Hiện đại hóa ngành chăn nuôi - những vấn đề đặt ra (Bài cuối): Công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo đà cho ngành chăn nuôi bứt phá
Là địa phương có tiềm năng và lợi thế về chăn nuôi, dư địa tăng trưởng vẫn còn nhiều, ngành chăn nuôi Thanh Hóa hiện đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng. Với chiến lược chăn nuôi giai đoạn mới đó là phát triển chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số gắn với chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường... đặt ra yêu cầu ngành chăn nuôi thay đổi bắt kịp xu hướng CNH, HĐH, nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Dự án Khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao Dabaco Thanh Hóa.
Thanh Hóa là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Bên cạnh đó, còn có tiềm năng đất đai, đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển nông nghiệp; hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, đảm bảo tính kết nối liên vùng, liên địa phương. Xác định chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh và các sở, ngành, đơn vị có liên quan cùng các địa phương đã chú trọng công tác giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi; nhất là với các loại con nuôi chủ lực, như: bò sữa, bò thịt chất lượng cao, lợn, gia cầm... Sau những kỳ xúc tiến, kêu gọi đầu tư của tỉnh, Thanh Hóa là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với 37 dự án chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, với công suất mỗi năm 84 nghìn lợn nái, 1,2 triệu lợn thương phẩm, 59 nghìn vịt giống, 4,7 triệu gà thương phẩm... Điển hình từ “làn sóng” đầu tư này có thể nói đến Xuân Thiện, tập đoàn đã được UBND tỉnh chấp thuận 5 dự án chăn nuôi công nghệ cao, bao gồm: Khu liên hiệp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 1 và chăn nuôi lợn công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 2, 3, 5, 6. Hiện nay, khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện 1 đã hoàn thành 98% hạng mục công trình theo phê duyệt của UBND tỉnh và đưa vào vận hành, thử nghiệm hoạt động chăn nuôi lợn với tổng đàn 15.419 con, quy mô ước đạt khoảng 20% so với quy mô dự án. Bên cạnh đó, thu mua nông sản tại các địa phương và vùng lân cận làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, qua đó giúp thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập của người dân. Theo kế hoạch, dự án sẽ ứng dụng công nghệ cao hiện đại, tạo ra sản phẩm chất lượng cao và thân thiện với môi trường; sau khi hoàn thành, hàng năm có thể tạo ra 180 nghìn tấn thực phẩm từ thịt lợn, 1,2 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, hình thành tổng đàn với 67,5 nghìn lợn nái...
Bên cạnh Tập đoàn Xuân Thiện, các dự án như Khu trang trại sản xuất, kinh doanh giống lợn và gia công nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao NewHope, khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao Dabaco; trang trại lợn chất lượng cao của Công ty TNHH MTV Chăn nuôi APPE AC... đang và sẽ đi vào hoạt động tạo bước đột phá, góp phần nâng tổng đàn lợn của tỉnh trong giai đoạn 2025-2030 lên 2,2 triệu con, gấp đôi so với tổng đàn hiện nay và thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Các doanh nghiệp cũng đã chú trọng hình thành các chuỗi liên kết từ chăn nuôi - giết mổ - sơ chế - chế biến - phân phối đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm như: Nhà máy giết mổ của Công ty CP Thực phẩm Viet Avis, Công ty TNHH Hoa Mai, Công ty CP Chế biến súc sản xuất khẩu Thanh Hóa...
Ông Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định, cho biết: Ngoài thu hút đầu tư, tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế, để phát triển chăn nuôi bền vững, huyện đã hình thành 5 khu trang trại tập trung quy mô lớn tại các xã Định Hòa, Định Bình, Yên Phú, Yên Lâm và thị trấn Quý Lộc. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ, tại các khu trang trại tập trung, huyện đã đầu tư xây dựng đường giao thông, đường điện để hỗ trợ người dân trong sản xuất cũng như thuận tiện lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thức ăn, phương tiện phục vụ chăn nuôi... Tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, người dân đã chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như: chuồng kín, máng ăn, uống tự động, đệm lót sinh học, sử dụng công nghệ xử lý chất thải, nuôi các giống lợn có năng suất cao, chất lượng cao, các trang trại chăn nuôi gà áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi VietGAHP...
