(Baothanhhoa.vn) - Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử là hình thức giáo dục đặc thù và có ý nghĩa quan trọng của ngành tòa án. Trong đó, các phiên tòa xét xử lưu động được đánh giá là mang lại hiệu quả cao bởi người dân được “tai nghe, mắt thấy” quá trình diễn biến của phiên tòa, hiểu rõ hành vi vi phạm pháp luật trong các tình huống cụ thể, để từ đó tự rút ra bài học kinh nghiệm trong cuộc sống hằng ngày.

Thường Xuân phổ biến, giáo dục pháp luật qua các phiên tòa lưu động

Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử là hình thức giáo dục đặc thù và có ý nghĩa quan trọng của ngành tòa án. Trong đó, các phiên tòa xét xử lưu động được đánh giá là mang lại hiệu quả cao bởi người dân được “tai nghe, mắt thấy” quá trình diễn biến của phiên tòa, hiểu rõ hành vi vi phạm pháp luật trong các tình huống cụ thể, để từ đó tự rút ra bài học kinh nghiệm trong cuộc sống hằng ngày.

Thường Xuân phổ biến, giáo dục pháp luật qua các phiên tòa lưu độngMột phiên tòa xét xử lưu động tại xã Yên Nhân.

Một trong những vụ án mà Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Thường Xuân đưa ra xét xử lưu động ngày 31/8/2023 là vụ án hai vợ chồng chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật mà có hành vi “Hủy hoại rừng”. Phiên xét xử diễn ra lưu động tại trụ sở UBND xã Yên Nhân - nơi cư trú của các bị cáo cũng là địa bàn xảy ra vụ án. Vợ chồng anh Vũ Hoàng Dương (sinh năm 1979) và chị Lương Thị Đức (sinh năm 1983) vốn chỉ học hết lớp 3, lớp 4, không có nghề nghiệp ổn định, hoàn cảnh kinh tế bấp bênh; chị Đức là người dân tộc Thái sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Ngày 6/12/2022, vợ chồng chị Đức đã bàn bạc và thuê người dân địa phương chặt phá cây rừng với mục đích để trồng keo. Việc chặt phá cây rừng không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Thời gian chặt, phá cây rừng diễn ra từ ngày 8/12/2022 đến ngày 12/12/2022, diện tích bị thiệt hại là 1,92 ha rừng sản xuất. Khối lượng lâm sản thiệt hại gồm 23,368m3 cây gỗ tự nhiên và 7 bụi cây gỗ thông thường và nứa với tổng số lượng 710 cây. Tổng thiệt hại về rừng là hơn 119 triệu đồng, trong đó giá trị thiệt hại về lâm sản là 29,8 triệu đồng, giá trị thiệt hại về môi trường rừng với diện tích 1,92 ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên 89,6 triệu đồng. Phiên tòa xét xử lưu động hôm đó có sự tham gia theo dõi của nhiều người dân xã Yên Nhân. Thông qua quá trình xét hỏi, tranh tụng và tuyên án, hội đồng xét xử đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật để những người dự phiên tòa nắm bắt thêm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng.

Trước đó, ngày 9/1/2023, tại trụ sở UBND xã Thọ Thanh, TAND huyện Thường Xuân đã mở phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích” đối với bị cáo Lê Đình Chung, sinh năm 1996. Câu chuyện vụ án của Chung xảy ra cũng chỉ xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân bột phát, thiếu kiểm soát cảm xúc, hành vi của một thanh niên tuổi đời còn rất trẻ. Tối ngày 16/11/2022, Chung đến nhà Lê Văn Đại ở cùng thôn chơi. Tại nhà anh Đại, Chung ngồi uống nước nói chuyện cùng với Đại và một số người trong thôn, sau đó có thêm Lê Hữu Hiệp và Đỗ Trung Hùng đến. Trong lúc ngồi uống nước, nói chuyện, giữa Chung và Hiệp xảy ra mâu thuẫn, chửi bới nhau. Hai bên thách thức đánh nhau nhưng được mọi người ở đó can ngăn nên chưa ai đánh được ai. Sau đó, Chung chạy ra đường, nhặt một viên gạch ở trước cổng nhà anh Đại ném về phía Hiệp nhưng không trúng. Chung chạy về nhà mình, vào bếp cầm một con dao mũi nhọn và quay lại nhà anh Đại. Khi đi đến ngã ba thì Chung gặp Hiệp đang điều khiển xe máy đi về nhà. Tại đây, cả hai tiếp tục thách thức nhau dẫn đến việc Chung đã dùng dao chém 2 nhát vào người anh Hiệp, gây thương tích cho anh Hiệp với tỷ lệ tổn thương trên cơ thể là 29% sức khỏe. Tại phiên tòa xét xử lưu động, Chung đã phải nhận mức án 30 tháng tù vì tội “Cố ý gây thương tích”.

