Thiệu Hóa chủ động công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Trước tình hình thời tiết, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, huyện Thiệu Hóa đã chủ động triển khai các giải pháp trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2024 với phương châm phòng ngừa là chính, mục tiêu chuyển từ thế bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, hướng tới xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai, sự cố, giữ vững thành quả phát triển kinh tế - xã hội.
Xã Thiệu Vũ thực hiện phát quang mái đê.
Là địa phương nằm dọc tả ngạn sông Chu, xã Thiệu Vũ có toàn tuyến đê phần lớn sát dòng chảy của sông, phía đồng lại có 3 hồ lớn, nhất là đoạn đê từ km23 đến km25+200 có hệ thống trạm bơm điện, dòng chảy của dòng sông chảy thẳng vào mái đê. Vì vậy, xã đã tăng cường tuyên truyền đến người dân về công tác PCTT, khuyến cáo người dân dự trữ lương thực, thực phẩm đề phòng mưa lũ kéo dài và sống chung với lũ... Đồng thời, chủ động lên kế hoạch thực hiện, nhất là xây dựng phương án di dân chi tiết chủ động, an toàn và có tính khả thi. Xã đã kiện toàn ban chỉ huy PCTT, phân công công việc cụ thể cho từng thành viên và các lực lượng như xung kích cơ động, canh đê, an ninh, TKCN... nhất là huy động nội lực và sức dân, sẵn sàng ứng phó với thiên tai theo phương án “4 tại chỗ”.
Ông Trịnh Việt Quang, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Thiệu Vũ, cho biết: "Xã đã tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng các công trình đê, đường giao thông, hệ thống thủy lợi, đường điện, thông tin liên lạc... để kịp thời sửa chữa. Bên cạnh đó, xây dựng các tình huống có thể xảy ra trên đê, cống qua đê trạm bơm, chặn lũ, di rời dân... Từ đó lên phương án dự bị, sẵn sàng đối phó khi có tình huống xảy ra. UBND xã dự trữ khoảng 10 tấn gạo, 500kg muối ăn, 300 lít dầu hỏa, thuốc chữa bệnh... để đáp ứng tình huống khi chưa có viện trợ; phân bổ vật liệu, phương tiện cứu nạn cho các thôn...".
Huyện Thiệu Hóa có 3 sông lớn chảy qua là sông Mã, sông Chu, sông Cầu Chày với trên 102,2km đê từ cấp V đến cấp I, cùng nhiều công trình kè, cống được hình thành từ lâu. Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại do thiên tai gây ra trong những năm trước, để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả, ngay từ những tháng đầu năm 2024, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các đơn vị trên địa bàn xây dựng và triển khai nhiệm vụ PCTT&TKCN năm 2024; nhất là chuẩn bị các phương án bảo vệ nhà cửa, công sở, trường học, bệnh viện, khu nuôi trồng thủy sản, sơ tán dân sinh sống khu vực ngoài bãi sông... Huyện cũng rà soát, kiện toàn bộ máy ban chỉ huy và phân công rõ nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; kiện toàn lực lượng xung kích PCTT...
Theo đó, huyện đã giao cho các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, trường học kiểm tra, rà soát lại tất cả các công trình, nhà cửa, kho tàng, bến bãi để kịp thời sửa chữa, khắc phục những hư hỏng xong trước mùa mưa bão. Bên cạnh đó, tổ chức huy động lực lượng nạo vét kênh mương, khơi thông luồng lạch, phá bỏ mọi ách tắc gây cản trở việc tiêu thoát lũ; có phương án khơi thông, mở rộng mặt cắt, không để xảy ra tắc nghẽn dòng chảy tạo ra lũ quét đột ngột. Song song với đó, huyện đã tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, hồ đập, kênh mương, các trạm bơm tiêu, các công trình phục vụ phòng chống lũ, ngập lụt để từ đó có phương án xử lý, khắc phục đảm bảo an toàn khi có mưa, lũ, bão xảy ra. Kiện toàn các đội tuần tra canh gác đê, lực lượng xung kích, cứu thương... phân công giao nhiệm vụ, trách nhiệm, vị trí cụ thể cho từng bộ phận và cá nhân; tổ chức tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ cho lực lượng canh đê và lực lượng xung kích hộ đê.
Ông Trịnh Đức Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thiệu Hóa, cho biết: "Khi có bão gần hoặc mưa to phải phân công lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên thường trực tại cơ quan 24/24 giờ, các ngành y tế, viễn thông, bưu điện, công an huyện, điện lực... ngoài kế hoạch chỉ đạo, cũng được chỉ đạo xây dựng một đội ứng cứu cơ động để chi viện khi có lệnh. Trong tháng 6, các xã, thị trấn và Nhân dân chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, hậu cần phục vụ công tác PCTT&TKCN, riêng cây tre các xã phải tập kết tại kho được tối thiểu 10% số lượng, số còn lại phải có hợp đồng cung ứng và đảm bảo sử dụng, hướng dẫn các gia đình phải dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm để sử dụng trong những ngày bão lũ từ 2 - 3 ngày, chuẩn bị máy phát điện, đèn, bình ắc quy đảm bảo ánh sáng phục vụ ứng phó các tình huống sự cố ban đêm bị mất điện".
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:12:00
Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP Thanh Hóa
-
2024-11-21 14:18:00
Như Thanh nỗ lực chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số
-
2024-06-09 10:03:00
[Multimedia] Lấp mương, làng lo... lỡ vụ lúa
Bỗng nhiên đổ đất lấp mương, hàng chục ha ruộng chưa thể gieo cấy
Lan toả giá trị văn hoá đọc và tình yêu âm nhạc
Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tuyên dương danh hiệu “Ngàn hoa việc tốt”
Điện lực Nông Cống động viên, hỗ trợ các đơn vị thi công đường dây 500 kV mạch 3
Hội thao công nhân, viên chức, lao động huyện Hà Trung năm 2024
Mô hình tiết kiệm vì phụ nữ nghèo ở thị trấn Nga Sơn
Quan Sơn phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách
Đòi quyền lợi cho... việc làm sai
Đề xuất quy định ôtô chở học sinh phải lắp thiết bị quan sát khu vực hành khách