Phát huy truyền thống, xây dựng Quảng Nham thành xã phát triển toàn diện
Lịch sử, văn hóa và cách mạng của xã Quảng Nham (Quảng Xương) là lịch sử của những chặng đường đầy biến động với biết bao gian khổ, hy sinh, nhưng vẻ vang và rất đỗi tự hào. Theo tiến trình lịch sử, vùng đất Quảng Nham đã diễn ra biết bao sự kiện, từ chinh phục thiên nhiên, mở đất dựng làng, lập ấp đến chiến đấu và lao động, sáng tạo. Tất cả đã lắng đọng, bồi đắp, hun đúc nên cội nguồn sức mạnh để xây dựng quê hương Quảng Nham giàu đẹp như ngày hôm nay.
Ngày hội bơi chải truyền thống xã Quảng Nham trên sông Yên. Ảnh: Hoàng Đông
Từ xa xưa, vùng đất Quảng Nham đã hình thành một cộng đồng dân cư sinh sống bằng nghề trồng lúa nước và đánh bắt cá biển với tên gọi là làng Mom. Thế kỷ V - VI trở về sau, cư dân từ các vùng chuyển đến sinh sống ngày một đông đúc thành làng, chuyên làm nghề đánh cá nên gọi là làng Cự Nham. Đến đầu thế kỷ XIX, Cự Nham là một xã thuộc tổng Thái Lai, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đã xóa bỏ các đơn vị hành chính cấp phủ, tổng và thành lập đơn vị hành chính cấp xã. Lúc bấy giờ, Cự Nham sáp nhập với Hóa Quyền thành xã Ký Con. Tháng 4/1948, xã Ký Con sáp nhập với xã Hoa Lư và xã Lý Thường Kiệt thành xã Quảng Chính. Ngày 10/8/1954, xã Quảng Chính chia tách thành 5 xã: Quảng Nham, Quảng Thạch, Quảng Trung, Quảng Khê, Quảng Chính. Tên gọi xã Quảng Nham bắt đầu từ đây. Đúng ngày danh xưng Quảng Nham ra đời, từ Tổ đảng Cự Nẫm, Huyện ủy Quảng Xương ra quyết định thành lập Chi bộ đảng xã Quảng Nham. Tại Đại hội chi bộ lần thứ nhất đã bầu đồng chí Đặng Xuân Tưu làm Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã, và là Bí thư Chi bộ đầu tiên của Chi bộ xã Quảng Nham.
Là xã nằm ở vị trí xung yếu của tỉnh, từ tháng 1/1952 - 5/1954, thực dân Pháp đã 3 lần đổ bộ vào bờ biển Quảng Nham. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Quảng Nham, quân và dân trong xã đã đoàn kết một lòng, kiên cường chiến đấu đánh bại cả 3 lần đổ bộ của thực dân Pháp. Trong thời gian này, cùng với khí thế thi đua sôi nổi của cả nước, ở Quảng Nham phong trào tòng quân tham gia các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và các đoàn dân công lên đường phục vụ các chiến dịch diễn ra rầm rộ với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Trong 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Quảng Nham có 5.600 lượt người tham gia dân công hỏa tuyến, 54 thanh niên tham gia quân đội chiến đấu trên các chiến trường. Với nhiều đóng góp cho cuộc kháng chiến, cán bộ, đảng viên, Nhân dân Quảng Nham đã được Đảng, Chính phủ tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen các loại.
Tháng 4/1964 Chi bộ xã Quảng Nham được Huyện ủy Quảng Xương ra quyết định thành lập Đảng bộ xã Quảng Nham với 64 đảng viên, đánh dấu sự trưởng thành và lớn mạnh của Đảng bộ xã. Kể từ đây, mỗi bước thăng trầm của phong trào đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược đều gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng bộ xã.
Là địa phương có cửa lạch và bãi biển dài hơn 5,2km, gần Quốc lộ 1A, bến phà Ghép, cao điểm Lau Chẹt; trong xã có xí nghiệp đóng tàu thuyền Tân Châu và cửa hàng thủy sản của Nhà nước, Quảng Nham trở thành mục tiêu đánh phá hết sức ác liệt bằng cả không quân và tàu chiến, cả trong đất liền và trên biển. Máy bay, tàu chiến của Mỹ đã đánh gần 100 trận lớn, nhỏ, trút hàng chục nghìn tấn bom đạn xuống vùng đất Quảng Nham, làm chết 153 người, bị thương 150 người, sập và cháy hàng chục ngôi nhà, hư hỏng nhiều thuyền, bè, phương tiện sản xuất của ngư dân. Vượt lên đau thương mất mát, Đảng bộ xã Quảng Nham đã lãnh đạo Nhân dân “vững tay chèo, chắc tay súng”, kiên cường vượt qua “mưa bom, bão đạn” của kẻ thù để vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Không chỉ thế, Quảng Nham còn tích cực chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ và Nhân dân xã Quảng Nham được Hồ Chủ tịch tặng Bằng khen “Xã có công tác phòng tránh tốt”; Chính phủ tặng thưởng 2 Huân chương chiến công hạng ba về “Chiến đấu, phục vụ chiến đấu giỏi”, “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho miền Nam” và tặng 492 Huân chương và 269 Huy chương các loại cho cán bộ, quân nhân, dân quân du kích; Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”. Từ những thành tích nổi bật ấy, ngày 4/11/2004 cán bộ, Nhân dân Quảng Nham vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”.
