(Baothanhhoa.vn) - Tỉnh Thanh Hóa nhiều vùng đồi với tiềm năng đất đai đa dạng, phong phú phù hợp cho phát triển nông, lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi. Nhờ đó, những người nông dân đã đem trí tuệ, sức lực để từng ngày “đánh thức” đất đai, phát triển thành những vùng sản xuất nông sản nổi tiếng. Đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thay đổi phương pháp canh tác, tiếp cận thị trường... nhằm nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, từng bước cải thiện đời sống và làm giàu trên quê hương.

Những “ông chủ” vùng đồi

Tỉnh Thanh Hóa nhiều vùng đồi với tiềm năng đất đai đa dạng, phong phú phù hợp cho phát triển nông, lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi. Nhờ đó, những người nông dân đã đem trí tuệ, sức lực để từng ngày “đánh thức” đất đai, phát triển thành những vùng sản xuất nông sản nổi tiếng. Đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thay đổi phương pháp canh tác, tiếp cận thị trường... nhằm nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, từng bước cải thiện đời sống và làm giàu trên quê hương.

Những “ông chủ” vùng đồiThương lái thu mua cam đường canh tại trang trại của gia đình anh Mai Trọng Phúc, xã Thành Tân (Thạch Thành).

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm vào thung lũng Bãi Dài thuộc xã Thành Tân và thị trấn Vân Du (Thạch Thành). Nơi đây, được xem là địa chỉ của thương hiệu cam Vân Du. Trước mắt chúng tôi là trang trại Phúc Quế, với diện tích hơn 20 ha, trải dài tít tắp màu xanh của cây ăn quả. Đây cũng là một trong những trang trại đi đầu trong áp dụng công nghệ cao vào sản xuất cây ăn quả và phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP. Anh Mai Trọng Phúc (sinh năm 1976), chủ trang trại, chia sẻ: Vốn là người TP Thanh Hóa đã từng sang Nga lao động, anh tích cóp được ít vốn và nuôi mộng trở về Việt Nam làm ông chủ trên cánh đồng mẫu lớn, như những người Nga từng làm chủ nông trang của mình. Năm 2015, thực hiện chương trình tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp, anh đã quyết định “rẽ lối” sang làm nông nghiệp và huy động vốn từ người thân để đầu tư cho cánh đồng cam, bưởi da xanh, trên diện tích 20 ha ở Bãi Dài theo hình thức thuê đất 50 năm. Qua nhiều năm vất vả, đến nay, trang trại Phúc Quế đã trở thành vùng quả ngọt, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Để xây dựng được một trang trại, anh Mai Trọng Phúc đã kiên trì nghiên cứu tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của thị trường và lựa chọn hướng phát triển áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Từ khi có ý tưởng đến việc bắt tay thực hiện là cả hành trình dài mà mỗi khi nhắc lại anh Phúc đều tự hào vì quyết định đúng đắn và sự kiên trì, quyết tâm của bản thân. Bởi sau khi đầu tư, đưa cam đường canh, bưởi da xanh, cam lòng vàng, ổi lê Đài Loan vào sản xuất, khi cây mới cho quả thì gặp đợt lũ tháng 10 năm 2017, cả vùng chìm trong biển nước khiến thành quả gần như mất trắng. Tiếp sau đó là chuỗi ngày ăn, ngủ cùng trang trại để chăm sóc, vun xới và hồi sinh lại vùng đồi. Anh Phúc, chia sẻ: Thời điểm ấy, hơn 15 tỷ đồng và công sức, kỳ vọng bỗng tan biến. Càng suy nghĩ, càng khủng hoảng bởi số tiền bỏ ra đầu tư quá lớn. Thật may, được lãnh đạo huyện Thạch Thành, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện động viên, hướng dẫn quy trình chống úng, rửa lá và chăm sóc cây sau lũ... Sau thời gian, chúng tôi dành tất cả sức lực, không kể ngày đêm chăm sóc, trang trại đã hồi sinh và dường như lớp phù sa sau lũ lụt lại trở thành nguồn lực để cây cho nhiều quả, mọng nước và chất lượng hơn.

