(Baothanhhoa.vn) - “Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất, trong lòng dân và trong trái tim nhân loại” (Thuận Yến). Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tái hiện trong nhiều bộ sách văn học và sách có minh hoạ như Búp sen xanh (Sơn Tùng), Lăng Bác Hồ (Tô Hoài), Gặp Bác (Nguyễn Huy Tưởng), Từ Làng Sen (lời Sơn Tùng, tranh Lê Lam)... Và đến hôm nay khi cầm trên tay 5 tập trong bộ truyện tranh “Bác Hồ sống mãi” (NXB Kim Đồng, 2023), hình ảnh Bác Hồ kính yêu hiện lên càng gần gũi, dung dị, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với thế hệ trẻ.

Bác Hồ sống mãi

“Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất, trong lòng dân và trong trái tim nhân loại” (Thuận Yến). Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tái hiện trong nhiều bộ sách văn học và sách có minh hoạ như Búp sen xanh (Sơn Tùng), Lăng Bác Hồ (Tô Hoài), Gặp Bác (Nguyễn Huy Tưởng), Từ Làng Sen (lời Sơn Tùng, tranh Lê Lam)... Và đến hôm nay khi cầm trên tay 5 tập trong bộ truyện tranh “Bác Hồ sống mãi” (NXB Kim Đồng, 2023), hình ảnh Bác Hồ kính yêu hiện lên càng gần gũi, dung dị, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với thế hệ trẻ.

Bác Hồ sống mãi

Từ những câu chuyện cảm động...

Trên con đường cứu nước, ngay từ buổi ban đầu, Bác đã đến với công việc giáo dục thế hệ trẻ - thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận). Sau này, trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước trên khắp thế giới, đến đâu Bác cũng quan tâm xem cuộc sống trẻ em nơi đó thế nào.

Khi trở về nước lãnh đạo cách mạng đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập tự do cho dân tộc, gian khổ trăm bề nhưng Bác vẫn luôn quan tâm đến thiếu niên, nhi đồng. Bác căm phẫn trước tội ác của bọn thực dân cướp nước đối với trẻ em đồng thời thương xót tình cảnh khốn khổ của các cháu bé dưới ách thống trị của kẻ thù.

Đó là truyện “Đêm giao thừa đáng nhớ” khi Bác lội bì bõm trong đêm 30 tết để đến gia đình chị Tín, người tranh thủ gánh thêm vài gánh kiếm ít tiền mua quà tết cho 4 đứa con. Bất ngờ quá, chị Tín hỏi: - Thưa Bác, sao... sao Bác lại đến thăm nhà cháu? Bác trả lời: Nhà cháu mà Bác không đến thì Bác còn đến nhà ai? Bác không chỉ quà bánh, quần áo cho bọn trẻ nhà chị, mà Bác còn truyền cả hơi ấm tình người trong “Đêm giao thừa đáng nhớ”.

Hay câu chuyện “Trại trẻ mồ côi Kim Đồng”, nhìn thấy rào dây thép gai bác hỏi ngay: Đây là nơi nuôi dạy các cháu mồ côi được mang tên liệt sĩ Kim Đồng, sao các cô chú lại rào dây thép gai như nhà tù thế?. Bác giải thích: “Đối với các cháu mồ côi, điều cần nhất là bù đắp tình thương. Các cháu không còn bố mẹ. Nên các cháu coi thầy cô ở đây chính là bố mẹ. Vì vậy, các cô chú cần phải mang cả tấm lòng cha mẹ mà săn sóc và dạy dỗ các cháu. Các cháu đang khao khát một gia đình. Nhưng Bác lại thấy nơi này giống trại lính hơn”.

