Những người “gieo chữ” nơi cổng trời xứ Thanh - Bài 2: Một đêm ở lớp xóa mù
Thiếu tá Lê Xuân Lâm, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Trung Lý (Mường Lát) nói về lớp xóa mù chữ cho các bà, các mẹ đồng bào dân tộc Mông ở độ tuổi “U40, U50...” khiến tôi không khỏi tò mò, nên xin theo chân Thiếu tá Lê Xuân Lâm lên lớp học mới được mở ở bản Tà Cóm...
Lớp xóa mù ở bản Tà Cóm.
Bát cơm ăn vội...
Từ bản Pa Búa, tôi cùng Thiếu tá Lê Xuân Lâm tiếp tục hành trình di chuyển qua bản Tà Cóm. Vẫn con đường độc đạo với thứ “đặc sản” là dốc đèo, sỏi đá lởm chởm. Cũng bởi đường khó, mà theo Thiếu tá Lê Xuân Lâm, xe máy của cán bộ, chiến sĩ địa bàn cứ phải thay săm lốp, nhông xích xoành xoạch. Để di chuyển từ bản Pa Búa sang bảnTà Cóm khoảng gần 40km nhưng chúng tôi phải mất tới 2 giờ đồng hồ đi trên con đường một bên là vực sâu nhìn xuống sông Mã gầm gào, thách thức. Một bên là núi cao sừng sững, mùa mưa bão có thể sạt lở bất cứ lúc nào.
Dừng chân ở Đội liên ngành số 1, thuộc Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh Thanh Hóa đóng ở bản Cánh Cộng, trời bỗng đổ cơn dông. Thiếu tá Lâm động viên: “Lớp họp 8 giờ tối mới bắt đầu. Mưa trên này đến nhanh, đi cũng nhanh. Ta cơm nước ở đây xong, đi thêm 4km là lên tới Tà Cóm, vừa kịp giờ lên lớp!”.
Quả vậy, sau bữa cơm vội, cơn mưa cũng giảm. Đại úy Hơ Văn Di điện thoại cho Trưởng bản Tà Cóm Thào A Sự, nhờ phát trên loa truyền thanh, lớp học vẫn diễn ra bình thường. Đại úy Di nói, phải thông báo sớm vì có những chị em nhà cách điểm học gần 2km. Đường xa, còn chủ động cơm nước, con cái. Rút kinh nghiệm từ những lớp học trước, cứ 7h30 phút tối là bắt đầu vào học, nhiều chị em lên nương, lên rẫy về muộn không kịp đến lớp.
“Học sinh” chăm chú lắng nghe thầy Di giảng bài
Con đường dọc thượng nguồn sông Mã ngày đi đã vất vả, đêm tối, sau cơn mưa hồi chiều, lại càng trở nên khó nhọc. Thiếu tá Lâm, Đại úy Di phải gồng hết cơ tay để chèo chống qua những “con lươn” trơn trượt, nước đổ thành dòng trên đường.
... để "chèo đò" gieo chữ...
Lớp xóa mù do Đại úy Hơ Văn Di đảm nhiệm được tổ chức tại điểm Trường tiểu học Trung Lý 2, đóng tại bản Tà Cóm. Hỏi ra mới hay, Đại úy Di là người Mông, sinh ra và lớn lên ở bản Cơm, xã Pù Nhi (Mường Lát). Năm 22 tuổi, Di viết đơn đi bộ đội, được phân công về Đồn Biên phòng Quang Chiểu. Đến năm 2001, Di được cử đi học. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp biên phòng thì được phân công về Đồn Biên phòng Trung Lý.
“Học sinh” U40 tập đánh vần
Mặc dù là người lính, nhưng Đại úy Hơ Văn Di lại có năng khiếu về sư phạm. Sau những lớp xóa mù đầu tiên được mở vào năm 2014, Đại úy Di trở thành sự lựa chọn số 1 cho người đứng lớp dạy bà con. Theo Đại úy Di, muốn dạy được bà con người Mông thì phải hiểu được tâm tư, văn hóa của bà con. Dạy phải kiên trì, không nóng vội. Có người dạy một tháng đã biết đọc, viết, nhưng có người tay cứng, luyện mãi cũng chỉ viết được những nét đầu tiên.
Thiếu tá Lê Xuân Lâm kể, đã có những lớp xóa mù được mở ra nhưng rất ít người học. Phần vì bà con người Mông còn e thẹn, xấu hổ, nhất là khi người đứng lớp lại là người Kinh, người dưới xuôi lên. Đến khi Đại úy Di đảm nhiệm, phát huy lợi thế người địa phương, hiểu được tâm lý, văn hóa, việc vận động bà con đến lớp dần chuyển biến, lớp học mỗi ngày một đông. Đến nay, Đại úy Di đã kinh qua 6 lớp xóa mù tại các bản khó khăn, xa xôi nhất, lớp nào cũng đông, số lượng luôn duy trì từ 40 đến 50 người.
