(Baothanhhoa.vn) - Xuân về, miền Tây xứ Thanh được ví như tấm khăn thổ cẩm rực rỡ sắc màu, bừng sáng vẻ đẹp hoang sơ của núi non trùng, điệp. Trên những đồi sắn, đồng ngô, rừng xoan, rừng lát phủ kín một màu xanh trải dài tít tắp, càng tô điểm thêm bức tranh tươi đẹp cho bản làng vùng cao.

Sắc xuân trên những bản làng vùng cao xứ Thanh

Xuân về, miền Tây xứ Thanh được ví như tấm khăn thổ cẩm rực rỡ sắc màu, bừng sáng vẻ đẹp hoang sơ của núi non trùng, điệp. Trên những đồi sắn, đồng ngô, rừng xoan, rừng lát phủ kín một màu xanh trải dài tít tắp, càng tô điểm thêm bức tranh tươi đẹp cho bản làng vùng cao.

Sắc xuân trên những bản làng vùng cao xứ ThanhCơ sở hạ tầng tại bản Giàng Vìn, xã Trí Nang (Lang Chánh) được đầu tư khang trang. Ảnh: Xuân Minh

Để thực hiện cuộc “cách mạng” trong xóa đói, giảm nghèo, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành hàng loạt chính sách mang tính đột phá, là đòn bẩy để giúp kinh tế - xã hội khu vực miền núi bứt phá, đi lên. Có thể kể đến, như: Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ngày 4-11-2013 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020”; “Xây dựng điểm điển hình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”; Đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Khơ Mú tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”; “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội các bản đồng bào Mông, huyện Quan Sơn giai đoạn 2016-2020”...

Công cuộc xóa đói, giảm nghèo là chặng đường dài. Nhưng nhìn lại chặng đường đã qua và kết quả đạt được, có thể thấy rõ, những cơ chế, chính sách mà tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ đồng bào dân tộc trong tỉnh thực sự đi vào cuộc sống, để lại những dấu ấn nhất định. Điều đó được chứng minh khi 11 huyện miền núi đã thụ hưởng nhiều chương trình, đề án về phát triển kinh tế - xã hội, kích cầu trong sản xuất nông, lâm nghiệp, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Nhờ đó, khu vực miền núi tỉnh ta như được khoác lên mình tấm áo mới, cơ sở hạ tầng, kết cấu hạ tầng xã hội được tăng cường, với tổng vốn đầu tư đến nay đạt trên 80 nghìn tỷ đồng. Theo đó, 100% số xã miền núi có đường ô tô đến trung tâm xã; 99,8% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 52,2% thôn, bản có đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa; hệ thống thủy lợi được quan tâm đầu tư, phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất nông nghiệp; 100% bệnh viện đa khoa huyện, trạm y tế xã, y tế thôn, bản được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân; 51% xã đạt chuẩn quốc gia về giáo dục; 7/11 huyện có thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện; 98% hộ đồng bào được xem truyền hình, 95% được nghe đài phát thanh...

Nhiều công trình, dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, như: đường nối các huyện miền núi phía Tây của tỉnh; đường giao thông từ bản Na Tao, xã Pù Nhi đi bản Chai, xã Mường Chanh (Mường Lát); đường Hồi Xuân – Tén Tằn (Quốc lộ 15C); các tuyến Quốc lộ 217, 47...; nhiều nhà máy thủy điện, như: Trung Sơn, Bá Thước 1, Bá Thước 2 đi vào vận hành không chỉ đóng góp sản lượng lớn bảo đảm cung ứng điện, thủy điện mà còn góp phần quan trọng trong việc tạo nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Đến nay, tốc độ giảm nghèo ở các huyện miền núi luôn cao hơn 1,7 lần bình quân chung toàn tỉnh, nếu như giai đoạn 2013-2015 tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 5,5% (giảm 11.388 hộ) thì giai đoạn 2016-2021 giảm bình quân 4,02%/năm (giảm gần 45.000 hộ); có 1/7 huyện thoát khỏi diện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (huyện Như Xuân), có trên 70 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; tính đến 31-12-2021 có 809 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 33,1 triệu đồng...

Thực hiện chính sách giao đất giao rừng là giải pháp hiệu quả để bảo vệ, phát triển rừng bền vững và hình thành, phát triển nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có hơn 80% trang trại, gia trại vườn rừng. Nhiều trang trại cho thu nhập từ 150 triệu đến 300 triệu đồng. Điển hình như trang trại nông nghiệp kết hợp cây lâm nghiệp ở huyện Như Thanh; mô hình trồng trọt dành một phần đất cho chăn nuôi; mô hình cây ăn quả kết hợp cây công nghiệp dài ngày ở huyện Như Xuân; trồng rừng quy mô nhỏ kết hợp sản xuất lương thực, cây ăn quả và cây thực phẩm huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy...

Có thể khẳng định, miền Tây xứ Thanh hôm nay đang chuyển mình, khởi sắc; khát vọng đổi mới với những đổi thay căn bản đáng tự hào ấy xuất phát từ sự quan tâm hết sức thiết thực, sự hỗ trợ kịp thời bằng nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào miền núi. Đường lớn đã mở, tin rằng miền Tây xứ Thanh sẽ tự tin tiếp tục nắm lấy cơ hội mới, vững bước đi lên.

Xuân Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]