(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp, HTX đầu tư ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ứng dụng cơ giới hóa rộng rãi trong trồng trọt

Những năm qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp, HTX đầu tư ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ứng dụng cơ giới hóa rộng rãi trong trồng trọtCông ty TNHH Lam Sơn - Sao Vàng (Thọ Xuân) sử dụng máy thu hoạch mía nguyên liệu cho người dân.

Đang là thời điểm cấy lúa vụ xuân 2024, trên các xứ đồng của thôn Vinh Quang, xã Xuân Minh (Thọ Xuân) nhưng rất ít hình ảnh người nông dân lom khom cấy lúa thủ công như trước đây. Thay vào đó, những chiếc máy liên tục cấy hết thửa ruộng này sang thửa ruộng khác. Trên bờ, mạ khay liên tục được người dân vận chuyển để sẵn sàng cho máy cấy. Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn xã Xuân Minh Đỗ Thị Hoa, cho biết: Để người dân không còn cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, HTX đã đầu tư 3 máy làm đất, 5 máy cấy làm dịch vụ cho bà con. Trong vụ xuân 2024, HTX đã gieo 14 tấn mạ khay, tương đương 200ha lúa cấy để cung ứng cho người dân trong và ngoài xã. Theo bà Hoa, lực lượng lao động nông nghiệp ngày một thiếu, dịch vụ máy cấy sẽ tạo điều kiện cho nông dân cấy hết diện tích, tránh tình trạng bỏ ruộng hoang. Tính cả chi phí sản xuất mạ khay, công làm đất và cấy, HTX chỉ thu 14 triệu đồng/ha, chia ra khoảng 700.000 đồng/sào, tiết kiệm chi phí cho người dân. Ngoài ra, HTX còn hỗ trợ cho các hộ dân trả chậm phân bón, lúa giống, công làm đất... đến khi thu hoạch lúa mới hoàn trả. Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa, tạo điều kiện cho HTX liên kết với người dân đưa một giống lúa năng suất chất lượng cao vào sản xuất đại trà.

Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân, đến nay trong sản xuất lúa, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100% diện tích, thu hoạch lúa bằng máy gặt đạt 90% diện tích... Trên địa bàn huyện Thọ Xuân có nhiều HTX đầu tư cơ sở mạ khay, máy cấy, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu gieo cấy từ 2.500 ha trở lên. Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã giúp cho các xã, thị trấn khắc phục tình trạng thiếu lao động vào thời điểm chính vụ và nâng cao năng suất, chất lượng lúa thương phẩm.

Ứng dụng cơ giới hóa rộng rãi trong trồng trọtNgười dân xã Đồng Thắng (Triệu Sơn) sử dụng máy cấy lúa vụ xuân. Ảnh: Lê Hợi

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trên địa bàn tỉnh hiện có 94.135 máy móc các loại ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu trong sản xuất nông nghiệp, trong đó máy móc phục vụ lĩnh vực trồng trọt có hơn 90.000 chiếc. Tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa các khâu trong sản xuất các cây trồng chính, như: Cây lúa, tỷ lệ làm đất 98%, gieo trồng 22%, thu hoạch 82%, vận chuyển 79%. Cây ngô, tỷ lệ làm đất 88%, gieo trồng 7%, thu hoạch 16%, vận chuyển 84%. Cây lạc, tỷ lệ làm đất 62%, vận chuyển 55%. Cây mía, tỷ lệ làm đất 99%, gieo trồng 20%, thu hoạch 15%, vận chuyển 95%. Cây sắn, tỷ lệ làm đất 83%, vận chuyển 71%. Cây khoai lang, tỷ lệ làm đất 75%, vận chuyển 71%. Các loại cây trồng khác, tỷ lệ làm đất 79%, vận chuyển 78%. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 2.860 ha diện tích rau an toàn, cây ăn quả và vùng mía thâm canh được ứng dụng, chuyển giao công nghệ tưới nước tiết kiệm (tưới phun, tưới nhỏ giọt, tưới thấm...). Trong những năm qua, nhờ các cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của Trung ương, của tỉnh và sự hỗ trợ của các huyện, thị xã, thành phố đã thúc đẩy phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ có máy làm đất, máy bơm nước, máy gặt mà còn có thêm rất nhiều loại máy móc tiên tiến, như: Máy bay bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật; hệ thống tưới nước tiết kiệm, điều khiển từ xa; máy cấy, máy lên luống, máy gieo hạt... Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ mua sắm máy móc thiết bị cho các HTX với tổng kinh phí hơn 48,7 tỷ đồng. Trong đó, có 28 HTX được hỗ trợ mua sắm máy móc thiết bị với kinh phí hỗ trợ gần 17 tỷ đồng; hỗ trợ mua 10 máy thu hoạch mía; xây dựng hệ thống tưới mía mặt ruộng đảm bảo tưới cho 1.442ha mía thâm canh với kinh phí thực hiện hơn 31,7 tỷ đồng.

Nhằm thúc đẩy phát triển ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, ngày 3/10/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 237/KH-UBND về phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030. Trong đó, phấn đấu mục tiêu cơ giới hóa đối với lĩnh vực sản xuất cây trồng chủ lực đạt trên 90% vào năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, hiện ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tích cực thực hiện các giải pháp đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ ở tất cả các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, phù hợp với điều kiện từng vùng, từng loại cây trồng. Đồng thời, khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp, HTX kinh doanh dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa lớn. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ, theo nhu cầu và khả năng tiêu thụ của thị trường. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao thân thiện với môi trường và hệ thống quản lý chất lượng hiện đại trong bảo quản, chế biến nông sản.

Bài và ảnh: Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]