... chị Dế nói với trưởng bản Thào A Sự là rất muốn đi học. Học để biết đếm những con trâu, biết viết tên mình. Nhưng khi cán bộ đến lấy danh sách, vận động thì chị lại từ chối! Hỏi ra mới hay, Dế nói phải học với cán bộ người Mông và người đó là Đại úy Di mới chịu
"Còn nhớ, lần vận động, nắm bắt tâm tư bà con để mở lớp xóa mù tại bản Tà Cóm. Tôi cùng Trưởng bản Thào A Sự đến nhà Giàng Thị Dế, sinh năm 1988 để vận động chị đi học. Mặc dù trước đó, chị Dế nói với trưởng bản Thào A Sự là rất muốn đi học. Học để biết đếm những con trâu, biết viết tên mình. Nhưng khi cán bộ đến lấy danh sách, vận động thì chị lại từ chối! Hỏi ra mới hay, Dế nói phải học với cán bộ người Mông và người đó là Đại úy Di mới chịu" - Thiếu tá Lê Xuân Lâm nói.
Lớp học thu hút nhiều chị em ở lứa tuổi U40, U50
Thiếu tá Lâm cho biết, từ sự nỗ lực không ngại khó, ngại khổ, và hiệu quả của những lớp xóa mù, năm 2023, Đại uý Hơ Văn Di đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho nhân dân trên khu vực biên giới.
... cho những học sinh đặc biệt
Chừng 30 phút nữa lớp học mới bắt đầu, nhưng trong tĩnh mịch của non ngàn đã có những đốm sáng chong đèn và tiếng í ới gọi nhau của các bà, các mẹ. Trong đám đông, bên cạnh những người phụ nữ đã luống tuổi, có em Giàng Thị Dợ, sinh năm 2003, khiến tôi chú ý.
Dợ với bộ váy áo người Mông truyền thống, nước da trắng, gương mặt xinh xắn. Trên lưng Dợ, địu đứa con nhỏ chừng hơn 1 tuổi. Dợ cũng như nhiều chị em ở bản từng được đi học, nhưng phải bỏ học sớm vì nhà nghèo, đông anh em. Dợ nói, từng biết đọc, biết viết nhưng rồi tái mù. Dợ đi học để biết lại cái chữ để dạy cho con! Dợ học rất nhanh, chỉ nửa tháng, Dợ đã biết đọc, biết viết.
"Thầy Di dạy rất dễ hiểu. Có nhiều chị em không sỏi tiếng phổ thông, thầy Di lại truyền đạt bằng tiếng Mông. Ngoài dạy chữ, thầy Di cũng thường hỏi han về cuộc sống, khuyên bà con xóa bỏ các hủ tục, nhất là vấn đề quản lý con em không để xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết...."
Sinh năm 1969 nhưng chị Sùng Thị La già hơn nhiều so với tuổi. Bàn tay chị La chai sạn, lần dở từng trang sách, đọc theo lời Đại úy Di. Chị La cũng như phần nhiều chị em ở lớp, từng ái ngại khi cán bộ đến nhà vận động đi học, bởi tuổi đã cao, học không đê làm gì, nhưng khi đi học được hơn nửa tháng, chị La nói: "Thầy Di dạy rất dễ hiểu. Có nhiều chị em không sỏi tiếng phổ thông, thầy Di lại truyền đạt bằng tiếng Mông. Ngoài dạy chữ, thầy Di cũng thường hỏi han về cuộc sống, khuyên bà con xóa bỏ các hủ tục, nhất là vấn đề quản lý con em không để xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết...".
Đêm muộn, tiếng ê...a tập đọc, đánh vần của các bà, các mẹ vẫn văng vẳng trong tâm trí tôi. Tin rằng với sự nỗ lực của những người lính quân hàm xanh, tất cả bà con đồng bào người Mông đều biết đọc, biết viết. Tinh thần học tập ấy, cũng sẽ được truyền lại cho các thế hệ con em. Đúng như kỳ vọng của ông Ngân Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Trung Lý từng nói với tôi. Thành công từ những lớp xóa mù chữ của cán bộ biên phòng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm cũng như xóa bỏ tình trông chờ, ỷ lại vào chính sách vẫn còn đang tồn tại lâu nay ở một bộ phận người dân.
Cùng lớp xóa mù do Đồn biên phòng Trung Lý triển khai ở bản Tà Cóm, thì Đồn Biên phòng Tam Chung, Đồn biên phòng Quang Chiểu cũng đang mở các lớp xóa mù tại bản Bóng, xã Mường Chanh và bản Suối Phái, xã Tam Chung... Các lớp xóa mù do các Đồn biên phòng phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương đã góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, hướng đến mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2030 như tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 29/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. |
Đình Giang
- 2024-11-04 17:28:00
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh khi tham gia giao thông
- 2024-11-04 16:17:00
Kinh nghiệm vận động Nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn ở Nga Sơn
- 2024-05-17 16:38:00
Tuyên truyền pháp luật lao động cho 1.500 công nhân, lao động
Ấm tình đồng đội
Giáo hội Phật giáo Thọ Xuân tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024
Những người “gieo chữ” nơi cổng trời xứ Thanh - Bài 1: “Gian nan” sự học ở Pa Búa!
Dự kiến có 7 trường hợp phải đánh lại số nhà từ tháng 8/2024
Triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế ngộ độc thực phẩm
Đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng
“Tổ công tác lưu động” ở huyện Như Xuân
Tạo sự thân thiện giữa chính quyền với người dân
Nghĩa với đồng đội, ân tình với Nhân dân