(Baothanhhoa.vn) - Nhắc đến cây nho, nhiều người vẫn hình dung về những vùng đất đầy nắng và gió ở các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, hiện nay, ở thôn Xuân Minh 1, xã Xuân Cao (Thường Xuân) đã có hai thanh niên trẻ trồng thành công giống nho Hạ Đen không hạt, hứa hẹn mở ra những triển vọng mới trên vùng đất quế Thường Xuân.

Vườn nho của những thanh niên trên đất quế

Nhắc đến cây nho, nhiều người vẫn hình dung về những vùng đất đầy nắng và gió ở các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, hiện nay, ở thôn Xuân Minh 1, xã Xuân Cao (Thường Xuân) đã có hai thanh niên trẻ trồng thành công giống nho Hạ Đen không hạt, hứa hẹn mở ra những triển vọng mới trên vùng đất quế Thường Xuân.

Vườn nho của những thanh niên trên đất quế

Vườn nho Xuân Minh của HTX phát triển nông nghiệp xanh Huy Sơn, xã Xuân Cao (Thường Xuân) đang trong vụ thu hoạch.

Đam mê làm nông nghiệp

Cuối tháng 6, trời nắng như đổ lửa, hơi nước từ dòng sông Chu hắt lên chẳng đủ để làm dịu cái tiết trời oi nóng. Từ bến đò Tổ Rồng nối đôi bờ sông Chu, chúng tôi vượt cung đường gập ghềnh gần 2km đi về hướng thôn Xuân Minh 1, xã Xuân Cao. Vườn nho của HTX phát triển nông nghiệp xanh Huy Sơn hiện ra trước mắt với những bờ rào bằng tre luồng, bên trong những giàn nho tỏa bóng mát, từng chùm trĩu cành, chín mọng treo lơ lửng trên giàn khiến những ai từng đặt chân đến vườn cũng phải thích thú.

Những “ông chủ” của vườn nho này quả thật còn rất trẻ và bất ngờ hơn là cả hai đều đã và đang theo học chuyên ngành quản lý Nhà nước và luật nhưng lại lựa chọn khởi nghiệp tại quê nhà với nghề nông cùng một loại cây trồng mới mẻ. Vừa mời chúng tôi thưởng thức vị ngọt đậm của nho Hạ Đen, Sơn và Huy vừa kể về hành trình khởi nghiệp nông nghiệp của mình. Lê Văn Sơn (sinh năm 1999), người dân tộc Mường vừa tốt nghiệp cử nhân Quản lý Nhà nước, Học viện Hành chính quốc gia, văn bằng hai theo học Trường Đại học Luật Hà Nội. Hà Việt Huy (sinh năm 2000, người dân tộc Thái), hiện là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Luật Hà Nội. Hai thanh niên người dân tộc thiểu số đều sinh ra, lớn lên ở xã Xuân Cao nhưng do học khác trường nên cả hai chỉ biết nhau khi học đại học tại Hà Nội. Dù mới quen biết, nhưng đôi bạn trẻ lại có chung suy nghĩ đó là được trở về quê nhà làm việc, được làm giàu từ chính mảnh đất quê hương mình.

Nhận thấy việc trồng các loại cây tại quê hương bỏ sức lao động quá nhiều mà hiệu quả kinh tế lại không cao nên từ năm thứ 3 đại học, Sơn và Huy đã bắt đầu tìm hiểu về nông nghiệp và các loại cây trồng phù hợp với điều kiện ở địa phương. Hai bạn trẻ biết đến giống nho Hạ Đen không hạt trong một chuyến đi chơi đến Bắc Giang. Nhận thấy giống nho này đã được trồng thử nghiệm thành công ở nhiều nơi, hiệu quả kinh tế có thể kéo dài từ 10 - 15 năm. Với niềm đam mê sẵn có trong lĩnh vực nông nghiệp, hai chàng trai trẻ đã nghiêm túc học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc nho.

Khi đã trực tiếp nắm bắt được kỹ thuật trồng nho và tự tin về kiến thức mà mình học được, hai bạn tiến hành khảo sát đất và các điều kiện thổ nhưỡng, thuê được diện tích vườn trồng sắn chuyển sang trồng nho. Có được quỹ đất ban đầu cũng như sự hỗ trợ vay vốn của người thân, tháng 4-2021, trong thời gian về quê học trực tuyến do dịch COVID-19, Sơn và Huy đã bắt tay thực hiện những dự định về khu vườn nho đầu tiên ở huyện miền núi Thường Xuân. Sơn và Huy đầu tư xây dựng giàn mái che, hệ thống tưới bán tự động, đưa hơn 500 cây giống nho Hạ Đen về trồng trên diện tích hơn 5 sào đất, chi phí ban đầu khoảng 50 triệu đồng/sào. Những ngày đầu chăm sóc là những chuỗi ngày gian nan bởi nho là dòng cây khó tính. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng đất quế Thường Xuân vẫn còn là “ẩn số” đối với cây nho. Sau 7 tháng nỗ lực ăn, ở tại vườn để chăm sóc từng gốc nho, thành quả khả quan bước đầu đạt được đó là vườn nho đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Lúc đó, cả Sơn và Huy như được thở phào nhẹ nhõm bởi đất đã không phụ công người, cây nho đã thực sự “bén duyên” với vùng đất ven bờ sông Chu này.

