(Baothanhhoa.vn) - Với lợi ích từ xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo chương trình EPS mang lại như: Chi phí thấp, thu nhập cao, Hàn Quốc đang là thị trường được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, hiện Thanh Hóa có tới hơn 1.000 lao động không về nước đúng hạn hợp đồng, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp (BHP) đã làm mất đi cơ hội của nhiều người lao động, ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nan giải vận động lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước

Với lợi ích từ xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo chương trình EPS mang lại như: Chi phí thấp, thu nhập cao, Hàn Quốc đang là thị trường được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, hiện Thanh Hóa có tới hơn 1.000 lao động không về nước đúng hạn hợp đồng, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp (BHP) đã làm mất đi cơ hội của nhiều người lao động, ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Nan giải vận động lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước

Căn nhà cao tầng của gia đình anh Nguyễn Hữu Khang ở xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa) được xây dựng năm 2015 từ nguồn tiền đi XKLĐ.

Hết hạn hợp đồng nhưng vẫn không chịu hồi hương

Anh Lê Đức Chính ở xã Đông Anh (Đông Sơn) đi XKLĐ theo chương trình EPS từ năm 2003, đến nay đã gần 15 năm mà chưa một lần hồi hương, kể cả khi con xây dựng gia đình. Hai người con vì lo cho bố đã sang tận nơi vận động bố về nước nhưng “bất thành”. Lý do anh Chính không về nước do đã quen việc, thạo tiếng, thích nghi cuộc sống mới và quan trọng hơn là vì thu nhập cao, về nước sẽ khó tìm được công việc cho thu nhập tương xứng.

Cùng trong tâm trạng muốn con trở về sau khi hết hạn hợp đồng, song anh Lê Văn Hiếu ở xã Dân Lý (Triệu Sơn) vẫn không về nước với lý do ở lại làm ngoài kiếm thêm chút vốn để về nước kinh doanh hàng điện tử. Bác Bùi Thị Quý, mẹ Hiếu cho biết: Nó đi XKLĐ tại Hàn Quốc đã quá hạn gần 2 năm. Thấy báo, đài thường xuyên cập nhật thông tin về tình trạng lao động bỏ trốn và cư trú BHP, nhất là việc Chính phủ Hàn Quốc mở các đợt truy quét lao động cư trú BHP tôi thấy rất lo lắng, bất an. Dù lần nào gọi điện nó cũng nói chuẩn bị về, nhưng đến nay vẫn chưa thấy về, tôi cũng chẳng biết phải làm thế nào vì còn tùy thuộc ở nó.

Với anh Lê Lệnh Hải, ở xã Đông Minh (Đông Sơn), đi XKLĐ đã quá hạn 2 năm. Nắm bắt được chính sách ân xá người lao động nước ngoài cư trú BHP nếu tự nguyện về nước trong khoảng thời gian từ 1-10-2018 đến hết ngày 31-3-2019 sẽ không bị hạn chế nhập cảnh Hàn Quốc, không bị liệt kê vào danh sách và thông báo với cơ quan chức năng nước nhà của Chính phủ Hàn Quốc, anh đã làm thủ tục tự nguyện về nước trong tháng 10 vừa qua. Anh Hải nhớ lại: Ở Hàn Quốc làm bên chuyên ngành xây dựng, sau 4 năm 10 tháng thì hết hạn hợp đồng. Tôi không về nước mà cùng một số lao động khác trốn ra ngoài làm. Chỗ tôi làm còn có khoảng 20 lao động khác đang cư trú BHP chủ yếu là người Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, trong đó Thanh Hóa có 10 người. Sống chui lủi, làm việc BHP không thể lường hết được những rủi ro, phải làm việc vất vả, hạn chế đi ra đường vì sợ cảnh sát bắt sẽ bị trục xuất về nước, thậm chí ốm đau không dám đi bệnh viện vì không có bảo hiểm... nhưng vẫn chấp nhận với mục đích kiếm tiền.

Cũng là một lao động BHP, sau khi được gia đình vận động, anh Nguyễn Hữu Khang ở thôn Luyện Phú, xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa) đã tự nguyện về nước. Anh Khang cho biết: Phía Hàn Quốc cũng yêu cầu các doanh nghiệp không được tiếp nhận lao động BHP nhưng không quyết liệt nên họ vẫn “tuyển chui” bởi thuê lao động BHP không phải nộp thuế, nộp tiền bảo hiểm, không mất phí, công đào tạo mà vẫn tuyển được lao động có tay nghề. Hơn nữa, việc trả lương theo thỏa thuận với người lao động nên thấp hơn nhiều so với thuê nhân lực trong nước. Trong khi rất nhiều lao động BHP với suy nghĩ chỉ cần làm việc 5 – 7 năm tại Hàn Quốc bằng ở nhà làm ruộng cả đời nên không muốn về nước.

Đâu là nguyên nhân?

Theo ông Trương Thanh Quế, Phó Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Hoằng Hóa, do mức lương bên Hàn Quốc khá cao so với ở Việt Nam, có những lao động trốn ra ngoài làm lên đến 50 - 60 triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng/tháng, trong khi về nước người lao động quá tuổi sẽ không còn cơ hội sang lại hoặc còn tuổi thì việc thi lại tiếng Hàn đạt điểm là rất khó, hơn nữa khi về nước sẽ không dễ để tìm được việc làm. Vì vậy, dù được cơ quan chức năng tuyên truyền, gia đình động viên, thậm chí áp dụng cả biện pháp phạt tiền nhưng số lao động quá hạn vẫn giảm chậm. 3 tháng qua phòng mới nhận được thông tin của 1 lao động về nước. Cũng theo ông Quế, người lao động tham gia thị trường Hàn Quốc khi đi không thông qua huyện, khi về nước lại không khai báo nên huyện không nắm được chính xác. Chỉ khi lao động gặp rủi ro hoặc Cục Quản lý lao động ngoài nước báo về mới biết lao động là người địa phương mình.

