Thủ tướng Phạm Minh Chính: Năm tăng, năm giảm, năm tăng tốc, bứt phá trong điều hành chính sách tiền tệ
Sáng 14/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN
Dự hội nghị có: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; các Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; Chủ tịch, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại; lãnh đạo các hiệp hội ngành nghề.
* Tăng trưởng tín dụng thấp nhưng không đáng lo ngại
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,78% so với cuối năm 2022. Do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29/02/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại so với tháng 1. Với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế.
Tạm tính đến cuối tháng 1/2024, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 950,8 nghìn tỷ đồng (giảm 0,17%); công nghiệp và xây dựng đạt gần 3,46 triệu tỷ đồng (giảm 0,13%); thương mại dịch vụ gần 9,06 triệu tỷ đồng (giảm 0,91%). Trong đó, tín dụng lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 2,89 triệu tỷ đồng, tăng 0,23% so với cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu là 2,73%; tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán là gần 111,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,56%.
Tại hội nghị, các đại biểu phản ánh tình hình, điểm nghẽn, nguyên nhân, biện pháp tháo gỡ khắc phục việc cung ứng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế, từng ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, các đại biểu đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần thực hiện để kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp; các giải pháp về lãi suất, thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, các biện pháp về bảo lãnh, các biện pháp về truyền thông, công nghệ...
Trong đó, các doanh nghiệp đề nghị tăng tính tiếp cập vốn và hạn mức và giảm lãi suất cho doanh nghiệp. So sánh hoạt động, chính sách tiền tệ đối với ngành dệt may tại một số nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường đề nghị các ngân hàng xem xét tiếp tục giảm lãi suất, tăng tiếp cận vốn và hạn mức cho các doanh nghiệp dệt may. Qua đó, các doanh nghiệp dệt may có điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là nâng khả năng cạnh tranh đối với ngành dệt may các nước.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có chính sách ổn định lãi suất huy động và lãi suất cho vay; đẩy mạnh đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp lớn và uy tín tham gia các dự án trọng điểm quốc gia; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn, giải thích đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng để các chính sách này đi vào cuộc sống; tạo điều kiện để doanh nghiệp bất động sản tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn...
Trong khi đó, theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, việc tăng trưởng tín dụng thấp không đáng lo ngại; các ngân hàng đang nắm giữ lượng vốn rất lớn và sẵn sàng cho doanh nghiệp vay, song cần điều kiện cần và đủ cũng như bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng: Dòng vốn tín dụng ngân hàng chỉ là dòng vốn bổ sung, không phải dòng vốn chủ lực để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do vậy chỉ sự nỗ lực riêng của ngành Ngân hàng là chưa đủ, cần sự chung tay, tháo gỡ khó khăn của các Bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị HDBank cho biết, mặc dù còn nhiều thách thức ở phía trước, nhưng thời điểm này Việt Nam đang đứng trước cơ hội tăng trưởng lớn với những bước tiến dài cho nền kinh tế. Nguyên thủ các cường quốc trên thế giới lần lượt đến thăm Việt Nam và công tác ngoại giao kinh tế của Chính phủ thành công hơn bao giờ hết. Vị thế, uy tín quốc tế và nội lực mạnh mẽ của quốc gia là nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát triển. Theo bà Phương Thảo, các doanh nghiệp, ngân hàng cần nắm bắt cơ hội này, thúc đẩy khả năng thu hút đầu tư của nền kinh tế nhất là đầu tư tư nhân, đi qua những biến động, tìm các giải pháp bơm vốn cho nền kinh tế...
* Gần 14 triệu tỷ đồng gửi tại các tổ chức tín dụng
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành Ngân hàng về sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được trong thời gian qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Trong đó, ngành Ngân hàng đã tích cực rà soát, hoàn thiện thể chế về cơ chế, chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, trong năm 2023 đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện tiên quyết để giảm lãi suất huy động và cho vay; tỷ giá cơ bản ổn định.
Ngành Ngân hàng đã hỗ trợ tích cực doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho nền kinh tế; tiếp tục tiên phong trong chuyển đổi số, cải cách hành chính, nâng cao năng lực của hệ thống, góp phần tối ưu các chi phí cho nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, chú trọng công tác truyền thông chính sách, bảo đảm thông tin rõ ràng, minh bạch, góp phần tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân.
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế của ngành Ngân hàng như: Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối năm 2023 dù số tiền gửi tại các tổ chức tín dụng là rất lớn, hiện có trên 13,6 triệu tỷ đồng; tiếp cận vốn của doanh nghiệp chưa cao; mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng chưa tương xứng với mức giảm của mặt bằng lãi suất huy động; lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại đang còn cao; nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro; kết quả thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt như kỳ vọng...
Chỉ rõ một số bài học kinh nghiệm, phân tích tình hình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thời gian tới bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi thì nền kinh tế tiếp tục chịu “tác động kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và các hạn chế, tồn tại kéo dài nhiều năm.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Mục tiêu tổng quát là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng thời, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, gìn giữ môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ở mức 4,0 - 4,5%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%; tăng trưởng tín dụng đạt 15%...
