Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Các địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, chất lượng.
Mô hình luân canh 3 vụ dưa vàng và 1 vụ hoa/năm ứng dụng công nghệ cao tại xã Nga Thành (Nga Sơn) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lê Hợi
Nhiều mô hình cho doanh thu hàng tỷ đồng
Thực hiện Kế hoạch số 260/KH-UBND ngày 7/11/2022 của UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2030, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã và đang cho doanh thu hàng tỷ đồng/năm.
Hiện nay, sản xuất rau an toàn áp dụng phương pháp thủy canh trong nhà lưới không còn xa lạ với người nông dân ở các địa phương trong tỉnh. Phương pháp trồng rau màu ứng dụng theo công nghệ của Israel này đã phát triển được 4.000m2 tại các huyện Hậu Lộc, Đông Sơn, Nông Cống và Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Điển hình là các mô hình trồng rau thủy canh theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Phú Lộc (Hậu Lộc) trồng các loại rau xà lách xoăn, cải bó xôi, cải ngọt... cho doanh thu 2,4 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận 700 triệu đồng/ha/năm.
Tại các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa... nhiều mô hình sản xuất rau, dưa vàng, dưa lưới, hoa an toàn, ứng dụng công nghệ cao cho doanh thu từ 2,5 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 300 triệu đồng đến 700 triệu đồng/ha/năm. Đây là những mô hình nông nghiệp hiện đại, được lắp đặt hệ thống điều khiển tưới tự động, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, đóng mở mái che bán tự động...
Ông Nguyễn Văn Điều ở thôn Bắc Trung, xã Nga Thành (Nga Sơn) cho biết, gia đình đầu tư gần 6.000m2 nhà màng và lắp đặt các hệ thống tưới tự động để sản xuất dưa các loại. Nhằm nâng cao giá trị sản xuất, ông áp dụng công thức luân canh 3 vụ dưa vàng và 1 vụ hoa/năm ứng dụng công nghệ cao. Sản xuất trong nhà lưới hoàn toàn chủ động được thời vụ, tránh được thời tiết cực đoan như giá rét, nắng nóng ảnh hưởng đến cây trồng, lại hầu như không có sâu bệnh. Theo tính toán của ông Điều, mô hình canh tác đã cho doanh thu 3 đến 3,5 tỷ đồng/ha/năm và lợi nhuận đạt hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nước lợ trong bể xi măng, trong nhà màng, nhà lưới, sử dụng công nghệ thâm canh, siêu thâm canh theo hướng công nghệ cao cũng đang phát triển tại các huyện Hậu Lộc với diện tích gần 34 ha, Hoằng Hóa gần 80 ha, Nga Sơn 12 ha. Bình quân mỗi vụ nuôi cho năng suất đạt 32 tấn/ha, doanh thu đạt 3,5 đến 4 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới chủ động kiểm soát được các yếu tố điều kiện nuôi, một năm có thể nuôi 3 vụ tôm, hiệu quả kinh tế cao gấp 8 - 10 lần nuôi quảng canh.
Nhận diện khó khăn, mở rộng diện tích
Mặc dù, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn hạn chế về quy mô, đối tượng áp dụng, tỷ lệ chưa tương xứng trong tổng quy mô sản xuất nông nghiệp, cũng như tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Hạ tầng phục vụ sản xuất còn nhiều bất cập, tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tư duy sản xuất nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Việc bảo quản, chế biến, chế biến sâu còn hạn chế làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm.
Người dân xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) thu hoạch tôm thẻ chân trắng nuôi trong nhà màng.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa Vũ Quang Trung cho biết, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chưa ban hành phương án, kế hoạch; vẫn còn lúng túng trong việc lựa chọn sản phẩm, lựa chọn mô hình phát triển. Chính sách cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn thiếu đồng bộ, trong khi nhu cầu vốn đầu tư lớn nhưng nguồn lực đầu tư của người dân còn hạn chế. Ngoài ra, điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến khó lường, sâu bệnh, dịch hại và các hình thức thiên tai gây nguy cơ rủi ro cao trong sản xuất nông nghiệp.
Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu đạt 3.500 ha diện tích sản xuất quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn công nghệ cao. Trong đó, diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ số, thông minh đạt 1.000 ha trở lên, giá trị canh tác đạt từ 500 triệu đồng/ha/năm trở lên. Trong nuôi trồng thủy sản quy mô lớn đạt tiêu chuẩn công nghệ cao từ 60 ha trở lên, giá trị sản xuất đạt 700 tỷ đồng. Có 340 tàu cá khai thác xa bờ công suất lớn, ứng dụng các thiết bị công nghệ cao, sản lượng khai thác ước đạt 27.000 tấn.
Để đạt được kết quả trên, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Viết Chọn, ngành nông nghiệp và các địa phương cần thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các mô hình cụ thể, điển hình tiên tiến trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ đó tạo động lực cho doanh nghiệp, HTX và người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất. Nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh trong trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả đã được khẳng định ở các địa phương trong tỉnh.
Cùng với đó, tập trung rà soát, lồng ghép các chương trình, dự án, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM để hoàn thiện hạ tầng về thủy lợi, điện, giao thông nội đồng... phục vụ cho các vùng sản xuất tập trung ở các địa phương trong tỉnh. Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đã ban hành đang còn hiệu lực trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để khuyến khích, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bài và ảnh: Lê Hợi
{name} - {time}
-
2024-11-22 08:25:00
Cát tự nhiên thiếu nhưng cát nhân tạo thay thế vẫn “ế”
-
2024-11-22 08:18:00
Bản tin Tài chính 22/11: Chưa dứt chuỗi tăng, vàng nhẫn chạm mốc cao nhất trong 3 tuần qua
-
2024-01-02 12:44:00
Ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển bền vững
Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi
Điểm tựa cho những người yếu thế nơi chân sóng
Tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Duy trì mạch tăng trưởng
7 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 10 tỷ USD trong năm 2023
Rộn ràng đón chào năm mới 2024 cùng Vietjet khắp muôn phương
Khi “đoàn tàu” chuyển động…
Giao thông đi trước đón đầu
Mở ra “cánh cửa” mới