Nói về nguyên nhân lao động hết hạn hợp đồng không chịu về nước, ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết: Số lao động cư trú BHP thời gian qua tuy có giảm nhưng không đáng kể do công tác tuyên truyền, vận động của các huyện, thị xã, thành phố chưa quyết liệt, chưa thường xuyên và liên tục. Mặt khác, các giải pháp tuyên truyền, vận động chủ yếu thực hiện trong nước, trong khi người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, việc chỉ đạo các xã, phường, thị trấn ký cam kết với gia đình có lao động đang làm việc tại Hàn Quốc thực hiện chưa được tốt, còn mang tính hình thức. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ người lao động vì lợi ích cá nhân, không biết nghĩ đến lợi ích của đất nước, của cộng đồng xã hội và của hàng nghìn lao động khác mong muốn được sang Hàn Quốc làm việc. Thậm chí nhiều gia đình, người thân của lao động còn “ngầm” vận động con, em mình ở lại Hàn Quốc. Đây chính là nguyên nhân cơ bản nhất và khó khăn nhất trong việc tuyên truyền, vận động lao động BHP về nước.

Giải pháp nào cho lao động không chịu hồi hương

Theo số liệu thống kê, tính đến hết ngày 30-7 toàn tỉnh có 1.189 lao động BHP, cho đến nay, con số lao động BHP vẫn là trên 1.000 người. Do là tỉnh có số lao động cư trú BHP đứng thứ 2 cả nước (sau Nghệ An) nên năm 2018 Thanh Hóa có 5 địa phương có nhiều lao động BHP bị tạm dừng tuyển là TP Thanh Hóa và các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Nga Sơn và Triệu Sơn. Số lao động BHP tại các huyện nêu trên đã dẫn đến hệ lụy nhiều lao động không được đăng ký tham gia dự thi tiếng Hàn bởi phải chịu hậu quả liên đới vì địa phương nơi họ sinh sống có số lượng lớn lao động không chấp hành cam kết hợp đồng lao động. Thiệt thòi hơn nữa là hàng trăm người lao động đã thi đậu tiếng Hàn đành phải khép lại ước mơ sang Hàn Quốc làm việc.

Để siết chặt tình trạng lao động đang làm việc và cư trú BHP, tạo cơ hội cho những lao động có nguyện vọng, đủ điều kiện được sang “xứ sở Kim chi” làm việc, tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra những ưu đãi cho các lao động về nước đúng hạn có nhu cầu làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước sẽ được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm. Đồng thời có chế tài xử phạt nghiêm đối với lao động cư trú BHP, lao động bỏ trốn, vi phạm hợp đồng; nâng mức ký quỹ và không trả tiền ký quỹ đối với lao động tự ý bỏ hợp đồng. Yêu cầu Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước theo dõi, cập nhật tình hình lao động gần hết hạn hợp đồng để phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động gia đình đưa con em về nước. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và Chỉ thị số 15/CT-UBND của UBND tỉnh về tăng cường công tác tuyên truyền, vận động lao động cư trú BHP tại Hàn Quốc về nước và lao động về nước đúng thời hạn...

Trong khi ý thức người dân chưa cao, chủ trương, chính sách của tỉnh đưa ra chưa thu hút được người lao động hưởng ứng tích cực, tỉnh cũng nên đề xuất, kiến nghị với Chính phủ 2 nước cần có biện pháp mạnh tay hơn đối với lao động BHP bằng cách đề xuất phía Hàn Quốc kiên quyết không dung túng, tiếp nhận số lao động bỏ trốn, cư trú BHP vào làm việc ở bất cứ doanh nghiệp nào tại nước này. Cơ quan quản lý lao động Hàn Quốc cũng cần có chế tài xử phạt nặng hơn các chủ sử dụng lao động BHP. Bên cạnh đó cần kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam; tích cực tìm kiếm, mở rộng các thị trường có thu nhập cao và tích cực tuyên truyền, đẩy mạnh giáo dục định hướng, phổ biến pháp luật để người lao động nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mình. Chỉ có những giải pháp này mới hy vọng tình trạng lao động bỏ trốn hay cư trú BHP tại Hàn Quốc được cải thiện.

Bài và ảnh: Mai Phương

Tính đến hết ngày 30-7 toàn tỉnh có 1.189 lao động BHP, cho đến nay, con số lao động BHP vẫn là trên 1.000 người. Do là tỉnh có số lao động cư trú BHP đứng thứ 2 cả nước (sau Nghệ An) nên năm 2018 Thanh Hóa có 5 địa phương có nhiều lao động BHP bị tạm dừng tuyển là TP Thanh Hóa và các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Nga Sơn và Triệu Sơn.


 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Ninh Văn Thành - 21:57 30/01/20

 Trả lời

Tôi muốn tìm vợ tôi định cư bất hợp pháp ở Hàn Quốc để về nước thì phải làm thủ tục như thế nào, gửi tới đâu?

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]