Những “giọt nắng” rơi rớt bên thềm
Dù chịu nhiều thiệt thòi từ khi sinh ra, nhưng những cô bé, cậu bé trong Trung tâm Bảo trợ số 2 vẫn có một tuổi thơ bình yên giữa vườn hoa yêu thương. Nơi ấy, những đứa trẻ như những “giọt nắng” rực rỡ và yếu ớt, được chăm sóc, vỗ về từ những người mẹ mang tên các loài hoa: má Hương, má Huệ, má Quỳnh, má Liên...
Ngày Sứt bị bỏ rơi, nhiều tập thể, cá nhân đã đến thăm và chơi với con.
Thềm nhà có hoa
Đến Trung tâm bảo trợ xã hội 2 (phường Quảng Thọ, TP Sầm Sơn), tôi đã gặp và trò chuyện với 5/16 “giọt nắng” sinh ra từ những cảnh túng quẫn, bần hàn, nhiễm HIV-AIDS, phạm nhân đang thụ án trong các trại giam trên địa bàn tỉnh... có đứa chạy nhảy vui đùa, nhưng cũng có những thân hình nhỏ bé nằm bất động, những khối hình học di chuyển khó khăn... Tôi cũng được nghe, nỗi đau giằng xé, uất ức, có lúc như bất lực... của những người “má” khi chứng kiến bọn trẻ bị bệnh tật hành hạ, thậm chí chết trên tay mình. Đau thật sự là đau, bất hạnh thật sự là bất hạnh, tuyệt vọng và hy vọng trộn vào nhau bằng nước mắt.
Dãy phòng dành cho trẻ nhỏ rộn rã tiếng nói cười, bên trong “má Hương”, “má Quỳnh”, “má Lan”, “má Huệ” - trẻ em nơi đây vẫn thường gọi các cán bộ chăm sóc là “má” và “bố”, xúm xụm quanh chiếc nôi nhỏ, cưng nựng: “Sứt ngoan, ăn giỏi, mai “bố Thành” cho ra thủ đô chơi nhé”. Cậu bé quơ quơ bàn tay nhỏ xíu, cười toe. “Sứt đi phẫu thuật thẩm mỹ chứ! Đẹp trai mới có nhiều người yêu”, các má trêu Sứt, Sứt cười, các má cũng cười vui vẻ.
Sứt là tên ở nhà, các má gọi thân mật vì con bị hở hàm ếch. Tên khai sinh của con là Quang Minh. Sự tích của cái tên này là cả một câu chuyện buồn. Con được “bố Thành” nhặt trước cổng trung tâm vào một buổi sáng cách đây gần 1 năm. Lúc đó, con nhỏ xíu, đỏ hỏn, khuôn mặt nhợt nhạt và bị hở hàm ếch. “Có lẽ vì khiếm khuyết ấy mà người sinh ra đã từ chối con”, má Hương trách yêu Sứt. Không một dòng nhắn gửi của người thân nên con giống một kẻ vô danh. Không ai biết quê con ở đâu, bố mẹ là ai. Thế nên mọi người trong trung tâm đã quyết định đặt tên cho con là Quang Minh, ý nói con sẽ có một cuộc sống mới, rộng và sáng. Ngay cả cái tên cũng thể hiện được tình thương và sự kỳ vọng của “má” và “bố” đối với đàn con của mình, mong bé nào cũng được hạnh phúc sau này.
Ở trung tâm, Quang Minh có một không gian của riêng mình là chiếc cũi nhỏ, lót tấm chăn làm đệm, trong một căn phòng rộng thoáng, xung quanh có các bạn và được 10 người mẹ chia ca, thay nhau chăm sóc 24/24h. “Má Huệ” vỗ về chàng trai nhỏ: “Mẹ con bỏ con thì ở đây sẽ có các má thương con, chăm lo cho con”.
Sứt trắng trẻo, đôi mắt đen lánh, lúc nào cũng cười tít... được các má rất cưng. Biết được các má quan tâm chăm sóc, con cũng rất “bám”. Hơn 1 tuổi, con chưa biết nói nhưng gặp ai con cũng đòi bế, thích được hôn, được nựng. Không ai có thể từ chối sự vòi vĩnh đáng yêu ấy. Ngồi cạnh Sứt, lấy tay xoa gáy và tai, Sứt lim dim mắt cảm nhận. Tưởng Sứt ngủ, tôi rút nhẹ tay ra, cậu bé mở choàng mắt, như sợ người đang bên cạnh mình sẽ đi mất.
Được biết, trung tâm đã đăng ký cho Sứt được phẫu thuật hở hàm ếch miễn phí. Ngày mai, bệnh viện thông báo trung tâm đưa Sứt ra Hà Nội khám cụ thể.
Cũng giống như Sứt, Khánh Đan, 4 tuổi cũng không hề biết mình quê quán ở đâu. Bởi em cũng bị bỏ trước cổng trung tâm. Lúc ấy, Khánh Đan khoảng vài tháng tuổi, bé xíu như một con khỉ con, chỉ có da bọc xương. Sau đó, con được xác định là nhiễm HIV. Vốn dĩ, những người mang trong mình căn bệnh này sức đề kháng rất yếu, dễ mắc một số dịch bệnh. Suốt những tháng đầu sau khi bị bỏ rơi, hộ khẩu thường trú của con luôn là bệnh viện nhi. Có lẽ, nếu không có bản năng sinh tồn mạnh mẽ, con đã không thể chống chọi được với bệnh tật.
