Thầy ơi!
Đang buồn như kẻ mất hồn vì bị yêu cầu thay đổi đề tài nghiên cứu mà không biết san sẻ cùng ai để có được một lời khuyên, tư vấn, tôi bỗng nhớ đến thầy giáo dạy môn Sinh hồi phổ thông trung học, thầy Lê Toại.
Do rời quê đi học xa, rồi chồng con, rồi công việc ở một nơi cách cố hương đến hơn trăm cây số nên đã lâu rồi, tôi không được gặp thầy. Dạo trước, vào dịp 20/11 hay Tết Nguyên đán, tôi vẫn thường gọi điện hỏi thăm, nhắn tin chúc mừng thầy, sau đó phần vì bận bịu, thêm chút vô tâm mà sao nhãng dần. Giờ gặp lúc bí bết mới nhớ đến thầy mà bỗng thấy mình thật là đứa học trò đáng trách. Lướt danh bạ điện thoại, lục tìm trong các ô ký ức thì mới giật mình vì không tìm thấy số máy của thầy Toại đâu nữa. Vậy đấy! Có những khi mình cứ ỷ lại, hời hợt rằng một ai đó sẽ ở lại bên mình, sẽ hiện diện ngay lúc mình cần nhất. Nhưng đến lúc mất đi rồi lại mới nháo nhác kiếm tìm.
Tôi phải gọi cho người bạn cũ, đồng thời cũng là “ân nhân”, tên Hờ để xin số của thầy Toại. Hờ vừa nhấc máy, liền đáp theo kiểu trêu trêu, nửa như đùa nửa như có ý trách móc: “Ây chà! Là Sen trường mềnh đấy hả? Thành người thủ đô rồi nên mất hút “con nhà lươn” hơi lâu đấy nha! Thầy Toại đang ốm rất nặng, bớt tí thời gian và nỉ non ông xã về thăm thầy đi, kẻo mang tiếng ở bạc đới!”. Nghe thế, tôi hoảng hốt hỏi lại, thầy Toại ốm ra sao? Nặng - nhẹ thế nào? Thấy Hờ bảo, cậu ta đang sắp vào một kíp mổ, xong việc sẽ gọi lại “báo cáo” ngay...
Tôi liền lao về quê. Trên xe tôi thơ thẩn nghĩ, mình thật đúng là kẻ “ở bạc” như cách Hờ vừa “mắng”. Thế rồi đầu óc tôi thả trôi theo cảm xúc miên man, những hình ảnh về người thầy đã bắc nhịp cầu đưa mình đến với bộ môn Sinh học như thước phim chầm chậm quay về. Tôi nhớ lại...
***
Một buổi chiều muộn, hồi học lớp 12, khi tôi và gia đình đang rộn ràng chuẩn bị bữa cơm thì thầy Toại đến chơi nhà. Thầy kém cha tôi mười bảy tuổi nhưng hai người thân quen như đôi bạn vong niên, vì cha là trưởng ban phụ huynh của trường và cũng là một nhà giáo.
Tôi mang nước ra bàn khách thì nghe thầy Toại đang ngập ngừng nói với cha tôi: “Em đường đột đến, có đề nghị với hai bác. Mong hai bác cho em Sen nhà ta vào đội tuyển của trường để thi học sinh giỏi môn Sinh cấp tỉnh sắp tới. Sen rất có năng khiếu về môn Sinh, là học sinh duy nhất của khối 12 thành công trong các thực nghiệm giâm cành tạo giống cây từ đầu năm học đến nay”.
Cha liền bảo tôi đến ngồi cạnh. Thầy Toại nói gọn lại với tôi những điều đã nói với cha. Tôi vội thưa, tôi đang tập trung vào các môn khối D để thi đại học. Tôi còn thưa thêm, học chuyên Sinh, thi khối B thì phải giỏi cả môn Hóa nữa mà với môn học ấy, kiến thức của tôi không được vững lắm. Thầy Toại liền bảo, thầy biết những băn khoăn, lo ngại của tôi và thầy hứa sẽ đồng hành, giúp tôi bổ trợ phần “kiến thức không vững” ấy... Thấy tôi còn chần chừ, thầy nhẹ nhàng bảo: “Chiều mai, chủ nhật, em xin phép bố mẹ cho đến trường, thầy sẽ
giảng một buổi về nhiễm sắc thể, nếu em thấy thích, thấy yêu Sinh học thì thầy trò ta tiếp tục dạy và học sâu hơn về môn Sinh, còn không thì thầy vẫn luôn ủng hộ việc em tập trung cho môn Văn và tiếng Anh để thi tốt khối D”.