Khi được hỏi về năng suất, sản lượng, anh Phúc tự hào cho biết, mọi khó khăn đã qua, trang trại đã có được những mùa quả ngọt. Năm 2022, ước tính sản lượng khoảng 400 tấn, doanh thu hàng chục tỷ đồng. Cứ đầu mùa là có hàng trăm thương lái từ mọi miền tìm tới đặt hàng, có những hợp đồng đưa vào chuỗi tiêu thụ hiện đại, có những đơn hàng chỉ bán ở kênh thương mại truyền thống. Nhưng điều đáng mừng hơn cả là cam, bưởi từ trang trại Phúc Quế đã được thị trường, người tiêu dùng biết đến, trở thành thứ nông sản quen thuộc của người dân trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, trang trại đang tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, với thu nhập bình quân từ 5,5-6 triệu đồng/người/tháng, trong mùa thu hoạch số lượng lao động thời vụ có thể lên tới 40-50 người.

Rời vùng đất Thạch Thành, đến huyện Ngọc Lặc, đâu đâu chúng tôi cũng thấy màu xanh mướt mát, trù phú của những cánh rừng, những đồi cây ăn quả, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Đồng chí Phan Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Ngọc Lặc, cho biết: Huyện có 31.000 ha đất đồi và diện tích đất lâm nghiệp trên địa hình dốc trên 25 độ, người dân chủ yếu trồng luồng, keo mang lại lợi nhuận khoảng 45-50 triệu đồng/ha/ năm. Diện tích đồi có độ dốc từ 15 độ đến dưới 25 độ là những vùng có chất đất màu mỡ, chỉ cần người dân lựa chọn loại cây trồng, mô hình sản xuất phù hợp thì hiệu quả kinh tế có thể đạt tới 250 triệu/ha/năm. Nhờ đó, có hàng nghìn hộ dân đã phát triển kinh tế bền vững trên những vùng đồi.

Men theo những khu đồi thuộc thôn 6, xã Lam Sơn, chúng tôi được mãn nhãn với khu trang trại tổng hợp của gia đình bác Lê Viết Quang. Trang trại có diện tích 4 ha quy hoạch thành 2 khu, gồm khu vườn đồi rộng 3 ha trồng các loại cây như mía, sắn, dứa, cao su... và một khu chuồng trại rộng gần 1 ha, nuôi 1.000 con gà ri/ lứa. Sau 2 năm, trang trại của gia đình bác Quang đã xuất bán được 7 lứa, với tổng doanh thu khoảng 120 triệu đồng/lứa. Trên diện tích đồi trồng cây công nghiệp ngắn ngày, ban đầu gia đình bác trồng mía, sắn, cao su kết hợp xen canh cây ngô để tăng thu nhập. Năm 2015, khi nhận thấy, có nhiều loại cây trồng khác có thị trường tiêu thụ lớn, cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình bác Quang đã chủ động thu hẹp diện tích trồng sắn, cao su để đưa cây dứa giống Queen, cây ăn quả như cam đường canh, bưởi... vào trồng. Hiện tại các loại cây trồng, vật nuôi của gia đình bác đều cho thu hoạch ổn định, doanh thu hằng năm đạt 450-500 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm. Bác Quang, chia sẻ: Tận dụng được diện tích đồi rộng, màu mỡ, gia đình đã chủ động tìm những loại cây trồng phù hợp với chất đất, thị hiếu của thị trường và hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Nhờ áp dụng các quy trình sản xuất an toàn nên sản phẩm được thương lái và một số đầu mối tiêu thụ thu mua qua các hợp đồng kinh tế. Hơn 7 năm phát triển sản xuất trên vùng đồi dốc, kinh tế của gia đình đã ổn định và khấm khá hơn. Toàn khu trồng trọt, chăn nuôi của gia đình, trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng/năm.

Vùng đồi dốc của tỉnh được đánh giá là có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển nông nghiệp và thực tế đã trở thành những địa chỉ tin cậy về các loại nông sản nổi tiếng. Như cam đường canh, cam xã đoài Như Xuân; ổi, cam Thạch Thành... Cùng với đó, những người nông dân tỉnh Thanh cũng linh hoạt ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tạo ra nông sản có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Với những đổi mới, linh hoạt trong sản xuất đã từng bước hình thành một tầng lớp nông dân mới dám nghĩ, dám làm, am hiểu thị trường và trở thành những “ông chủ”, những triệu phú nông dân vùng đồi.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]