(Baothanhhoa.vn) - Với sự năng động và “chiến lược” đúng hướng, anh Phạm Minh Tôn, Giám đốc Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh ở huyện Nga Sơn đã xuất khẩu trực tiếp được các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đi thị trường Hoa Kỳ. Từ đó, hơn 50 sản phẩm có nguồn gốc “made in Thanh Hóa” đã có mặt tại nhiều chuỗi siêu thị trên khắp “xứ sở cờ hoa” gần 10 năm nay.

Người đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ xứ Thanh sang Hoa Kỳ

Với sự năng động và “chiến lược” đúng hướng, anh Phạm Minh Tôn, Giám đốc Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh ở huyện Nga Sơn đã xuất khẩu trực tiếp được các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đi thị trường Hoa Kỳ. Từ đó, hơn 50 sản phẩm có nguồn gốc “made in Thanh Hóa” đã có mặt tại nhiều chuỗi siêu thị trên khắp “xứ sở cờ hoa” gần 10 năm nay.

Người đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ xứ Thanh sang Hoa Kỳ

Anh Phạm Minh Tôn và các sản phẩm xuất khẩu của mình.

Cái nắng tháng 4 đầu hè cùng những đợt gió Nam dịu nhẹ được coi là điều kiện thuận lợi để phơi nguyên liệu và các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ trên quê cói Nga Sơn. Đây chính là thời gian cao điểm để người người, nhà nhà và các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cói, bèo tây trong huyện tập trung sản xuất. Tại xã Nga An, 2 khu nhà xưởng với tổng diện tích cả nghìn m2 của Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh theo đó cũng nhộn nhịp không khí lao động. Hơn 40 công nhân làm việc thường xuyên tại xưởng vẫn thoăn thoắt tay đan, dán nhãn, đóng thùng cũng như phơi sấy sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Phía ngoài sân bê tông, bạt ngàn các chủng loại sản phẩm được phơi trải dài trên diện tích gần nghìn m2. Bên trong nhà kho, nhiều loại sản phẩm lớn nhỏ được xếp lồng vào nhau, kín các khu nhà, chất cao từ mặt đất đến tận mái tôn gần chục mét.

Nói về lượng hàng khổng lồ này, Giám đốc Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh, anh Phạm Minh Tôn, cho biết: “Đây là thời điểm tích hàng để một vài ngày sau sẽ cho đóng thùng xuất khẩu. Mỗi tháng đều đặn một vài lần với tổng số khoảng 50 container hàng thủ công mỹ nghệ từ cói và bèo tây của công ty được chở đi Cảng Hải Phòng để đưa sang Hoa Kỳ bằng đường biển”. Tiếp tục dẫn chúng tôi đi thăm các kho sản phẩm, vị giám đốc sinh năm 1978 lần lượt giới thiệu rất nhiều sản phẩm đẹp mắt và lạ lẫm. Từ tấm thảm chùi chân đến rá đựng hoa quả, từ những chiếc bình cắm hoa đến chiếc làn đi chợ hay hộp đựng quần áo, tất cả đều được những bàn tay khéo léo đan kết tỉ mỉ với hoa văn bắt mắt. Chưa tận mắt chứng kiến số lượng sản phẩm ở đây, chắc hẳn nhiều người khó tưởng tượng ra, những thân bèo tây, những sợi cói thô mộc lại có thể trở thành những vật dụng thẩm mỹ đến như vậy.

Được đánh giá là một trong 2 doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ thành công nhất tại huyện Nga Sơn hiện nay, nhưng khi nói về thành quả, vị giám đốc trẻ luôn khiêm nhường. Như một sự ôn cố tri tân, anh Phạm Minh Tôn dần trải lòng về những thách thức và hành trình vượt khó của những ngày khởi nghiệp. Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo ở đất Nga An nên anh không có điều kiện học hành bài bản. Năm 1999, anh đi làm thuê cho một doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ trong huyện để có thu nhập trang trải cuộc sống. Khi có kinh nghiệm, khát vọng khởi nghiệp từ bé tiếp tục nung nấu, anh mạnh dạn đứng ra xây dựng cơ sở sản xuất của mình với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Khi thành lập công ty riêng vào năm 2009, tình trạng thiếu vốn và cơ sở sản xuất đã trở thành thách thức không nhỏ với vị tân giám đốc vừa qua tuổi 30. Thuê đất dựng xưởng, rồi chật vật vay mượn khắp nơi, thậm chí vay cả nợ lãi để có kinh phí mua thiết bị duy trì sản xuất. Ý chí và nghị lực của người thanh niên vùng đất đầy nắng và gió ấy đã chèo lái được công ty non trẻ vượt qua những bão táp. Anh cũng nghiệm ra rằng, phải tìm cách đấu mối để xuất khẩu trực tiếp sản phẩm đi nước ngoài, không bị động, lệ thuộc vào các công ty trung gian trong nước.

