Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN: Xây dựng các sản phẩm lợi thế ở các huyện vùng cao biên giới
Dựa vào tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, hiện nay ở các huyện miền núi cao biên giới như Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn... đã và đang xây dựng các sản phẩm nông nghiệp lợi thế, sản phẩm đặc trưng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, XDNTM, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Các sản phẩm đặc sản của huyện Mường Lát.
Phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng
Có dịp lên thăm huyện vùng cao Mường Lát, chúng tôi được thưởng thức món xôi nếp Cay Nọi dẻo thơm của đồng bào dân tộc Thái, xã Quang Chiểu. Đây là xã có diện tích trồng giống lúa nếp Cay Nọi nhiều nhất của huyện Mường Lát. Cây lúa nếp Cay Nọi được bà con dân tộc Thái xã Quang Chiểu nói riêng, huyện Mường Lát nói chung gieo trồng từ xa xưa và giữ gìn giống lúa nếp quý cho đến ngày nay. Sản phẩm gạo nếp Cay Nọi cũng là sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện Mường Lát.
Ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Mường Lát, cho biết: Với mong muốn dần thay đổi tập quán sản xuất từ tự cung tự cấp sang sản phẩm hàng hóa của người dân, căn cứ điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, phong tục tập quán, trình độ sản xuất của người dân, huyện Mường Lát phân thành 4 khu vực phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện. Trong đó, khu vực 1 gồm các xã: Trung Lý, Mường Lý, Tam Chung, tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản khu vực lòng hồ thủy điện Trung Sơn; khu vực 2 gồm các xã Quang Chiểu, Mường Chanh, xây dựng thành nơi sản xuất nông nghiệp tập trung, phát triển vùng lúa năng suất, chất lượng cao; khu vực 3 gồm các xã Pù Nhi, Nhi Sơn, phát triển vùng trồng cây ăn quả, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao; khu vực 4 là thị trấn Mường Lát, phát triển thương mại, dịch vụ với các địa phương trong tỉnh.
Những năm qua, từ các chương trình mục tiêu quốc gia như phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN; XDNTM; giảm nghèo bền vững... đã và đang đồng hành, góp phần hỗ trợ đồng bào các dân tộc huyện Mường Lát phát triển sản xuất, mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao số lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Hiện nay, huyện Mường Lát có 4 sản phẩm OCOP, đó là gạo nếp Cay Nọi, bí thơm Đồng Sa, thịt trâu gác bếp Dì Ốc, măng khô Chung Thành. Mường Lát tập trung phát triển các loại cây trồng như cây mận, cây đào ở các xã Pù Nhi, Nhi Sơn; cây cam trồng ở các xã Mường Chanh, Quang Chiểu; các loại con nuôi đặc sản như lợn, gà bản địa, vịt cổ rụt suối Sim (trong đó có giống gà Mông đen mang đặc trưng riêng, thơm ngon được nuôi ở các bản Mông trên địa bàn huyện Mường Lát)... Năm 2024, huyện Mường Lát xây dựng sản phẩm gà Mông đen ở xã Trung Lý; mận tam hoa ở xã Nhi Sơn trở thành sản phẩm OCOP.
Đưa các sản phẩm đặc sản vươn xa
Tại huyện vùng cao Quan Hóa, huyện đang nỗ lực xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho sản phẩm mang đặc trưng địa phương. Nhiều chủ thể, HTX, doanh nghiệp... đã và đang chú trọng xây dựng các sản phẩm đặc sản địa phương. Năm 2021, Công ty TNHH Mường Ca Da, thị trấn Hồi Xuân đã xây dựng thành công sản phẩm măng khô Mường Ca Da là sản phẩm OCOP. Mỗi năm công ty sản xuất và tiêu thụ nhiều loại măng khô dạng miếng và sợi, góp phần đem lại thu nhập, tạo việc làm cho người dân. Được công nhận sản phẩm OCOP là cơ hội đưa măng khô Mường Ca Da đến thị trường, người tiêu dùng trong và ngoài huyện. Những sản phẩm chè Tán Ma (xã Hiền Kiệt); măng chua Piềng Cú (xã Phú Nghiêm); thịt bò sấy khô (thị trấn Hồi Xuân); rượu chuối men lá Mường Páng (xã Trung Sơn)... của huyện Quan Hóa được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, mang đặc trưng riêng của địa phương. Giai đoạn 2022-2025, huyện Quan Hóa xây dựng mô hình phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế như trồng lúa nếp khẩu cú; trồng khoai mán ruột vàng; nuôi cá (lồng, ao); nuôi vịt bản địa (vịt bầu); nuôi lợn bản địa (lợn đen, lợn mán, lợn lòi...); cây dược liệu như sa nhân tím, ba kích, sạ đen.