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược của Đảng là xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng bộ, Nhân dân Quảng Nham tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 1975-1985 là chặng đường đầy khó khăn, thử thách, song Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã trăn trở tìm ra những bước đi phù hợp, đưa kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của xã đạt được nhiều thành quả đáng phấn khởi, tạo tiền đề quan trọng để Quảng Nham tiếp tục bước vào thời kỳ đổi mới cùng cả nước.
Tiếp nối mạch nguồn cách mạng vẻ vang, gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, với trí tuệ, bản lĩnh cùng tinh thần đoàn kết, sáng tạo, cán bộ, Nhân dân Quảng Nham đã không ngừng bứt phá vươn lên, ghi nhiều dấu ấn nổi bật trên tất cả các lĩnh vực. Lấy kinh tế biển làm mũi nhọn, Quảng Nham khuyến khích ngư dân mở rộng diện tích nuôi trồng và tập trung phát triển nghề chế biến thủy hải sản. “Muốn vượt sóng to phải có tàu lớn”, xã tạo mọi điều kiện để ngư dân đầu tư những chiếc tàu công suất lớn, hiện đại bám biển vươn khơi dài ngày. Cùng với kinh tế biển, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ cũng ngày khởi sắc; các doanh nghiệp tư nhân phát triển ngày một nhiều đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Điểm nhấn trong bức tranh kinh tế - xã hội ở Quảng Nham những năm gần đây là giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm đạt 14,5%; tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản đạt trên 82.000 tấn/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 61 triệu đồng. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao rõ rệt. Hệ thống giao thông được trải nhựa, bê tông, sạch đẹp; trường học, trạm y tế, công sở, nhà ở ngày càng khang trang. Bức tranh làng quê Quảng Nham nghèo xưa kia giờ được tô điểm bởi những công trình hiện đại, kiên cố. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước phát triển mới, với 4/4 trường học đạt chuẩn quốc gia, các nhà trường đã tạo dựng và khẳng định được tên tuổi, vị thế của mình trong giảng dạy và học tập; công tác y tế được chú trọng, chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân được nâng cao; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” phát triển rộng khắp với 13/13 thôn, 3 đơn vị nhà trường được công nhận đạt danh hiệu đơn vị văn hóa cấp huyện. Các chế độ, chính sách, an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo động lực để Quảng Nham phát triển toàn diện. Sau 13 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, Quảng Nham đã khoác trên mình một diện mạo mới, tươi đẹp. Thành quả ấy đã làm tăng thêm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ xã, đồng thời tạo thế và lực mới để Quảng Nham tiếp tục tăng tốc trên chặng đường phát triển mới.
Từ ngày thành lập đến nay, Đảng bộ xã Quảng Nham đã trải qua 22 kỳ đại hội. Mỗi nhiệm kỳ đánh dấu sự phát triển, lớn mạnh không ngừng của Đảng bộ xã. Từ Tổ đảng Cự Nẫm trở thành Chi bộ Quảng Nham với 26 đảng viên, rồi phát triển lên Đảng bộ với 64 đảng viên, đến nay Đảng bộ xã Quảng Nham có 275 đảng viên sinh hoạt ở 20 chi bộ. Đảng bộ xã Quảng Nham đã khẳng định vai trò “hạt nhân” chính trị, là chỗ dựa, niềm tin, ngọn cờ tập hợp Nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong từng giai đoạn cách mạng.
Năm tháng qua đi, nhưng truyền thống cách mạng, những chiến công của Đảng bộ, quân và dân lập nên trong 2 cuộc kháng chiến và trong thời kỳ đổi mới mãi mãi là niềm tự hào của mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân Quảng Nham. Chạm vào dấu mốc 70 năm thành lập Đảng bộ xã là thời khắc vô cùng ý nghĩa để Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Nham trân trọng những thành quả đã đạt được, đồng thời bồi đắp thêm niềm tin yêu, tinh thần đoàn kết, quyết tâm xây dựng Quảng Nham thành xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, sớm trở thành đô thị phát triển toàn diện trong tương lai, xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương anh hùng và ghi thêm một dấu mốc quan trọng trong lịch sử Đảng bộ xã nhà.
Nguyễn Duy Bách
Bí thư Đảng ủy xã Quảng Nham
- 2024-09-08 15:14:00
Nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở ở Đông Sơn
- 2024-09-06 08:57:00
Nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự
- 2024-08-06 09:45:00
“Dân vận khéo” góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh
Giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở
Điều động, luân chuyển cán bộ ở TP Sầm Sơn
Giải pháp nâng cao chất lượng tập san nghiên cứu lý luận và thực tiễn của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
Cẩm Thủy cải cách hành chính thu hút đầu tư
Đẩy mạnh xây dựng cơ quan, đơn vị kiểu mẫu trên địa bàn huyện Ngọc Lặc
Triệu Sơn chú trọng công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên mới
Đoàn kết trong thực hiện nhiệm vụ
Đảng bộ huyện Mường Lát chú trọng công tác rà soát, sàng lọc, nâng cao chất lượng đảng viên
Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực