Phụ nữ dân tộc thiểu số đưa nông sản vùng cao nâng tầm OCOP
Vài năm trở lại đây, các huyện vùng cao phía Tây nổi lên một số sản phẩm OCOP được thị trường trong và ngoài tỉnh đánh giá cao, như: gạo nếp Cay Nọi, măng khô, thịt trâu gác bếp, thịt bò khô... và thật tự hào khi những đặc sản trên lại do những người phụ nữ dân tộc thiểu số “chắp cánh”.
Chị Vi Thị Thơm, đại diện HTX nông nghiệp xanh Duy Linh và sản phẩm OCOP 3 sao nếp Cay Nọi Mường Xia, thịt bò kho Mường Hạ.
Nâng tầm sản phẩm OCOP
Sáng mùa xuân, khi sương mù dày đặc vẫn phủ khắp các nẻo đường, chị Vi Thị Thơm, ở thị trấn Sơn Lư (Quan Sơn) dậy sớm cùng mẹ chồng chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên. Bữa cơm hôm ấy, mọi thành viên trong gia đình đoàn viên sum họp và cùng hưởng thụ tiết xuân, nhắm một ít thịt bò khô Mường Hạ, bát canh măng khô Nang Non ninh cùng xương gà và một chén rượu nhỏ mới thấy hết ý vị của những món ăn có nguồn gốc xa xưa này. Nó nhắc nhớ mọi người về những ngày gian khó đã qua, sự tự hài lòng với hạnh phúc đang có hôm nay và gợi thêm quyết tâm xây dựng cuộc sống tốt đẹp sắp tới...
Bà Tý, mẹ chồng chị Thơm nổi tiếng là một người phụ nữ đảm đang, chịu thương, chịu khó. Bà thường xuyên làm những món ăn truyền thống của dân tộc Thái cho các thành viên trong gia đình, bà con hàng xóm thưởng thức. Từ những lần như thế, nhiều bạn bè, người thân ấn tượng với những chum rượu cần thơm nồng mùi men lá; món thịt bò khô; thịt chua người Thái... do bà làm nên thường xuyên quay lại đặt hàng. Những năm trước, bà cứ lai rai vừa lên nương làm rẫy, vừa làm các sản phẩm địa phương bán cho khách. Từ ngày có con dâu, bà có thêm người hỗ trợ, từ việc nhà cửa đến ruộng nương. Chị Thơm cũng thường xuyên chụp ảnh những món ăn mẹ chồng nấu, sản phẩm gia đình sản xuất đăng lên facebook và các trang mạng xã hội. Bà Tý nhờ thế mà có thêm nhiều đơn hàng ở xa, thậm chí cả nước ngoài.
Gia đình bà Tý có thể cung cấp đến hàng tấn sản phẩm thịt bò khô một năm, tuy nhiên do đầu ra chưa ổn định nên bà vẫn làm theo đơn đặt hàng của khách. Hiện nay, mỗi tháng, gia đình bà sản xuất khoảng 200kg thịt bò khô, bán với giá từ 700 đến 800 nghìn đồng/kg. Với món thịt bò khô của bà Tý, người dùng chỉ cần lấy thịt khô xé dọc thớ thịt, chấm với tương ớt, hoặc xào, hoặc nấu để thưởng thức. “Trong quá trình chế biến, tôi luôn quan tâm đến sự uy tín chuẩn chỉnh từ việc chọn đầu vào nguyên liệu đến quá trình chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; cải tiến phương pháp, bổ sung thêm phụ liệu tự nhiên của địa phương để món ăn có hương vị đậm đà, phù hợp với khẩu vị của nhiều người nhưng vẫn mang nét đặc trưng riêng", bà Tý chia sẻ.
Chị Nồng bên cánh đồng lúa nếp Cay Nọi.
Cùng với sản phẩm do mẹ chồng làm, chị Thơm nhận thấy các đặc sản địa phương như măng khô, gạo nếp Cay Nọi cũng nhận được phản hồi rất tốt từ người dùng. Để không lãng phí giá trị nông sản bản địa, vợ chồng chị đứng ra thành lập HTX nông nghiệp xanh Duy Linh cùng 6 thành viên khác và 3 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh là măng khô Nang Non, thịt bò khô Mường Hạ, gạo nếp Cay Nọi Mường Xia đã ra đời.