Người đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ xứ Thanh sang Hoa Kỳ

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ chờ ngày xuất ngoại.

“Sau 2 năm vận hành công ty, khi đã vạch ra được đường hướng phát triển, tôi chủ động đi Bắc Kinh để tìm các đối tác. Tổng số tiền còn lại của công ty chỉ một tỷ đồng, nhưng chuyến đi Trung Quốc này tiêu tốn hết 500 triệu đồng mà không có kết quả. Trong năm 2011, tôi lại tiếp cận được một đối tác Tây Ban Nha, cơ hội xuất hàng đi châu Âu lại lóe lên. Khi biết công ty mới hoạt động được 2 năm, họ quay lưng vì cho rằng khó đáp ứng được các tiêu chí. Tôi quyết “liều” một phen, nói rằng xuất trước cho phía bạn một container hàng mà chưa cần trả tiền, sau đủ điều kiện sẽ hợp tác. Khi ấy, một cotainer sản phẩm là cả vốn liếng công ty dồn vào để sản xuất, nếu phía bạn không hồi âm, coi như phá sản. May thay, sau đó đối tác liên lạc lại và gửi tiền, đồng thời mở ra sự hợp tác để đưa sản phẩm sang châu Âu. Nhận thấy thị trường Hoa Kỳ có tính bền vững hơn nên 1 năm sau, tôi tiếp tục khăn gói sang đó, tìm đến các công ty nhập hàng thủ công mỹ nghệ để xúc tiến. Sau khi gửi các catalogule mẫu mã sản phẩm, có một doanh nghiệp đồng ý hợp tác” - anh Phạm Minh Tôn, chia sẻ.

Đến thời điểm hiện tại, công ty đã có 4 đối tác truyền thống, đều là các công ty, tập đoàn lớn tại Hoa Kỳ đang duy trì nhập hàng hằng tháng. Để sản phẩm đến được thị trường khó tính bậc nhất thế giới này, từ các điều kiện sản xuất, an toàn cho công nhân hay công tác bảo vệ môi trường đều phải bảo đảm nghiêm ngặt. Các đối tác yêu cầu phải lắp đặt hệ thống camera quanh xưởng và khu sản xuất để theo dõi thường xuyên từ bên kia trái đất. Khoảng 2 – 3 tháng, các đối tác lại thuê một công ty trung gian từ châu Âu hay Hoa Kỳ, cho người về tận xưởng kiểm tra điều kiện sản xuất, mức độ an toàn cho công nhân hay việc bảo vệ môi trường. Riêng các sản phẩm, phải tuyệt đối không dính dáng đến bất kỳ hóa chất nào. Để chống mốc, hiện công ty chỉ cho rửa sản phẩm bằng nước lã, sau đó cho phơi hoặc sấy khô. Tìm được đầu ra ở nước ngoài cho sản phẩm đã khó, việc bảo đảm các tiêu chí nghiêm ngặt để giữ đối tác cũng không hề dễ dàng.

Để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng cao tại nước bạn, công ty liên tục thay đổi mẫu mã và các hoa văn họa tiết cho sản phẩm. Nhiều mẫu sản phẩm được phía đối tác gửi về, các công nhân ở đây cũng thực hiện thuần thục bởi đa phần là người có kinh nghiệm nhiều năm. Đến thời điểm này, công ty đang sản xuất ra hơn 50 sản phẩm khác nhau, mỗi tháng xuất khẩu trung bình 50 container sang Hoa Kỳ. Ngoài 40 công nhân làm việc tại xưởng, công ty chuyển mẫu mã và phát nguyên liệu cho hơn 3.000 lao động trong và ngoài huyện Nga Sơn tiến hành sản xuất tại nhà. Thu nhập bình quân của các lao động hiện đạt từ 4 đến 8 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào thời gian và năng suất công việc. Chị Đào Thị The, người dân xã Nga An, cho biết: “Theo từng đợt, người của Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh gửi mẫu qua zalo, chúng tôi nhận nguyên liệu cói về đan, sau nhập cho công ty. Vừa tham gia đan lát nhưng vừa quán xuyến và làm được việc gia đình. Chỉ tranh thủ lúc nhàn rỗi, nhưng các lao động như chúng tôi cũng có thu nhập 5 - 6 triệu đồng mỗi tháng”.

Năm 2021, giá trị sản phẩm xuất khẩu của công ty đạt hơn 60 triệu USD, tương đương hơn 130 tỷ đồng. Năm 2022 khi dịch COVID-19 trên thế giới cơ bản được kiểm soát, việc xuất khẩu và sản xuất của công ty đang có nhiều thuận lợi nên chắc chắn doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng trưởng so với cùng kỳ. Điều đó càng vững tin về đầu ra bền vững cho những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói và bèo tây được sản xuất tại các huyện đồng bằng của tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Đồng


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]