Rồi chuyện “Đã hứa thì phải làm” kể về ngày Bác trở lại Cao Bằng, dù trong hoàn cảnh khó khăn vất vả nhưng Bác vẫn phải đi tìm mua bằng được chiếc vòng bạc. Vì Bác vẫn nhớ khi rời Pắc Bó, có một cháu bé theo dân bản ra đến đầu bản tiễn bác và dặn Bác đến đâu thấy có vòng bạc thì nhớ mua cho cháu một cái. Bác biết rõ: “các cháu nhỏ một khi đã lên tiếng nhờ người lớn mua thứ gì tức là chúng thích thứ đó lắm”.

Hay chuyện “Cháu muốn xem nhà Bác”, khi vào thăm Phủ Chủ tịch nơi Bác làm việc, có một cháu nhỏ khóc, cô giáo dỗ: Nín đi rồi cô dẫn đi xem con thỏ Bác Hồ nuôi. Nghe vậy, Bác chỉ nói: “Cháu ngoan đừng khóc nữa. Bác hái tặng cháu một bông hoa nhé. Nhà Bác chỉ có nhiều hoa đẹp chứ không có thỏ đâu”. Và quay qua nói với cô giáo: “Dù các cháu còn bé, nhưng bao giờ chúng ta cũng nên nói đúng sự thật để làm gương và hình thành thói quen tốt cho các cháu”.

Chuyện “Từ mái ấm Nà Lọm”, Bác rất lo lắng cho các cháu thiếu nhi khi biết tin giặc Pháp ném bom rất dữ dội vì thế Bác muốn đưa các cháu về đây chăm sóc”. Và Bác sai thư ký Vũ Kỳ về Hải Phòng tìm kiếm các cháu, rồi cho dựng một gian trại nhỏ, kín đáo ngay giữa căn cứ Nà Lọm để cưu mang 35 trẻ mồ côi. Bác nói: “Chúng ta sẽ vỡ đất trồng trọt hoa màu và chăn nuôi... để cải thiện bữa ăn cho các cháu. Bác sẽ làm gương phát động phong trào, một tuần nhịn ăn một bữa, góp số gạo đó để nuôi các cháu. Nếu thiếu Bác sẽ vận động thêm ở các cơ quan khác”. Ngoài việc lo cho các cháu ăn uống đầy đủ, Bác còn phải lo cho các cháu học hành đàng hoàng nữa.

Những câu chuyện này không phải lần đầu tiên tôi được nghe, được đọc. Nhưng lần nào đọc cũng xúc động. Là một vị Chủ tịch nước, Bác phải lo biết bao nhiêu công việc “quốc gia đại sự” mà vẫn còn chú ý những việc tưởng nhỏ, đến những thân phận bé mọn, nghèo đói... Những điều Bác làm tưởng đơn giản mà không mấy ai có thể làm được.

...Đến những bài học

5 cuốn truyện mỏng, với 20 câu chuyện nhỏ, nhưng để lại biết bao bài học. Câu chuyện “Bỏ một mâm lấy một đĩa” nhắc nhở mỗi người dù làm việc gì cũng cần phải nhiệt thành, làm đến nơi đến chốn thì mới có hiệu quả thiết thực. Chuyện kể về một người lái xe, quen đi xe tải có gầm cao nên khi thấy hòn đá to nằm giữa đường, vẫn nghĩ rằng có thể vượt qua. Nhưng không ngờ hòn đá lại kẹt dưới gầm xe làm két nước xe bị thủng một lỗ to phải dừng lại để sửa chữa. Bác nhẹ nhàng nói: “Làm bất cứ việc gì nhất thiết phải nghĩ đến cái lớn, cái lâu dài, cái chung... và làm thật cẩn thận thì mới đạt hiệu quả cao. Sẽ vô cùng tai hại, nếu chú chỉ biết nghĩ đến những việc nhỏ, bằng cái nhìn hẹp hòi thiển cận”.

Đó còn là bài học về chữ tín, đã hứa với ai, việc gì thì phải thực hiện cho kỳ được, dù đó là một em bé. Qua câu chuyện “Đã hứa thì phải làm”, Bác nhắc nhở mọi người: “Tâm hồn của trẻ em tinh khiết như dòng nước này vậy. Ta nhuộm đỏ thì thành đỏ, nhuộm xanh thì thành xanh. Với các cháu ta đã hứa điều gì thì phải làm cho kỳ được. Không làm được thì đừng có hứa”. Đặc biệt, người cán bộ cách mạng chữ “Tín” càng quan trọng. Câu chuyện “Thời gian quý báu lắm”, khi người cán bộ đến muộn Bác đã nói: “Đã hẹn thì phải đến và phải đến đúng giờ. Lời nói và việc làm không thống nhất thì sau ai nghe theo nữa... Mình biết quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng phải quý thời gian của người khác bấy nhiêu”.

Chúng ta nhận ra bài học về căn bệnh quan liêu hình thức, đặc biệt là trong công tác thi đua khen thưởng qua câu chuyện “Gương người tốt, việc tốt”. “Các chú nên biết, một pho tượng hay tòa lâu đài dù có sừng sững nguy nga đến đâu cũng phải nhờ vào chân đế hay cái nền chắc chắn mới có thể đứng vững được. Tuy nhiên, thói thường người ta chỉ nhìn thấy pho tượng hay lâu đài chứ mấy ai chú ý đến chân đế hay cái nền. Các chú làm cán bộ mà cứ mải lo công tác sự vụ không quan tâm đến việc xây dựng con người mới như thế thì khác nào các chú chỉ thấy ngọn mà quên mất cái gốc?”.

Qua những câu chuyện về Bác Hồ mà chúng ta còn tự rút ra bài học về sự bình tĩnh trong xử lý công việc và sự vụ. Chỉ bằng một ví dụ đơn giản: “Nước nóng và nước mát”, Bác Hồ đã giúp chúng ta hiểu rằng, phong thái hòa nhã, điềm đạm, cũng như cốc nước mát, dễ uống, dễ tiếp thu hơn cốc nước còn nóng. Và cách bù đắp, chia sẻ tình thương cho các cháu ở “Trại trẻ mồ côi Kim Đồng” không chỉ là để các cháu có một nơi ở. Bác nói: “Các cháu không còn bố mẹ. Nên các cháu coi thầy cô ở đây chính là bố mẹ. Vì vậy, các cô chú cần phải mang cả tấm lòng cha mẹ mà săn sóc và dạy dỗ các cháu. Các cháu đang khao khát một gia đình. Nhưng Bác lại thấy nơi này giống trại lính hơn... Phải làm sao để các cháu cảm nhận đây chính là gia đình của mình. Đi xa các cháu nhớ. Lúc ở nhà các cháu thấy vui”.

Những câu chuyện nhỏ nhưng lại gửi gắm tất cả tình yêu, trái tim của Hồ Chủ tịch với cán bộ, Nhân dân và cả các cháu nhỏ. Những bài học vừa nhẹ nhàng mà sâu lắng ấy, đến nay chúng ta đọc lại, nghe lại vẫn thấy gần gũi như chính câu chuyện hằng ngày chúng ta đang chứng kiến, đang sống và đang thực hiện. Bộ truyện tranh mang chủ đề “Bác Hồ sống mãi” thêm một lần nữa kể lại những câu chuyện về vị cha già kính yêu của dân tộc, người đã “hòa mình với các bạn nhỏ trong từng trang sách, từng khuôn hình và từng câu chuyện mang nội dung giáo dục đậm đà đầy ý vị" (nhà sử học Dương Trung Quốc).

“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người”, gần 55 năm sau ngày Bác “đi xa”, nhưng tình yêu thương của Bác thì lúc nào cũng ấm áp và gần gũi không chỉ với các cháu thiếu nhi, mà với tất cả mọi người con đất Việt. Bởi, Bác không chỉ là hiện tượng của văn hóa nhân loại thế kỷ XX, mà là hiện tượng “nói mãi không cùng” và sống mãi.

Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]