Thị trường lao động nhộn nhịp cuối năm
Năm 2023 được đánh giá là năm khó khăn đối với cả doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) bởi nhiều biến động thị trường. Tuy nhiên bước vào dịp cuối năm, đã có nhiều DN tìm kiếm được đơn hàng mới, từ đó gia tăng tuyển dụng, góp phần tạo thêm việc làm cho NLĐ.
Tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động tại Phiên giao dịch việc làm trên địa bàn thị xã Nghi Sơn. Ảnh: Trần Hằng
Từ đầu quý III đến nay, sau khi ký kết được thêm nhiều đơn hàng, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nội thất Đại Phát (TP Thanh Hóa) đã tổ chức tăng ca và tuyển thêm 10 công nhân tinh chế, 5 công nhân lắp ráp và 6 thợ sơn mới. Đối với công nhân tinh chế và lắp ráp, công ty yêu cầu NLĐ phải có kinh nghiệm và chuyên môn có liên quan từ 6 tháng đến 1 năm; còn đối với thợ sơn thì chỉ cần trong độ tuổi lao động, có sức khỏe, chăm chỉ, chịu khó, nếu chưa có tay nghề sẽ được công ty đào tạo. Theo ông Nguyễn Thọ Dũng, Giám đốc công ty: "Thời điểm cuối năm, để tuyển lao động chất lượng thật sự rất khó nên sau khi đánh giá sơ bộ về tình hình đơn hàng, chúng tôi đã tăng tốc tuyển dụng ngay. Để thu hút NLĐ, công ty cũng đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ tốt như trợ cấp 5 triệu đồng/tháng thử việc, phụ cấp bữa trưa 20.000 đồng/suất, xăng xe đi lại 200.000 đồng/tháng và thưởng lương tháng 13".
Không chỉ các DN sản xuất, tại các DN, cơ sở kinh doanh khác, việc tuyển dụng thêm lao động cũng khá nhộn nhịp. Theo tìm hiểu của phóng viên, dịp cuối năm nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ tương đối lớn nên tại nhiều cơ sở làm đẹp như spa, thẩm mỹ viện đã có nhiều nơi treo biển tuyển nhân viên, đơn cử như hệ thống gội đầu dưỡng sinh Dolami spa (TP Thanh Hóa). Theo chị Nguyễn Như Ngọc, quản lý spa cho biết, vào thời điểm cuối năm, trung bình một ngày sẽ có khoảng 15 - 20 lượt khách nhưng tại 2 chi nhánh làm đẹp lại chỉ có 8 kỹ thuật viên. Chính vì sự bất cập này nên spa đã quyết định tuyển thêm 10 lao động chính và 5 lao động thời vụ dành riêng cho đợt lễ tết sắp tới với mức thu nhập khá. Ngoài đăng tin tuyển dụng qua các trang mạng xã hội, spa còn đăng ký tuyển dụng với trung tâm dịch vụ việc làm và treo biển thông báo ngay tại cửa hàng.
Người lao động trong ca sản xuất cuối năm tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nội thất Đại Phát (TP Thanh Hóa).
Là người đã có hơn 5 năm kinh nghiệm trong nghề gội đầu dưỡng sinh ở quê nhà Hoằng Hóa nhưng vì tình hình kinh tế khó khăn, chị Nguyễn Bích Diệp đã quyết định nghỉ để xin việc làm tại hệ thống gội đầu dưỡng sinh Dolami spa với mức thu nhập 10 - 12 triệu đồng/tháng. Chị Diệp chia sẻ: "Sau khi đọc được thông báo tuyển dụng với nhiều chế độ đãi ngộ cùng mức thu nhập tương xứng với trình độ nên tôi đã nộp hồ sơ xin việc ngay. Dù mới làm việc từ đầu tháng 12 nhưng nhờ có “vốn nghề” sẵn nên khi bắt tay vào làm tôi khá thạo việc, sau đào tạo 1 tuần là đã có thể làm đẹp cho khách hàng".
Có thể thấy, thị trường lao động hiện khá nhộn nhịp. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa, năm 2023, tình hình lao động tìm kiếm việc làm tăng khoảng 10 - 15% so với năm ngoái, hiện trung tâm đã cung cấp thông tin thị trường lao động và các chính sách liên quan cho khoảng 184.925 lượt người. Tư vấn việc làm, chế độ, chính sách liên quan đến lao động - việc làm, hoạt động xuất khẩu lao động cho 72.847 lượt lao động... Với vai trò là cầu nối, trung tâm cũng đã tiến hành thu thập thông tin “việc làm trống” trong các loại hình DN. Qua khảo sát, đã có 1.609 DN trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng với tổng số 75.695 lượt lao động, chủ yếu là lao động phổ thông, công nhân kỹ thuật trình độ sơ cấp, trung cấp; không yêu cầu kinh nghiệm làm việc hoặc kinh nghiệm dưới 1 năm với mức thu nhập từ 5 triệu đến dưới 10 triệu đồng/tháng. Dự kiến giai đoạn cuối năm, các DN có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 27.000 lượt lao động.
Sôi động là thế nhưng thời điểm cuối năm, tình hình thị trường lao động cũng vô cùng phức tạp. Đánh vào tâm lý của những lao động thất nghiệp đang nóng lòng tìm việc làm để có thu nhập, nhiều đối tượng lừa đảo đã đăng các thông tin tuyển dụng qua mạng và các website, hội nhóm với lời mời chào hấp dẫn để thu hút lao động tìm việc nhưng độ xác thực của các đơn vị rất khó để kiểm chứng. Đây là chiêu trò cũ nhưng vẫn có khá nhiều NLĐ vẫn “dính bẫy”. Bởi vậy rất cần sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng có liên quan nhằm hạn chế tình trạng NLĐ bị lừa. Riêng với NLĐ, trước khi có ý định làm việc cho bất kỳ một đơn vị nào cũng cần tìm hiểu kỹ càng hoặc đến nơi có đủ uy tín như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tìm kiếm cơ hội.
Bài và ảnh: Chi Phạm
- 2024-11-02 19:11:00
Thức dậy dòng sông để thêm thương nhớ hồn làng
- 2024-11-02 15:28:00
Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội tỉnh Thanh Hoá và Bắc Ninh 2024
- 2023-12-28 06:31:00
Tổ chức đón tiếp hơn 2,2 triệu đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác
Công ty Điện lực Thanh Hóa thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng
Nhiều tiện ích khi liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe
Ngành đường sắt bán bổ sung 3.000 vé tàu Tết Nguyên đán 2024
Yên Nhân xây dựng xã “sạch” về ma túy
Năm 2023, toàn tỉnh trồng được gần 5,7 triệu cây xanh
Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng
Quyết định của Chủ tịch nước về việc tặng quà Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Vì sao cây cầu bị hư hỏng nặng nhưng vẫn chưa được sửa chữa?!
Mức thưởng Tết cao nhất tại Thanh Hóa dự kiến hơn 370 triệu đồng/người