(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, nhiều dự án được tỉnh giao đất nhưng qua nhiều năm nhà đầu tư không triển khai, đất đã được gia hạn nhiều lần, trong khi đó nhiều nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư lại không có đất. Đây là nội dung sẽ được UBND tỉnh trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVIII khai mạc vào sáng thứ hai, ngày 11-7.

Thực trạng và giải pháp cho những dự án được tỉnh giao đất, cho thuế đất nhưng không triển khai

Hiện nay, nhiều dự án được tỉnh giao đất nhưng qua nhiều năm nhà đầu tư không triển khai, đất đã được gia hạn nhiều lần, trong khi đó nhiều nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư lại không có đất. Đây là nội dung sẽ được UBND tỉnh trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVIII khai mạc vào sáng thứ hai, ngày 11-7.

Thực trạng và giải pháp cho những dự án được tỉnh giao đất, cho thuế đất nhưng không triển khai

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã tạo động lực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động, nguồn thu cho ngân sách Nhà nước

Thực trạng giao đất, cho thuê đất, thực hiện dự án đầu tư

Báo cáo của UBND tỉnh nêu rõ, từ ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (1-7-2014) đến nay trên địa bàn tỉnh có 1.617 dự án được giao đất, cho thuê đất, với tổng diện tích 7.863,82 ha; trong đó, 1.195 dự án được cho thuê đất, với diện tích 3.601,37 ha; 105 dự án được giao đất có thu tiền sử dụng đất, diện tích 823,69 ha; 317 dự án được giao đất không thu tiền sử dụng đất, diện tích 3.438,76 ha. Sau khi được giao đất, cho thuê đất, các chủ đầu tư đã tích cực, khẩn trương triển khai đầu tư dự án, kết quả có 1.102 dự án (khoảng 68,15 %) đã hoàn thành đầu tư, bảo đảm tiến độ, đưa đất vào sử dụng đúng mục đích; 208 dự án (chiếm 12,86 %) đang thực hiện đầu tư bảo đảm tiến độ; 247 dự án (chiếm 15,28 %), thực hiện đầu tư chậm tiến độ, nhưng chưa quá 24 tháng, chưa vi phạm điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013; 60 dự án thuê đất (chiếm 3,71 %), đầu tư chậm tiến độ quá 24 tháng, vi phạm điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013.

Có nhiều dự án lớn, thu hút nhiều lao động, hoàn thành đi vào hoạt động đã tạo động lực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động, nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, điển hình như: Dự án Khu liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, với tổng mức đầu tư 189.000 tỷ đồng; dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, tổng mức đầu tư 22.260 tỷ đồng; 20 dự án của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hong Fu Việt Nam, tổng mức đầu tư 850 triệu USD, thu hút 120.000 lao động; dự án Nhà máy sản xuất giày xuất khẩu Kim Việt tại thị trấn Nông Cống của Công ty TNHH giày Kim Việt Việt Nam, tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng, thu hút 4.700 lao động; dự án Sản xuất trang bị, dụng cụ thể thao Vaude Việt Nam tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn của Công ty TNHH Vaude Việt Nam, tổng mức đầu tư 327,6 tỷ đồng, thu hút 3.500 lao động…

Nhìn chung, các dự án được giao đất, thuê đất đã triển khai đầu tư bảo đảm theo tiến độ đã được chấp thuận và tiến độ đã cam kết, nhiều dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích. Một số dự án trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có quy mô sử dụng lao động lớn, góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương, tăng thu ngân sách Nhà nước, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, vẫn còn tồn tại, hạn chế, đó là một số dự án triển khai thực hiện đầu tư chậm trễ, kéo dài, không bảo đảm tiến độ, không đưa đất vào sử dụng,... vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư; một số nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng đất để đầu tư dự án nhưng chưa được đáp ứng kịp thời, ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua thanh tra, kiểm tra đối với 654 lượt dự án (trong đó, có 197 dự án được giao đất, cho thuê đất trong giai đoạn từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, chiếm 12,18 % tổng số dự án được giao đất, cho thuê đất trong giai đoạn) đã phát hiện 164 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng, vi phạm điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 (trong đó, có 60 dự án được giao đất, thuê đất từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay); UBND tỉnh đã quyết định thu hồi đất 21 dự án, với tổng diện tích 89,88 ha; gia hạn tiến độ sử dụng đất 88 dự án, yêu cầu chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian được gia hạn (24 tháng); đồng thời, chỉ đạo các ngành tiếp tục xem xét, tham mưu xử lý theo quy định đối với 46 dự án và có 9 dự án chủ đầu tư đã khắc phục xong vi phạm.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh, về nguyên nhân khách quan, do là quy định của các pháp luật chuyên ngành (Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Lâm nghiệp ...) chưa đồng bộ, xung đột, một số quy định chưa thống nhất, còn có sự chồng chéo... dẫn đến khó khăn, bất cập trong việc xem xét, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất. Quy định pháp luật về việc các tổ chức kinh tế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, để thực hiện dự án đầu tư đã gây rất nhiều khó khăn, bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng, là nguyên nhân chính dẫn đến chậm trễ trong việc triển khai đầu tư dự án. Quy định của pháp luật về điều kiện thu hồi đất của nhà đầu tư do chậm tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng bất cập, dẫn đến chậm trễ kéo dài nhưng không thể thu hồi đất. Quy định chế độ sử dụng đất tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chủ đầu tư phải đầu tư hạ tầng hoàn thiện thì mới được cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất thực hiện dự án, dẫn đến thực trạng các nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng đất thực hiện dự án trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhưng không đủ điều kiện thuê đất do khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có nhà đầu tư hạ tầng hoặc đang trong quá trình xây dựng hạ tầng.