Hai phiên tòa xét xử lưu động mà TAND huyện Thường Xuân tổ chức trong năm 2023 thu hút đông đảo người dân địa phương theo dõi quá trình diễn biến của phiên tòa. Thông qua quá trình xét hỏi, tranh tụng và tuyên án, hội đồng xét xử đã lồng ghép các quy định của pháp luật về tội danh hủy hoại rừng, cố ý gây thương tích để phổ biến cho người dân hiểu. Theo dõi phiên tòa lưu động, mỗi người sẽ tự rút ra bài học thực tế để tự răn chính mình, đồng thời họ cũng trở thành kênh thông tin tuyên truyền hữu hiệu vận động người thân, bạn bè, bà con lối xóm nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật.

Ông Vi Văn Tấn, Trưởng thôn Na Nghịu, xã Yên Nhân chia sẻ: Phiên tòa xét xử lưu động mang lại hiệu quả cao trong công tác giáo dục pháp luật. Trước đây, nhiều người trong thôn còn hiểu biết mơ hồ trong việc khai thác, bảo vệ rừng. Một số hộ có nhu cầu khai thác rừng sản xuất nhưng vừa làm, vừa xin phép; tình trạng khai thác cây trồng trên đất rừng sản xuất nhưng lại tranh thủ phát vén cả sang khu vực rừng tự nhiên. Từ sau phiên tòa xét xử lưu động tổ chức hồi tháng 8/2023, nhiều người đã nhận thức được đâu là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự nên bây giờ không ai còn dám liều lĩnh nữa.

Theo thống kê của TAND huyện Thường Xuân, trong 2 năm qua (2022, 2023), TAND huyện đã tổ chức 4 phiên tòa xét xử lưu động với các tội danh như: Hủy hoại rừng, cố ý gây thương tích, mua bán trái phép chất ma túy... Các vụ án được lựa chọn đưa ra xét xử lưu động thường là vụ án hình sự có tính chất điển hình về tội danh, hành vi phạm tội và thu hút sự quan tâm của dư luận.

Bà Lê Thị Tâm, Phó Chánh án TAND huyện Thường Xuân, cho biết: Nhìn từ góc độ giáo dục pháp luật thì những vụ án được đưa ra xét xử lưu động là dịp để chuyển tải các quy định của pháp luật đến với người dân, ngoài tác dụng phổ biến pháp luật còn có tác dụng cảnh báo, răn đe, giáo dục chung đối với mọi người, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Đặc biệt, ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa nơi chưa có nhiều điều kiện để tiếp cận thông tin thì việc tổ chức các phiên tòa lưu động càng có giá trị tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với những người ít được tiếp cận kiến thức pháp luật. Tại huyện Thường Xuân, trong những năm gần đây, số lượng vụ án được đưa ra xét xử lưu động trên địa bàn huyện chưa nhiều, song một số vụ án điển hình được đưa ra xét xử đã tạo được hiệu ứng tốt trong công tác giáo dục, phòng ngừa. TAND huyện Thường Xuân đang nỗ lực đa dạng hóa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân vùng sâu, vùng xa nâng cao hiểu biết, nhận thức pháp luật, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết, nhận thức chưa đầy đủ các quy định pháp luật ở nhiều lĩnh vực trong đời sống.

Bài và ảnh: Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]