Nguy cơ leo thang “cuộc chiến” thương mại mới giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu
Liên minh châu Âu (EU) quyết định tăng thuế lên tới 38% đối với các hãng xe điện của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 4/7 tới. Câu hỏi đặt ra là EU lo sợ điều gì và Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao?
EU áp thuế mới lên ô tô điện Trung Quốc
Nguy cơ một cuộc chiến thương mại mới giữa EU và Trung Quốc leo thang khi EU quyết định tăng thuế lên tới 38% đối với các hãng xe điện của Trung Quốc, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 4/7. Châu Âu lập luận rằng, hàng tỷ USD đã được Trung Quốc chi ra để thúc đẩy sản xuất công nghiệp đã gây ra tình trạng dư thừa công suất, dẫn đến làn sóng hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường toàn cầu. Trước EU, Washington đã “mạnh tay” hơn khi Tổng thống Joe Biden tăng gấp 4 lần thuế nhập khẩu đối với xe điện của Trung Quốc, lên mức 100%. Tuy nhiên, điểm khác biệt là các nhà sản xuất Trung Quốc hầu như chưa tạo được chỗ đứng vững chắc ở Mỹ, trong khi họ đang nhanh chóng thâm nhập thị trường EU. Theo thống kê, nhập khẩu xe điện Trung Quốc vào châu Âu đã tăng mạnh trong những năm gần đây, hơn gấp đôi số lượng từ năm 2021 đến năm 2023, lên hơn 430.000 xe mỗi năm, trị giá 10 tỷ euro.
Trước khi tăng thuế nhằm vào xe điện, Ủy ban châu Âu (EC) đã tiến hành cuộc điều tra chống bán phá giá từ giữa tháng 5 vừa qua đối với các sản phẩm sắt hoặc thép cán phẳng, mạ hoặc tráng thiếc từ Trung Quốc, sau khi có khiếu nại từ Hiệp hội Thép châu Âu (Eurofer). Eurofer cho biết, ngành công nghiệp EU đã thiệt hại 25% khối lượng bán hàng từ năm 2021 đến 2023, trong khi hàng nhập khẩu của Trung Quốc tăng hơn gấp đôi.
Trong một động thái nhằm đáp trả quyết định của châu Âu, Trung Quốc tuyên bố EU đang làm suy yếu sự cạnh tranh công bằng, quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh cũng như hợp tác Trung Quốc-EU nói chung. Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã thúc giục chính phủ tăng thuế đối với ô tô chạy bằng xăng nhập khẩu từ châu Âu. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Hà Á Đông cho biết, phía châu Âu đã yêu cầu quá nhiều thông tin từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Chúng bao gồm yêu cầu chi tiết về sản xuất và phát triển, công nghệ và công thức sản phẩm... “Trong khi các công ty Trung Quốc cố gắng hết sức hợp tác với cuộc điều tra và cung cấp thông tin, Ủy ban châu Âu vẫn cáo buộc một cách vô lý rằng, các công ty Trung Quốc không hợp tác đầy đủ và áp đặt mức thuế cao mang tính trừng phạt”, ông Hà Á Đông cho biết thêm.
Về hành động, Bắc Kinh bắt đầu mở cuộc điều tra về nhập khẩu thịt lợn, sữa từ châu Âu. Điều này đồng nghĩa với việc 1⁄4 tổng lượng xuất khẩu nông sản của EU sang Trung Quốc sẽ có thể bị ảnh hưởng. Chính quyền Trung Quốc cũng đang tiến hành điều tra đối với mặt hàng rượu Cognac giá rẻ của Pháp tại Trung Quốc, được xem như là một động thái nhằm đáp trả cuộc điều tra về ô tô điện. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã hoàn tất các thủ tục chính thức và sẽ sớm công bố kết quả.
