉnh trong ngày 12/12/1961, không chỉ là lời nhắc nhở mà còn là sự thôi thúc để Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa không ngừng nỗ lực thực hiện.
Suốt 77 năm qua kể từ lần đầu tiên Bác về thăm và làm việc tại Thanh Hóa, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đã đóng góp sức người sức của qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và vĩ đại của dân tộc; đồng thời tập hợp sức mạnh các lực lượng xây dựng và phát triển đất nước. Trong những năm gần đây, với sự đoàn kết, sự chủ động trong điều khiển sắp đặt, Thanh Hóa từ tỉnh nghèo đã vươn lên thành tỉnh có tốc độ phát triển hàng đầu cả nước. Kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ; thu hút nhiều tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào tỉnh. Tính riêng quý I năm 2024, tốc độ tăng trưởng (GRDP) của Thanh Hóa đạt 13,15% - là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng hai con số của cả nước. Toàn tỉnh có 13 đơn vị cấp huyện và 363 xã đạt chuẩn NTM, 97 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 23 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
“Tình Bác như ngàn hoa tỏa ngát” chính là sự động viên, là nguồn lực để Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, tranh thủ tối đa sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và các nguồn lực từ bên ngoài. Từ đó quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024 - năm tăng tốc bứt phá để về đích trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng ở phía Bắc của Tổ quốc, trở thành “tỉnh kiểu mẫu” như lúc sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Kiều Huyền
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-05-19 09:16:00
Sầm Sơn “...sẽ thu được nhiều của cải từ đây”
Làm theo lời Bác, Thanh Hóa phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu
Về những nơi in dấu chân Người
Tháng 5 về thăm quê Bác
Nhớ Bác, nguyện cùng Người vươn tới mãi
Ký ức thời hoa lửa
Đại thắng mùa xuân 1975 - Khát vọng thống nhất đất nước
“Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”
Đi qua chiến tranh
Lạch Trường: Từ lịch sử hào hùng đến điểm du lịch hấp dẫn