(Baothanhhoa.vn) - Làng Hồng Đô, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) vốn nổi tiếng với nghề nuôi tằm, ươm tơ dệt nhiễu. Trải qua hàng trăm năm tồn tại và hưng thịnh, nay làng nghề đang đứng trước nguy cơ thất truyền khiến nhiều người dân không khỏi chạnh lòng, tiếc nuối.

Đau đáu hồi sinh làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu

Làng Hồng Đô, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) vốn nổi tiếng với nghề nuôi tằm, ươm tơ dệt nhiễu. Trải qua hàng trăm năm tồn tại và hưng thịnh, nay làng nghề đang đứng trước nguy cơ thất truyền khiến nhiều người dân không khỏi chạnh lòng, tiếc nuối.

Đau đáu hồi sinh làng nghề ươm tơ, dệt nhiễuNghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô đã một thời nhộn nhịp, nay có nguy cơ bị mai một. Ảnh: Lê Công Bình (CTV)

Một thời hai bên bờ sông Chu (đoạn qua huyện Thiệu Hóa) có hàng trăm bãi dâu xanh mát cùng với làng nghề dệt nhiễu Hồng Đô, xã Thiệu Đô (nay sáp nhập thành thị trấn Thiệu Hóa) rộn ràng tiếng thoi dệt lụa. Nhưng những năm gần đây, thành phẩm tơ tằm giảm giá quá nhanh, khiến nhiều gia đình phải bỏ nghề. Ông Hoàng Viết Đức, tiểu khu 10, thị trấn Thiệu Hóa từng là Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Thanh Đức hoạt động trong lĩnh vực trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu, bao tiêu sản phẩm cho người dân trong vùng. Ông Đức nhớ lại cách đây khoảng chục năm về trước, doanh nghiệp của ông là cơ sở sản xuất ươm tơ dệt lụa lớn nhất nhì trong vùng, tạo việc làm ổn định cho hơn 50 lao động. Thế nhưng những năm gần đây giá tơ trên thị trường đột nhiên giảm mạnh, thị trường tiêu thụ không còn nên nhiều cơ sở đã tạm thời ngừng sản xuất.

Ông Đức cho biết: “Sinh ra và gắn bó với nghề hơn nửa đời người, trải qua bao thăng trầm cùng với nghề “cha truyền con nối”, tôi mới hiểu hết được những nhọc nhằn cũng như tâm huyết giữ nghề của người dân Hồng Đô. Hiện, nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô không thể đứng vững do khó cạnh tranh với các sản phẩm sợi tổng hợp, may công nghiệp hiện đại. Bởi vậy phần lớn người dân đã bỏ nghề, nhất là thế hệ trẻ. Nhưng với bản thân tôi, mặc dù công ty đã tạm dừng sản xuất, nhưng với tình yêu nghề, tôi vẫn giữ gìn nghề bằng cách thu hẹp quy mô sản xuất ở “cấp độ” gia đình. Bởi đây là văn hóa, là niềm tự hào của gia đình tôi cũng như hàng chục hộ dân trong làng nghề. Tôi mong muốn làng nghề được quy hoạch lại, xây dựng thành khu du lịch làng nghề, thu hút khách du lịch đến tham quan, cùng trải nghiệm làm nghề”.

Đau đáu hồi sinh làng nghề ươm tơ, dệt nhiễuGia đình ông Hoàng Viết Đức ở tiểu khu 10 thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) chăm sóc cây dâu giống.

Được biết, trước đây, lúc cao điểm, làng nghề dệt nhiễu Hồng Đô đã mang lại thu nhập ổn định, tạo việc làm cho cả nghìn lao động địa phương. Vào thời điểm phát triển nhất, làng nghề có hơn 300 khung dệt nhiễu với khoảng gần 500 thợ dệt có tay nghề, sản phẩm xuất khẩu sang Lào, Trung Quốc. Nhiều năm trở lại đây, nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Hồng Đô mai một dần, có những năm, người dân nuôi tằm nhiều, cho kén đạt nhưng giá thành rẻ, thậm chí không ai mua... vì thế hầu hết người dân không còn mặn mà với nghề trồng dâu, nuôi tằm, làng nghề đứng trước nguy cơ mai một. Đến nay, làng nghề dệt nhiễu Hồng Đô chỉ còn 4 hộ tham gia làm nghề nhưng hoạt động cầm chừng vì sản phẩm không có đầu ra. Nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Hồng Đô cũng đang bị “già hóa” về lao động; mẫu mã cũng như phương tiện sản xuất chưa đáp ứng kịp với nhu cầu của thị trường. Mong muốn của người dân làng nghề là tiếp tục được các cấp, ngành quan tâm, có cơ chế đặc thù hỗ trợ xây dựng vùng chuyên canh trồng dâu, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia làm nghề về mặt bằng, vay vốn ưu đãi để xây dựng nhà xưởng; đồng thời, tiếp tục chuyển giao kỹ thuật giúp người dân nâng cao chất lượng giống dâu.

Xã hội ngày càng phát triển thì xu hướng trở lại dùng các sản phẩm từ tự nhiên sẽ tăng. Dù không thể cạnh tranh với dệt may công nghiệp nhưng sản phẩm từ tơ tằm sẽ hướng tới bộ phận khách hàng chú trọng đến chất lượng. Thị trấn Thiệu Hóa cũng khuyến khích các hộ làm nghề tiếp tục phát triển theo hướng liên kết sản xuất để tránh những bất lợi về đầu ra cho sản phẩm. Nghề trồng dâu nuôi tằm có thể phát triển để trở thành nghề sản xuất đặc thù của địa phương. Hy vọng nghề trồng dâu nuôi tằm của làng nghề dệt nhiễu Hồng Đô sẽ sớm phục hồi, đi vào sản xuất tập trung để đáp ứng yêu cầu của thị trường, tạo thu nhập ổn định cho người dân cũng như giữ gìn văn hóa truyền thống của địa phương.

Bài và ảnh: Khánh Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]