(Baothanhhoa.vn) - Là một xã của huyện Thọ Xuân, mảnh đất của những sản vật truyền thống nức tiếng xứ Thanh, xã Phú Xuân gắn liền với những món ăn mộc mạc, dân dã mà có sức hấp dẫn lạ kỳ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phú Xuân – mảnh đất của những sản phẩm truyền thống

Là một xã của huyện Thọ Xuân, mảnh đất của những sản vật truyền thống nức tiếng xứ Thanh, xã Phú Xuân gắn liền với những món ăn mộc mạc, dân dã mà có sức hấp dẫn lạ kỳ.

Phú Xuân – mảnh đất của những sản phẩm truyền thống

Sản xuất miến gạo tại gia đình ông Trịnh Đình Huy, thôn Thọ Phú, xã Phú Xuân.

Có dịp về Phú Xuân, chúng tôi cảm nhận về một mảnh đất vừa mang vẻ yên bình của một làng quê truyền thống lại vừa có dáng dấp của nơi buôn bán nhộn nhịp. Men theo con đường đê quanh co, uốn lượn, chúng tôi rẽ vào đường làng được dẫn lối bằng cánh đồng ngô xanh ngát. Con đường bê tông thẳng tăm tắp nối chân đê với ngôi làng nhỏ được “trang trí” thêm bởi những sào miến trắng phơi san sát nhau hai bên đường. Phía trong làng, những khoảng sân trước nhà, mái hiên hay bất cứ khoảng trống nào đều có thể được tận dụng để phơi miến. Những người phụ nữ thay nhau ra lật từng cây phơi để có được những mẻ miến no nắng, giòn thơm.

Nghề làm miến gạo gắn với cuộc sống người dân Phú Xuân đã mấy chục năm nay, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống lao động hàng ngày của những người dân nơi đây, từ cánh thanh niên đến những lớp người cao tuổi. Công việc làm miến tuy không quá nặng nhọc nhưng lại có nhiều công đoạn và chiếm nhiều thời gian. Từ khâu ngâm gạo, ép sợi, phơi phóng... đều phải làm liên tục để cho ra sản phẩm vừa có độ giòn, dai vừa đảm bảo hương vị thơm ngon đặc trưng của nguyên liệu gạo quê truyền thống. Đặc biệt, nghề sản xuất miến còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Miến sẽ khô nhanh và ngon nhất khi được phơi dưới trời nắng hanh. Còn những ngày mưa hoặc ẩm ướt thì hầu hết các hộ sản xuất phải nghỉ làm.

Người Phú Xuân nổi tiếng “tham công tiếc việc”, vào những ngày thời tiết không thuận lợi để làm miến, mỗi người lại “lấp chỗ trống” bằng những việc tay ngang đã được dự phòng từ bấy lâu nay. Chạy chợ, đi thu mua lạc, vừng, lúa gạo... về nhập cho các cửa hàng kinh doanh nông sản hoặc các cơ sở sản xuất được nhiều lao động tận dụng để tăng thêm thu nhập. Chính vì thế, chẳng mấy khi thấy người dân nơi đây rảnh rang.

Bên cạnh nghề làm miến gạo thì kẹo vừng, kẹo lạc Phú Xuân cũng nổi tiếng khắp nơi nhờ hương vị thơm ngon và những bí quyết gia truyền có được. Hỏi người sành về ẩm thực truyền thống xứ Thanh thì mấy ai không biết đến kẹo lạc Xuân Yên (nay là Phú Xuân). Cho đến nay, dù nhu cầu thị hiếu có nhiều thay đổi, kẹo lạc của địa phương phải đối diện với thị trường cạnh tranh nhiều mặt hàng mới chất lượng nhưng sản phẩm kẹo lạc nơi đây vẫn có chỗ đứng nhất định và được nhiều người yêu thích mua về sử dụng và làm quà biếu. Bà Trịnh Thị Tiệp, thôn Phú Cường, người có 25 năm gắn bó với nghề làm kẹo lạc cho biết: “Trước đây, gia đình tôi sản xuất rất nhiều sản phẩm truyền thống như: kẹo lạc, kẹo vừng, lạc rang húng lìu, bỏng ngô, bỏng gạo..., nhưng vài năm gần đây do đã cao tuổi nên chúng tôi chỉ tập trung làm kẹo lạc và kẹo vừng. Mỗi ngày gia đình tôi làm từ 1 đến 2 tạ kẹo để xuất bán ra thị trường. Vào dịp cuối năm khối lượng kẹo tăng nhiều hơn. Hiện nay, kẹo lạc cơ sở Chính Tiệp của gia đình không chỉ tiêu thụ trong địa bàn tỉnh mà còn được nhiều tỉnh, thành khác ưa chuộng”.

Được biết, bà Tiệp và chồng mình là những người hỗ trợ và góp nhiều ý kiến cho cậu con rể Dương Văn Giang, thôn Thọ Phú, ông chủ thương hiệu kẹo lạc và kẹo gạo lứt Đức Giang nổi tiếng trong thời gian đầu khởi nghiệp. Cho đến nay, dòng sản phẩm kẹo của Công ty TNHH Đức Giang đã có mặt tại 7 tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu sang 2 nước là Lào và Nga. Tiếp chúng tôi tại ngôi nhà khang trang cũng là nơi sản xuất ra những sản phẩm kẹo được công nhận OCOP, anh Giang chia sẻ: Không chỉ là người góp phần khôi phục làng nghề nơi mình sinh ra và lớn lên có nguy cơ bị mai một, tôi còn sáng tạo thêm nhiều loại sản phẩm kẹo khác dựa trên các nguyên liệu dân dã của địa phương. Mong muốn của tôi là tiếp tục mở rộng sản xuất và tạo việc làm cho nhiều lao động để ngày càng phát triển nghề truyền thống quê hương.

Ông Vũ Đình Nam, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, cho biết: “Hiện cả xã có 51 hộ làm nghề thường xuyên, trong đó có 46 hộ làm miến và 5 hộ sản xuất kẹo lạc. Nhằm tìm ra hướng đi bền vững và hiệu quả cho nghề truyền thống này, chúng tôi luôn khuyến khích người dân giữ nghề, ngoài quan tâm đến chất lượng sản phẩm còn cần phải chú trọng đến mẫu mã, quy cách đóng gói, tạo mẫu logo. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các hộ kinh doanh vay vốn làm ăn, mở rộng sản xuất, hỗ trợ chủ cơ sở tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh để thu hút sự quan tâm của khách hàng, mở ra cơ hội phát triển thị trường. Đầu năm nay, xã đã lập kế hoạch và gửi đề xuất lên huyện xin chuyển đổi mục đích sử dụng các công trình trung tâm văn hóa, công sở UBND xã Phú Yên cũ chưa sử dụng do sáp nhập hai xã để cho các hộ sản xuất thuê làm nơi trưng bày, giới thiệu và kinh doanh, góp phần mở rộng sản xuất cũng như nâng cao hiệu quả trong phát triển kinh tế nông thôn”.

Không chỉ mang đến cho thực khách những món ăn yêu thích, các sản truyền thống của mảnh đất Phú Xuân còn chứa đựng nét văn hóa, sự cần cù chịu khó của những con người nơi đây. Tin rằng, với sự nhiệt huyết, yêu lao động của người dân Phú Xuân cùng với sự quan tâm, định hướng đúng đắn của chính quyền địa phương, các sản phẩm truyền thống sẽ còn tiếp tục phát triển và được các thị trường lớn đón nhận.

Bài và ảnh: Thu Hà


Bài và ảnh: Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]