* Thực hiện "năm tăng, năm giảm, năm tăng tốc, bứt phá"
Theo Thủ tướng, để đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực rất lớn trong bối cảnh tình hình tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, bám sát định hướng chỉ đạo điều hành theo phương châm “năm tăng”, “năm giảm”, “năm tăng tốc, bứt phá”.
Trong đó năm tăng gồm: Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng; tăng chất lượng tín dụng; tăng năng lực quản trị, điều hành; tăng tính công khai, minh bạch lãi suất và chống tín dụng đen; tăng cường giám sát kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham những. Năm giảm gồm: Giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà, sách nhiễu; giảm tiêu cực, lợi ích nhóm. Năm tăng tốc, bứt phá gồm: Tăng tốc, bứt phá về số hóa; tăng tốc, bứt phá về chất lượng dịch vụ; tăng tốc, bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực; tăng tốc, bứt phá về hạ tầng ngân hàng; tăng tốc, bứt phá phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quán triệt và quyết liệt triển khai có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01, 02/NQ/CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất..., gần nhất là Công điện số 18/CĐ-TTg về điều hành tăng trưởng tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước phải theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là điều hành hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá; điều hành tăng trưởng tín dụng hiệu quả, gắn với bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng. “Nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với các tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong toàn hệ thống của từng ngân hàng thương mại; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của các tổ chức tín dụng nhà nước; tăng cường trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh của tổ chức tín dụng trong việc chia sẻ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo quan điểm “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và “cùng thắng”. Cùng với đó, quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả và kiểm soát rủi ro thanh khoản. Trong đó, hướng tới một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; bất động sản; các dự án giao thông, dự án trọng điểm; ưu tiên trong lĩnh vực xăng dầu; tín dụng cho tín dụng chính sách.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng thông qua khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp nhằm nắm bắt và kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng có hiệu quả, thiết thực, thực chất. Các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định, đảm bảo thực hiện đúng quy định, giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng để trục lợi; tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; thực hiện nghiêm túc việc công bố lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng vay vốn.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN
* Chung sức, đồng lòng vượt thách thức
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tiền tệ để thúc đẩy đầu tư, đẩy mạnh đầu tư công phục vụ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; triển khai giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ Xây dựng khẩn trương trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật kinh doanh Bất động sản và các Thông tư hướng dẫn; thường xuyên thanh tra, kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án bất động sản và việc tuân thủ quy định phát luật về kinh doanh bất động sản; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương triển khai hiệu quả Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội; triển khai quyết liệt hiệu quả Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát huy hiệu quả hơn nữa hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Bộ Công Thương tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng; củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường truyền thống, tạo bước đột phá mở rộng các thị mới, có tiềm năng; tổ chức các chương trình khuyến mại trên phạm vi toàn quốc để phối hợp các địa phương tăng cường kết nối cung cầu, kích cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước.
Bộ Công an khẩn trương có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an ninh tài chính, tiền tệ; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án 06, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin về đất đai, phối hợp với Bộ Xây dựng để kết nối với Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu phối hợp chặt chẽ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, người dân, doanh nghiệp; ưu tiên nguồn lực phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dưới các hình thức phù hợp; tập trung ngăn chặn nạn tín dụng đen...
Thủ tướng đề nghị các tổ chức kinh tế và người dân thực hiện sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật, linh hoạt, thích ứng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đổi mới công tác quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận vốn tín dụng và năng lực huy động vốn hợp pháp khác; phối hợp cùng với Nhà nước cùng hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng để sử dụng hiệu quả vốn tín dụng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Với tinh thần “Non cao cũng có đường trèo. Đường dẫu hiểm nghèo cũng có lối đi”, “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng tin tưởng những khó khăn, thử thách mà nền kinh tế nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng sẽ được vượt qua, cả nước hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024 với kết quả toàn diện, cao hơn năm 2023.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2024-12-28 16:45:00
Nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông
-
2024-12-28 13:39:00
Phát triển kinh tế lâm nghiệp ở Ngọc Lặc
-
2024-03-14 12:59:00
Ra quân bảo vệ hành lang an toàn lưới điện năm 2024
Tiến gần hơn mục tiêu trung tâm năng lượng của cả nước
Phân loại xe, lập phương án phân luồng giao thông Cao tốc Cam Lộ-La Sơn
Xúc tiến đầu tư các khu tái định cư để GPMB dự án khu công nghiệp số 20
Như Thanh thực hiện các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp
“Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” (Bài 2): Xây dựng môi trường kinh doanh trực tuyến minh bạch
Tăng cường quản lý trong sử dụng tài chính và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước
Tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện chính sách thuế
Bản tin tài chính 14/3/2024: Giá vàng thế giới tăng trở lại sau 1 phiên giảm
Bộ Tài chính: Chưa doanh nghiệp nào được cấp phép đặt cược đua ngựa, đua chó