Xuất phát từ lợi thế rừng Quan Sơn có hơn 54ha là luồng, bương, vầu, nứa... là nguồn nguyên liệu dồi dào cho chế biến măng khô. Bất kỳ ai sinh ra và lớn lên trên đất Quan Sơn cũng nếm đủ từng vị ngọt, đắng của cây măng rừng bởi nó thường trực trong từng bữa ăn. Những người phụ nữ hầu như ngày nào cũng vào rừng hái măng về để chế biến thức ăn, không chỉ vì đây là thứ lộc trời luôn sẵn có mà còn bởi hương vị đặc biệt không loại rau củ nào có được. Và, loại măng mà người dân thích ăn nhất vẫn là măng bương vì nó có độ mềm, giòn và thơm ngon. Đó cũng là nguyên liệu chính để sản xuất măng khô Nang Non. Măng khô cũng dễ dàng kết hợp với các loại thực phẩm khác làm cho bữa ăn càng thêm phong phú. Mâm lễ cúng tổ tiên, ông bà hay thần rừng, thần suối của người Quan Sơn đều có ít nhất một món ăn làm từ măng. Vì lẽ đó, măng khô không đơn thuần là một sản phẩm thương mại thuần túy mà nó còn chứa đựng cả nét văn hóa truyền thống, khát vọng vươn lên của đồng bào nơi đây trong tiến trình phát triển.
Thường vào mùa măng từ tháng 6 đến tháng 10 dương lịch hàng năm, HTX nông nghiệp xanh Duy Linh sẽ thu mua và sơ chế theo nhu cầu của thị trường. Các bước sơ chế gồm: luộc chín, bổ, phơi khô, đóng gói. Bình quân mỗi ngày, HTX sơ chế từ 4 đến 5 tạ măng tươi với tỷ lệ 15kg măng tươi sẽ cho khoảng 1kg khô. Học hỏi kỹ thuật cũng như tìm hiểu thị trường tiêu thụ, HTX đã sơ chế măng thành các sản phẩm như: măng củ, măng lưỡi lợn, măng lá, măng xé, măng mầm, măng nứa với giá bán từ 230 - 250 nghìn đồng/kg khô. Chị Thơm chia sẻ: "Để có sản phẩm chất lượng, yếu tố quan trọng nhất là nguồn nguyên liệu phải tươi, ngon, măng phải được phơi khô tự nhiên, không chất bảo quản, đóng gói kín hút chân không”. Hiện, măng khô Nang Non đã trở thành mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng và giữ được giá trị trên thị trường nông sản. Nhờ cây măng, đời sống của nhiều hộ dân huyện vùng cao Quan Sơn ngày càng khấm khá.
Theo chị Thơm, việc các sản phẩm đặc sản vùng cao tiếp cận thị trường thường không dễ và thành công của măng khô Nang Non, thịt bò khô Mường Hạ, gạo nếp Cay Nọi Mường Xia chính là nhờ áp dụng được công nghệ thông tin trong mở rộng thị trường. “Tôi đã tham gia rất nhiều các lớp tập huấn do các đơn vị, sở, ngành tập huấn, qua đó đã học hỏi, biết cách để đưa sản phẩm của mình lên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Hiện nay, không chỉ có người tiêu dùng trong nước mà cả ở nước ngoài qua đó cũng biết đến sản phẩm của đơn vị. Họ chỉ việc ở nhà, tìm kiếm trên mạng cũng có thể tìm và mua được sản phẩm của mình”.
Mạnh dạn đầu tư, xây dựng thương hiệu
Cầm trên tay những hạt gạo còn ấm từ máy xát, chị Lương Thị Nồng, Giám đốc HTX nông lâm Chung Thành, xã Quang Chiểu (Mường Lát) “khoe” có thể nhắm mắt cầm hạt gạo trong tay mà vẫn phân biệt đâu là gạo nếp Cay Nọi đặc trưng của Mường Lát, đâu là gạo nếp thường. Theo lời chị Nồng, gạo nếp Cay Nọi hạt to, mập, màu trắng, hơi bóng, có mùi thơm đậm hơn các loại gạo thông thường. Khi nấu chín cơm nếp sẽ có hương thơm đặc biệt, vị ngọt, dẻo, mềm cơm. Năm 2021, gạo đặc sản Cay Nọi của huyện Mường Lát đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Sản phẩm măng khô Nang Non, HTX nông nghiệp xanh Duy Linh.