Vâng lời thầy, đầu giờ chiều hôm sau tôi đến trường. Vừa ra khỏi nhà được chừng cây số thì trời nổi gió, mưa lất phất. Với sức gái mười tám, tôi chẳng coi cảnh mưa phùn gió bấc đầu mùa là gì, cứ đạp phăng phăng. Nhưng lúc gần tới trường thì trời bắt đầu tối sầm hơn, mưa đổ nặng hạt, cả người tôi bị ướt lướt thướt, hai tay ngấm lạnh, tay khiển xe đạp đã thấy chệnh choạng. Tôi định quay về nhà nhưng rồi lại nghĩ, đã vượt tám cây số đến đây, cứ vào chào thầy Toại một câu để khẳng định mình vẫn vâng lời, chứ hoàn cảnh tôi rét run thế này, mưa gió đầy trời thế này thì khó mà học được?
Tôi vừa dừng xe ở cổng bảo vệ thì thầy Toại từ trong chạy ra, dắt xe đạp giúp tôi và đưa vào một cái bếp nhỏ cạnh bốt của bác bảo vệ, nơi bác vẫn thường ngày đun nước cho các thầy, cô giáo trong trường. Chạy đi đâu đó một lát rồi thầy quay lại cùng cái khăn mặt khô và một bó giấy báo cũ to tướng. Thầy đưa khăn, bảo tôi lau đầu tóc cho khô kẻo nhiễm lạnh, ốm lại mệt.
Bên ngoài, trời tiếp tục mưa, điện chập chờn lúc có lúc không. Mặc, thầy Toại đã nhóm được một đống lửa, những nhánh củi khô từ cây bạch đàn bắt đầu cháy đượm, tỏa ra thứ ánh sáng ấm nóng. Tôi lí nhí thưa: “Mưa rét thế này, chắc không học thầy nhỉ? Chờ ngớt chút, em xin phép về để khỏi mất thời gian của thầy ạ!”.
“Học chứ! Đã đến trường rồi thì phải học chứ!”. Nói rồi, thầy Toại nhặt một hòn than cũ giơ lên, dí dỏm bắt đầu giờ giảng trên lớp. Tôi còn đang ngạc nhiên phán đoán thì thầy dùng hòn than đó viết lên nền bếp đã láng xi măng. Thì ra, thầy tôi đã “vận dụng” nền nhà làm bảng, và hòn than đen làm phấn. Nói đến đâu, thầy viết đến đó. Buổi học đầu tiên được thầy dạy không giáo án, không phấn trắng, bảng đen nhưng suốt đời tôi không thể nào quên được.
Cũng trong buổi học ấy, thầy Toại vẽ lên nền bếp sơ đồ lai tạo về hiện tượng trao đổi chéo của nhiễm sắc thể bằng những nét “phấn than” điêu luyện. Hai thầy trò chúng tôi mải mê theo những kiến thức sinh học thú vị ấy. Tóc tai, quần áo của tôi nhờ có bếp lửa ấm cũng được hong khô tự lúc nào...
Chợt bác bảo vệ ngó vào, hỏi: “Bữa chiều ông giáo thích rau gì để tôi hái. Trời đã tạnh mưa rồi đấy!”. “Việc hái rau, bác cứ để tôi!”, thầy Toại nói và giảng nốt phần cuối bài.
Sau đó, thầy bảo tôi theo thầy đi làm thực nghiệm. Chỗ làm không phải là vườn trường mà là mảnh vườn phía sau căn phòng nhỏ của thầy. Mảnh vườn nhỏ nhưng trồng được nhiều loại rau... Thầy “bố cục” thành năm nhóm màu sắc: xanh, đỏ, tím, vàng, trắng. Thấy tôi nhìn chăm chú vào từng nhóm cây, thầy bảo: “Học môn Sinh là không được nói suông mà phải nói thật, làm thật để tạo ra hoa lợi. Mọi thứ cây, trước khi đem trồng, ta phải tiên lượng được, nó nhất thiết sẽ mang đến cho ta: gỗ tốt, hoa thơm, quả ngọt và bóng mát...”.
Để minh chứng cho điều đó, thầy giới thiệu các sản phẩm lai tạo từ cách chiết ghép, giâm cành mà các trò giỏi qua các khóa của thầy thực hiện thành công. Tất cả được thầy nâng niu, chăm bẵm trồng thành một ô rộng. Thầy chỉ vào một cây mẫu đơn đã nhú cành độ gang tay, bảo đó là kết quả bài học thực nghiệm giâm cành trên lớp của tôi. Khỏi nói là, tôi sung sướng biết ngần nào. Dạy xong phần thực hành về nhiễm sắc thể, thầy Toại hái một bó lá chùm ngây, san cho tôi một nửa, bảo đem về biếu mẹ nấu canh với ruột giắt, còn một nửa thầy mang cho bác bảo vệ làm món rau bữa chiều của hai người.
