Thầy giáo xứ Thanh nơi đầu nguồn sông Mã
Trong chuyến ngược ngàn Tây Bắc, trên những cung đường trập trùng cao chon von, tôi may mắn được gặp thầy giáo quê Thanh gieo chữ trên đầu nguồn con sông Mã hùng vĩ, ở xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên). Anh là Hồ Công Nam, người huyện Quảng Xương.
Thầy giáo Hồ Công Nam, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Mường Luân, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) trong một giờ lên lớp. Ảnh: Đỗ Đức
Anh Nam sinh năm 1977, ở thôn Bái Môn, xã Quảng Văn (Quảng Xương), hiện là Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Mường Luân. Anh hoạt bát, hóm hỉnh dễ gần và trong câu chuyện vẫn đậm chất giọng của người xứ Thanh. Học xong bậc THCS ở quê, năm 1994, anh được người chú ruột cho theo lên huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) ăn học. Năm 2002, tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm Toán - Lý (Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, nay là Đại học Thái Nguyên), anh được phân công lên dạy học tại xã Mường Luân và gắn bó với nơi này từ đó.
Hơn 22 năm công tác nơi đầu nguồn sông Mã, quăng quật với rừng xanh núi đỏ, đi qua bộn bề khó khăn, thiếu thốn, nên anh trân trọng và nhớ như in những ngày đầu lập nghiệp. Anh kể, ngày ấy giao thông còn khó khăn lắm. Con đường độc đạo từ trung tâm xã Mường Luân về trung tâm huyện Điện Biên Đông là đường đất vít dần lên đầu núi, chông chênh trên miệng vực sâu tun hút, mưa lác đác đã trơn trượt, đi bộ còn bị ngã. Cung đường chỉ vẻn vẹn 20 cây số, nhưng vào hôm trời mưa gió thì phải hết cả ngày mới tới trung tâm huyện. Trong khi đó, trường học chỉ tranh tre, nứa lá. Khu nhà ở cho giáo viên cũng là nhà tạm. Quanh năm, thầy cô giáo ăn cá sông Mã là chủ yếu, nếu muốn ăn thịt lợn cũng rất khó vì đường xa, chợ vắng.
Giao thông khó khăn cũng kéo theo nhiều hệ lụy, khi đời sống người dân còn gặp nhiều thiếu thốn, việc học của con em họ cũng bị bỏ ngỏ. Anh Nam nhớ, ngày ấy, học sinh nghỉ học thường xuyên, có hôm lớp lác đác chỉ dăm em. Anh và các thầy giáo phải lội suối đến nhà vận động phụ huynh cho các cháu ra lớp, học tập chuyên cần. Nhưng rồi việc vận động cũng không ít chật vật, do trên địa bàn có 3 dân tộc sinh sống, gồm: Thái, Lào và Khơ Mú với ngôn ngữ, phong tục, tập quán khác nhau. Còn thầy giáo Nam là người Kinh, chẳng hiểu tiếng một dân tộc nào trong số ấy. Thế rồi thầy giáo lại phải nhờ chính học sinh làm người phiên dịch.
Ngoài ra, với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, anh Hồ Công Nam đã cùng với tập thể giáo viên nhà trường quyên góp, rồi vận động thêm các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện ủng hộ để các cháu được đến trường. Những học sinh ít khó khăn hơn nhưng không có điều kiện để mua sách vở, thầy Nam và giáo viên nhà trường cũng bỏ tiền túi ủng hộ. Cũng chỉ mong sao tất cả các cháu đều được đến trường học chữ.
“Cứ thế, bà con thấy mình và các thầy cô giáo tận tâm, tận tình lo cho con em họ, nên đã đồng ý và động viên các cháu đi học”, thầy giáo Nam bộc bạch. Và từ sự tận tụy gieo chữ ấy, đã có nhiều học sinh Mường Luân đỗ đạt thành tài, quay về đóng góp sức lực, trí tuệ và tâm huyết phát triển quê hương, như chủ tịch UBND xã Lò Thị Quyên, phó chủ tịch UBND xã Lò Văn Khánh, Lò Thanh Quyết,...
Bằng nỗ lực và tâm huyết gieo chữ trên vùng đất khó, chỉ 2 năm sau khi về công tác, thầy giáo Hồ Công Nam đã được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng nhà trường và được bổ nhiệm làm hiệu trưởng từ năm 2005. Nhận nhiệm vụ quản lý khi còn rất trẻ (28 tuổi), lại chưa được đào tạo nghiệp vụ, khó khăn lại nối tiếp khó khăn. Rồi sự năng động và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thầy giáo Nam đã tự tìm hiểu kiến thức, kinh nghiệm quản lý của những nhà giáo đi trước, làm từng bước, từ việc dễ đến khó. Sau đó không lâu, anh đã cùng với tập thể ban giám hiệu, hội đồng trường đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp từng bước tháo gỡ khó khăn, xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh. Trong đó, anh đã tranh thủ các nguồn lực của Nhà nước cho xã vùng đặc biệt khó khăn, để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, kêu gọi các tổ chức từ thiện xã hội, nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng nhà ở cho giáo viên công tác xa nhà, mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ dạy và học... Đến năm 2017, trường học nơi anh công tác đã được công nhận trường chuẩn quốc gia. Đó là một kỳ tích đối với một ngôi trường ở vùng đất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn này.
Trong quá trình công tác của mình, thầy giáo Hồ Công Nam đã nhiều lần được nhận giấy khen, bằng khen của các cấp, nhà trường 2 lần được UBND tỉnh Điện Biên tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc, 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (năm 2013 và năm 2022). Đó là niềm vinh dự hết sức lớn lao, là sự ghi nhận quá trình công tác, cống hiến không mệt mỏi của bản thân cho sự nghiệp trồng người ở nơi đầu nguồn sông Mã.
Anh tâm sự, “Mình đã từng có cơ hội để trở về quê hương Thanh Hóa công tác, nhưng rồi, có lẽ vì yêu thương những đứa trẻ ở vùng đất khó này, nên đã dừng lại tất cả. Dù công tác ở đâu, ở đất khách hay quê hương thì mình cũng phải cố gắng hết sức mình. Điện Biên giờ đã là quê hương thứ hai của mình. Ở đây mình có vợ con, đồng nghiệp và những đứa trẻ yêu trường lớp”.
Đỗ Đức
{name} - {time}
-
2024-12-07 10:39:00
Thầy giáo gương mẫu, tận tâm với nghề
-
2024-12-06 14:31:00
Hội viên nòng cốt trong phong trào phụ nữ
-
2024-04-22 10:20:00
Tự hào những tấm Huy hiệu Đảng
Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận gương mẫu, tận tụy với công việc
Trưởng thôn gương mẫu, tâm huyết với công việc tập thể
Người đưa nghề mới về quê
Anh Hoàng Văn Giang đam mê sáng tạo
“Cây cao bóng cả” của bản làng
Ông Sáu “mặt trận”
Cựu chiến binh với mô hình tự quản đảm bảo an toàn giao thông
Kỹ sư đam mê nghiên cứu khoa học
Ông chủ 9X người Thái trên vùng đất khó