(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, huyện Nga Sơn vừa chú trọng phát triển các chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất nông nghiệp, vừa khuyến khích người dân nghiên cứu xu hướng, thị hiếu của thị trường để phát triển những loại sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn. Đây là hướng đi hiệu quả, không chỉ khắc phục được tình trạng thừa - thiếu nguồn cung nông sản mà còn góp phần chuyển dịch từ nông nghiệp nhỏ lẻ sang nền nông nghiệp hàng hóa, bảo đảm lợi ích nông dân.

Nga Sơn gắn sản xuất nông nghiệp với nhu cầu thị trường

Những năm gần đây, huyện Nga Sơn vừa chú trọng phát triển các chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất nông nghiệp, vừa khuyến khích người dân nghiên cứu xu hướng, thị hiếu của thị trường để phát triển những loại sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn. Đây là hướng đi hiệu quả, không chỉ khắc phục được tình trạng thừa - thiếu nguồn cung nông sản mà còn góp phần chuyển dịch từ nông nghiệp nhỏ lẻ sang nền nông nghiệp hàng hóa, bảo đảm lợi ích nông dân.

Nga Sơn gắn sản xuất nông nghiệp với nhu cầu thị trườngCông ty CP Nông nghiệp Vạn Hoa sản xuất một số loại cây rau màu trái vụ theo nhu cầu của thị trường.

Tổ chức sản xuất hiệu quả

Theo Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nga Trường (xã Nga Trường) Bùi Văn Hồng: Để người dân không bị rơi vào tình trạng dư thừa sản phẩm, từ năm 2016 đến nay, ngoài hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cho người dân, HTX đã tìm kiếm, ký hợp đồng sản xuất với một số doanh nghiệp để sản xuất cây khoai tây, cải bó xôi... Ngoài ra, với hơn 300ha đất sản xuất nông nghiệp, hằng năm, dưới sự hỗ trợ của một số đơn vị chuyên môn, HTX đã phân tích, dự báo nhu cầu tiêu dùng của thị trường, từ đó tham mưu UBND xã định hướng phát triển các loại cây trồng phù hợp, làm căn cứ triển khai thực hiện. Nhờ đó, hằng năm xã Nga Trường đều phát triển được từ 2 - 3 vụ cây trồng liên kết, có giá trị kinh tế cao, với diện tích trung bình khoảng 30 ha/vụ. Không chỉ nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp mà thông qua hoạt động tổ chức sản xuất quy mô lớn, người dân địa phương đã làm chủ được quy trình sản xuất nông sản hàng hóa tập trung; chủ động tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững với các doanh nghiệp.

Được biết, vụ đông 2023-2024, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nga Trường đã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các Công ty CP Nông nghiệp quốc tế An Việt, Công ty TNHH Orion Việt Nam trồng cây khoai tây thương phẩm giống Atlantics, Marabeo, Attic... Nhờ tổ chức sản xuất hiệu quả nên năng suất trung bình đạt từ 20 - 22 tấn/ha; sau khi trừ chi phí, người nông dân có lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha.

Không chỉ tại xã Nga Trường mà trên địa bàn huyện Nga Sơn có nhiều địa phương đã chú trọng tổ chức sản xuất để hình thành các vùng sản xuất nông sản an toàn tập trung, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Theo đó, toàn huyện đã duy trì, phát triển được 55 vùng sản xuất an toàn tập trung tại các xã Nga Thành, Nga Hải, Nga Trung, Nga Bạch... và duy trì liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho 279,8ha khoai tây. Ngoài ra, toàn huyện Nga Sơn có gần 1.000 trang trại, gia trại áp dụng các biện pháp sản xuất an toàn thực phẩm nhằm cung ứng nông sản an toàn không chỉ cho người dân trên địa bàn mà còn cung cấp cho các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ông Phạm Văn Sinh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn, cho biết: Xác định nhiệm vụ quan trọng của sản xuất nông nghiệp là gắn với thị trường nên ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với các phòng, ban, cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện theo dõi sát biến động thị trường, tình hình sản xuất, nhu cầu của thị trường về một số loại rau, củ, quả trong nhà lưới, sản phẩm thủy sản, con nuôi đặc sản... để định hướng cho nông dân sản xuất phù hợp, hạn chế các yếu tố tác động đến giá cả, bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đa dạng hóa thị trường

Hiện nay, nhu cầu của thị trường đã chuyển dịch sang sử dụng những sản phẩm có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, huyện Nga Sơn đã tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, HTX chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, các xã, thị trấn trên địa bàn đã phát triển được hơn 35ha nhà lưới để sản xuất nông nghiệp an toàn và đội ngũ cán bộ quản lý HTX, nông dân có trình độ sản xuất, khả năng đánh giá, phân tích thị trường để tổ chức sản xuất hiệu quả. Đồng thời, linh hoạt ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Vạn Hoa (xã Nga Thủy) cho biết: Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”, công ty đã liên kết, hướng dẫn cho người dân một số xã như: Nga Phượng, Nga Thạch, Nga Thành... hình thành vùng sản xuất nông sản, tạo ra khối lượng lớn sản phẩm nông nghiệp an toàn. Đồng thời, hằng năm, công ty vận động HTX, người dân trong vùng sản xuất liên kết tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về phân tích, quản lý thị trường... qua đó định hướng sản xuất, tập trung vào những mặt hàng doanh nghiệp cần và bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo đó, công ty đã đứng ra liên kết với doanh nghiệp để ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho người dân, tổng sản lượng ước tính khoảng 1.500 tấn/năm thông qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích và tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử.

Theo định hướng phát triển nông nghiệp, huyện Nga Sơn đã tăng cường chỉ đạo sản xuất gắn với thị trường. Trong đó, ở lĩnh vực trồng trọt, tập trung tuyên truyền để nông dân thực hiện trồng rải vụ đối với cây rau màu nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ; mở rộng diện tích các loại cây trồng có thị trường tiêu thụ ổn định, như: dưa hấu, dưa kim hoàng hậu, bí xanh, khoai tây... và nhân rộng mô hình chuỗi giá trị liên kết sản xuất, bảo đảm nguồn hàng ổn định cho các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tiện ích. Trong lĩnh vực thủy sản, huyện khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao. Trong chăn nuôi, khuyến khích phát triển đàn con nuôi đặc sản và chăn nuôi trang trại quy mô lớn.

Cùng với đó, dựa vào phân tích, nhận định từ các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện sẽ điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp với nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với chế biến và thị trường... nhằm hoàn thành mục tiêu năm 2024, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 3,8%, giá trị sản phẩm trên một ha diện tích trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 195 triệu đồng/ha.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]