Giống lúa Cay Nọi vốn có nguồn gốc từ Lào, được trồng tại các huyện biên giới phía Tây từ nhiều năm về trước. Giống lúa này có đặc điểm rất kén đất, không phải nơi nào cũng có thể trồng được, phải là những vùng đất cao, chất đất phù sa cổ và đất feralit (chất đất phù sa, bồi tụ và đất feralit đỏ vàng) với hàm lượng kali cao, nguồn nước cung cấp cho đồng ruộng chảy trực tiếp từ trong núi... lúa mới có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Ban đầu, bà con dân tộc trồng lúa chỉ để phục vụ nhu cầu ăn hằng ngày hay làm bánh vào những dịp lễ, tết nên cả xã chỉ có vài chục ha, năng suất trung bình đạt 38 - 40 tạ/ha. Sau vài vụ gieo cấy, nhận thấy giống lúa này phù hợp với cánh đồng của Quang Chiểu, chất lượng gạo ngon hơn hẳn các loại khác, người dân đã mở rộng diện tích gieo cấy lúa Cay Nọi lên đến gần 400 ha để bán ra thị trường. Giá trị hạt gạo Cay Nọi mang lại cho người nông dân là rất lớn bởi giá bán vượt trội hơn hẳn. Cụ thể, hiện nay, lúa Cay Nọi có giá 16.000 đồng/kg, gạo có giá hơn 30.000 đồng/kg (trong khi đó giá lúa thuần chỉ có hơn 10.000 đồng/kg, gạo 15.000 đồng/kg).
Mặc dù có giá trị cao nhưng nhiều năm qua, người nông dân thu hoạch thường bị tư thương ép giá. Chính vì vậy, HTX nông lâm Chung Thành đã được thành lập để làm cầu nối cho gạo Cay Nọi với thị trường. HTX liên kết với 31 hộ dân trên địa bàn xã Quang Chiểu sản xuất gạo Cay Nọi theo Chương trình OCOP. Các hộ dân được HTX hỗ trợ kỹ thuật, phân bón và giúp tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định. Đây chính là điều kiện để bà con yên tâm phát triển giống lúa gạo đặc sản này. Vụ lúa năm 2023, HTX đã thu mua và bán ra thị trường hơn 200 tấn gạo. Số lượng này chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu của người tiêu dùng trong tỉnh và khu vực các tỉnh phía Bắc. Chị Lương Thị Nồng cho biết: “Sản phẩm gạo của HTX được trồng và chế biến thuần tự nhiên, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng”.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của thị trường, năm 2023 chị Nồng đã đầu tư giàn máy chế biến gạo trị giá 230 triệu đồng và mở rộng diện tích kho xưởng. Mục tiêu trọng tâm và ưu tiên hiện nay của HTX là chinh phục người tiêu dùng trong tỉnh. HTX muốn đưa sản phẩm gạo Cay Nọi đến các siêu thị lớn của tỉnh, tham gia hội thảo, hội chợ, triển lãm để tìm kiếm thị trường. Dự định trong tương lai, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, để nâng tầm giá trị cho gạo Cay Nọi, HTX nông lâm Chung Thành dự tính sẽ cùng bà con xây dựng “Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Cay Nọi an toàn”. Đây sẽ là một bước tiến vượt bậc giúp sản phẩm gạo Cay Nọi Quang Chiểu có giá trị cao hơn, thị trường tiêu thụ rộng và giá bán ổn định, xóa bỏ dần tình trạng được mùa mất giá. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, HTX cần rất nhiều sự đầu tư để hiện đại hóa quy trình chế biến và đóng gói.
Nếu như trước đây, phụ nữ dân tộc thiểu số thường e dè, tự ti thì nay họ - những người như chị Thơm, chị Nồng đã tự tin, mạnh dạn hơn, gánh trên vai trọng trách của một người chủ doanh nghiệp. Họ đã và đang từng bước chứng tỏ bản lĩnh, vị thế của mình trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2025-01-14 08:00:00
[REVIEW OCOP] Cá thu nướng Quân Thuỷ - Thức quà từ biển cả
-
2025-01-12 10:36:00
Chế biến sâu để mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP
-
2024-02-15 07:00:00
[REVIEW OCOP] Ấm nồng hương bài Mậu Tiên
[REVIEW OCOP] Lưu giữ và phát triển hương vị mắm truyền thống hàng trăm năm tuổi
[REVIEW OCOP] Nếp Cay nọi Mường Xia - Hạt ngọc vùng cao
[REVIEW OCOP] Đưa các sản phẩm từ cói vươn xa
[REVIEW OCOP] Bò khô Mường Hạ - Đậm đà hương vị núi rừng
[REVIEW OCOP] Thơm ngọt đặc sản tiến vua nức tiếng xứ Thanh
[REVIEW OCOP] Nước mắm Vị Thanh - Đậm đà hương vị truyền thống
[REVIEW OCOP] Dẻo thơm bánh lá Hà Lai
Ứng dụng nền tảng số để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP
Sản phẩm OCOP góp phần nâng cao thu nhập