Theo Izvestia, chuyên gia Rosalia Varfalovskaya, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong kỷ nguyên mới Nga-Trung Quốc là nền tảng quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp, máy bay và công nghiệp ô tô, và đây có thể là “chỗ dựa” giúp Trung Quốc thoát khỏi các lệnh trừng phạt của châu Âu và các lệnh trừng phạt khác. Không loại trừ khả năng, Trung Quốc có thể nhắm tới lĩnh vực hàng không của EU trong thời gian tới. Theo Rosalia Varfalovskaya, nguồn cung các thiết bị, linh kiện hàng không của châu Âu cho Trung Quốc ước tính trị giá 7 tỷ Euro.
Tuy nhiên, giới phân tích chính trị nhận định rằng, phản ứng của Bắc Kinh cho đến nay vẫn tương đối kiềm chế, thận trọng, vì để đáp lại quyết định của EU về tăng thuế đối với ô tô điện của Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc chỉ khởi xướng một cuộc điều tra mới, chứ không hạn chế xuất khẩu. “Cách tiếp cận này của Trung Quốc thể hiện chiến thuật ngoại giao nhằm khuyến khích EU xem xét lại hành động của mình. Nếu Brussels từ chối đàm phán, Trung Quốc có thể nhanh chóng hoàn tất cuộc điều tra và phản ứng bằng các biện pháp đối phó thích hợp hoặc thậm chí là cứng rắn hơn. Mặc dù Trung Quốc luôn ưu tiên duy trì sự hợp tác cùng có lợi nhưng sẽ không bỏ qua những chính sách không thân thiện và vô lý gây tổn hại đến lợi ích quốc gia. Bắc Kinh không mong muốn một cuộc chiến thuế quan nhưng cũng không sợ nó. Bây giờ “quả bóng” đang ở phía EU”, Yang Cheng, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, chia sẻ quan điểm của mình với Izvestia.
Đức nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa Bắc Kinh và Brussels
Ô tô điện đóng vai trò quan trọng trong các cam kết của châu Âu về biến đổi khí hậu. Vào tháng 2/2024, EC đã đưa ra các mục tiêu nhằm đạt được mức độ trung hòa carbon: đến năm 2040, các nước thành viên EU phải giảm 90% lượng phát thải khí nhà kính so với mức của năm 1990. Theo EC, thị phần xe điện của Trung Quốc trên thị trường của họ vào năm 2019 chưa đến 1%, nhưng đến năm 2025 dự kiến sẽ đạt 15%. Theo EC, các khoản trợ cấp của chính phủ là nguyên nhân khiến doanh nghiệp Trung Quốc định giá ô tô của mình thấp hơn 20% so với giá của các nhà sản xuất châu Âu, do đó, khiến các nhà sản xuất châu Âu gặp nhiều khó khăn vì cạnh tranh thiếu công bằng.
Điều đáng chú ý là tuyên bố của EU không phải là không có căn cứ. Như Rosalia Varfalovskaya lưu ý, Bắc Kinh liên tục hạn chế các công ty châu Âu thâm nhập thị trường của mình và dành ưu đãi cho các nhà sản xuất địa phương. Mục tiêu của Trung Quốc là nhằm cụ thể hoá Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) với việc tạo ra một thị trường nội địa vững mạnh và trên cơ sở đó, dẫn đầu như một cường quốc thương mại thế giới.
Các cuộc điều tra của EC đã làm tăng đáng kể cường độ tiếp xúc giữa các đại diện của EU và Trung Quốc với mong muốn giải quyết ổn thỏa tình hình. Nhiều quốc gia thành viên EU chủ trương ngăn chặn phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc, muốn đưa quan hệ kinh tế trở lại trạng thái bình thường. Ví dụ, vào tháng 4/2024, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tới Trung Quốc. Tiếp đó vào tháng 5/2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến công du châu Âu - chuyến công du đầu tiên sau 5 năm. Trong chuyến đi, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Macron, vì chính Paris được cho là đã khởi xướng cuộc điều tra về ô tô điện. Mặc dù cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Trung-Pháp không mang lại hiệu quả như mong đợi, nhưng như chuyên gia Yang Cheng nhấn mạnh, tranh chấp thương mại thường xuyên xảy ra giữa các đối tác kinh tế lớn và những bất đồng hiện tại giữa EU và Trung Quốc không phải là không thể giải quyết ổn thoả. Chuyên gia này cho biết thêm, sự thay đổi trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Brussels sẽ không cản trở sự phát triển của quan hệ Trung-Pháp theo sự đồng thuận chiến lược mà lãnh đạo hai nước đã đạt được.
