Hiệu quả từ những mô hình khuyến nông
Bám sát định hướng của ngành nông nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Lặc thăm, đánh giá mô hình sản xuất lúa nếp râu bản địa tại làng Rềnh, xã Đồng Thịnh (Ngọc Lặc).
Nhận thấy giống lúa nếp râu bản địa có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thân cứng, cho hạt gạo tròn dài, trắng, thơm, dẻo cơm, có triển vọng phát triển trên thị trường nên vụ xuân năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Lặc đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và một số đơn vị chuyên môn, xây dựng mô hình “Bảo tồn và nhân rộng giống lúa nếp râu bản địa theo hướng hữu cơ” tại làng Rềnh, xã Đồng Thịnh, với diện tích 1,6 ha. Nhờ được cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất, chăm sóc nên diện tích lúa nếp râu bản địa sinh trưởng, phát triển tốt. Sau 120 -125 ngày, lúa cho thu hoạch với năng suất 50,4 tạ/ha. Hơn nữa, sản phẩm gạo nếp luôn được thị trường ưa chuộng, thu mua với giá thành cao, nên hiệu quả kinh tế của sản xuất lúa nếp râu bản địa cao hơn 1,7 lần so với sản xuất truyền thống. Ông Nguyễn Đức Thái, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Lặc, cho biết: "Lúa nếp râu vốn chỉ được sản xuất ở xã Thạch Lập với diện tích nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế thấp. Song, sau khi thử nghiệm xây dựng mô hình tại xã Đồng Thịnh, thấy giống lúa nếp râu bản địa có khả năng thích ứng cao, chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với nhiều chân đất khác nhau. Từ thành công của mô hình, trong vụ xuân 2024, trung tâm dự kiến nhân rộng diện tích khoảng 5 ha tại xã Đồng Thịnh; thử nghiệm tại một số xã khác có điều kiện khí hậu, đất đai tương đồng và nhân rộng trên toàn huyện ở những năm tiếp theo.
Được biết, trong năm 2023, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các chi cục trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Lặc đã tổ chức 20 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm kỹ thuật thâm canh, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa và rau màu cho 1.402 lượt người dân. Đồng thời, phối hợp tổ chức 7 mô hình phát triển sản xuất, như: trồng giống lúa ST25 quy mô 5,9 ha tại làng Rềnh, xã Đồng Thịnh; trồng ớt chỉ thiên theo hướng liên kết bao tiêu sản phẩm phục vụ xuất khẩu quy mô 2 ha, tại làng Âm, xã Vân Am; mô hình trồng giống sắn kháng vi rút khảm lá tại xã Nguyệt Ấn và trồng rừng thâm canh giổi ăn hạt bằng cây ghép theo chuỗi liên kết tại làng Vãi, xã Mỹ Tân, quy mô 2 ha. Các mô hình đã được nghiệm thu đánh giá hiệu quả kinh tế cao hơn những mô hình sản xuất truyền thống. Từ đó, người dân địa phương đã học tập, ứng dụng kỹ thuật đã được hướng dẫn vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế cho sản xuất nông nghiệp.
Năm 2023 được đánh giá là năm thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Bởi không bị ảnh hưởng nhiều từ thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cơ bản được kiểm soát. Cùng với sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, địa phương trong tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Nhiều mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tiên tiến cho nông dân được triển khai thực hiện. Thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, người dân đã có thêm kỹ năng, kiến thức để áp dụng vào sản xuất đại trà, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trong năm, trung tâm đã phối hợp với các đơn vị tổ chức khoảng 30 mô hình trình diễn ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới tại 27/27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tại hầu hết các mô hình, người nông dân được hướng dẫn về kỹ thuật, hỗ trợ về vật tư sản xuất, do đó năng suất, chất lượng sản phẩm vượt trội, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20% trở lên so với sản xuất truyền thống. Sau thời gian trình diễn mô hình, nhiều mô hình sản xuất được nhân rộng, trở thành sinh kế của người dân.
Ngoài tổ chức các mô hình sản xuất, trung tâm còn chú trọng đến công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Theo đó, đơn vị đã phối hợp tổ chức 29 lớp tập huấn cho 6.500 lượt người là khuyến nông viên cơ sở, cộng tác viên khuyến nông và nông dân. Trong đó, có 19 lớp về ứng dụng tiến bộ mới vào sản xuất, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và 10 lớp tập huấn FFS gắn lý thuyết với thực hành ngay trên đồng ruộng. Thông qua các lớp tập huấn, bà con nông dân có thêm kiến thức để áp dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất tại gia đình nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Duy Minh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa, cho biết: "Kết quả đánh giá bước đầu cho thấy, thông qua các hoạt động đào tạo, xây dựng mô hình trình diễn, đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất mới, những người nông dân đã nắm bắt được kiến thức, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất thực tế. Nhờ đó, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi đã bước đầu được cải thiện. Đồng thời, giúp nông dân thay đổi từ phương thức canh tác phân tán, nhỏ lẻ sang vùng sản xuất tập trung tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao. Từng bước hướng tới nền nông nghiệp tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Lê Hòa
{name} - {time}
-
2024-12-27 15:37:00
Đẩy mạnh phát triển thương mại ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo
-
2024-12-27 14:55:00
Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn hoàn thành diễn tập phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
-
2024-01-03 09:20:00
“Nóng” hàng cấm, hàng lậu và gian lận thương mại
Sẽ kiểm tra đột xuất việc chấp hành chính sách tiền tệ ngân hàng
Giúp người hoàn lương tiếp cận nguồn vốn chính sách
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển bền vững
Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi
Điểm tựa cho những người yếu thế nơi chân sóng
Tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Duy trì mạch tăng trưởng
7 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 10 tỷ USD trong năm 2023