Cùng với đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất toàn quốc và việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các tỉnh chậm và chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, dẫn đến khó khăn, bất cập trong việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp tỉnh; ảnh hưởng đến việc xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất.

Bên cạnh đó, dịch COVID -19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế trong nước và trong tỉnh; tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp, gây khó khăn rất lớn cho nhà đầu tư trong việc thu xếp vốn cũng như việc thi công đầu tư dự án.

Về nguyên nhân chủ quan, chất lượng tham mưu chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư của các sở, ban, ngành chức năng đối với một số dự án còn hạn chế, chưa đánh giá đúng năng lực nhà đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, tính khả thi trong triển khai dự án, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, dẫn đến một số nhà đầu tư năng lực tài chính, năng lực triển khai thực hiện dự án hạn chế, không bảo đảm nguồn vốn và năng lực để hoàn thành đầu tư dự án, nhất là khi nền kinh tế, thị trường có biến động bất lợi. Cá biệt, một số nhà đầu tư có dấu hiệu đầu cơ giữ đất để chuyển nhượng kiếm lời, không có ý định đầu tư. Chất lượng và tính thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng còn có những hạn chế, bất cập; chưa đáp ứng được yêu cầu thu hút đầu tư, mỹ quan đô thị và hiệu quả sử dụng đất…

Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng cấp tỉnh với chính quyền địa phương trong giám sát, theo dõi, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất, đầu tư dự án còn hạn chế. Công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất, đầu tư xây dựng, bảo đảm môi trường… của các sở, ban, ngành chức năng chưa thường xuyên, chưa toàn diện. Một số chính quyền địa phương (cấp huyện, cấp xã) chưa làm tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng, môi trường trên địa bàn theo chức năng nhiệm vu, thẩm quyền; còn buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng kéo dài nhưng không được phát hiện, xử lý kịp thời.

Hệ thống quản lý thông tin đất đai liên quan đến các dự án đầu tư có sử dụng đất chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ, nên việc theo dõi, quản lý các dự án sử dụng đất còn hạn chế, chưa phát huy được sức mạnh của công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước đối với việc thực hiện các dự án đầu tư. Tổ chức, bộ máy, nhân lực làm công tác quản lý Nhà nước về đất đai, trong đó có cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra các cấp còn hạn chế, bất cập cả về số lượng và chất lượng.

Giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế

Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh, khắc phục có hiệu quả những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc rà soát, tổng hợp và đề nghị các cơ quan Trung ương có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để tháo gỡ các bất cập, vướng mắc của các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, quy hoạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư. Đồng thời, thành lập Tổ công tác rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh để rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết các vấn đề cụ thể của từng dự án, nhất là chấm dứt hoạt động, thu hồi đất các dự án vi phạm quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng... nếu đủ điều kiện.

Tăng cường giám sát, theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư dự án; kịp thời phát hiện, tham mưu cho UBND tỉnh xử lý đối với các trường hợp chậm tiến độ sử dụng đất; không để tái diễn tình trạng dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ kéo dài mà không được phát hiện, xử lý kịp thời theo quy định.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc đầu tư xây dựng, sử dụng đất của các dự án trên địa bàn; chủ động phát hiện, xử lý theo thẩm quyền đối với các sai phạm hoặc kiến nghị cơ quan cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. Đầu tư hệ thống quản lý thông tin về đất đai. Thường xuyên rà soát, cập nhật danh mục và công bố thông tin các dự án lớn kêu gọi đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng để các nhà đầu tư có nhu cầu được biết và tham gia đăng ký đầu tư. Chú trọng kêu gọi thu hút các nhà đầu tư lớn để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và đôn đốc các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiêp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để có quỹ đất cho các nhà đầu tư thứ cấp thực hiện đầu tư các dự án.

Kiên quyết không chấp thuận chủ trương cho các nhà đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp chưa hoàn thiện đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung để bảo đảm môi trường, phát triển bền vững. Các sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên rà soát, đánh giá về đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng…; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung để bảo đảm hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đánh giá chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Xuân Hùng


Xuân Hùng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]