Xác định kiểm soát tốt các loại dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, việc xây dựng vùng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, không chỉ kiểm soát dịch bệnh mà còn tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, củng cố mạng lưới thú y, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi. Đến nay, toàn tỉnh đã có 103 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với TP Thanh Hóa và huyện Thạch Thành triển khai đảm bảo đúng tiến độ. Trang trại của ông Hoàng Văn Thiết nằm trong khu chăn nuôi tập trung xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa). Trang trại đang chờ xét nghiệm nguồn nước, mầm bệnh... để xin cấp chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, trang trại đã bảo đảm các điều kiện về quy mô, cách xa khu dân cư, có khu vực để xử lý chất thải, dụng cụ, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển dùng trong chăn nuôi được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi sử dụng, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh...
Năm 2024 được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp do xuất hiện tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản có chiều hướng gia tăng, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm mới cùng một số bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người đang lưu hành cũng có xu hướng tăng cả trên động vật và ở người như: bệnh dại, cúm gia cầm chủng động lực cao... Bên cạnh đó, tổng đàn vật nuôi đứng tốp đầu cả nước, tuy nhiên, quy mô chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỷ trọng cao. Mặt khác, giá nguyên vật liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cao... cùng suy giảm kinh tế toàn cầu, kéo theo sức tiêu thụ người dân giảm, giá các sản phẩm chăn nuôi biến động, ảnh hưởng đến sản xuất.
Ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trước thực tế của ngành chăn nuôi, kiểm soát tốt các loại dịch bệnh được xem là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ đàn vật nuôi, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, đó cũng là điều kiện để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các địa phương cần khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, giảm dần chăn nuôi nông hộ, xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư xây dựng các dự án chăn nuôi quy mô các cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung; tổ chức hệ thống sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm theo chuỗi khép kín, tìm kiếm khai thác thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Mặt khác, thực hiện tốt phương án quy hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, tích tụ tập trung đất đai, ứng dụng công nghệ cao, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm chăn nuôi chủ lực như thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, bò sữa và sản phẩm từ sữa, bò thịt chất lượng cao và sản phẩm lợi thế là nhóm con nuôi đặc sản với nhu cầu và phân khúc của thị trường. Phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để phát triển chăn nuôi toàn diện, theo hướng tập trung, CNH, HĐH.
Tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng ngành chăn nuôi tỉnh Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến, chế biến sâu đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến, khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; bệnh lây nhiễm sang người; sản phẩm chăn nuôi thịt, trứng, sữa được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm, đảm bảo an sinh xã hội.
Nhóm PV
{name} - {time}
-
2024-11-24 18:28:00
Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt 8 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD
-
2024-11-24 16:25:00
Hội nghị xúc tiến đầu tư - kết nối giao thương Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh - khu vực Đông Nam Bộ
-
2023-12-12 10:23:00
Thạch Long thực hiện nhiều giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân
Hiện đại hóa ngành chăn nuôi - những vấn đề đặt ra (Bài 2): Sự trợ lực kịp thời gỡ khó cho ngành chăn nuôi
Du xuân Hàn Quốc và Indonesia dễ dàng với 2 đường bay Vietjet vừa khai trương
Chú trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản
Trên những cánh đồng sản xuất rau vụ đông
Hiện đại hóa ngành chăn nuôi - những vấn đề đặt ra (Bài 1): Ngành chăn nuôi Thanh Hóa - thuận lợi và khó khăn đan xen
Kinh tế năm: Xuất khẩu kỳ vọng bứt phá
Lasuco ra mắt “thức uống” sữa trái cây Lavina bảo vệ sức khỏe toàn diện cho trẻ
Phát triển kinh tế số tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng
Giải bài toán ngân hàng “thừa” tiền nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu