(Baothanhhoa.vn) - Chiếm tỷ lệ “áp đảo” về giá trị sản xuất, xuất khẩu; nộp ngân sách Nhà nước tới 55% số thu toàn tỉnh - thực tế tỷ lệ này còn cao hơn nhiều nếu không tính số thu từ tiền sử dụng đất vốn được xác định thiếu tính bền vững. Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS&CKCN) đang tiếp tục khẳng định vai trò then chốt đối với các mục tiêu phấn đấu của tỉnh.

Nỗ lực sản xuất, đóng góp cao vào tăng trưởng

Chiếm tỷ lệ “áp đảo” về giá trị sản xuất, xuất khẩu; nộp ngân sách Nhà nước tới 55% số thu toàn tỉnh - thực tế tỷ lệ này còn cao hơn nhiều nếu không tính số thu từ tiền sử dụng đất vốn được xác định thiếu tính bền vững. Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS&CKCN) đang tiếp tục khẳng định vai trò then chốt đối với các mục tiêu phấn đấu của tỉnh.

Nỗ lực sản xuất, đóng góp cao vào tăng trưởngVận hành sản xuất tại Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 (KKTNS).

Một năm nhiều khó khăn với ngành xi măng do cạnh tranh khốc liệt thị trường đầu ra, Công ty Xi măng Nghi Sơn vẫn đạt doanh thu 6.100 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 170 tỷ đồng. Theo Giám đốc Nhà máy Xi măng Nghi Sơn Hino Takafumi, đối diện với những thách thức về đầu ra, doanh nghiệp (DN) đã tập trung tìm kiếm, gia tăng sản lượng xuất khẩu ở các thị trường khó tính như Philippines và

Singapore. Cùng với ứng dụng các giải pháp công nghệ nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, công ty đã hoàn thiện các chứng chỉ theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt quốc tế để cạnh tranh thành công ở các thị trường này và xác định đây là hướng đi chiến lược, xuyên suốt trong thời gian tới.

Năm 2024, Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu cũng như đa dạng thị trường nội địa. Đến nay, sản phẩm thép thương hiệu VAS đã xuất khẩu tới Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản hay Guatemala, Mỹ... Theo đại diện Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn, sở dĩ sản phẩm được thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản đón nhận và đánh giá cao không chỉ vì đáp ứng được những quy định xuất xứ nghiêm ngặt, quy trình kiểm định gắt gao, yêu cầu chất lượng chuẩn quốc tế và thời gian giao hàng mà còn bởi tiêu chí “thép xanh, sạch” sản xuất trên mô hình kinh tế “tuần hoàn”. Năm 2024, Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn đạt doanh thu 16.600 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng.

Cũng tại KKTNS, nhiều DN đầu tàu đã đạt kết quả sản xuất, kinh doanh với mức tăng trưởng khá và tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong mục tiêu tăng thu nguồn ngân sách Nhà nước. Điển hình như Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn sản xuất và xuất ra thị trường tới hơn 9,7 triệu tấn sản phẩm các loại; trong đó có 8 triệu tấn xăng dầu và nhiều sản phẩm hóa dầu như: lưu huỳnh, benzen, polypropylen. DN này đã nộp ngân sách năm 2024 tới 24.700 tỷ đồng. Công ty TNHH Dầu thực vật khu vực miền Bắc Việt Nam với doanh thu đạt 1.450 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 105 tỷ đồng. Các nhà máy sản xuất điện đều hoạt động đạt công suất thiết kế; trong đó, Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 vận hành công suất cực đại nhà máy với 1.200 MW, góp phần tăng cường năng lực, giá trị sản xuất công nghiệp cho tỉnh Thanh Hóa và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Năm 2024, giá trị sản xuất của nhà máy đạt 15.600 tỷ đồng, nộp ngân sách 1.100 tỷ đồng.

Tại KCN Bỉm Sơn, nhiều DN cũng đã nỗ lực khắc phục khó khăn để vận hành sản xuất hiệu quả. Ông Cheng DaWei, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp INTCO Việt Nam, cho biết: “Giai đoạn 1 dự án có tổng vốn đầu tư 40 triệu USD đã đi vào vận hành ổn định, với 850 lao động. Trong năm 2024, DN vận hành đạt công suất sản xuất tối đa 40 triệu USD. Chúng tôi đang tích cực đầu tư để giai đoạn 2 đi vào vận hành thử tháng 12/2025 và vận hành thương mại trong thời gian sớm nhất sau hiệu chỉnh”.

Đến nay, KKTNS&CKCN đã thu hút được 731 dự án đầu tư trong nước và nước ngoài. Năm 2024, các DN đã tạo ra giá trị sản xuất hơn 278.000 tỷ đồng, bằng 118% so với cùng kỳ; nộp ngân sách ước đạt 31.100 tỷ đồng, bằng 131% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,2 tỷ USD, bằng 97% so với cùng kỳ.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý KKTNS&CKCN tỉnh, với dư địa của các nhà máy đang chuẩn bị đưa vào vận hành sản xuất từ đầu năm 2025 như: Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn số 2; Nhà máy Cơ khí công nghệ cao Nghi Sơn tại KKTNS; Nhà máy Sản xuất lốp ô tô Radial; Nhà máy Công nghiệp INTCO Việt Nam KCN Bỉm Sơn sẽ góp phần tăng thêm đáng kể năng lực sản xuất cho các động lực của xứ Thanh cũng như ngành công nghiệp Thanh Hóa.

Cùng với tập trung đôn đốc, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai sớm đưa vào hoạt động, Ban Quản lý KKTNS&CKCN đang tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành thủ tục pháp lý, tiến tới tổ chức khởi công các dự án: Nhà máy Luyện cán thép DST Nghi Sơn, Nhà máy Nghi Sơn GLOBAL, Khu nuôi trồng thủy hải sản VNC... Đồng thời, nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc của các nhà máy đang hoạt động hiện hữu có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, tạo việc làm cho người lao động.

Tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục quan tâm, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để DN và người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh; thu hút các nguồn vốn đầu tư; tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng KKTNS&CKCN theo hướng đồng bộ, hiện đại, đi đôi với tăng cường đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tạo mặt bằng sạch thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Cùng với đó, Thanh Hóa đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm thu hút các DN vào đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, công nghệ cao, phấn đấu Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và cả nước, gắn với phát triển bền vững, hiệu quả.

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]