***
Sau buổi học thêm chiều mưa rét ấy, tôi hoàn toàn vững tin theo đuổi môn Sinh và đạt giải Nhì cuộc thi học sinh giỏi môn Sinh cấp tỉnh sau đó. Tuy nhiên, với kiến thức môn Hóa, tôi vẫn bị chập chờn bất định. Tôi thấy lo lắng và trình bày với thầy Toại. Thầy cười bảo: “Thầy vẫn nhớ lời hứa, đánh xong môn Sinh rồi, ngay sau đây ta bắt đầu chinh phục môn Hóa!”. Thầy giới thiệu tôi đến nhà thầy Ngọc, một thầy giáo dạy Hóa có tiếng ở trường chuyên trên thành phố. Mở đầu buổi học thêm đầu tiên, thầy Ngọc chỉ dặn: “Muốn học tốt môn Hóa, em phải biết cách không sợ nó! Hóa học gắn liền với mỗi chúng ta hằng ngày, là cơm ta ăn, nước ta uống, không khí ta thở, tất tần tật đều là những thành tố của hóa học. Càng yêu mến thân thiết với hóa học bao nhiêu thì càng hiểu biết sâu hơn về hóa học bấy nhiêu”. Trong buổi học đó, thầy Ngọc hệ thống lại rất rành mạch kiến thức chương trình môn Hóa đến bài tôi đang học trên lớp hiện tại rồi nhắc lại câu đã dặn một lần nữa. Những buổi học sau, thầy cho làm bài tập thực hành rồi trao đổi cởi mở theo hình thức hỏi đáp như với một người bạn. Nhờ đó tôi đã hết “chập chờn bất định” với môn Hóa, thi tốt nghiệp môn này đạt 9,2 điểm.
***
Tôi trở thành sinh viên khoa Sinh của một trường đại học sư phạm ở thủ đô rồi thành cô giáo dạy Sinh ở một trường học xa quê.
Còn nhớ, ngày tôi chuẩn bị sinh con đầu lòng cũng là lúc đang học cao học năm cuối. Nhà neo người nên tôi phải về quê nương nhờ bố mẹ và ở đó, tôi có một bà chị họ là bác sĩ nhi, làm trưởng bệnh xá của xã nên thấy sẽ yên tâm trong lúc sinh nở. Đến hôm trở dạ, đau hai ngày mà thai nhi không chịu “quay đầu”. Thầy Toại nghe tin đến thăm. Thấy cảnh tôi, thầy rất lo lắng, liền gọi cho một học trò cũ đang là phó khoa của bệnh viện tuyến tỉnh đến khám cho tôi. Vị bác sĩ này chính là Hờ, học cùng khóa, cùng trường với tôi nhưng khác lớp. Hờ đến, chỉ nhìn thần sắc và xem mạch cho tôi rồi đề nghị cha mẹ và chồng tôi phải nhanh chóng đưa tôi nhập viện để mổ gấp.
Tại bệnh viện tỉnh, chính Hờ đã mổ cho tôi, mẹ tròn con vuông nhưng tôi không có sữa. Dường như đã tiên lượng được điều đó, thầy Toại kéo chồng tôi đi xin sữa mẹ. Hai người đi một lúc rõ lâu mới mang được chút sữa về. Con trai đang khóc ngằn ngặt có sữa liền bú hàm hạp trông vừa thương vừa buồn cười. Ông ngoại gật gù bảo vợ chồng tôi: “Hôm nào làm lễ đặt tên cho cu, phải tôn thầy Toại là ông ngoại thứ hai và bác Hờ là cứu nhân đấy nhé!”. Khi mọi người ra ngoài, ông xã tôi cười tít mắt kể lại rằng, thầy Toại đưa ổng đến xin sữa của cô em gái thầy, chắc nhìn thấy hai người đàn ông nên cô ấy bị ức chế không sao vắt được một giọt sữa nào. Thầy Toại phải kéo ông xã tôi ra quán ngồi uống nước rồi nhờ bà bán quán vào “xin” hộ thì được nhiều hơn cả mong muốn...
