Sẵn sàng nguồn cung thực phẩm cho thị trường cuối năm
Xác định nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi dịp cuối năm tăng cao nên các doanh nghiệp, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chủ động tái đàn, tăng đàn theo nhu cầu của thị trường; tập trung chăm sóc, vỗ béo đàn vật nuôi; chú trọng phòng chống dịch bệnh... đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Trang trại chăn nuôi gia cầm xã Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc).
Trước những tín hiệu tích cực của thị trường về giá lợn nhiều tháng qua, gia đình ông Nguyễn Bá Giang, xã Minh Tiến (Ngọc Lặc) đã vệ sinh chuồng trại, tiến hành tái đàn sau một thời gian dài “treo chuồng”. Hiện nay, ông đang chú trọng thực hiện các biện pháp vỗ béo đàn lợn để chuẩn bị xuất bán dịp cuối năm. Ông Giang chia sẻ: “Thời tiết dịp cuối năm sẽ có những đợt lạnh kéo dài, vì vậy, tôi luôn chú trọng đến chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn cho đàn vật nuôi, bổ sung thêm vitamin và điện giải trong nước uống giúp cho đàn lợn nâng cao sức đề kháng, có thể chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt và ngăn chặn nguy cơ mầm bệnh xâm nhập. Bên cạnh đó, với tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh thành trên cả nước, tôi định kỳ vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc-xin, không cho người lạ ra vào trang trại”.
Cũng theo ông Giang, với giá lợn hơi như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí, người chăn nuôi có thể thu lãi từ 2 triệu đồng/con trở lên. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn dịp sau tết thường giảm trong khi giá lợn giống sẽ ở mức khá cao cùng rủi ro về dịch bệnh rất khó lường nên gia đình ông sẽ theo dõi dự báo thị trường, dự kiến tái đàn với số lượng vừa phải.
Ông Triệu Văn Kinh, Chủ tịch UBND xã Minh Tiến cho biết: “Là địa phương có hoạt động chăn nuôi phát triển với gần 540 trang trại, gia trại. Vì vậy, trước khi người dân thực hiện tái đàn, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức các buổi tập huấn để người dân trao đổi kinh nghiệm cũng như kịp thời cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường, dự báo về giá các loại thịt gia súc, gia cầm và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh”.
Với nhu cầu về gia cầm dịp cuối năm, từ tháng 9, nhiều hộ chăn nuôi đã tập trung tái đàn, tăng đàn, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm đủ nguồn thực phẩm cho thị trường cuối năm. Anh Nguyễn Văn Tuấn, xã Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc) cho biết: "Do đã được thương lái đặt mua để bán dịp cuối năm nên tôi đặc biệt quan tâm đến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và kỹ thuật chăm sóc. Với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi, theo nhu cầu của thị trường, tôi ưu tiên nuôi gà trống nhiều hơn do nhu cầu của người dân làm cỗ cúng, lễ tết. Bên cạnh kỹ thuật nuôi gà thông thường về dinh dưỡng, nguồn nước uống, tiêm vắc-xin đầy đủ... thì để phù hợp với tiêu chí lựa chọn gà cúng truyền thống của người dân, tôi chọn nuôi giống gà mía và phải sắp xếp khu vực chuồng hợp lý để hạn chế gà trống tranh giành, đánh nhau. Bên cạnh đó, ngoài sử dụng cám công nghiệp thì tôi bổ sung thêm vào khẩu phần ăn của gà các loại rau, cám, lúa, ngô... và một số loại thảo dược như húng quế, sả, gừng...
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 414 nghìn con trâu, bò; 1,3 triệu con lợn; gần 27 triệu con gia cầm. Vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi có thể tăng thêm từ 10 đến 30% so với ngày thường. Từ những tín hiệu của thị trường, dự báo nguồn cung thịt gia súc, gia cầm trong những tháng cuối năm sẽ không thiếu.
Song song với các biện pháp bình ổn giá thị trường, để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn đề nghị các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động mua bán, giết mổ động vật; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi không nên tăng đàn ồ ạt, mà cần căn cứ thực tế chuồng trại, chú trọng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm chất lượng và phát triển theo chuỗi liên kết từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, theo dõi diễn biến của thời tiết để chăm sóc, phát hiện sớm những biểu hiện bất thường trên đàn vật nuôi; chủ động cập nhật thông tin về tình hình thị trường để chủ động trong việc xuất bán, bảo đảm chăn nuôi đạt hiệu quả cao, góp phần ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
-
2024-12-11 16:34:00
Từ chăn kiến đến doanh thu trăm triệu
-
2024-12-11 16:14:00
Huyện Quan Hóa giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt 95,48%
-
2024-12-08 07:00:00
Bản tin Tài chính 8/12: Vàng và đồng bạc xanh phục hồi
Thay đổi niềm tin sẽ dẫn lối người tiêu dùng
Phát huy vai trò HTX trong phát triển nông nghiệp
Thường Xuân huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
Đoàn Kinh tế Quốc phòng 5 giúp người dân vùng biên phát triển kinh tế
Xây dựng xã an toàn thực phẩm nâng cao
Thiệu Hóa nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn
Điện lực Yên Định phát triển dịch vụ nâng cao chất lượng dây dẫn sau công tơ khách hàng
Bức tranh kinh tế 11 tháng nhiều điểm sáng