Những mô hình giảm nghèo bền vững tại Bá Thước
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, những năm qua huyện Bá Thước đã tập trung nguồn lực triển khai thực hiện các mô hình sinh kế giảm nghèo và nhân rộng các mô hình hiệu quả, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư; tạo cho người nghèo có cơ hội bình đẳng tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản.
Nhiều hộ dân ở xã Thành Sơn trồng cây quýt hoi từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Đến xã Thành Sơn vào những ngày cuối năm Quý Mão, trên các vườn đồi bà con đang tất bật thu hoạch quả quýt hoi để chế biến vỏ làm trà, ngâm mật ong hoặc ngâm rượu bán vào dịp tết. Chủ tịch UBND xã Thành Sơn Nguyễn Chí Công đưa chúng tôi đi một vòng trong xã. Dừng chân tại các công trình, dự án được hỗ trợ từ chính sách của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, ông cho biết: Các dự án của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giúp địa phương thay đổi hoàn toàn diện mạo. Từ chỗ điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp chỉ là giấc mơ bao đời của người dân, giờ nhờ nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình, cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư khang trang; từ chỗ người dân sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu, tự cung, tự cấp cũng nhờ chương trình, dự án mà người dân đã thay đổi tư duy, nhận thức, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, biến tiềm năng, lợi thế thành hàng hóa, dịch vụ mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Chỉ cho chúng tôi xem vườn quýt hoi mới được hỗ trợ giống từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chủ tịch UBND xã Thành Sơn nói: “Những năm gần đây, trong quá trình lựa chọn, phát triển các sản phẩm đặc trưng, UBND huyện Bá Thước đã lồng ghép các chính sách từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hỗ trợ cho nông dân cây giống, phân bón để phát triển cây quýt. Đơn cử như tháng 11/2023, 30 hộ dân ở thôn Pà Ban được hỗ trợ 1.584 cây giống quýt hoi; 12 hộ được hỗ trợ 984 cây giống mận tam hoa. Trước đó, năm 2017, 35 hộ dân ở thôn Pà Ban cũng nhận được hỗ trợ 1.500 giống cây quýt hoi. Đến nay, toàn bộ cây trồng đã cho ra quả bói, đang hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Bởi, theo người dân nếu chăm sóc tốt, 1 ha quýt có thể cho sản lượng 6 tấn/năm, thu nhập 90 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt, có một số vườn quýt sản lượng trên 10 tấn/năm, cho thu nhập 150 - 180 triệu đồng/ha/năm. Và, nhiều hộ dân đã nắm bắt thời cơ, cải tạo vườn quýt hoi thành nơi cho du khách tham quan, qua đó bán các sản phẩm chế biến từ vỏ quýt, mang lại nguồn thu nhập cao".
Được biết, không chỉ xã Thành Sơn mà nhiều địa phương khác của huyện Bá Thước cũng đang có bước khởi sắc đáng kể thông qua nguồn lực từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Lò Văn Thắng cho biết: Những năm qua, huyện đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của MTTQ và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo; nâng cao năng lực và nhận thức cho cán bộ và người dân về giảm nghèo gắn với XDNTM; triển khai thực hiện đúng đối tượng, nội dung chính sách, tiến độ và đạt mục tiêu của chương trình đề ra. Giai đoạn 2021-2023 huyện được giao thực hiện trên 220 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 120,5 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 99,5 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo nghề, xây dựng các mô hình giảm nghèo ở các địa phương.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững huyện đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần đưa diện mạo nông thôn ngày càng sạch, đẹp, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, đời sống Nhân dân được nâng lên; tình hình an ninh - trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2022 và năm 2023 giảm 11,5%; hộ cận nghèo giảm trung bình hàng năm giai đoạn 2021-2023 là 8,5%.
Thông qua các dự án hỗ trợ sản xuất từ các chương trình, đã làm thay đổi nhận thức của người dân về phương thức sản xuất mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là người dân đã biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, các mô hình sản xuất hàng hóa, vùng sản xuất tập trung để chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao; từ đó, giúp cho các hộ nghèo thực hiện dự án nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Lò Văn Thắng, hiện tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của toàn huyện còn cao, chiếm 39,56% so với tổng số hộ dân, tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng nguy cơ tái nghèo cao, vì thu nhập bình quân đầu người đạt thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, chưa có ý thức và hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, do thời tiết khắc nghiệt của miền núi, mưa lũ nhiều nên các công trình giao thông, thủy lợi thường hay bị xói mòn, sạt lở, làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tiến độ thi công. Sự tự ti, ỷ lại, bằng lòng với thực tại, không tự ý thức vươn lên của một bộ phận người dân, trong đó có người nghèo, cận nghèo là rào cản lớn trong việc thực hiện các chương trình, dự án...
Để triển khai, thực hiện công tác giảm nghèo nhanh và bền vững đạt hiệu quả, thời gian tới huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân tích, xác định đúng nguyên nhân dẫn đến nghèo về thu nhập, cũng như nghèo về thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của từng hộ gia đình. Từ đó, xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể, chi tiết đến từng hộ, tập trung nguồn lực, ưu tiên hỗ trợ cho các hộ đăng ký thoát nghèo hàng năm, tạo cơ hội cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, của huyện để xây dựng các công trình hạ tầng NTM; lồng ghép, phân bổ hợp lý các nguồn vốn, chương trình, dự án, huy động nguồn lực từ cộng đồng để đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ. Tăng cường thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với giảm nghèo, nâng cao mức sống cho Nhân dân. Thực hiện có hiệu quả chương trình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, chú trọng công tác xuất khẩu lao động ra các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc...
Tăng cường vai trò chủ động của cấp xã, cộng đồng thôn, bản trong việc quản lý, giám sát đầu tư, khai thác, sử dụng các công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ và các dự án phát triển sản xuất, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; phát huy nguồn lực và đóng góp của người dân trong thực hiện các dự án phát triển sản xuất, chú trọng mô hình liên kết, gắn phát triển sản xuất với chế biến tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát, đánh giá trên tinh thần công khai, dân chủ trong các hoạt động giảm nghèo và xây dựng kết cấu hạ tầng NTM; không chạy theo thành tích, tránh phô trương; đảm bảo hiệu quả tiết kiệm, tránh lãng phí, tiêu cực, nhất là trong quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư cho chương trình...
Bài và ảnh: Ngân Hà
{name} - {time}
-
2024-11-28 15:28:00
Ngân hàng bị phạt tới 500 triệu đồng nếu ép khách mua bảo hiểm
-
2024-11-28 15:20:00
Nhiều đường bay đã ‘cháy’ vé trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
-
2024-01-13 19:19:00
Xuất khẩu một năm nỗ lực vượt khó
Tập trung thu mua và chế biến nguyên liệu sắn phục vụ xuất khẩu
Đấu giá biển số ô-tô ghi nhận kỷ lục mới với 75,2 tỷ đồng
Bảo đảm cung ứng nông sản dịp cuối năm
Sự trở lại hoành tráng của chiến dịch “Love Connection”, Vietjet tặng 50 cặp đôi Ấn Độ vé bay miễn phí khắp Việt Nam
Vinamilk “bội thu” giải thưởng phát triển bền vững
Tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi nhận thức, ưu tiên dùng hàng sản xuất trong tỉnh, trong nước
Vietcombank Nghi Sơn khai trương Phòng giao dịch Hoằng Hóa
Tăng cường xúc tiến đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ
Bay thẳng Hà Nội - Điện Biên dễ dàng cùng Vietjet