Ngày 21/6, Phó Thủ tướng Đức, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Robert Habeck đã đến thăm Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng, ông Habeck “không thay mặt cho châu Âu để đàm phán với Trung Quốc”, nhưng rõ ràng là Brussels sẽ cần sự trợ giúp từ Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Điều đáng chú ý là sự chia rẽ đã xuất hiện ở EU về cách tiếp cận trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, đặc biệt giữa Pháp và Đức. Ở Đức, chính phủ nước này lo ngại rằng nếu Bắc Kinh đáp trả, ngành công nghiệp ô tô Đức sẽ là nạn nhân đầu tiên và chịu thiệt hại nặng nề, bởi lẽ các nhà sản xuất ô tô Đức vốn cực kỳ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. BMW nhập khẩu xe điện Mini EV và iX3 do Trung Quốc sản xuất vào châu Âu và phụ thuộc vào doanh thu từ hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất của BMW, chiếm gần 1/3 tổng doanh số trong quý I/2024. Giám đốc điều hành BMW, Oliver Zipse, cho biết hoạt động trên cơ sở toàn cầu mang lại cho các nhà sản xuất ô tô lớn những lợi thế công nghiệp và những lợi thế này có thể gặp nguy hiểm nếu áp dụng thuế nhập khẩu chống bán phá giá. Các đối thủ Đức của BMW là Volkswagen và Mercedes-Benz cũng phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu từ hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Volkswagen cảnh báo hàng rào thuế quan nhìn chung có rủi ro nhất định, đó là những hình thức đáp trả. Không phải ngẫu nhiên mà tháp tùng Thủ tướng Scholz trong chuyến thăm Trung Quốc là lãnh đạo những tập đoàn hàng đầu nước này, điển hình như BMW và Mercedes-Benz.
Tuy nhiên, theo Rosalia Varfalovskaya, Mỹ có thể là “chất xúc tác” kích thích “cuộc chiến” thương mại giữa EU và Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh bắt đầu dưới thời Tổng thống Trump và thực tế đã diễn ra rất gay gắt. Chính sách này hiện tiếp tục được duy trì dưới thời Tổng thống Biden. Vào ngày 14/5/2024, Chính quyền Tổng thống Biden đã công bố các mức thuế mới đối với việc nhập khẩu xe điện, chất bán dẫn, tấm pin mặt trời, thép, nhôm và sản phẩm y tế, trong đó thuế xe điện tăng gấp 4 lần và lên mức hơn 100%.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:07:00
Nga thay đổi học thuyết hạt nhân: Đòn “nắn gân” có sức nặng
-
2024-11-21 09:14:00
COP29: Các quốc gia giàu có cam kết không xây mới nhà máy điện than
-
2024-06-24 08:17:00
Giải thích làn sóng gia nhập BRICS tại Đông Nam Á
Liên minh châu Âu tiếp tục siết chặt cấm vận vào ngành năng lượng của Nga
Trung Quốc và Malaysia thắt chặt quan hệ với một hiệp định kinh tế mới
Việc Nga và Triều Tiên ngày càng xích lại gần nhau khiến phương Tây lo ngại?
Chuyến thăm của Tổng thống Putin tạo nền tảng mới thúc đẩy quan hệ Nga - Việt
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Thụy Sĩ : Kết quả và triển vọng có thể mang lại
Gia tăng khả năng Fed chỉ hạ lãi suất một lần trong năm 2024
Thông điệp đằng sau đề xuất hòa bình của Tổng thống Putin
Các nước nói gì về sự hiện diện của Nga trong đàm phán hòa bình cho Ukraine?
NATO chuẩn bị cho nguy cơ xung đột quân sự với Nga?