Ngọc Lặc phát triển kinh tế, nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới
Để đạt tiêu chí thu nhập, các địa phương nằm trong lộ trình về đích NTM, NTM nâng cao trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế. Vì vậy, thu nhập hiện nay của người dân không những được cải thiện, nâng cao mà còn giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí, đưa địa phương về đích xã NTM như lộ trình.
Mô hình trồng cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi của hộ gia đình chị Đoàn Thị Dung, thôn Thanh Sơn, xã Minh Tiến (Ngọc Lặc) cho thu nhập cao và ổn định.
Ông Triệu Văn Kim, Chủ tịch UBND xã Minh Tiến, cho biết: Tiêu chí thu nhập luôn được địa phương xem là tiêu chí quan trọng. Bởi ngoài mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân còn giữ vai trò đòn bẩy, tạo động lực hoàn thành các tiêu chí khác. Vì vậy, để đạt tiêu chí thu nhập, ngoài ổn định diện tích các cây trồng chính trên diện tích 352ha lúa, 50ha ngô, 80ha mía, 50ha sắn, xã còn vận động người dân chuyển đổi, đưa các giống cây trồng phù hợp với thị trường và điều kiện thổ nhưỡng. Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tích tụ, tập trung đất đai đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng hàng hóa. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, như mô hình trồng nấm của ông Đào Mạnh Hùng, thôn Hương Tiến; mô hình trồng dứa, mía kết hợp chăn nuôi lợn thịt của ông Bùi Đức Thống, thôn Hương Tiến; mô hình trồng cây cảnh, nuôi ốc nhồi của ông Phạm Văn Thanh, thôn Thanh Sơn... Các mô hình này đang giúp hàng chục hộ dân trong xã vươn lên làm giàu.
Lĩnh vực chăn nuôi cũng trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã. Ngoài hệ thống trại lợn của Tập đoàn Xuân Thiện hiện đại và tầm cỡ bậc nhất miền Bắc, trên địa bàn xã còn có hơn 30 gia trại, trang trại chăn nuôi theo hướng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm vừa đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vừa đem lại giá trị thu nhập cao cho các hộ chăn nuôi.
Việc thu hút doanh nghiệp và phát triển ngành nghề nông thôn cũng được xã đặc biệt coi trọng. Với 6 doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn, trong đó Công ty CP Xuân Thiện Thanh Hóa 1 (thuộc Tập đoàn Xuân Thiện) và Công ty may Trung Anh là 2 doanh nghiệp lớn, giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 6 xưởng chế biến gỗ và các ngành nghề nông thôn khác như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh nhà hàng ăn uống... góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động tại chỗ.
Nhờ quan tâm, đa dạng hóa các loại hình phát triển kinh tế nên thu nhập của người dân trong xã hiện đạt 46,5 triệu đồng/người/năm. Từ kết quả phát triển kinh tế đã tạo động lực để xã phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí và được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM trong tháng 10/2024.
Tại xã Lam Sơn, thời điểm này đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao. Chủ tịch UBND xã Hà Văn Vinh, cho biết: Để thực hiện tiêu chí thu nhập, ngoài quy hoạch và vận động Nhân dân chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, địa phương còn tích cực du nhập, nhân rộng và phát triển các mô hình sản xuất mới. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ xây dựng mô hình gia trại với hình thức sản xuất kết hợp chăn nuôi, như mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả của gia đình anh Lê Trọng Thu; mô hình trồng cây cảnh, cây ăn quả kết hợp nuôi ong mật của gia đình anh Trịnh Ngọc Hân....
Cùng với đó, các ngành nghề nông thôn và tiểu thủ công nghiệp được địa phương quan tâm phát triển. Với 25 doanh nghiệp đang hoạt động và 268 hộ sản xuất, kinh doanh với các ngành nghề như: vận tải, xây dựng, mộc, cơ khí, chế biến nông - lâm sản, mây tre đan... đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 1.000 lao động.
Hiệu quả của việc phát triển kinh tế, không chỉ đưa thu nhập của người dân trong xã đạt 67,3 triệu đồng/năm mà còn đưa địa phương hoàn thành 19/19 tiêu chí. Hiện xã đang hoàn thiện hồ sơ trình tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
Phát triển kinh tế, nâng cao tiêu chí thu nhập luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được đặt ra không chỉ đối với các xã trong lộ trình XDNTM như xã Minh Tiến hay NTM nâng cao như xã Lam Sơn mà còn đối với tất cả các địa phương trên địa bàn huyện Ngọc Lặc. Bởi, thu nhập của người dân chính là nguồn lực quan trọng được huy động trong cả quá trình XDNTM. Chính vì vậy, trong điều kiện thực tế hiện nay, để đạt được mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần chú trọng khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng đất đai thông qua việc đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là tiền đề để phát triển công nghiệp, nông thôn, phát triển thương mại dịch vụ tại cơ sở, tiếp tục duy trì, phát triển thêm các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp... bảo đảm việc làm, thu nhập cho các tầng lớp Nhân dân.
Bài và ảnh: Minh Lý
{name} - {time}
-
2025-01-19 19:57:00
Huyện Thọ Xuân - hành trình đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung bộ (Bài cuối): Quyết tâm giữ “chuẩn” sau đạt chuẩn
-
2025-01-19 15:12:00
Xã ban hành cơ chế hỗ trợ - động lực xây dựng NTM nâng cao
-
2024-11-10 14:17:00
Hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới ở Ngọc Trạo
Xuân Cao nỗ lực hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới
Yên Định quyết tâm cao, nỗ lực lớn trở thành huyện đạt chuẩn NTM nâng cao
Thiệu Hoá phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới nâng cao trước Đại hội Đảng bộ huyện
Lan tỏa mô hình hay trong xây dựng nông thôn mới
Hành trình trở thành huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao
Trên 297.000 tỷ đồng ngân sách cho Chương trình xây dựng nông thôn mới
Thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới
Điểm sáng trong phong trào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu ở xã Hải Long
Nhân dịp huyện Hà Trung đón nhận Quyết định công nhận huyện Nông thôn mới: Thành công từ tâm huyết và sự đồng thuận