Hôm mừng con trai tôi đầy tháng, thầy Toại dặn rất sinh học, rằng tôi nghiên cứu sâu về tế bào nên hãy phát huy bằng hết thế mạnh này, tức là phải tuyệt đối nuôi con bằng sữa mẹ. Vâng lời thầy, trong lúc được nghỉ thai sản nhưng nếu có việc phải đi Hà Nội về công việc chuyên môn bài vở, thì trước khi đi tôi vắt hết cơ số sữa để nhờ bà ngoại cho bé dùng; ở Hà Nội, khi căng sữa, tôi cũng tìm cách vắt được hết, tìm chỗ bảo quản để mang về cho bé...
***
Tôi xuống xe ở thành phố và gọi phôn cho bác sĩ Hờ để đến thẳng chỗ thầy Toại điều trị. Hờ đánh xe đến đón tôi vào bệnh viện. Dọc đường Hờ kể, thầy bị đột quỵ ở vườn thực nghiệm trong một buổi sáng sớm. Tuy cứu được nhưng lại phát hiện ra, thầy có tiền sử bệnh thận, một bên thận bị suy, một bên còn lại đang có dấu hiệu bị teo, vì thế sức khỏe của thầy suy sụp rất nhanh và diễn biến theo hướng xấu. Nghe thế, tôi bỗng nghĩ, vì sao người thầy tài năng, sôi nổi và khá đẹp người của chúng tôi lại không chịu lập gia đình riêng? Bao năm qua thầy vò võ một mình, ắt hẳn thầy đã sớm biết về bệnh tình của mình, chỉ là thầy giấu mọi người thôi...
Gặp lại thầy, thoạt trông, tôi liền òa khóc vì thầy đã yếu lắm rồi. Cái dáng vóc cao cao, thanh thoát với nước da trắng của thầy đã bị bệnh tật cướp đi mất cả.
Thầy phải ngăn cơn nức nở của tôi, bảo rằng, hai hôm nay thầy ngủ được và bắt đầu ăn thấy ngon. Nói thế rồi thầy hỏi thăm công việc nghiên cứu của tôi. Tôi cố lau nước mắt để kể cho thầy nghe chuyện phải thay đổi đề tài nghiên cứu sinh. Thầy bảo, được làm nghiên cứu sinh là thêm một cơ hội đến với đại dương kiến thức, thêm một phương pháp nghiên cứu khoa học, có phương pháp rồi thì đề tài nào cũng có thể tiếp cận được. Mấy lời ngắn ngủi của thầy khiến tôi như bừng tỉnh, có được niềm tin...
Và, thương ôi, vừa ra đến Hà Nội, tôi lại đau đớn bắt chuyến xe về quê để đưa tang người thầy xiết bao yêu mến, kính trọng của chúng tôi - thầy Toại.
***
Hôm đến thắp hương cho thầy, tôi cứ ngầm thắc mắc, không hiểu sao ngôi mộ ốp đá xung quanh lại đặt cạnh một ngôi mộ gió cũng đã được ốp đá cả ba mặt? Tôi hỏi em gái thầy mới biết, thân mẫu thầy có hai cuộc hôn nhân, về sau, hai người chồng của cụ đều có gia đình riêng. Trước khi mất, nghĩ về mẹ già với cảnh “lá xanh rụng trước lá vàng”, thầy Toại đã gửi gắm lại, sau này khi thân mẫu qua đời phải táng cụ cạnh mộ thầy để thầy được sớm hôm phụng dưỡng mẹ. Nghe thế, tôi càng thấy, thầy mình thật là một con người thảo thơm, hiếu đễ, biết trù liệu đến tận lúc chết chưa thôi. Rồi không cầm được nước mắt, tôi òa lên: “Thầy ơi!” trước làn khói nhang huyền ảo trong màn mưa bụi lất phất bay.
Truyện ngắn của Trần Đoan Trang
- 2024-10-21 10:06:00
“Trăm năm còn gió heo may” và giai điệu cuộc đời
- 2024-10-20 19:42:00
“Bản chất XDNTM nói chung là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, để nông thôn thật sự trở thành những làng quê đáng sống”
- 2023-10-22 10:35:00
Mẹ tôi
Chấn hưng văn hóa - cốt lõi là xây dựng con người văn hóa
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp - nhìn từ Đề án 939 (Bài 3): Để những ý tưởng có thể khởi nghiệp
Tập trung nuôi dưỡng nguồn thu
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp - nhìn từ Đề án 939 (Bài 2): Câu chuyện về những mô hình
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp - nhìn từ Đề án 939 (Bài 1): Khởi nghiệp để nâng cao vị thế
Xứ Thanh, trong veo và đậm đặc
Xóm trọ
Làng xã và dấu ấn của nền văn hóa Đông Sơn
Thiêng liêng lời thề độc lập...