Sơn và Huy chia sẻ: “Vụ đầu tiên cây ra bói nên sản lượng nho thu được cả vườn chỉ đạt hơn 1 tạ. Đến nay, vụ nho thứ hai đang trong thời gian thu hoạch, năng suất nho ước đạt 1,5 - 2 tạ/sào. Năng suất nho sẽ tăng theo tuổi thọ của cây, mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ. Từ vụ thứ 3 trở đi, nếu điều kiện chăm sóc tốt, cây phát triển ổn định có thể đạt 2,5 tạ/sào. Thị trường tiêu thụ nho của vườn chủ yếu do các thương lái thu mua cho các cửa hàng thực phẩm sạch và bán trực tiếp cho các nhóm du khách đến tham quan, trải nghiệm tại vườn. Nhu cầu tiêu dùng đối với quả nho khá cao, hơn nữa sản phẩm ngoài thị trường hiện nay chủ yếu vẫn là hàng nhập khẩu, giá thành cao, vì vậy, chúng em có thêm nhiều động lực để mở rộng và phát triển vườn nho”.

Ước mơ trở thành điểm du lịch nông nghiệp

Làm nông nghiệp vốn dĩ đã rất vất vả, nông nghiệp công nghệ cao hay nông nghiệp hữu cơ còn đòi hỏi sự táo bạo, dám nghĩ, dám làm của những người có đủ nhiệt huyết, đam mê và tri thức. Với Sơn và Huy, từ ngày bén duyên với cây nho, hai thanh niên trẻ không còn là những sinh viên chuyên cần với giấy bút, sách vở mà đã trở thành những người nông dân thực thụ với công việc thường trực ở vườn, từ chăm sóc, cắt tỉa, chăm bón, hái quả và kiêm luôn cả việc bảo vệ khu vườn. Cả hai xắn tay áo vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa dành thời gian tìm hiểu đặc tính của cây, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho cây nho sinh trưởng, phát triển tốt. Đặc biệt, vườn nho được trồng, chăm sóc theo phương pháp hữu cơ, giúp tăng tuổi thọ của cây nho cũng như chất lượng quả đặc biệt an toàn với người tiêu dùng.

Với mong muốn phát triển ổn định và bền vững, tháng 12-2021, Sơn và Huy đã thành lập HTX phát triển nông nghiệp xanh Huy Sơn gồm 8 thành viên, lấy giống nho Hạ Đen làm sản phẩm chủ lực. Hiện, hai bạn trẻ đang trong quá trình đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm nho thông qua người thân, bạn bè và trên các nền tảng mạng xã hội. Vườn nho Xuân Minh đang là điểm đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm cũng như học hỏi kinh nghiệm trồng loại cây này của nhiều người trong và ngoài tỉnh.

Từ những thành công bước đầu trong việc chăm sóc giống nho Hạ Đen, tháng 5-2022, Sơn và Huy tiếp tục vay vốn, thuê lại đất nông nghiệp của các hộ dân để đầu tư mở rộng thêm 9 sào diện tích trồng nho, trong đó trồng thêm 700 gốc nho Hạ Đen và 50 gốc nho Mẫu đơn (hay còn gọi là nho sữa Hàn Quốc).

Vừa chỉ tay về khu đất phía bên kia đồi, Sơn chia sẻ: “Chúng em dự kiến dành 6 sào nho ở vườn trồng đầu tiên làm không gian cho du khách tham quan, trải nghiệm và ăn thử nho. Khu vườn bên kia 9 sào sẽ là khu sản xuất chính và được kết nối với bên này bằng một cây cầu nhỏ. Mục tiêu mà chúng em muốn hướng tới đó là phát triển vườn nho Xuân Minh trở thành điểm du lịch nông nghiệp lý tưởng thu hút du khách đến check-in, khám phá, chụp ảnh, thưởng thức nho tươi và mua về làm quà, lúc đó nho sẽ trở thành sản phẩm phục vụ du lịch. Chúng em đang mong chờ cây cầu Tổ Rồng bắc qua sông Chu sớm được hoàn thành, giao thông được nâng cấp thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho du khách đến tham quan, trải nghiệm tại vườn cũng như phát triển được các ngành dịch vụ kèm theo như ăn uống, nghỉ ngơi".

Không chỉ đam mê trồng nho, Sơn và Huy còn có nhiều trăn trở và dự định cho phát triển nông nghiệp của địa phương. Hai bạn trẻ là những người đầu tiên mang giống sắn mới BK của Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây có củ (Hà Nội) về trồng trên diện tích 3 ha đất thuê lại của HTX dịch vụ tổng hợp Xuân Cao. Mục đích mà các thanh niên muốn hướng tới là cải thiện, cung cấp giống sắn mới đạt năng suất, chất lượng thay thế giống sắn người dân địa phương đang trồng đang bị bệnh khảm lá có biểu hiện thoái hóa, năng suất thấp. Giống sắn BK được trồng từ tháng 2-2022 và dự kiến cuối năm sẽ cho thu hoạch.

Khởi nghiệp từ nông nghiệp là câu chuyện chưa bao giờ dễ dàng, song những thanh niên thế hệ mới như Sơn và Huy, bằng nghị lực, đam mê và sáng tạo của tuổi trẻ đã mạnh dạn lựa chọn hướng đi của riêng mình trong phát triển kinh tế nông nghiệp - đó đã là điều đáng để ghi nhận. Dẫu con đường phía trước còn nhiều thử thách và chông gai, song những nông dân thế hệ mới, những mô hình nông nghiệp mới như vậy xứng đáng nhận được sự hỗ trợ, khích lệ để họ tiếp tục vươn lên lập nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bài và ảnh: Việt Hương


Bài và ảnh: Việt Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]