(Baothanhhoa.vn) - Tại nhiều mặt bằng các khu đô thị ở TP Thanh Hóa, chủ đầu tư xin chủ trương quy hoạch, chia lô bán quyền sử dụng đất, đem về những khoản lợi nhuận không nhỏ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thiếu trách nhiệm với cư dân khu đô thị mới?

Tại nhiều mặt bằng các khu đô thị ở TP Thanh Hóa, chủ đầu tư xin chủ trương quy hoạch, chia lô bán quyền sử dụng đất, đem về những khoản lợi nhuận không nhỏ.

Lối vào khu đô thị mới thuộc mặt bằng quy hoạch 934 (phường Đông Hải) TP Thanh Hóa là một đoạn cống gập ghềnh, nhỏ hẹp và lầy lội đất đá.

Nhưng sau khi đã đạt được mục đích chính là lợi nhuận, chủ đầu tư mặt bằng lại “lãng quên” trách nhiệm trong một thời gian dài với những cư dân đến sinh sống. Chính quyền địa phương ở một số nơi có mặt bằng mới cũng thiếu sâu sát, ít quan tâm bởi lý do: Mặt bằng chưa được giao về cho địa phương quản lý...?

Cách đây ít tháng, hàng trăm hộ dân sinh sống ở Mặt bằng quy hoạch 6804 (trước đây là mặt bằng 2.000) thuộc phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) hồ hởi vui mừng vì đã... chính thức có điện. Nước sạch phục vụ cho sinh hoạt cũng được đấu nối vào hệ thống đường ống vào cuối năm 2017, đã trở thành “bước tiến lớn” trong đời sống của người dân nơi đây. Thoạt nghe có vẻ khó tin với nhiều người, bởi điện và nước là những điều kiện không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân, lại là những cư dân ngay nơi thị thành phát triển.

Thế nhưng, một thực tế là tại mặt bằng rộng hơn 90,5 nghìn m2 với 450 lô đất này, ròng rã hàng chục tháng trước đó, do không có nguồn nước sạch nhiều hộ dân đến sinh sống phải dùng nước giếng khoan. Do nguồn nước ngầm ô nhiễm bởi khu vực này gần bãi rác Cồn Quán ứ đọng trong nhiều thập kỷ trước đó, nên nhiều hộ chỉ dám tắm giặt, rửa rau, còn nước nấu ăn vẫn phải tìm mọi cách đưa về từ nơi khác bằng các can nhựa, xô chậu. Những bồn Inox cáu vàng sau một vài tuần chứa nước, những đường ống bám bựa “gạch cua”... cũng đủ thấy nguồn nước ngầm ở đây như thế nào. Thế nhưng, nhiều hộ vẫn phải miễn cưỡng sử dụng. Nhiều gia đình có điều kiện hơn thì lắp hệ thống đường ống dài hàng trăm, thậm chí cả km xin đấu nhờ nước từ các hộ dân của những khu phố cũ phân bổ dọc đường Nguyễn Trãi nối dài. Đường nước quá xa, có khi nhiều gia đình chung nhau nên cường độ nước dẫn về yếu ớt, có hộ phải dùng những xô, chậu, thức đêm để hứng nước rơi nhỏ giọt, tiết kiệm mới đủ dùng cho cả ngày hôm sau. Tương tự, các hộ dân cũng kéo đường dây hàng trăm mét, đấu nhờ nguồn điện của các gia đình trong phố cũ với giá điện cao. Nhiều trường hợp đường dây quá dài, điện áp thấp không thể chạy điều hòa hay các thiết bị công suất lớn, chỉ dám ưu tiên những bóng đèn sáng cho con trẻ học bài. Đáng nói, hộp điện, hệ thống dây điện ngầm ở đây được xây dựng từ khi có mặt bằng. Nhiều gia đình phải sinh sống trong sự bất tiện ấy tới 2 - 3 năm, đến nay mới thoát cảnh thiếu thốn điện, nước.

Ông Nguyễn Đình Trung, cư dân sinh sống tại lô 32 của mặt bằng quy hoạch này cho biết: Mặt bằng 6804 được quy hoạch và xây dựng từ cuối năm 2011, song khoảng 4 năm gần đây mới có nhiều người đến xây dựng nhà ở và sinh sống. Trước đây không có nước máy, nhiều hộ dân quanh khu vực nhà tôi đều kéo nhờ nước từ hộ anh Bình, do anh này ra ở trước, đầu tư hàng chục triệu đồng, lắp một đường ống khá lớn dẫn nước từ phố Nguyễn Trãi. Khoảng thời gian những hộ dân thiếu thốn điện, nước là không hề ngắn, mang lại nhiều hệ lụy với cuộc sống người dân nơi đây. Vậy, chủ đầu tư mặt bằng, chính quyền địa phương đã làm hết trách nhiệm của mình? Có phải cứ đến ở mặt bằng đô thị mới là người dân phải chịu cảnh thiếu thốn các điều kiện sinh hoạt? Những câu hỏi vẫn chưa có lời đáp?