Gạo nếp Cay Nọi Mường Xia (Quan Sơn).
Tại huyện vùng cao Quan Sơn, đầu tháng 4/2024, Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quan Sơn phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, xã Na Mèo hỗ trợ, hướng dẫn bà con Nhân dân bản Ché Lầu áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng cây khoai mán ruột vàng tập trung tại bản Ché Lầu (xã Na Mèo). Bản Ché Lầu có hơn 60 hộ sinh sống, chủ yếu là đồng bào Mông. Nhận thấy cây khoai mán ruột vàng phù hợp với điều kiện khí hậu ở Ché Lầu, các đơn vị, phòng chức năng đã đưa giống cây khoai mán ruột vàng lên trồng. Nếu như năng suất, chất lượng tốt, đây là điều kiện thuận lợi để đưa cây khoai mán ruột vàng tiếp tục trồng tập trung tại các bản Mông còn lại của huyện Quan Sơn.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quan Sơn, cho biết: Giai đoạn 2022-2025, huyện Quan Sơn xác định các loại cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế của huyện là trồng lúa nếp Cay Nọi; nuôi cá nước lạnh (cá tầm); nuôi vịt bản địa (vịt bầu); nuôi lợn, gà bản địa; chế biến măng sạch... Hiện nay, sản phẩm lúa nếp Cay Nọi Mường Xia của HTX nông nghiệp xanh Duy Linh; Măng khô Nang Non của HTX nông lâm nghiệp và dịch vụ thị trấn Sơn Lư; vịt suối Tình, bản Hậu (xã Tam Lư); vịt bầu suối Chăng Mường Hạ; cá tầm Mường Thanh (xã Sơn Điện)... được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Tiêu biểu được nhắc đến là sản phẩm lúa nếp Cay Nọi Mường Xia. Lúa nếp Cay Nọi Mường Xia được bà con lưu giữ hạt giống bản địa độc đáo kết hợp với nguồn nước chảy từ các khe, suối, nhờ chất đất, khí hậu của vùng núi cao đã tạo nên những hạt gạo dẻo, thơm, ngọt. Sản phẩm lúa nếp Cay Nọi không chỉ mang lại năng suất, giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững mà còn là nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Tháng 4/2022, Tổ hợp tác sản xuất lúa nếp Cay Nọi tại xã Mường Mìn do chị Phạm Thị Tý làm tổ trưởng đã phát triển thành HTX nông nghiệp xanh Duy Linh. Vùng lúa nguyên liệu 60ha gieo cấy đang từng bước áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã đi vào ổn định và cho năng suất cao, mỗi năm đưa ra thị trường hàng chục tấn gạo nếp Cay Nọi Mường Xia chất lượng cao đến tay người tiêu dùng. Sản phẩm lúa nếp Cay Nọi Mường Xia đã được công nhận sản phẩm OCOP.
Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh ở khu vực miền núi, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Đề án phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm lợi thế khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025. Đề án đã và đang hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với từng vùng miền theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát huy tính lợi thế của miền núi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ dân, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS&MN. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi là 11,04%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 14,01%. Hộ nghèo DTTS cuối năm 2023 là 23.541 hộ, giảm 8.632 hộ nghèo; hộ cận nghèo DTTS cuối năm 2023 là 28.587 hộ, giảm 5.676 hộ cận nghèo so với rà soát cuối năm 2022.
Bài và ảnh: Ngọc Huấn
{name} - {time}
-
2025-01-12 23:32:00
Nền tảng để Thanh Hóa cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới
-
2025-01-12 16:38:00
Doanh nghiệp Thanh Hóa với danh hiệu “Sao Vàng Đất Việt”
-
2024-04-07 10:17:00
Thu tiền tỷ từ nuôi tôm công nghệ cao ven sông Lạch Trường
Khởi công dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Thọ Nguyên
Bản tin tài chính 6/4/2024: SJC vọt tăng lên đỉnh cao 82,2 triệu đồng
Thủ tướng yêu cầu tăng cường các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024
Nga Sơn tổ chức thả tôm, cua giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với ứng dụng công nghệ cao
Chủ động ngăn chặn nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng
Bản tin tài chính 5/4/2024: Đồng loạt rơi tự do, vàng SJC giảm gần nửa triệu đồng
Khám phá thành phố di sản Tây An nổi tiếng cùng đường bay mới của Vietjet
Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng