(Baothanhhoa.vn) - Tỉnh Thanh Hóa với địa hình rộng lớn, vùng khí hậu đa dạng là điều kiện thuận lợi để các loại cây dược liệu sinh trưởng và phát triển. Những năm gần đây, cùng với việc đầu tư phát triển chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu trong đó có diện tích trồng cây dược liệu. Nhờ đó, tiềm năng lợi thế của vùng và thu nhập của người dân đã từng bước được nâng cao.

Thêm cơ hội phát triển cho cây dược liệu

Tỉnh Thanh Hóa với địa hình rộng lớn, vùng khí hậu đa dạng là điều kiện thuận lợi để các loại cây dược liệu sinh trưởng và phát triển. Những năm gần đây, cùng với việc đầu tư phát triển chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu trong đó có diện tích trồng cây dược liệu. Nhờ đó, tiềm năng lợi thế của vùng và thu nhập của người dân đã từng bước được nâng cao.

Thêm cơ hội phát triển cho cây dược liệuDiện tích sản xuất cây kim ngân làm dược liệu của hộ gia đình chị Nguyễn Thị Nước, xã Đông Hoàng (Đông Sơn).

Thay vì trồng các loại cây trồng như keo, mía trên diện tích đồi, từ cuối năm 2021, gia đình ông Hà Đắc Liên, bản Hắc, xã Trí Nang (Lang Chánh) đã đầu tư cải tạo đất và trồng thử nghiệm gần 1 ha cây mạch môn, bách bộ. Ông Liên cho biết: “Thời gian gần đây, Công ty CP Đông Nam dược Miền Trung đóng tại xã Đồng Lương cùng huyện đã thực hiện thu mua một số loại cây dược liệu như ngải cứu, mạch môn, bách bộ, đinh lăng... để chế biến, chiết xuất thành các sản phẩm bảo vệ, hỗ trợ sức khỏe. Nhận thấy, giá trị kinh tế từ những loại cây dược liệu cao hơn nhiều so với các loại cây trồng truyền thống của địa phương, đồng thời được sự hỗ trợ, liên hệ của các cấp chính quyền địa phương, gia đình tôi đã được công ty hỗ trợ về giống, phân bón và kỹ thuật để sản xuất gần 1 ha cây mạch môn và bách bộ. Sau hơn 1 năm, diện tích cây dược liệu đã phát triển ổn định và dự kiến cho năng suất cao. Gia đình kỳ vọng vào mô hình phát triển này bởi phía Công ty CP Đông Nam dược Miền Trung đã hỗ trợ 50% kinh phí sản xuất ban đầu và cam kết thu mua sản phẩm theo giá thị trường”.

Là một trong những hộ điển hình của xã Đông Hoàng (Đông Sơn) trong thực hiện tích tụ tập trung đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chị Nguyễn Thị Nước, thôn Thọ Phật đã phát triển được 8 ha cà gai leo, kim ngân cho hiệu quả kinh tế cao. Được biết từ năm 2016, gia đình chị Nước đã nhận thầu diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả kinh tế của xã để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng cây dược liệu. Bắt đầu với cây cà gai leo, nghệ, gia đình chị nhận thấy hiệu quả kinh tế vượt trội. Từ đó, gia đình không ngừng mở rộng diện tích, đa dạng hóa các loại cây trồng. Đến nay, mô hình sản xuất của gia đình chị Nước đạt 8 ha, với các loại cây dược liệu, như: cà gai leo, kim ngân, nghệ... Trong đó, có 5 ha đã cho thu hoạch, sản lượng khoảng 30 tấn dược liệu/năm, doanh thu đạt hơn 300 triệu đồng/ha/năm. Sự bền vững của mô hình sản xuất cây dược liệu của gia đình chị Nguyễn Thị Nước chính là đã hình thành được chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn để tiêu thụ cà gai leo, với Công ty Dược phẩm Ngọc Linh tiêu thụ kim ngân...

Mặc dù cây dược liệu không được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, song đã và đang được phát triển mạnh mẽ, mang lại thu nhập cho người dân. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có khoảng 5.000 ha cây dược liệu ngắn ngày, như: cà gai leo, sâm báo, ngải cứu... và khoảng 94.000 ha cây dược liệu dưới tán rừng. Tuy nhiên, diện tích và sản lượng vùng dược liệu được bao tiêu sản xuất, chế biến, tiêu thụ vẫn còn thấp, chủ yếu ở diện tích cây dược liệu tập trung.

Hiện nay, trước nhu cầu của thị trường về sử dụng các sản phẩm dược liệu ngày càng cao, xu hướng tiêu dùng cũng thay đổi với sự ưa chuộng nguồn hàng hóa sạch, hướng nội, đặc trưng và nguồn gốc thảo mộc, khiến người sản xuất dược liệu được đón nhận thời cơ mới. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây dược liệu, như: Công ty CP Đông Nam dược Miền Trung đang đầu tư liên kết, hỗ trợ chi phí sản xuất và bao tiêu sản phẩm với hơn 40 ha cây dược liệu, gồm: ngải cứu, bách bộ, mạch môn... cho người dân huyện Lang Chánh; HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn thu mua cà gai leo để sản xuất trà cà gai leo túi lọc - sản phẩm OCOP 3 sao; Công ty CP Dược liệu Triệu Sơn và HTX sản xuất nông nghiệp Vianaco thu mua sâm báo cho người dân các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Triệu Sơn; Công ty TNHH Hoàng Thảo Mộc (TP Thanh Hóa) liên kết thu mua hơn 40 ha cà gai leo cho người dân 2 huyện Thạch Thành, Vĩnh Lộc.

Để có thêm cơ hội phát triển cho cây dược liệu hiện nay, các địa phương đang tích cực hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác sản xuất cây dược liệu tổ chức lại sản xuất, thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hoạt động trong lĩnh vực hóa dược đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất theo tiêu chuẩn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, bảo đảm các điều kiện để cây dược liệu phát triển bền vững nhất. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở các lớp đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng cây dược liệu cho bà con nông dân.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]