Khánh Đan giờ đã lên 4, được các má chăm sóc, lại được uống thuốc đều đặn nên khỏe mạnh. Dù vẫn bé nhỏ như một cô nhóc lên 2 nhưng Khánh Đan rất lanh và hiểu chuyện. Con không muốn làm phiền người khác, nên cả khi đau đớn quằn quại trên giường bệnh, được các má ôm trong lòng, Khánh Đan cũng chỉ cắn răng cho dòng nước mắt trào ra, rồi khô đi. Nhưng dù sao con cũng chỉ là một đứa trẻ, đôi lần con thắc mắc với “má Hương”: “Mấy tuổi con mới được đi học? Đi học có được gặp bố mẹ không?...”. Bệnh tật, số phận đã không cho con cuộc sống như bạn bè cùng trang lứa. Thậm chí, con còn chưa một lần có cái may mắn được cất lời gọi một tiếng “Mẹ ơi!”. “Má Hương” chia sẻ: “Con còn quá nhỏ để hiểu nỗi mất mát của chính mình. Thậm chí con còn không hiểu khái niệm mẹ cha là gì. Khách đến trung tâm hỏi con ai, con trả lời: “Con má Hương, má Huệ”, thấy má nào con sẽ trả lời má đó”.
Cũng là một đứa trẻ kém may mắn nhưng so với nhiều bạn khác trong trung tâm, Tú Quyên vẫn là người may mắn hơn. Vùng ký ức của em không trắng trơn, em vẫn có cái để mà hoài niệm. Đó là hình ảnh về một người mẹ với bộ quần áo sọc, trong căn phòng nhỏ có nhiều người mặc quần áo giống mẹ. Mẹ cho con ăn, tắm rửa và trồng rau... “Con có nhớ mẹ không?”, tôi hỏi. “Dạ nhớ!”, Tú Quyên trả lời mắt vẫn dán vào món đồ chơi Sứt đang cầm trên tay. Có lẽ ở cái tuổi 4, 5, tụi nhỏ chưa thể nào cảm nhận hết nỗi đau đớn khi mang phận mồ côi, con phạm nhân.
Được biết, mẹ Tú Quyên đang chấp hành án 20 năm tù. Ngần ấy thời gian, cũng là ngần ấy năm, Tú Quyên phải sống trong những năm tháng vất vả, bơ vơ vì thiếu sự chăm sóc, thiếu vòng tay ấm của mẹ...
Để không ai bị bỏ lại phía sau
Mọi trẻ em trên đời, dù là ai, xuất thân trong hoàn cảnh nào cũng có quyền được yêu thương, chăm sóc. Để bảo vệ, chăm lo cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, thời gian qua, Nhà nước có nhiều chính sách, như: Hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt, bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí... “Vào trung tâm, phần lớn trẻ bị bỏ rơi còn rất nhỏ, được trung tâm thực hiện khai sinh, đặt tên. Sau đó, phối hợp với các bệnh viện khám sàng lọc bệnh tật để có phương án chăm sóc phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Với những trẻ có khả năng học tập, trung tâm phối hợp với các trường đóng trên địa bàn để các cháu được đến trường. Để các em sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện, vào các ngày lễ tết, trung tâm đều tổ chức các hoạt động vui chơi... nhằm tạo dựng một gia đình ấm áp yêu thương” - ông Nguyễn Kiều Anh, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội số 2, cho biết.
Các má trong trung tâm chăm sóc các con từ bữa ăn đến giấc ngủ.
Đấy, vỏn vẹn là những mẩu chuyện lượm lặt thôi, nhưng cũng khiến tâm can bao người mẹ đau nhói. Nếu đó là con chúng ta, phải làm thế nào đây?... Viết về tụi nhỏ và các má, là một người mẹ tôi chỉ muốn gửi đến những người cũng làm cha mẹ, nếu lỡ sinh ra một thiên thần có hình hài không trọn vẹn, đừng bao giờ đổ lỗi cho ông trời, số phận, để rồi ghét bỏ đứa trẻ vô tội. Chúng có thể thiếu tay, thiếu chân, hở hàm ếch... nhưng chúng không thiếu cảm quan với thế giới xung quanh, chúng cũng biết yêu ghét hờn giận, biết đau, biết khóc, biết đón nhận yêu thương và biết gửi đi tình cảm nhỏ bé của mình. Xin hãy yêu những khuyết điểm của con để rồi trao cho con những yêu thương xứng đáng.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:12:00
Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP Thanh Hóa
-
2024-11-21 14:18:00
Như Thanh nỗ lực chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số
-
2024-04-19 07:30:00
Đồn Biên phòng Pù Nhi giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai
Mường Lát: Khắc phục 70% thiệt hại do mưa đá, dông lốc
Trao 50 suất quà cho người khiếm thị khó khăn tại TP Thanh Hóa
Vì sao hơn 30 hộ dân ở đường Tố Hữu, thị trấn Tân Phong chưa được cấp GCNQSDĐ?
Thường Xuân chú trọng tạo việc làm cho người nghèo
Chờ đợi từ phố đi bộ Phan Chu Trinh
Không khí ngày Giỗ Tổ ở thành phố Thanh Hóa
Tiện ích khi liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe
Sầm Sơn nhộn nhịp du khách dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương
Viettel tặng miễn phí điện thoại 4G cho khách hàng 2G