Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn
Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn từ các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trên địa bàn tỉnh thông qua các tổ vay vốn, những năm qua, hàng trăm nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh đã có điều kiện tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Nguồn vốn từ các ngân hàng đã trở thành “đòn bẩy” góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với XDNTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu tại các địa phương.
Cán bộ Agribank Cẩm Thủy kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay tại xã Cẩm Tân (Cẩm Thủy).
Cùng đoàn cán bộ Agribank Nam Thanh Hóa, chúng tôi đến tìm hiểu các mô hình sử dụng vốn vay ưu đãi thông qua tổ vay vốn trên địa bàn huyện Quảng Xương. Ông Lê Thiện Nhâm, thị trấn Tân Phong, cho biết: “Toàn bộ cơ nghiệp hiện tại của gia đình tôi đều được Agribank dồn sức vun đắp qua nhiều năm. Gia đình tôi kết duyên và gắn bó với Agribank ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp vào những năm 1995, được tạo điều kiện vay vốn để đầu tư nuôi các loại cá truyền thống. Đến nay, gia đình tôi đang vay của Agribank Nam Thanh Hóa 500 triệu đồng để đầu tư, xây hàng chục ô nuôi bằng xi măng, mỗi ô rộng 50m2 chuyên sản xuất giống cá đặc sản được di ương từ các tỉnh phía Nam về. Mỗi năm cơ sở sản xuất cá giống của gia đình tôi xuất bán ra thị trường từ 8 đến 10 triệu con cá giống. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn là đầu mối bao tiêu cá thương phẩm cho các hộ dân tại địa phương để xuất bán sang Lào và các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế. Mỗi năm doanh thu của gia đình đạt từ 8 đến 10 tỷ đồng, lãi gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho từ 5 đến 6 lao động, với thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng”.
Tổ vay vốn đã thực sự trở thành “cánh tay nối dài” góp phần chuyển tải dòng vốn ưu đãi của Agribank đến tận tay người nông dân kịp thời và hiệu quả. Tổ vay vốn thực hiện các nhiệm vụ như bình xét đối tượng vay vốn, hướng dẫn và xác nhận cho người vay làm hồ sơ, thủ tục gửi hội, đoàn thể và UBND cấp xã phê duyệt, thông báo và giám sát người vay nhận tiền theo lịch giải ngân của ngân hàng, giám sát sử dụng vốn của người vay theo mục đích xin vay, đôn đốc người vay trả nợ trực tiếp cho ngân hàng theo kỳ hạn, có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến và đề nghị người vay chấp hành tốt các quy định có liên quan của ngân hàng và hội cấp trên, tổ trưởng tổ vay vốn được lựa chọn là người có uy tín, gần gũi với các thành viên và có thể bám sát, đôn đốc, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các thành viên trong tổ. Người dân tham gia vay vốn được bình xét vay vốn tại tổ, giải ngân, thu nợ, thu lãi qua tổ lưu động và qua các điểm giao dịch xã, đã góp phần tiết kiệm được chi phí đi lại, và được tiếp cận nguồn vốn vay thuận tiện, dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, trong quá trình vay vốn, tổ viên còn được hội nông dân, hội liên hiệp phụ nữ các cấp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, từ đó xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.
Tính đến giữa tháng 11/2024 toàn tỉnh đã thành lập 4.842 tổ vay vốn, với hơn 142.000 hội viên tham gia vay vốn, dư nợ đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 0,03%. Hoạt động của các tổ vay vốn đã thực sự mang lại hiệu quả và ý nghĩa rất lớn, nhất là tại các huyện miền núi, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở được thực hiện kiên trì, đồng bộ, toàn diện, liên tục đã mang lại những kết quả rất tích cực. Nhiều năm nay, tại các địa phương hầu như không có đơn, thư vượt cấp của người dân về vấn đề vay vốn, các vấn đề tiêu cực gần như giảm tuyệt đối, các vấn đề phát sinh khác được phát hiện và giải quyết kịp thời. Thông qua các cấp, các tổ vay vốn, nguồn vốn tín dụng của Agribank đã đến với người dân một cách thuận lợi hơn, góp phần giúp hội viên đầu tư phát triển sản xuất. Ban quản lý tổ vay vốn đã phối hợp với ngân hàng giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh. Các chương trình cho vay của Agribank đã thúc đẩy phát triển các làng nghề, như: làng nghề bánh gai Tứ Trụ, bánh lá răng bừa Xuân Lập, miến gạo Phú Xuân, nón lá Ngọc Thơm (Thọ Xuân); bánh đa Tân Châu (Thiệu Hóa); miến gạo Thăng Long, hương bài Vạn Thắng (Nông Cống); chè lam Phủ Quảng (Vĩnh Lộc); tương làng Ái (Yên Định), làng nghề mây tre đan truyền thống xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa)... Qua đó, người dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Các tổ vay vốn đang được ví như những “cánh tay nối dài” của các chi nhánh Agribank, thực hiện tốt vai trò quản lý, tuyên truyền về các chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ vay vốn, các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể quan tâm, nâng chất lượng đội ngũ mạng lưới tổ vay vốn; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, mục đích sử dụng vốn của các hộ vay sau giải ngân bảo đảm vốn tín dụng đến đúng đối tượng có nhu cầu và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay.
Bài và ảnh: Minh Hà
{name} - {time}
-
2025-01-07 13:36:00
Khu vườn mẫu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng
-
2025-01-07 10:14:00
6 chính sách trong cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn
-
2024-12-03 10:20:00
Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm
Các nhà sản xuất lạc quan trong năm 2025
Bản tin Tài chính (3/12): Đồng loạt lao dốc, vàng nhẫn giảm mạnh
Sản phẩm OCOP Việt Nam lần tiên tham gia Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế tại Italia
Bộ Tài chính đề xuất thu thuế VAT với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ qua chuyển phát nhanh
Giá vàng nhẫn về đáy so với cách đây 2 tuần
Thường Xuân tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
Hàng hoá có thể giảm giá lên đến 100% trong tháng Khuyến mại tập trung Quốc gia
Vụ xuân 2025, toàn tỉnh phấn đấu sản lượng lương thực đạt 793.800 tấn
Thúc đẩy cải thiện năng suất, chất lượng trong doanh nghiệp