Hơn 5 năm về sinh sống tại mặt bằng quy hoạch 934 (phường Đông Hải, TP Thanh Hóa), bà NTL sống tại khu A của mặt bằng này cho biết, chưa thấy sự đổi thay gì trong phát triển hạ tầng và điều kiện sống nơi đây. Những tuyến đường được đầu tư xây dựng với mặt đường bằng bê tông nhựa, bê tông xi măng từ những ngày đầu, nay ngày càng xuống cấp. Do đa phần những người đến ở tại đây đều mua đất qua tay những người đầu cơ và giới “cò đất” nên không biết chủ đầu tư là doanh nghiệp nào. Hàng chục gia đình ở đây cũng khẳng định, chưa bao giờ gặp mặt đại diện chủ đầu tư mặt bằng đến quan tâm hay hỏi han điều gì. Chỉ cách một con mương nhỏ, mặt bằng 1221 cũng được xây dựng cùng thời điểm nhưng lại được chủ đầu tư quan tâm đầu tư hạ tầng khá khang trang, các con đường dân sinh nội khu đều được nhựa hóa, nối với các tuyến đường lớn của tỉnh. Con đường duy nhất đi vào khu đô thị mới này từ phía TP Thanh Hóa được đánh dấu bằng chiếc cống nhỏ hẹp, đá lởm chởm, mỗi khi trời mưa thì đọng nước lầy lội.

Bức xúc nhất là khoảng hơn 1 năm trở lại đây, do một bãi cát ven sông Mã thuộc phường Đông Hải hoạt động, lúc cao điểm, mỗi ngày có cả trăm lượt xe ô tô tải cỡ lớn chở cát qua khu dân cư mới để vào thành phố và đi các nơi. Từng đoàn xe “hổ vồ”, tải trọng hàng chục tấn rầm rập qua khu dân cư, biến đường dân sinh nội khu thành con đường của những xe ô tô chở quá khổ, quá tải. Xe chạy rung nền đất khiến một số ngôi nhà có hiện tượng nứt, đường nội khu xuống cấp, dây điện bị xe kéo đứt... Cư dân tại đây ngày càng bất an vì lo sợ trẻ em ra đường khi có xe ô tô tải chở cát phóng qua. Thế nhưng, có người dân ra ngăn cản yêu cầu các xe không đi qua thì một vài lái xe hùng hổ dọa đánh. Đã có người dân phản ánh miệng lên đại diện chính quyền phường Đông Hải, nhưng một lãnh đạo ở đây khẳng định, do mặt bằng chưa được bàn giao cho địa phương quản lý nên việc ngăn cản xe ô tô tải qua đây thuộc về chủ mặt bằng (!?). Gần đây, cư dân ở các con đường chính của mặt bằng đã tự góp tiền lắp các khung khống chế tải trọng, nhưng mới ngăn được các xe ô tô tải trọng lớn, xe tải loại 10 tấn trở xuống vẫn đi qua... Khi không một đơn vị liên quan nào đứng ra ngăn chặn, người dân sống tại khu đô thị thuộc mặt bằng 934 vẫn phải sống trong nỗi bức xúc, lo sợ.

Đã gần chục năm từ khi xây dựng mặt bằng 934, đến nay vẫn tình trạng “nhà không số, phố không tên”. Anh Nguyễn Văn Ngọc, người dân sinh sống tại đây cho biết: Nhiều khi gọi xe taxi, đã hướng dẫn đường qua điện thoại nhưng lái xe lòng vòng mãi, có khi họ chán nên quay đi, không đến đón nữa. Khó khăn nhất là người thân, bạn bè tìm đến nhà nhưng đều phải ra tận Đại lộ Nam sông Mã hoặc về phía UBND phường Đông Hải để đón. Không những thế, hệ thống điện ở đây được thiết kế dây ngầm, song đến nay vẫn không được đấu nối với hệ thống điện của TP Thanh Hóa. Các hộ dân đều phải dùng đường dây đấu nối từ phía Khu Công nghiệp Lễ Môn. Đây thuộc đường dây cuối nguồn của hệ thống điện lực huyện Quảng Xương nên điện áp yếu, thường xuyên mất điện khi có gió to, những đợt mưa lớn...

Nhiều khu dân cư ở mặt bằng mới đã và đang chịu nhiều thiệt thòi do sự thiếu quan tâm của các đơn vị liên quan. Sự quan tâm của chính các chủ đầu tư có ý nghĩa quan trọng bậc nhất trong việc giúp cư dân ở các khu đô thị mới sớm ổn định cuộc sống với các điều kiện cần thiết.


Bài và ảnh: Linh Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]